PN - Vui buồn, giận hờn... là những trạng thái cảm xúc bình thường trong đời sống hôn nhân và được xem như là gia vị để tình yêu thêm nồng. Tuy nhiên, còn một loại cảm xúc khác, chỉ xuất hiện lúc sắp nói câu “tạ từ”: chán nhau! Cảm xúc này được các chuyên gia về tình yêu, hôn nhân xem là nguy cơ số một làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Bỗng dưng thấy... chán
Giữa tháng 7/2009, chị Phạm Thị Hồng tìm đến Báo Phụ Nữ để nhờ tư vấn về thủ tục ly hôn. Thế nhưng, khi được hỏi đã suy nghĩ kỹ chưa, chị thở dài mệt mỏi, trả lời nước đôi: “Tôi thật sự chưa muốn ly hôn, nhưng sống chung sao thấy chán quá, chẳng có gì vui”.
Chị Hồng kể, trước khi “góp gạo thổi cơm chung”, chị và anh Nguyễn Văn Tiến đã có thời gian tìm hiểu gần hai năm. Tuy anh sống TP.HCM, chị làm cô giáo ở Cần Thơ, cách xa hơn cả trăm cây số nhưng tình cảm hai người vẫn rất gần nhau. Ngày nào anh cũng gọi điện, chat hỏi thăm và kể cho chị nghe về gia đình, công việc, bạn bè của anh. Ngược lại, chị cũng tâm sự cùng anh mọi buồn vui trong cuộc sống. Mỗi khi chị gặp khó khăn, anh Tiến đều kề cận an ủi, động viên và tìm mọi cách làm chị vui.
Vậy mà sau khi kết hôn, chị thấy mình hạnh phúc chỉ được bảy tháng, sau đó giữa vợ chồng như xuất hiện một khoảng cách vô hình.
Đặc biệt, từ lúc chị sinh con, nghỉ dạy ở nhà làm dâu, nuôi con thì những cuộc trò chuyện giữa vợ chồng chị ngày càng ít. Hết giờ làm việc, anh không đi nhậu thì cũng uống cà phê với bạn bè. Những hôm về sớm thì anh xem tivi, đùa với cậu con trai một lúc, nói với vợ dăm ba câu là lăn ra ngủ. Chị mệt mỏi với hàng tá việc nhà, một tay chăm con nhỏ, một tay chăm ba chồng bị tai biến nằm một chỗ. và thấy thái độ hờ hững của chồng nên cũng không thèm "dò sóng", mặc cho tình trạng nghẽn mạch liên tục. Tuy nhiên, chị vẫn khát khao được chồng hỏi thăm, thèm một vòng tay ôm âu yếm như ngày xưa. Chỉ có cậu con trai là nguồn vui của chị. Có lần bực quá, chị nói không thích cuộc sống tẻ nhạt này, anh Tiến tỉnh queo: "Con ngoan, kinh tế khá giả, vợ chồng không gây gổ, em còn đòi gì nữa?".
Chị Trần Thanh Thúy - nhân viên một nhà xuất bản, vừa mừng vừa lo khi anh Phan Minh Dũng - chồng chị được cử đi học nghiệp vụ ở nước ngoài ba tháng. Chị mừng vì chồng có cơ hội học hỏi, thăng tiến, nhưng cũng lo vì chỉ có chị cùng cô con gái ba tuổi ở nhà, vì vợ chồng chị chưa bao giờ xa nhau lâu như vậy. Ngày tiễn chồng tại sân bay, chị khóc rấm rứt làm anh Dũng cũng nặng lòng. Cô bạn thân trêu chị: "Cưới nhau bốn năm mà làm như vợ chồng son, xa chút cũng khóc!".
Chị Thúy và cả cô bạn đều nghĩ, chị sẽ cảm thấy cô đơn và nhớ chồng nhiều lắm, nhưng cảm xúc đó chỉ xuất hiện trong tuần đầu tiên, sau đó là cảm giác thoải mái. Đi làm về, Thúy ghé trường đón con, về nhà mẹ nấu cơm, con gái bên cạnh líu lo đủ thứ chuyện. Chị rất thích những buổi tối nằm thảnh thơi xem phim hoạt hình với con, hai mẹ con cười giòn tan với những tình huống vui nhộn. Cuối tuần, chị đưa con đi nhà sách, con thích thú với trò tô tượng, còn mẹ tha hồ chọn sách, đọc sách. Chị chợt nghĩ: "Có khi không chồng con lại khỏe hơn!". Nghĩ xong, chị chợt giật mình khi nhớ ra anh đi đã hơn hai tháng mà chị không thấy nhớ nhung, trông đợi anh về. Trong khi trước đây, anh đi Hà Nội một tuần, chị đã thấy trống vắng, nhớ da diết. Mỗi lần chồng gọi điện về hỏi "Em có nhớ anh không?", chị nói "Ai thèm nhớ" và đó là cảm giác rất thật của chị.
