Thực phẩm biến đổi gene có mặt ở TP HCM
Hơn 1/3 trong số 323 mẫu gạo, củ, quả được chọn ngẫu nhiên ở các chợ, siêu thị TP HCM bị biến đổi gene, một khảo sát của Trung tâm Đo lường 3 vừa tiết lộ. Những sản phẩm này khó có thể nhận biết bằng mắt thường.
323 mẫu trên gồm nguyên liệu, sản phẩm sơ chế, chế biến có nguồn gốc từ bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, đậu hà lan... được thu thập từ 17 chợ, siêu thị ở TP HCM, để kiểm tra tình trạng biến đổi gene, do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thực hiện từ tháng 3 đến tháng 4/2009.
Kết quả cho thấy có 111 mẫu (chiếm 34,37%) dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos - một dạng biến đổi gen. Trong đó có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 11 mẫu gạo, 15 mẫu khoai tây, 10 mẫu cà chua.
Đề tài vừa hoàn tất được gửi Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định và sẽ đưa ra Hội đồng khoa học trong thời gian tới. Mục đích của đề tài là để tham vấn cho các nhà quản lý trong việc đưa ra quy định về quản lý thực phẩm biến đổi gene.
Nhóm thực hiện đề tài kết luận: "Trên thị trường TP HCM đã có sự hiện diện của GMO (biến đổi gen) trong nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến".
Một số mẫu cà chua, khoai tây ở TP HCM đã được biến đổi gene. Ảnh: B.H.
Chủ đề thực phẩm biến đổi gene đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, tranh luận từ nhiều năm nay. Trên thế giới hiện có hai trường phái đối lập nhau. Các nước châu Âu quản lý chặt thực phẩm biến đổi gene, do lo sợ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, Mỹ và nhiều quốc gia khác xem đây như một sản phẩm bình thường. Luật pháp một số nước có quy định trên bao bì những sản phẩm này phải ghi là sản phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gene, hoặc có thành phần nào đó đã được biến đổi gene để người dân biết và quyết định có chọn dùng sản phẩm này hay không.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng rất có thể một số thực phẩm chế biến đang được lưu hành trên thị trường có chứa sản phẩm biến đổi gene, nhưng ngoài nhãn mác không ghi rõ. Mặc khác, các cây trồng và sản phẩm biến đổi gene có thể được nhập bằng con đường chính thức hoặc không chính thức, nhưng chưa được quản lý hay thông báo công khai
Nguyên Phó viện trưởng Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai cho biết: "Nếu việc biến đổi một số gen để phòng chống sâu bệnh, giúp cây lúa chịu hạn tốt, tăng cường chất sắt, vitamin A, B thì đây là việc hữu ích". Theo ông, quá trình biến đổi gen không chỉ do con người can thiệp mà đôi khi xảy ra một cách rất tự nhiên và không kiểm soát được.
Còn theo Phó giáo sư Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học: "Nước ta chưa có văn bản nào chính thức quy định trên nhãn mác sản phẩm được chế biến từ cây trồng biến đổi gene phải ghi rõ là sản phẩm biến đổi gene".
Ông cũng cho biết cũng chưa có bằng chứng khoa học nào nói rằng sản phẩm từ cây trồng biến đổi gene gây hại cho người dùng.
"Cả thế giới đang sử dụng các sản phẩm chuyển đổi gene mà có vấn đề gì đâu. Những nước như: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, Braxin - những nước lớn, đông dân hiện người dân vẫn ăn lẫn những sản phẩm này", Phó giáo sư Bình nói.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thừa nhận trong văn bản luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định nào về việc sử dụng sản phẩm biến đổi gene. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn sử dụng sản phẩm này, đưa vào Dự thảo Luật An toàn thực phẩm.
Theo Dự thảo này, tại điều 39, mục 1, chương 6 có quy định, đối với thực phẩm nhập khẩu, nếu là thực phẩm biến đổi gene phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận an toàn cho sức khỏe con người do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án đối với việc ghi nhãn với thực phẩm biến đổi gene. Một là trên nhãn phải ghi rõ dòng chữ "Biến đổi gen" bên cạnh tên thành phần có gen bị biến đổi khi thành phần đó vượt tỷ lệ ở mức 1- 5% trở lên. Phương án hai là phải ghi rõ dòng chữ "Biến đổi gen" bên cạnh tên thành phần có gen bị biến đổi khi thành phần đó vượt mức tỷ lệ cho phép.
Huỳnh Phan - Phương Trang