GIỚI THIỆU VỀ CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO CỦA
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
I. NGÀNH TOÁN-TIN HỌC:
· Mục tiêu đào tạo:
Khoa Toán Tin học đào tạo các Cử nhân có trình độ lý thuyết và ứng dụng vững vàng về toán cũng như tin học để làm tốt ở các môi trường giảng dạy, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh cần đến các kiến thức về toán và tin học.
Các cử nhân Toán Tin học có khả năng giải quyết trọn vẹn trên máy tính các bài toán thực tế , kể từ việc xây dựng mô hình đến việc thiết kế giải thuật và lập trình cụ thể. Các cử nhân nầy cũng có tiềm năng để phát triển theo hướng nghiên cứu toán cũng như tin học, bắt kịp với những vấn đề nghiên cứu mới, nếu học thuộc loại khá giỏi.
· Các chuyên ngành đào tạo , nơi sinh viên có thể đến công tác:
Khoa Toán Tin học đào tạo 8 chuyên ngành : Đại số, Giải tích, Giải tích số, Toán kinh tế, Thống kê, Toán cơ, Phương pháp toán trong tin học, Toán Tin ứng dụng.
* Chuyên ngành Đại số: Giải tích thuộc lĩnh vực Toán lý thuyết truyền thống. Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành nầy có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong các trường, các viện nghiên cứu …..
* Chuyên ngành Giải tích số, Toán kinh tế, Toán Cơ thuộc lĩnh vực Toán ứng dụng. Sinh viên tốt nghiệp và ứng dụng như các trung tâm kinh tế, các cơ quan Thống kê, viện Cơ …
* Chuyên ngành Phương pháp Toán trong Tin học thuộc lĩnh vực Toán Tin lý thuyết. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành nầy có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu Toán và Tin học trong các Trường, các viện nghiên cứu ứng dụng Tin học.
* Chuyên ngành Toán Tin ứng dụng thuộc lĩnh vực ứng dụng Tin học. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành nầy có thể tham gia giảng dạy Tin học trong các Trường, các trung tâm dịch vụ, đặc biệt có thể làm lập trình viên cho các công ty phần mềm cũng như cho các đơn vị ứng dụng tin học.
II. NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:
· Mục tiêu đào tạo :
Khoa Công Nghệ Thông Tin đào tạo các chuyên viên bậc cao về Công Nghệ Thông Tin, từ bậc Cử nhân đến Cao học và Tiến sĩ, vững vàng trong các lĩnh vực từ đào tạo, nghiên cứu, đến chuyển giao công nghệ thông tin của thành phố và khu vực phía Nam.
· Các chuyên ngành đào tạo, nơi sinh viên có thể công tác sau khi tốt nghiệp:
* Chuyên ngành Hệ thống thông tin: cung cấp những kiến thức cơ sở để có thể tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin. Từ đó ứng dụng trong việc triển khai các đề án quản lý kinh tế, hành chánh, quản lý thông tin dữ liệu.
* Chuyên ngành Công nghệ phần mềm: trang bị kiến thức tổng quát về quy trình xây dựng, quản lý và bảo trì các hệ thống phần mềm. Từ đó có thể ứng dụng để thiết kế, xây dựng phần mềm hệ thống và các ứng dụng chất lượng cao.
* Chuyên ngành Công nghệ tri thức: là một chuyên ngành đang phát triển ở các nước tiên tiến, cung cấp những kiến thức và kỹ năng Tin học tiên tiến nhất để tạo ra các sản phẩm Tin học thích hợp, đa dạng và có hàm lượng trí tuệ cao, ứng dụng trong giáo dục đào tạo, quản lý kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật, quốc phòng …
* Chuyên ngành Mạng Máy tính và viễn thông: trang bị kiến thức về kỹ thuật truyền tin mạng diện rộng, mạng cục bộ, hệ cơ sở dữ liệu phân tán, kỹ năng thiết kế, cài đặt, phát triển ứng dụng các mạng tin học viễn thông.
Sau khi tốt nghiệp , sinh viên có thể đến làm việc tại bất kỳ đơn vị nào cần sử dụng đến máy tính, đặc biệt là trong ngân hàng, hàng không, bưu điện, quốc phòng, các công ty phát triển và thiết kế phần mềm; hoặc giảng dạy ở các trường Đại học hoặc Cao đẳng về Tin học.
