TT - Sinh ra bị bại não. Lớn lên Trần Mạnh Chánh Quân phải nhờ mẹ trói chân để gõ được ba ngón tay lên bàn phím chữ. Cắn răng bò hết 1.000 bậc thang lên đỉnh núi để được dự thi và đoạt giải quốc gia về tin học.
Câu chuyện như cổ tích của thí sinh sẽ được dự thi đại học trên máy tính...
Trần Mạnh Chánh Quân (thứ hai từ phải sang) trong giờ học vi tính tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Vũng Tàu - Ảnh: THANH ĐẠM
“Cho ta chân mà không trụ nổi mình. Cho ta mắt mà không cho nhìn thẳng. Cho cái đầu treo lúc lắc mà kinh...” - Trần Mạnh Chánh Quân, học sinh giỏi tin học quốc gia năm học 2009- 2010, đã “vẽ” chính mình với những vần thơ như thế.
Quân trong một bài thi trắc nghiệm - giám thị ngồi bên cạnh sẽ nhấn chọn câu trả lời mà Quân ra dấu - Ảnh: H.BÌNH
Thầy Đỗ Thanh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Vũng Tàu), nơi Quân đang theo học - cho rằng hành trình đến với những vòng nguyệt quế của cậu học trò lớp 12 tin học là hành trình của ý chí, nghị lực và “của cả những giọt nước mắt”. Trói chân, tập viết bằng tay
“Mang thai cháu được hơn bảy tháng, tôi bị tai nạn xe máy nên phải sinh non” - mẹ Quân, bà Lê Mạnh Nữ Vinh Sơn (thị trấn Ngãi Giao, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu), nghẹn ngào nhớ lại. Khi lọt lòng Quân không được bình thường như những đứa trẻ khác. Bác sĩ chẩn đoán Quân bị hội chứng bại não. Khi Quân nhận thức được thế giới quanh mình thì đầu, tay, chân “đều không nghe theo ý mình”. Đến tuổi đi học, Quân mới mấp máy “ê, a” những âm đầu tiên. “Không ai nghĩ cháu có thể đến trường khi chỉ nằm một chỗ” - bà Vinh Sơn nói.
Nhưng rồi điều kỳ diệu đã đến. Sau những đợt kiên trì tập vật lý trị liệu, Quân có thể ngồi và cử động được ba ngón của bàn tay trái. Được một người bác là giáo viên Trường tiểu học Bình Giã (Châu Đức) đưa đến trường, những nét chữ đầu tiên Quân viết to bằng cả trang giấy đôi. Ba Quân, ông Trần Văn Giáo, mua một chiếc máy đánh chữ nhưng tay Quân không đủ sức gõ. Có máy tính để bàn, Quân mày mò bàn phím bằng những ngón chân. Những bài thi của Quân lúc ấy được đặc cách làm bằng chân trên máy tính của phòng giáo dục mang đến phòng thi. Những ngón chân ấy đưa Quân đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trong những năm tiểu học.
Lên lớp 6, Quân được ba mẹ trang bị một máy tính xách tay để thuận tiện việc chép bài ở lớp. Tay phải bị liệt hoàn toàn, Quân nhờ mẹ trói chân mình lại, cắn răng mò mẫm bàn phím bằng cử động của ba ngón trên bàn tay trái. “Ở lớp mà đưa chân lên bàn thì... mất mỹ quan quá” - Quân cười và tâm sự bằng giọng trầm trầm, đứt quãng, đôi lúc phải nhờ người nhà “phiên dịch”.
Quân lém lỉnh cho biết trở ngại nhất là “làm toán mà không nháp được”. Cứ thế, sau những tháng ngày miệt mài “gồng mình lên” cùng các môn học, vòng nguyệt quế dành cho Quân không chỉ là đạt điểm cao đều các môn học mà còn đoạt giải 3 môn tin học cấp tỉnh năm lớp 9. Cũng năm đó, Quân đậu vào trường chuyên của tỉnh (9,5 điểm môn tin học), bắt đầu những chuỗi ngày xa nhà trọ học nơi thành phố...
“Em đã vượt được núi!”
Đoạt giải nhì, nhất lần lượt hai kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2008-2009, 2009-2010 nhưng nhà trường, gia đình lo ngại sức khỏe của Quân không đủ để tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Để chứng tỏ mình, Quân ra chân núi Tao Phùng (bãi Sau TP Vũng Tàu) nhích từng chút một, ngã rồi lại đứng lên, bạn vượt qua 1.000 bậc thang và lên đến đỉnh núi trong hai giờ với người đầy vết xước.
“Em đã chinh phục được đỉnh núi. Em đã vượt qua chính mình. Em hoàn toàn có đủ sức khỏe để đi thi...” - Quân nhắn tin cho thầy Nguyễn Thái Huy, giáo viên môn tin học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Năm ấy Quân đoạt giải khuyến khích môn tin học ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
“Thật sự lúc đầu tôi rất lo ngại khi nhận được hồ sơ xin thi vào trường của em Quân vì thấy sức khỏe em không được tốt - thầy Đỗ Thanh nhớ lại - Tuy nhiên, tôi bị thuyết phục trước quyết tâm cao độ của em. Em nói bằng mọi cách phải thi vào trường chuyên. Nhà trường xin phép Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho Quân được làm bài thi tuyển trên máy tính cá nhân. Quân đậu vào trường với số điểm khá cao mà không nhận được bất kỳ sự ưu ái nào. Trong ba năm học ở trường, Quân đã vượt qua chính mình và đạt được những kết quả không phải học sinh nào cũng có được”.
Trang nhật ký trên mạng với tên gọi “Chim cánh cụt đất Việt” của mình, Quân viết: “Bàn chân trụ trên trái đất này/ Bão có nổi, chân ta không nghiêng ngả”. Nhưng nhiều lần chàng trai 18 tuổi cũng tự an ủi mình: “Khóc gì chứ nhỉ. Có gì mà khóc. Có gì mà khóc. Quân. Mày không được khóc”. Đó là những giọt nước mắt khi nhớ nhà (Quân ở với gia đình người dì ruột để đi học).
Sức mạnh nào đưa bạn vượt lên chính mình? “Tôi luôn nghĩ mình phải bỏ qua những gì không thể thay đổi được trong cuộc sống để hướng đến phía trước. Giống như loài chim cánh cụt - có cánh nhưng không thể bay - luôn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ. Với tôi, chỉ có thắng hoặc không tồn tại”, Quân chia sẻ đầy lạc quan như thế.
Trích:
Tạo mọi điều kiện để Quân dự thi ĐH
Ước mơ cháy bỏng trở thành một chuyên gia phần mềm máy tính, Quân đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Sáng 7-5, hai cha con Quân từ TP Vũng Tàu đến điểm bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2010 khu vực phía Nam tại TP.HCM xin gặp Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT để trình bày những trở ngại và xin được dự thi ĐH trên máy tính. Tại đây, Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 của Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tạo mọi điều kiện để Quân có thể dự thi ĐH.
Theo phương án dự kiến, Quân sẽ làm bài thi trên máy tính được kiểm tra trước. Đối với môn tự luận, bạn sẽ làm trên máy tính (phần word) sau đó in và nộp tại chỗ. Với môn thi trắc nghiệm, sẽ có một giám thị hỗ trợ tô giúp câu trả lời theo lựa chọn của thí sinh. Toàn bộ quá trình làm bài của thí sinh sẽ được ghi hình bằng camera và bài thi sẽ đưa ra hội đồng chấm chung.
HÀ BÌNH
Nguồn:[Đăng nhập để xem liên kết. ]
__________________ Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick. My Technical Blog