Chị tâm sự với cô bạn thân, cô bạn nghi ngờ: "Hay bà gặp lại mối tình đầu?", chị lắc đầu. "Chắc bà không nhớ vì nhớ nhiều quá”. "Hay trước khi ổng đi hai người có gây gổ?", chị vẫn lắc đầu, mắt đỏ hoe. Chị nói: "Không biết sao lòng mình lại nguội lạnh khi nghĩ về chồng, thậm chí còn nghĩ nếu chỉ có hai mẹ con mình sống với nhau chắc rất vui".
Chị Lê Thu Ngọc - tiểu thương ở một ngôi chợ tại Q.5 cũng cùng tâm trạng với chị Thúy. Mỗi tối về gặp chồng ở nhà, chị chẳng những không vui, mà còn hơi cáu. Chị luôn trông đợi những chuyến đi chơi, đi công tác xa của chồng, dù vợ chồng chị chẳng hề mâu thuẫn, dù chị không ngoại tình, cũng không phải bị ép gả cho anh Hùng – chồng chị. Chị và anh yêu nhau hơn ba năm, khó khăn lắm mới thuyết phục được gia đình anh đồng ý cưới chị làm dâu. Nhưng rồi chị chẳng hiểu sao cuộc sống chung không làm cho chị vui, mà còn khiến lòng chị nặng nề hơn.
Lời nói (gió) không bay
Những trường hợp trên được các chuyên viên tư vấn tâm lý định danh là "Hội chứng chán nhau", đang khá phổ biến trong đời sống hôn nhân. Có những trường hợp biểu hiện rõ ràng, nhưng phần lớn thường ẩn nấp dưới bức màn cuộc sống êm ấm... ảo. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hiện tượng này là những lời nói làm đau lòng, xúc phạm nhau trong lúc nóng giận hay cách hành xử vô tư, vô tâm, thiếu trách nhiệm với vợ/chồng, với gia đình hai bên mà chính người trong cuộc cũng không nhận thức được.
Như chuyện chị Thanh Thúy, tâm sự với bạn mãi không tìm ra lý do vì sao trái tim không còn hướng về chồng, chị đã tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý. Sau cuộc trò chuyện cởi mở, kéo dài hơn ba giờ, chuyên viên tâm lý đã tìm ra câu trả lời.
Chị Thúy nhớ lại, sau khi chồng đi công tác, chị về nhà với cảm giác thoải mái vì không phải tranh thủ về sớm nấu cơm. Không bực mình khi sách báo, quần áo bị chồng "bài binh bố trận" trên ghế, giường và cả trong nhà vệ sinh. Không phải tức giận khi ngày chủ nhật chỉ có hai mẹ con ăn cơm, vì chồng chị còn mải mê "chiếu tướng" với ông hàng xóm. Chị thấy mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi, xem truyền hình, điều mà trước đây gần như xa xỉ với chị bởi phải làm việc nhà không ngơi tay: rửa chén, dọn dẹp, giặt quần áo, đưa đón con đi học... Áp lực từ việc phục vụ chồng đã vô tình hình thành trong chị suy nghĩ: anh là một ông chủ khó tính, vô tâm, vô trách nhiệm... nên khi anh đi vắng, chị thấy nhẹ người như trút được gánh nặng. Tuy nhiên, giọt nước làm tràn ly là lời kết tội của anh Dũng: "Cô là người đàn bà cứng đầu", khi giữa chị và mẹ chồng xảy ra mâu thuẫn trong việc chăm con theo truyền thống hay theo hiện đại.
Còn chị Ngọc, từ khi được mẹ cho sạp vải, chị phải ngồi chợ từ sáng đến tối khiến anh Hùng tỏ ra không hài lòng. Anh cho rằng chị lơ là việc nhà. Thực ra, chị Ngọc biết chồng không muốn chị đi bán hàng và qua lại với mẹ, vì anh sợ chị đi vào vết xe đổ của bà: bỏ rơi chồng con đi theo người đàn ông khác. Chị đã lớn lên với mặc cảm này nên rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Chỉ đến khi gặp anh Hùng, sự quan tâm, bao dung của anh mới làm chị thoát khỏi vỏ ốc, chấp nhận tình yêu của anh với tâm nguyện: sẽ không bao giờ để gia đình đổ vỡ.