III. NGÀNH VẬT LÝ :
· Mục tiêu đào tạo :
Khoa vật lý đào tạo các Cử nhân có trình độ lý thuyết và ứng dụng vững vàng về vật lý để làm việc tốt ở các môi trường giảng dạy, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh cần đến những kiến thức về vật lý lý thuyết, vật lý ứng dụng, vật lý điện tử, vật lý chất rắn, vật lý hạt nhân, vật lý tin học, vật lý địa cầu.
Cử nhân vật lý có khả năng giải quyết trọn vẹn các vấn đề về vật lý, các hiện tượng có liên quan đến môi trường tự nhiên và môi trường sống ; có khả năng sử dụng cũng như nghiên cứu các cơ chế của các thiết bị hiện đại.
Các Cử nhân nầy cũng có khả năng tiếp cận và nghiên cứu những lĩnh vực mới trong vật lý hiện đại.
· Các chuyên ngành đào tạo , nơi sinh viên có thể đến công tác:
- Khoa vật lý đào tạo cử nhân vật lý theo các chuyên ngành như sau:
* Chuyên ngành vật lý Lý thuyết : cung cấp cho sinh viên các kiến thức về lượng tử, các trường và hạt cơ bản, các trường hấp dẫn…..
* Chuyên ngành vật lý Điện Tử : cung cấp các kiến thức cơ bản và cơ sở về điện học, dẩn sóng và phát sóng, điện tử căn bản, kiến trúc máy tính (phần cứng), các công nghệ điện tử và linh kiện, các hệ thống điều khiển, các thông tin về mạng máy tính và các ứng dụng kỹ thuật của máy tính…… Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty có nhu cầu sản xuất và bảo quản các thiết bị điện tử và máy tính ; các cơ quan nghiên cứu và các trường dạy học chuyên nghiệp (dạy nghề)
* Chuyên ngành vật lý Địa cầu : cung cấp các kiến thức liên quan đến Trái đất như quyển nước, quyển khí, quyển đa ù; các đặc tính cơ lý của chúng, các phương pháp nghiên cứu ứng dụng trong nghiên cứu, xử lý môi trường, dò tìm khoáng sản. Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác ở các công ty dầu khí liên doanh ; các liên đoàn địa chất ; các Trung Tâm, viện nghiên cứu Biển, khí tượng thủy văn, không lưu, môi trường ; các Sở Khoa học-Công nghệ Môi trường, các trường Đại học và Cao Đẳng có liên quan.
* Chuyên ngành vật lý Hạt nhân : trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản để hiểu được vẻ đẹp của vật lý khi nghiên cứu sự thống nhất về nguyên tắc của thế giới vô cùng nhỏ và thế giới vô cùng lớn, khả năng ứng dụng của vật lý hạt nhân trong nông, công nghiệp, sinh học, y học , khảo cổ, quốc phòng. và kể cả trong môi trường.
Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ sở y tế, bệnh viện, Trung tâm ung bướu, viện nghiên cứu hạt nhân Đà lạt, trung tâm kỹ thuật Hạt nhân TP.HCM, trung tâm chiếu xạ TP.HCM, các liên đoàn địa chất, các viện nông nghiệp, các trường Đại học.
* Chuyên ngành vật lý Ứng dụng : cung cấp các kiến thức cơ sở về lý thuyết cũng như thực nghiệm về Quang học, quang phổ học nguyên tử và phân tử, laser, plasma, kỹ thuật chân không, vật liệu mới (xi mạ, tạo màng kim loại trên các đế vật liệu khác nhau….),
Sinh viên ra trường có khả năng hoạt động trong các lĩnh vực phân tích quang phổ và các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ liên quan đến các ngành học trên. Sinh viên cũng có thể làm việc tại các cơ sở xi mạ chân không, các cơ quan xí nghiệp chế tạo vật liệu, các trung tâm phân tích, hoặc có thể giảng dạy ở các trường Trung học, Cao đẳng hoặc Đại học.
* Chuyên ngành vật lý chất rắn: cung cấp các kiến thức cơ sở và ứng dụng trong các dụng cụ bán dẫn (transitor, SCR, vi mạch) …. Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các công ty máy tính, các công ty cung cấp các thiết bị đo lường, các phòng kỹ thuật của các công ty, nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử như Tv, cassette …
* Chuyên ngành vật lý Tin học: cung cấp các kiến thức cơ bản khá vững chắc của vật lý và Khoa học máy tính. Khi ra trường, sinh viên có khả năng làm việc trong các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan phân tích và xử lý dữ liệu, các nhà máy và cơ sở sản xuất, các công ty dịch vụ hoặc giảng dạy về vật lý và Tin học tại các Trường.
