Các nhà khoa học Mỹ cho rằng mỗi người có hai hệ thống đạo đức và nhiều khi chúng bất đồng với nhau. Khi đó con người sẵn sàng thực hiện những hành vi vô đạo đức.
Newcientist đưa tin Robert Kurzban, một chuyên gia của Đại học Pennsylvania tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp tuyển một nhóm người tình nguyện để thực hiện một thử nghiệm. Họ nói với tình nguyện viên rằng một tàu điện lao chệch đường ray và 5 người trên tàu có thể thiệt mạng. Nhóm tình nguyện viên phải quyết định lái tàu sang một đường ray khác, nơi một người đang đứng, hoặc để tàu tiếp tục chạy trên đường ray cũ. Đa số tình nguyện viên quyết định lái tàu sang đường ray khác để giảm thiệt hại về nhân mạng.
Sau đó nhóm nghiên cứu đặt ra tình huống tiếp theo: Tình nguyện viên phải đẩy một người vào đường ray để tàu ngừng chạy. Phần lớn tình nguyện viên tỏ ra do dự hoặc phản đối.
“Điều đó cho thấy đa số nhân loại không muốn trực tiếp cướp mạng sống của người khác, ngay cả khi hành vi đó phục vụ một mục đích cao cả”, nhóm nghiên cứu bình luận.
Khi được yêu cầu đánh giá quyết định của họ trên phương diện đạo đức, 85% tình nguyện viên cho rằng đẩy cướp một sinh mạng để cứu 5 người khác là hành vi sai trái. Mặc dù vậy, 28% người tình nguyện thừa nhận họ vẫn sẵn sàng hy sinh một người để cứu năm người. Nếu cả 6 người trong tình huống đều là người quen hay họ hàng thì số tình nguyện viên sẵn sàng thực hiện hành vi tương tự lên tới 47%.
Kết quả thử nghiệm cho thấy con người có ít nhất hai hệ thống trong tâm trí để đánh giá mức độ đúng, sai của mỗi hành vi. Chẳng hạn, một hệ thống cấm chúng ta làm hại người khác để cứu người thân, song một hệ thống lại thúc giục chúng ta bảo vệ người thân bằng mọi giá. Trong nhiều trường hợp hai hệ thống bất đồng với nhau. Đó là khi người tốt sẵn sàng thực hiện hành vi xấu.
Peter DeScioli, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói rằng sự gắn kết giữa con người trong xã hội buộc chúng ta phải tự đặt ra các quy tắc ứng xử. Quá trình đặt ra quy tắc trong mỗi người diễn ra một cách võ đoán. Chẳng hạn, nhiều người coi đồng tính luyến ái là hiện tượng xấu dù họ không thể giải thích nó đáng bị phê phán ở chỗ nào.
"Tất nhiên, con người có thể thay đổi quy tắc đạo đức mà họ đặt ra. Chẳng hạn, khi thân nhân của người tốt thực hiện hành vi xấu rồi lâm vào tình thế hiểm nghèo, người tốt sẽ chỉ nghĩ tới việc bảo vệ họ mà tạm quên các quy tắc đạo đức. Đó là nguyên nhân khiến nhiều cá nhân bao che người thân dù biết họ từng thực hiện hành vi tội lỗi như cướp, hãm hiếp, sát nhân”, Fiery Cushman, một nhà nghiên cứu của Đại học Brown tại Mỹ, bình luận.
Minh Long