Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Sân trường :: > ..:: Điểm tin ::..

..:: Điểm tin ::.. Tin tức Long An, tin trong và ngoài nước

Tại sao? - Câu hỏi thiếu của giới trẻ Việt

Tại sao? - Câu hỏi thiếu của giới trẻ Việt

this thread has 0 replies and has been viewed 4610 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 01-01-1970, 07:00 AM   #1
Hồ sơ
trongbangpham
Senior Member
 
Tham gia ngày: Nov 2004
Tuổi: 49
Số bài viết: 414
Tiền: 25
Thanks: 234
Thanked 300 Times in 85 Posts
trongbangpham is an unknown quantity at this point
Default

Cách bạn đặt câu hỏi trước một sự vật hiện tượng thể hiện góc độ mà bạn quan tâm về chúng. Việc này cũng xây dựng cho bạn phản xạ trong những tình huống khác nhau.

1. Ai ? Cái gì? Thế nào?
Phan Lan Hương, một người bạn đang du học ở Malaysia đã kể cho tôi nghe một câu chuyện như thế này: Bằng thời gian này năm ngoái, cả thế giới còn đang bàng hoàng vì thảm họa sóng thần ở Đông Nam Á. Lớp Hương đang học được thầy giáo giao cho một bài tập lớn. Mỗi người phải tự chọn cho mình một khía cạnh mình quan tâm về thảm họa vừa qua để tìm tư liệu viết bài.

Hương đã đầu tư rất nhiều công sức cho bài tập đó: lên mạng lấy thông tin, lấy ảnh, trích những đoạn phỏng vấn người dân... Thậm chí cô còn nhờ vài người bạn ở Thái Lan quay tận cảnh bãi biển Phuket sau thảm họa để đưa vào slide cho sinh động.

Tuy nhiên, khi nhận được điểm cho bài tập, Hương khá thất vọng: chỉ là điểm trung bình.

Trong khi đó, vài người bạn nước ngoài của cô lại đạt điểm khá, mặc dù bài làm không được công phu bằng. Vậy yếu tố quyết định ở đây là gì? Câu trả lời của thầy giáo đã làm Hương, cũng như tôi, người chỉ nghe thuật lại câu chuyện phải giật mình: Khi làm bài tập bạn đã đặt câu hỏi nào?

Hương đặt cho mình câu hỏi “Ai? ở đâu? Như thế nào?” và trả lời bằng một bài viết hoành tráng để miêu tả hiện tại. Trong khi đó, những người bạn nước ngoài lại đặt câu hỏi “Tại sao sóng thần lại gây ra hậu quả thảm khốc đến thế?” và từ nghiên cứu đó rút ra những bài học sau này.

Không thể bàn đến yếu tố chuyên môn, đúng hay sai, trong bài học mà những người bạn nước ngoài đã đề cập đến trong bài viết của họ. Tôi muốn nói đến cách họ nhìn cuộc sống. Cách họ phản ứng với nó.

Trong khi đó, “Tại sao?” là câu hỏi tưởng như để tìm hiểu quá khứ nhưng thực ra lại thể hiện mối quan tâm đến tương lai. “Tại sao?” mới chính là câu hỏi quan trọng nhất. Nó giúp ta hiểu được mình đã làm gì đúng, và làm gì sai, từ đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho bản thân trong tương lai.


Trong câu chuyện của Hương, sau khi thảm hoạ xảy ra, điều chúng ta cần quan tâm là làm thế nào để khắc phục hiện tại? Làm sao để lần sau không còn thảm họa như thế xảy ra nữa? Thái độ đó sẽ thực tế hơn nhiều so với việc than khóc cho những điều đã xảy ra, không thể thay đổi được.

Những người Việt Nam đang học tập ở nước ngoài đã công nhận rằng “Tại sao?” là câu hỏi quen thuộc của những người bạn ngoại quốc. Chính vì thế mà họ có “cảm giác nhanh nhạy” hơn các bạn trẻ Việt Nam.

Phương Thảo (du học sinh ở Nhật): “Khi tôi mới sang đây, tôi khá tự tin vì mình chăm chỉ và thông minh. Tuy nhiên sau một thời gian, tôi nhận ra rằng mình chỉ mới biết những điều trong sách vở. Trong những hoạt động thực tế, vào phòng thí nghiệm hay hoạt động xã hội chẳng hạn, trong khi du học sinh Việt Nam còn rất lúng túng thì các bạn nước ngoài lại hoàn toàn chủ động!”.

Quang Việt (du học sinh Mỹ): “Khi cùng làm thí nghiệm Hoá học, nếu như kết quả ra khác với tính toán lí thuyết thì học sinh Việt Nam sẽ lo lắng tìm cách “ăn gian” cho ra đúng kết quả. Còn học sinh Mỹ thì lại mày mò tìm xem yếu tố bất thường nào đã xen vào. Thế là từ lần sau, họ biết cách điều chỉnh thí nghiệm, còn tôi vẫn cứ loay hoay tìm cách “ăn gian”!”.