* Chuyên ngành vật lý Môi trường: ...
IV. NGÀNH HÓA HỌC:
· Mục tiêu đào tạo
Đào tạo các Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ hóa học có kiến thức khoa học cơ bản vững vàng, có khả năng vận dụng kiến thức về hóa học một cách có hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu và sản xuất.
· Các chuyên ngành đào tạo. Bốn chuyên ngành: Hóa Lý, Hóa Hữu Cơ, Hóa Phân Tích, Hóa vô Cơ với các hướng đào tạo chính sau đây:
* Chuyên ngành Hóa Lý :
+ Hóa Lý Hữu Cơ
+ Hóa Lý Thuyết - Hóa Tin Học
+ Hóa Xúc Tác
+ Điện Hóa Học
+ Hóa Cao Phân Tử
* Chuyên ngành Hóa Hữu Cơ
+ Hóa học các hợp chất tự nhiên
+ Các phương pháp tổng hợp hữu cơ mới
* Chuyên ngành Hóa Phân Tích
Cung cấp kiến thức về các phương pháp phân tích hóa học và các phương pháp phân tích dụng cụ hiện đại, gồm:
+ Phân tích điện hóa
+ Phân tích quang phổ
+ Phương pháp sắc ký
* Chuyên ngành Hóa vô Cơ
+ Phức chất và hóa vô cơ sinh học
+ vật liệu vô cơ
+ Tổng hợp vô cơ
+ Xử lý chất thải & bảo vệ môi trường
· Các lĩnh vực công tác
Sau khi tốt nghiệp đại học và sau đại học tại Khoa Hóa Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, các Cử Nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ có khả năng làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến hóa học như: viện nghiên cứu, nhà máy xí nghiệp hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và trung học.
V. NGÀNH ĐIẠ CHẤT:
· Mục tiêu đào tạo : cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về khoa học Trái đất, đặc biệt là các vật liệu tạo thành lớp vỏ cứng và quyển mềm của Trái đất, các phương pháp tìm kiếm các tài nguyên, khoáng sản từ dạng rắn đến dạng lỏng hoặc khí (kim cương, ruby, saphia, đá bán quý, đá xây dựng, đất sét, cát sạn, nước ngầm, dầu khí…) ; các tác động đến môi trường sau khi khai thác…
· Các chuyên ngành đào tạo, nơi sinh viên có thể đến công tác: Khoa Địa chất đào tạo cử nhân Địa chất học, theo 4 chuyên ngành :
* Chuyên ngành Địa chất thủy văn - Địa chất công trình: cung cấp các kiến thức cơ bản về các tính chất cơ lý của đất, đá để phục vụ cho việc khảo sát và thiết kế các loại công trình dân dụng, công nghiệp cũng như giao thông vận tải. Chuyên ngành nầy còn giúp nghiên cứu các tài nguyên nước dưới đất, cung cấp các phương pháp tìm kiếm và các phương pháp khai thác cũng như bảo vệ môi trường nước. Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty khảo sát thiết kế phục vụ cho xây dựng các loại công trình, các công ty khai thác nước ngầm….., các viện nghiên cứu, các Trường Đại học và Cao Đẳng có liên quan đến ngành.
* Chuyên ngành Địa chất dầu khí : cung cấp kiến thức về môi trường tạo lập, sinh, chứa, chắn dầu khí…., các phương pháp địa vật lý, giải đoán các tài liệu địa chấn, các phương pháp thăm dò dầu khí… Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty thăm dò khai thác dầu khí trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu về dầu khí, …….
* Chuyên ngành Địa chất môi trường: cung cấp các kiến thức cơ bản về địa chất và môi trường , các loại tài nguyên môi trường, đánh giá tác động môi trường, luật môi trường và luật khoáng sản. Sinh viên ra trường có thể đến công tác tại các ban quản lý dự án, các Sở Khoa học CN môi trường ở thành phố hoặc các tỉnh.