Những hôm chị Ngọc về nhà trễ là anh Hùng cau có, khó chịu. Mẹ chị đến nhà chơi, anh càng khó chịu hơn. Chị buồn và đâm ra mặc cảm, ngại đối diện với chồng. Điều này khiến anh Hùng càng hiểu lầm, nghĩ vợ đang phản kháng mình nên cũng giận lẫy. Có lần anh nhậu say, thấy vợ về nhà trễ nên hạch sách. Lời qua tiếng lại, anh kết luận: "Rồi đây cô cũng giống mẹ cô thôi, bỏ nhà theo trai!". Chị điếng người trước sự sỉ nhục này. Dù sau đó anh đã xin lỗi, nhưng lời của anh đã kịp "đóng đinh" trong đầu chị, khiến chị đau mãi chứ không dễ quên như chị tưởng. Vì lẽ đó, chị muốn tránh mặt chồng.
Riêng với chị Hồng, chưa đầy một tuần sau, chị gọi điện cho phóng viên Báo Phụ Nữ, cho biết mẹ con chị đã về quê trong thời gian chờ tòa giải quyết ly hôn. Chị nói, không chịu nổi cảm giác mệt mỏi, không khí nặng nề khi có chồng mà cũng như không. Trong mắt chồng, chị chỉ cần nấu cơm ngon, chăm sóc gia đình chu đáo là được. Nhưng chị là phụ nữ, là vợ. Chị có những nỗi niềm, những khao khát được yêu thương, trân trọng. Chị còn mong muốn được trở lại nghề giáo, bởi đó là niềm tự hào, nguồn vui của chị, nhưng anh không cho, bảo tiền bạc đã có anh lo. Từ một người chủ động về kinh tế, giờ hàng tháng phải ngửa tay nhận tiền của chồng, chị cảm thấy rất bứt rứt. Khi vui chẳng sao, lúc có chuyện bực mình, anh vừa đưa tiền, vừa càu nhàu: "Không làm ra tiền, nhưng tiêu thì giỏi", hoặc: "Em làm gì mà nhanh hết tiền vậy? Anh kiếm tiền cũng vất vả chứ không phải đi lượm được đâu". Những lúc như thế, chị rất tủi, chỉ chực khóc nhưng anh đâu để ý. Lâu dần, chị tập an phận với cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc theo quan niệm của chồng, nhưng cũng từ đó, chồng về trễ hay đi vắng dài ngày chị cũng chẳng thấy buồn. Chị nhận ra, nguồn vui của chị là con, nghề dạy học; chồng không còn nhiều ý nghĩa với chị nữa. Và, chị quyết định ly hôn.
Sự nhàm chán trong hôn nhân là điều khó tránh bởi hai con người sống chung, mọi sự việc, sinh hoạt hầu như lặp lại mỗi ngày khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy tẻ nhạt. Nhưng, sự nhàm chán cơ học này không khó thay đổi khi đôi bạn đời biết làm mới, biết tạo sự bất ngờ thú vị cho nhau như thỉnh thoảng ra ngoài ăn tối, uống cà phê, nói những lời yêu thương, tặng quà, họp mặt gia đình... Còn một khi đã gây tổn thương cho nhau thì rất khó hóa giải, bởi hội chứng chán không chỉ là những cuộc tranh cãi, mâu thuẫn xuất hiện mỗi ngày, mà nó được cộng dồn từ những khuyết điểm, hành vi, lời nói không hay trong suốt quá trình chung sống. Nó như một cơn sóng ngầm, luôn đặt gia đình trong tình trạng "SOS" và có thể phá hủy gia đình bất cứ lúc nào. Không như mọi người thường nghĩ "lời nói gió bay", những phát ngôn của vợ chồng luôn được in sâu trong bộ nhớ của người đối diện, nhất là những ngôn từ dễ làm tổn thương. Nó in hằn như vết thương mãi không lành miệng, thường làm ta buốt lòng, nhức nhối.
Vì vậy, ông bà xưa đã nhắc nhở: Vợ chồng "tương kính như tân", phải cư xử với nhau như "khách". Vì là khách nên ta lúc nào cũng trân trọng, quý mến, cư xử hòa nhã... và chắc chắn không thể nói những lời làm đau lòng, xúc phạm nhau. Trong khi đó, những đôi vợ chồng ngày nay do đã yêu nhau nhiều năm mới kết hôn, hiểu nhau từng thói quen, sở thích nên đã không giữ kẽ, có xu hướng nói thật, nói thẳng mà quên rằng, chính sự tự nhiên thái quá này đã khiến họ không (không muốn hoặc không thể) kiểm soát được lời nói, hành động của mình, dễ làm người bạn đời tổn thương. Một khi đã lỡ miệng hay đã khiến cuộc sống chung có gợn sóng, vợ/chồng nên trải lòng với nhau một cách nhẹ nhàng, hòa nhã để điều chỉnh, hiểu nhau hơn và cùng bỏ qua những lỗi lầm mà vun đắp hạnh phúc. Làm được như vậy, sóng ngầm mới không có cơ hội bùng lên thành sóng dữ.