Thị trường chứng khoán chưa phản ứng với WTO?
Mặc dù Việt Nam đã mở ra cá
nh cửa vào WTO, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam mấy ngày qua vẫn ở trong trạng thái khá yên ắng
Giới đầu tư vẫn chưa có phản ứng gì về sự kiện Việt Nam hoàn tất đàm phán với Mỹ, mở cánh cửa gia nhập WTO trong năm nay. Cứ sau một phiên thị trường chứng khoán (TTCK) tăng giá lại có một phiên giảm giá. Trong phiên giao dịch cuối tuần vào ngày 19-5 chỉ số VN Index chỉ còn 562,33 điểm, tiếp tục giảm 3,78 điểm so với ngày trước.
TTCK VN chưa thể chuyển biến mạnh
Trong phiên ngày 19-5, chỉ có 5 loại cổ phiếu tăng giá, 4 loại đứng giá, còn lại 28 loại giảm giá, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt gần 103,7 tỉ đồng, giảm khoảng 50% so với những phiên có doanh số lớn gần đây. Ông Dominic Scriver, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital, nhận định: “Mặc dù cửa vào WTO của Việt Nam đã mở ra, nhưng trong ngắn hạn TTCK Việt Nam chưa thể chuyển biến mạnh, vì trước đó các nhà đầu tư đã dự báo điều này. Họ đã tạo cú đột phá vừa qua làm cho thị trường lớn lên, vì vậy tin “nóng” nói trên dù rất khả quan nhưng họ đón nhận với thái độ bình thản. Còn về lâu dài, chắc chắn TTCK sẽ có những bước tiến lớn khi Việt Nam đã chính thức vào WTO”.
Trước đó một ngày, TTCK TPHCM đón nhận thêm thành viên thứ 37 niêm yết. Đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán là CII), có vốn điều lệ đến ngày giao dịch đầu tiên là 300 tỉ đồng. CII đã góp phần đưa tổng giá trị khối lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn TPHCM đến nay đạt gần 4.457 tỉ đồng (theo mệnh giá). Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của CII đã được chốt 50.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch đạt 275.600 cổ phiếu.
Thị trường sẽ tăng trưởng nhanh
Mặc dù thỏa thuận với phía Hoa Kỳ chưa được công bố nhưng nhiều nguồn tin báo chí cho rằng trong đó có điều khoản Việt Nam cam kết mở cửa khu vực ngân hàng, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng nước ngoài sẽ được mở ngân hàng con và chi nhánh có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, với mức vốn tối thiểu 10 triệu USD. Ngoài ra họ có thể được nắm giữ 30% vốn tại các ngân hàng cổ phần của Việt Nam. Sự cam kết đó sẽ đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư tài chính nước ngoài đầu tư gián tiếp vào TTCK. Đặc biệt, lĩnh vực ngân hàng sẽ có sự tăng tốc chạy đua giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau để mua cổ phần tại các ngân hàng cổ phần của Việt Nam.
Trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác cũng sẽ mở ra giai đoạn đầu tư mới khi Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO. Các doanh nghiệp cổ phần làm dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất thuốc tây, du lịch... sẽ là những lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư gián tiếp. Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn, nhận định: Khi đã vào WTO thì nền kinh tế Việt Nam có điều kiện phát triển tốt hơn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng hơn trong việc đầu tư, vì vậy TTCK sẽ phát triển nhanh.
Sẽ có thêm 3.810,5 tỉ đồng cổ phiếu
Chín doanh nghiệp đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin niêm yết cổ phiếu trên sàn TPHCM, trong đó có một số đơn vị đã được chấp thuận hoặc đã có giấy phép, với tổng vốn điều lệ lên đến 3.810,5 tỉ đồng. Trong đó có các đơn vị: Ngân hàng Cổ phần Sacombank vốn 1.899 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh vốn 1.250 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Khu đô thị Sông Đà vốn 300 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế vốn 206,3 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Vinafco vốn 55 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Comeco vốn 34 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Thủy điện Ry Ninh II vốn 32 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu vốn 19,2 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn vốn 15 tỉ đồng.