* Chuyên ngành Điều tra khoáng sản: cung cấp các kiến thức về các loại hình khoáng sản, các phương pháp tim kiếm và dự báo các khoáng sản rắn (kim loại hoặc phi kim), từ dạng thể bở rời như cát, sạn, sỏi, sét …. cho đến dạng thể cứng chắc như đá vôi, đá sét, bauxite,…..; từ loại khoáng sản tầm thường cho đến khoáng sản bán quí và khoáng sản quí (vàng, bạc, Kim cương, ruby, saphia…) . Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty khai thác khoáng sản, các ban quản lý dự án, các cơ sở có bộ phận liên quan đến Địa chất , các Sở Khoa học Công Nghệ và Môi trường của Tỉnh hay thành phố, các Liên đoàn Địa chất, các viện nghiên cứu, các trường Đại học hoặc Cao đẳng chuyên nghiệp.
VI. NGÀNH SINH HỌC:
· Mục tiêu đào tạo : Khoa Sinh học đào tạo và nghiên cứu Sinh học, tìm hiểu về động thực vật hiện diện trên trái đất, các sinh lý và sinh môi của chúng các tài nguyên môi trường thích hợp,
· Các chuyên ngành đào tạo, các nơi sinh viên có thể đến công tác:
* Chuyên ngành vi sinh Sinh Hóa
* Chuyên ngành Tài nguyên Môi trường
* Chuyên ngành Sinh học Thực vật
* Chuyên ngành Sinh học Động vật
Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty nuôi dưỡng và gây giống những động thực vật quí hiếm, công ty giống cây trồng, cấy ghép mô, nấm… , các cơ quan sản xuất kinh doanh, các dịch vụ có liên quan đến Y-sinh học, các viện Kiểm nghiệm, viện Nghiên cứu, xí nghiệp Dược, các Bảo tàng Thực vật, Động vật… các viện nghiên cứu Y Dược,
VII. NGÀNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC:
· Mục tiêu đào tạo: đây là ngành học vừa được phép tuyển sinh vào năm 1999. Thí sinh dự thi đầu vào theo cả 2 khối A và B.
Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ sinh học để có thể vận dụng vào thực tiễn như nghiên cứu sản xuất về CNSH, và có khả năng tiếp thu các quy trình CNSH hiện đại của nước ngoài.
· Các chuyên ngành đào tạo và các nơi sinh viên có thể đến công tác sau khi tốt nghiệp :
* Chuyên ngành Sinh học Y Dược
* Chuyên ngành Công nghệ sinh học Nông Nghiệp
* Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Môi trường
* Chuyên ngành Công nghệ sinh học Công nghiệp
* Chuyên ngành Sinh – Tin học
Sinh viên ra trường có thể công tác tại các viện Kiểm nghiệm, viện Nghiên cứu, các cơ quan Y tế, bệnh viện, xí nghiệp Dược, các viện nghiên cứu Y Dược, các công ty chế biến thực phẩm, Nông lâm nghiệp, Thủy sản, Bảo vệ Môi sinh…
VIII. NGÀNH KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG:
· Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và cơ sở của ngành môi trường nhằm phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu, giảng dạy và điều hành trong các lĩnh vực tài nguyên và sinh thái môi trường, công nghệ môi trường, quản lý, kiểm soát ô nhiễm và đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Sinh viên ra trường có khả năng dự báo, phát hiện những vấn đề môi trường đã, đang và sẽ xảy ra, đồng thời biết tổ chức thực thi các biện pháp xử lý, khắc phục, phòng tránh những sự cố xảy ra có hại đến môi trường.
· Các chuyên ngành đào tạo, các nơi sinh viên có thể công tác sau khi tốt nghiệp: Khoa Môi trường của trường Đại học Khoa học Tự Nhiên giảng dạy sinh viên theo 4 chuyên ngành:
* Chuyên ngành Khoa học Môi trường
* Chuyên ngành Tài nguyên Môi trường
* Chuyên ngành Quản lý Môi trường
* Chuyên ngành Tin học cho Môi trường
* Chuyên ngành Môi trường và Tài nguyên biển
Sinh viên ra trường có thể công tác tại các Sở Khoa học Công Nghệ và Môi Trường của Tỉnh hay thành phố, các cơ quan quản lý môi trường, các cơ quan qui hoạch , khai thác khoáng sản, các hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng, các viện Nghiên cứu có liên quan đến các lĩnh vực trên. Sinh viên ra trường còn có thể giảng dạy từ cấp phổ thông trung học cho đến Cao Đẳng, Đại học các môn học có liên hệ đến khoa học Môi trường.
IX. NGÀNH KHOA HỌC VẬT LIỆU:
· Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và khả năng thực nghiệm về :
- Các phương pháp chế tạo vật liệu và màng mỏng
- Các phương pháp đo đạc và nghiên cứu vật liệu màng mỏng
- Các tính chất của các loại vật liệu khác nhau (polymer, ceramic…) và những ứng dụng chính của chúng
· Các chuyên ngành đào tạo :
* Chuyên ngành vật liệu màng mỏng
* Chuyên ngành vật liệu Polymer
Sinh viên ra trường có thể phục vụ trong các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, các công ty dịch vụ liên quan đến chế tạo, nghiên cứu tính chất và ứng dụng các loại vật liệu khác nhau. Sinh viên cũng có thể tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng…. hoặc học tiếp ở các trường trong và ngoài nước để có trình độ cao hơn (như cao học hoặc tiến sĩ) về chuyên ngành Khoa học vật liệu hoặc vật lý chất rắn.
X. NGÀNH ĐIỆN TỬ VIỄN THÔNG 1. Tên ngành đào tạo:
Điện tử – Viễn thông (Electronics & Telecommunications).
2. Mã ngành đào tạo: 105 - khối A
3. Bậc đào tạo:
Đại học, Sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ).
- Các chuyên ngành:
Gồm 3 chuyên ngành. Các chuyên ngành này xuất phát từ 3 hướng chuyên sâu hiện tại của Bộ môn
- Vi điện tử và Điện tử nano (Microelectronics & Nanoelectronics)
- Máy tính và Mạng (Computers & Networks)
- Viễn thông (Telecommunications) (cũng thường được gọi Truyền thông – Communications)
4. Mục tiêu đào tạo :
- Giảng dạy & nghiên cứu thiết kế vi điện tử ( điện tử nano dù hiện tại chỉ là phần nhỏ trong khoa học công nghệ nano nhưng có vai trò ngày càng quan trọng).
- Giảng dạy & nghiên cứu về kiến trúc vi xử lý, cấu trúc máy tính, phần mềm hệ thống, giao tiếp, thiết bị ngoại vi trong chuyên ngành Máy tính và Mạng, trước tiên máy tính là sản phẩm của điện tử và tin học trong đó điện tử đóng vai trò tiền đề
- Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ, quy mô, dịch vụ, đặc biệt là mạng điện thoại và truyền thông di động trong chuyên ngành Viễn thông (hay Truyền thông)
5. Nơi công tác sau khi ra trường :
- Đây là một bổ sung kịp thời cho đào tạo nhân lực, xuất khẩu lao động, góp phần phát triển toàn diện nền công nghiệp điện tử – viễn thông – tin học của đất nước.
- Chuyên ngành Vi điện tử & ĐTNN : rất nhiều cơ quan , công ty lớn có nhu cầu tuyển dụng
- Chuyên ngành Máy tính và Mạng : ngành có liên quan (hay tiếp giáp) giữa Điện tử và Tin học nên dễ dàng tìm việc làm ở những nơi có liên quan đến chuyên ngành này
- Viễn thông (chuyên về Truyền thông dữ liệu và Truyền thông di động) là chuyên ngành đang rất phát triển ở Việt nam và khu vực
XI. NGÀNH HẢI DƯƠNG HỌC
I.1 TÊN NGÀNH ĐÀO TẠO : HẢI DƯƠNG HỌC
I.2 MÃ NGÀNH ĐÀO TẠO : Mã tuyển sinh : 109 – khối A
I.3 BẬC ĐÀO TẠO : Đại học
I.4 NHU CẦU CỦA NỀN KINH TẾ – XÃ HỘI:
Đất nước ta có hơn 3260 km bờ biển, có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều cửa sông đổ ra biển.
Vùng biển, hải đảo, và vùng ven biển nước ta là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh-quốc phòng và môi trường sống, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa ngõ lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời đây cũng là nơi đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế, sự tranh chấp quyết liệt về chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về kinh tế biển, góp phần giữ gìn và bảo vệ vững chắc hòa bình, ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đất nước và tăng cường hợp tác quốc tế. Vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được thế và lực vững mạnh, đủ sức đấu tranh lâu dài bảo vệ chủ quyền của ta trên biển, đồng thời phát triển thực lực kinh tế biển. Chúng ta đã có Nghị quyết 03-NQ/TƯ ngày 6/5/1993 về phát triển kinh tế biển và Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 22/9/1997 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết này đồng thời quán triệt và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng được ghi trong văn kiện Đại hội IX của Đảng, nước ta cần phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, tăng cường quản lý Nhà nước về biển, kết hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh trên biển. Cụ thể một số vấn đề như sau (Huỳnh Minh Chính, Ban biên giới-Bộ Ngoại Giao) :
- Xây dựng kinh tế – xã hội vùng biển, hải đảo trở thành vùng phát triển năng động, trở thành cửa mở lớn thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường hợp tác đồng thời giữ vững chủ quyền, xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh. Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, tuyên truyền cả về chiều sâu, đưa nội dung biển đảo vào chương trình đào tạo quốc gia, và chiều rộng nhằm phục vụ phát triển kinh tế, quản lý Nhà nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, tài nguyên, tài phán quốc gia trong lĩnh vực biển.
- Tham gia các diễn đàn và hội nghị quốc tế quan trọng về biển để nắm vững tình hình phát triển kinh tế – xã hội và quản lý biển của thế giới, khu vực, đấu tranh bảo vệ lợi ích và chủ quyền trên biển. Tăng cường và tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến biển và quản lý biển.
- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển; đẩy mạnh đào tạo cán bộ về lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, luật pháp và quản lý biển.
Với nhu cầu kinh tế xã hội như trên, chúng ta cần đào tạo càng nhanh càng tốt một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đảm nhiệm được nhiệm vụ nặng nề mà nhu cầu kinh tế, xã hội đang đặt ra.
Để làm được việc này, không nơi nào khác hơn là các Trường Đại Học.
I.5 QUI MÔ ĐÀO TẠO:
Theo quan niệm chung, Hải dương học là ngành nghiên cứu về tất cả các vấn đề có liên quan tới biển trong đó có tương tác biển – khí quyển và các quá trình xảy ra ở vùng cửa sông – biển. Đây là lĩnh vực nghiên cứu đa ngành, liên quan đến toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học về địa chất và môi trường.
Với ý tưởng như vậy, Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở đào tạo thích hợp, đúng chức năng về ngành Hải dương học.
II. CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGÀNH HẢI DƯƠNG HỌC
II.1. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:
II.1.1. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO:
Đào tạo Cử nhân Hải dương học nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức lý luận và thực tiễn của khoa học Hải dương học để sau khi ra Trường có thể đảm nhận công tác điều tra nghiên cứu biển phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng.
Chương trình còn cung cấp cho sinh viên các kỹ năng về toán, lý, tin học cũng như các phương pháp tính toán trong chuyên môn để phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực: giao thông vận tải biển, công nghiệp dầu khí, đánh bắt hải sản, xây dựng công trình biển, kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, kinh tế-sinh thái và quản lý biển, đảm bảo thông tin khí tượng hải văn cho các hoạt động kinh tế và quốc phòng trên biển v…v…
Chương trình được xây dựng theo mục tiêu đào tạo diện rộng nhưng có định hướng chuyên ngành, vừa chú trọng cung cấp kiến thức toán, lý, hóa và tin học cần thiết để tiếp cận các phương pháp nghiên cứu hiện đại, vừa đảm bảo các kiến thức cơ sở và chuyên sâu của ngành sao cho có thể làm việc ngay sau khi ra trường.
Sau khi ra trường sinh viên có đủ năng lực của một cử nhân ngành Hải dương học, có thể làm việc tại các Viện nghiên cứu, các Trung Tâm và các Đài, Trạm quốc gia của Tổng cục Khí Tượng Thủy Văn, Trung Tâm Khoa Học Tự Nhiên và Công Nghệ Quốc Gia, các Sở Khoa Học và Công Nghệ các tỉnh trong cả nước, phục vụ các ngành kinh tế, xã hội và quốc phòng.
II.1.2. Các chuyên ngành :
· Hải dương học Vật lý
· Hải dương học Toán Cơ Tin
· Hải dương học Hoá Tin
· Hải dương học Kỹ thuật-Kinh tế
Thông Tin Được đăng tải theo yêu cầu của bé Mỹ An 12A1 .Mong rằng những thông tin này sẽ giúp em hiểu thêm các ngành của trường TN .Chúc em sáng suốt để ko phân vân khi đã ĐK 2 ngành khác nhau của 2 trường rùi mà giờ đây hỗng biết thi ngành nào?