2. Những câu hỏi “Tại sao?” không được khuyến khích

Tôi hỏi một người bạn thân rằng có hay hỏi “Tại sao?” trước một sự việc không? Anh cười và bảo “Đấy là câu hỏi chỉ có bọn con nít mới hay hỏi!”. Tôi thấy đúng. Chúng ta ai cũng lớn lên từ những câu hỏi “Tại sao?” thời thơ bé. Câu hỏi đó như một bản năng, ai muốn trưởng thành cũng phải tự đi tìm câu trả lời cho mình. Nhưng rồi càng lớn, chúng ta càng ít hỏi câu hỏi quan trọng nhất ấy. Đó là kết quả của cách giáo dục truyền thống mà nhiều thế hệ đã trải nghiệm.

Đứa cháu họ của tôi, mới có 5 tuổi, nhìn thấy cái gì quanh mình cũng quay ra hỏi mẹ “Tại sao lại thế?”. Lúc đầu chị còn trả lời, sau rồi khó chịu gắt bẳn làm nó khóc oà lên. Dần dần tôi không thấy nó hỏi “Tại sao?” nữa. Mẹ bảo gì là răm rắp nghe theo, thế là được khen là ngoan, được ăn kẹo, được đi chơi cuối tuần.

Chính bản thân tôi, hồi còn lớp 2, trong giờ Tiếng Việt, đã giơ tay hỏi cô giáo “Tại sao người ta lại nói là “chợ búa”?”. Cô suy nghĩ một lát rồi chẳng trả lời. Tôi hỏi lại mấy lần, bị cô giáo mắng “Còn bé mà cứ thích vặn vẹo người lớn!”. Thế là thôi, từ đấy cũng biết ... khôn ra, chẳng bao giờ vặn-vẹo-người-lớn nữa.

Trần Thanh An (ĐH KHTN, ĐHQG): “Trong những giờ Vật lý đầu tiên được học, tôi rất hay giơ tay thắc mắc khi chưa hiểu chỗ nào đó. Những gì tôi nhận được sau những câu hỏi thường là ánh mắt kì quặc của bạn bè và một thái độ không mấy dễ chịu của thầy cô”.

Dần dần, Thanh An thoả hiệp với cách chấp nhận những kiến thức được dạy theo kiểu photocopy. Và với những lĩnh vực đặc biệt như giáo dục giới tính thì lại càng khó khăn hơn với câu hỏi “Tại sao?”. Bởi bức tường “tế nhị”, “nhạy cảm”... luôn nhảy ra ngăn chặn kịp thời. Thói quen hỏi cũng mất dần.

Bước vào giảng đường đại học? Không có chỗ cho những câu hỏi ngoài ... giờ thi vấn đáp. SV nhiều khi cứ học vẹt theo những dòng chữ trong giáo trình mà cũng không hiểu lắm. Chẳng mấy ai đặt câu hỏi “Tại sao nó lại thế này, thế kia?”. Sự thụ động ấy gần như đã trở thành bản chất chung cho nhiều người Việt trẻ bây giờ.

3. Không thể chỉ trách người!
Trở lại câu chuyện của Trần Thanh An (ĐH KHTN ĐHQG). An có vẻ rất bức xúc khi nói đến những câu hỏi “Tại sao?” bị bỏ xó của mình từ những ngày cấp II. Nhưng khi tôi hỏi lại rằng “Bạn có tìm thêm sách tham khảo để tìm hiểu hoặc hỏi anh chị lớn trong nhà chứ?”, An tảng lờ.

Lí do An có thể đưa ra rất nhiều: “không có thời gian”, “không biết sách nào mà mua”... Nhưng đó rõ ràng chỉ là cách biện hộ. Nếu chỉ đặt câu hỏi và không có nỗ lực tự trả lời, nhiều khi câu hỏi “Tại sao?” của bạn chỉ để thoả mãn tính tò mò nhất thời.

Xét cho cùng, sự khác nhau trong cách nhìn nhận sự việc, cách quan tâm đến cuộc sống giữa những người trẻ Việt và bạn bè thế giới đã phản ánh rất rõ sự khác nhau trong tầm nhìn. Tủn mủn với những điều nhìn thấy trước mắt là cách hành xử của tầm nhìn ngắn hạn. Đi tìm nguyên nhân, giải pháp và đúc kết bài học cho tương lai mới là thái độ của những người có tầm nhìn vượt qua “ngày hôm nay” của chính mình.

Đứng thẳng lên đi. Và hãy bắt đầu nhìn ra xa hơn với câu hỏi “Tại sao?” cho bản thân mình.
trongbangpham is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 07:44 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps