Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..:: CLB Âm nhạc ::.. > Cải lương

Cải lương Nơi dành cho các fan hâm mộ bộ môn nghệ thuật bậc nhất đồng bằng Sông Cửu Long

Viễn Châu Qua 1 Số BàI Ca Cổ

Viễn Châu Qua 1 Số BàI Ca Cổ

this thread has 0 replies and has been viewed 10120 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 01-10-2009, 06:23 PM   #1
Hồ sơ
phanphuong
Super Moderator
 
phanphuong's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2006
Số bài viết: 8,221
Tiền: 371
Thanks: 1,950
Thanked 7,367 Times in 2,060 Posts
phanphuong is on a distinguished road
Default Viễn Châu Qua 1 Số BàI Ca Cổ

Nguồn: [Đăng nhập để xem liên kết. ]
Chủ nhật, 19/04/2009 - 12:10:am
Bài viết này được viết cũng khá lâu (nhân một phút ngẫu hứng thôi) – một chủ đề kén người đọc, hầu như chỉ có thể “tiêu thụ” được bởi những người cùng sở thích xưa xưa này (ai không mê vụ này đừng đọc cho… nhức đầu!). Bài viết này được công bố lần đầu tiên trên 1 website và mới đây đã được leo lên báo rồi (khịt, zị mà họ hổng chịu in kèm tấm hình 4x6 của mình nhỉ?!). Nay xin post lên lần nữa thân tặng CACE cùng sở thích (e Smell ứa ừa?), đặc biệt là 1 anh giai "khó tính" mà em S đã hân hạnh được nghe "hót" mấy bài (nói thật là hồi đó e bất ngờ lắm, đâu có dè dzô tới đây rồi mà còn nghe hát những thứ này! Image)

Hẹn CACE kì tới về các loại nhạc khác nhé (về Josh Groban chẳng hạn). Cũng định viết bài về loại nhạc kiểu "không yêu đừng nói lời cay đắng", "người ấy đàn ông tham lam chính là anh"...(ặc ặc!) nhưng nhớ tới bộ mặt "hoàn cảnh", đầy chịu đựng của a Rô-bè Vũ mà thấy thương quá, không nỡ hành hạ thêm! Image

_________________

CẢM NHẬN VỀ VIỄN CHÂU QUA MỘT SỐ BÀI CA CỔ

Thông tin về cuộc đời và con người soạn giả Viễn Châu đã được khai thác khá nhiều (điều đó cũng dễ hiểu, khi mà ông là cha đẻ của hàng ngàn bài ca cổ và tuồng cải lương). Trong phạm vi bài viết này xin dành vài dòng tản mạn để cảm nhận về một số tác phẩm của ông, nói chính xác hơn là cảm nhận về ông qua một những tác phẩm đó (Vì vậy bài viết không phải là bức tranh toàn cảnh và đầy đủ về tác giả và tác phẩm, chỉ là một góc nhìn rất cá nhân mà thôi).

1. Tấm lòng dành cho thân phận con người bất hạnh

Điều thiêng liêng nhất (và đôi khi cũng chính là điều bi kịch nhất) của người nghệ sĩ là sống trọn vẹn và hoà nhập vào nhân vật của mình. Viễn Châu sống với nhân vật của mình bằng tấm lòng và mối đồng cảm sâu sắc với từng số phận, từng cảnh đời. Đó không phải là lòng trắc ẩn của một người đi đường bất chợt thấy một người ăn xin mà dường như tấm lòng của ông tự tìm đến “lục lọi” từng ngõ ngách cuộc đời để tìm họ; đó không phải là cách người ta bố thí vài xu vì ông đưa nhân vật khốn khổ của mình lên một vị trí cao đẹp nhất - vị trí tâm điểm trong tác phẩm nghệ thuật. Ông đưa người nghe vào một chuyến xe bên cầu Bến Lức nghe em bé hát dạo cất “lời ca tức tưởi giữa cung sầu” bên cạnh một ông lão tật nguyền (Sầu vương ý nhạc). Nghe bài ca này qua giọng ca “không có tuổi” của NS tài danh Minh Cảnh thì mấy ai mà chẳng thấy chạnh lòng thương cảm. “Chiếc đàn long phím tang thương như một kiếp cơ hàn”, “đôi hố mắt sâu thăm thẳm như chứa đựng một nỗi niềm dĩ vãng xa xăm”, “ lời ca ngây thơ vụng dại” của cô bé như một mối ám ảnh đối với ông. Ta có thể gặp lại hình ảnh đôi vợ chồng già hát rong mù loà lẻ loi giữa cảnh trời nước mênh mông trong một buổi chiều buồn trong Tiếng độc huyền. Tiếng hát gợi nhớ đến những giọng ca “buồn còn hơn những điệu đàn thiên cổ” hoà lẫn với âm thanh buồn tiếng độc huyền không chỉ làm tác giả rơi nước mắt mà còn làm người nghe cũng không khỏi se thắt lòng (chính giọng ca mê hoặc đầy cảm xúc của NS Tấn Tài khi thể hiện bài này càng tăng thêm chất tự sự buồn cho tác phẩm). Hình ảnh đó cũng gợi nên những tâm tư, những nỗi buồn của “nghịêp cầm ca” nơi chính ông. Ở ông không có chỗ cho sự “tự cao” của một “nghệ sĩ nổi tiếng” trước những người hát rong “tầm thường”, với ông “họ nhạc sĩ ta cũng là nhạc sĩ, đời của ai rày đây mai đó thì đời của ta cũng sương gió lâu rồi”, vì cùng chung “kiếp tằm nặng mối tơ vương” cùng mang cái đẹp đến cho cuộc đời.

Không chỉ “ưu ái” riêng cho những người “đồng nghịêp bất hạnh”, Viễn Châu dành trọn tình cảm của mình cho bất cứ con người khốn khó nào mà ông từng gặp trên đường đời. Như từng tâm sự với khán giả về hoàn cảnh ra đời của bài Tình anh bán chiếu, ông sáng tác bài ca đầy cảm xúc khi tình cờ bắt gặp hình ảnh một anh bán chiếu dừng lại nghỉ mệt bên vệ đường giữa buổi trưa hè. Tình anh bán chiếu là một món quà vô giá dành cho anh bán chiếu vô danh (và tất cả những người vất vả với nghề bán chiếu), một món quà cho “Ngã 7 Phụng Hiệp” và cho tất cả những ai yêu mảnh đất, con người Nam Bộ. Một mối tình đơn phương tuỵêt vọng xen lẫn với những nỗi nhọc nhằn của nhân vật tạo nên một tác phẩm tuỵêt đẹp - một nét đẹp thuần chất, tự nhiên không đến từ vẻ hào nhoáng, không đến từ sự thơ mộng điệu đàng mà từ những chất liệu cuộc sống. Có nhiều vở diễn dài mấy giờ, hàng chục nhân vật mà lại chẳng có nhân vật nào “sống” trong khi một bài ca cổ dài hơn 5 phút lại mang đến một câu chuyện, một số phận, một không gian sống động hoà quyện nhau một cách hoàn hảo (Sau này chính ông do vẫn “nặng nợ” với anh bán chiếu mà viết tiếp vở “Tình anh bán chiếu” nhưng không đặc sắc lắm, có lẽ bài ca này đã chắt lọc mọi tinh hoa câu chuyện rồi). Ai bảo người miền Tây hiền lành nhưng cục mịch, bộc trực nên khô khan? Viễn Châu cảm nhận được chất lãng mạn và thủy chung (đến “khờ khạo”) của anh chàng trai Nam Bộ khi yêu thương, suy nghĩ mông lung và chờ đợi vô vọng cô gái đặt mua chiếu, đan lát từng sợi chiếu như đang hoàn thành một kỉ vật tình yêu, còn trách hờn người ta đi lấy chồng (dù cô ấy chẳng hứa hẹn gì!). Cuộc sống nhọc nhằn khốn khó không ngăn được người ta biết yêu, biết hi vọng dẫu hi vọng có thể sẽ thất vọng “tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nác, bước chân đi như thể xác không hồn”. Nhưng sâu thẳm bên dưới nỗi buồn “thất tình” đó là nỗi cô đơn của một kiếp người cơ cực bị lãng quên “đến khi họ cất bước sang ngang lại ko một lời hỏi han từ giã, đến đôi chiếu bông tôi đã bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã mà nay vẫn còn nằm trơ ở dưới khoang thuyền”. Tình anh bán chiếu và NSND Út Trà Ôn dường như “sinh ra là để dành cho nhau vậy”, cùng mang một nét buồn xa vắng, đậm chất tự sự, chân phương và mộc mạc; đó là lý do mà dù bao nhiêu năm trôi qua vẫn không (và sẽ không) có một “anh bán chiếu” nào có hồn như “anh Út Trà Ôn”.

Ngoài những tác phẩm này, ông còn cóthể hiện tâm hồn nhạy cảm trước nỗi bất hạnh của con người như Em bé đánh giày (NS Minh Cảnh ca), Em bé vớt lon bia (NS Minh Cảnh ca), Tình người cung nữ (NS Hồng Nga ca), Tiếng đàn trong ngục tối (NS Lệ Thuỷ ca), Dưới gốc cao su (NS Dũng Thanh Lâm ca)… - thể hiện tình thương một cách chân thật, sâu sắc mà dung dị, như chính tính cách của ông.

2. Tình yêu

Tất nhiên, một số lượng lớn trong bộ tác phẩm đồ sộ của ông cũng dành cho chủ đề muôn thuở của con người – tình yêu. Nổi tiếng và đi vào lòng người sâu đậm nhất là bài Võ Đông Sơ (gắn liền với giọng ca NS Minh Cảnh), Bạch Thu Hà (qua giọng ca NSUT Lệ Thuỷ). Những câu ca “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mùng em không tới nơi” đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người mê cải lương, từ những giọng ca nghêu ngao trong các bữa nhậu đậm phong cách miệt vườn đến trên sân khấu (nhân vật hề trong vở Bàn thờ tổ một cô đào do NSUT Bảo Quốc thủ diễn cũng hát 2 câu này). Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà là nhân vật của nhà văn Tân Dân Tử trong tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” (xuất bản năm 1954) về tư tưởng “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Thế nhưng, bằng tài năng của mình, ông đã thổi luồng gió trữ tình – bi tráng vào câu chuyện tưởng chừng như quá quen thuộc ấy: một sự chia li, một vẻ chết chóc nhưng không uỷ mị bởi những lời khiếp nhược hay nỗi sợ hãi. Người Nam bộ vốn tôn thờ hình ảnh một “anh hùng tử khí hùng bất tử” đầy vẻ hiên ngang nhưng nhất định phải nồng nàn tình cảm (âu cũng là triết lý duy tình của người Việt Nam). Chính vì vậy mà Võ Đông Sơ đã, đang và sẽ còn mãi một sức sống mãnh liệt, một vị trí đẹp trong lòng khán giả mộ điệu. Những câu đẹp nhất bài ca có thể kể đến “Rượu chia li ngày ấy tiễn anh đi, hoa lá bay theo gió ngựa phi”, “Lá rừng rơi rụng như mưa, phải chăng xây hộ nấm mồ cho ta?”, “Máu đào tuôn đẫm ướt nhung bào, chí anh hùng vùi trong kiếm đao”... Ít gây “sốt” hơn, Bạch Thu Hà tuy là một bài độc lập nhưng gắn bó mật thiết và cùng với Võ Đông Sơ tạo nên một bức tranh đẹp với tình yêu đôi lứa, chí khí anh hùng, lòng trung trinh tiết liệt.

Không may mắn được yêu và chết vì người yêu như Bạch Thu Hà, cô gái trong Lá trầu xanh chỉ có một tâm sự của người yêu rồi bị phụ bạc. Chuyện đơn giản và phổ biến tưởng chừng như sẽ nhàm chán. Ấy vậy mà bài Lá trầu xanh có một sức sống và sức hấp dẫn kì lạ. Có lẽ nhờ hình ảnh “trầu xanh” bàng bạc khắp bài ca – khi là gánh trầu cô gái bán mưu sinh hàng ngày, khi lại là trầu cau ngày cuới người yêu mà cô dâu không phải là mình. Nếu chỉ là một câu chuyện tình dang dở của một cô gái bình thường thì chưa chắc bài hát này đã dễ thương, dễ cảm đến vậy. Tác phẩm của Viễn Châu luôn gợi lên những hình ảnh gắn bó với cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống miền quê Nam bộ với những khung cảnh non nước (lúc là chợ nổi, lúc là bến phà, lúc là bến sông đỏ rực ô môi…), những con người chân chất và đầy tình cảm, những công việc mưu sinh bình dị… Cái đẹp thô mộc, chân thật và tràn đầy tình cảm trong tác phẩm của Viễn Châu vì vậy mà đi vào lòng người một cách tự nhiên và sâu nặng. Nghe Lá trầu xanh mà buồn cho một cô gái nghèo (chả ai gánh trầu xanh ra chợ bán mà giàu cả!), cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn tưởng chừng sẽ nhẹ nhàng hơn khi cô được hạnh phúc khi có một tình yêu trọn vẹn. Vậy mà trong “một ngày thu tàn hiu quạnh, khung trời mưa buồn buông lạnh” anh đã vui duyên mới. Mỗi một câu trong bài này đều toát lên vẻ u buồn nặng trĩu qua lăng kính của cô gái “mười tám xuân xanh đã mang mối tuyệt tình”. Không hiểu sao mỗi khi lắng nghe tâm sự này, tôi cứ cảm thấy đây không chỉ là tâm sự của một cô gái bán trầu, mà là cách suy nghĩ, cách “thất tình” của bất cứ cô gái làm nghề gì, cùng độ tuổi, cùng một hoàn cảnh sống nghèo và đơn điệu, “đặt cược” khá lớn cho “canh bạc” tình yêu rồi bị “phá sản”. Dẫu có buồn đến mức “Mưa rơi lạnh ướt khung trời/Anh phụ em rồi em còn biết tin ai” nhưng không tạo cảm giác yếm thế như kiểu thất tình rồi tự vẫn mà ta hay đọc được đâu đó trên báo. Thật không quá khi cho rằng Viễn Châu chia sẻ với đọc giả một tâm sự buồn trong sáng và “chính đáng”. Ta có thể tin vào lòng yêu cuộc sống của những con người mà Viễn Châu phản ánh vào tác phẩm của ông. Bài Mạnh Lệ Quân giữa bài, âm điệu trầm bổng, tràn đầy nỗi da diết, oán thán… như một điểm nhấn đầy cảm xúc và đáng yêu nhất của bài ca cổ. (Lần đâu tiên tôi được nghe NS Lệ Thuỷ trình bày bài này, chất giọng ngọt ngào, dễ thương và đậm đặc phong vị Nam Bộ của cô thực sự khắc một dấu ấn đẹp vào lòng tôi – có lẽ vì vậy mà dù nghe chỉ vài lần hồi bé mà tôi thuộc được cả bài Mạnh Lệ Quân này!)

Một mối tình buồn và đầy tâm sự khác mà tôi rất yêu thích là câu chuyện của rặng ô môi, của một sư nữ tật nguyền, của “bác Sáu giăng câu” và của một đứa con xa quê trong bài Bên rặng ô môi. Tôi “phải lòng” rồi đâm ra “nghiện” nặng giọng ca của Tấn Tài khi nghe ông hát bài này. Lời bài hát như những nét vẽ tuyệt vời và sống động cho một bức tranh quê hiền hoà và đẹp đến nhói lòng; mỗi câu chữ và giai điệu đều chở nặng tâm sự - tình yêu quê hương, sự bàng hoàng trước cảnh đổi thay xơ xác vì khói lửa, nỗi đau nhói lòng khi biết người yêu mình sau bao biến cố đã có chồng, vùi thân vào am tự rồi còn mất mát về thể xác. Dùng bài Lý con sáo để mở ra không gian buồn mênh mông, những câu vọng cổ độ dài vừa phải (giọng ca đẹp của những Tấn Tài, Út Trà Ôn, Minh Cảnh được phô diễn hoàn hảo khi nhả ra từng chữ một xoáy sâu tận lòng người) – nghe mà thấm, mà cảm được từng cung bậc cảm xúc một. Hãy nghe Tấn Tài cất câu vọng cổ đầu tiên “Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng tôi đà ớn lạnh sao gió đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rũ cánh rụng tơi bời” - bầu trời lộng gió của sông Tiền, sông Hậu như đang ở quanh đây, từng cánh ô môi như đang rơi rụng trước mắt… Tình với cô gái chỉ cần qua câu “em đãi tôi ăn bát canh mồng tơi với nồi cơm gạo mới rồi chia tay từ giã để lên đường”, chiến tranh tàn khốc và số phận cô gái được gói gọn trong câu chuyện kể lại của một ông lão giăng câu hàng xóm “con Tư nó đã lấy chồng từ 5 năm về trước nhưng số phần nó bạc phước vô duyên, chồng nó chết đi rồi không chỗ tựa nương nó buồn khổ vào chùa xin quy y thí phát, nhưng khói lửa vô tình không tha nơi phật tự giờ nó đã thành ra một sư nữ tật nguyền”. Nếu ai đó đang phải xa vùng sông nước quê hương để lang bạt góc trời nào đó, một chiều quay về lại bến nước năm xưa, nhìn một bóng dáng thân thuộc trên chiếc xuồng giăng câu, nhìn cội đa già đứng đó một cách “chung thuỷ”, một cánh hoa dân dã rơi rơi trên sông, tìm kiếm lại một con người của ký ức…. ắt sẽ hiểu cảm xúc dạt dào và vô tận như thế nào. Bao nhiêu là cảnh, bao nhiêu là tình, ấy vậy mà Viễn Châu “gói” cả vào bài ca này tinh gọn như thế!

Tình yêu đôi lứa là chủ đề chiếm khối lượng tương đối lớn trong bộ tác phẩm đồ sộ của ông, ngoài các bài trên có thể kể đến Lan (Út Bạch Lan ca), Lan và Điệp (Hồng Nga ca), Hoa trôi dòng nước bạc (Kim Ngọc ca), Người yêu nay đã có chồng (Tấn Tài ca)…

Đâu chỉ có tình yêu nam nữ, ông còn dành nhiều bài ca ngợi tình cảm gia đình như Ngày giỗ nhớ cha (Tấn Tài ca), Tình mẫu tử (Ngọc Giàu ca), Chim vịt kêu chiều (Hữu Phước, Hương Lan ca), Nhớ mẹ (Ngọc Giàu ca), Cha về cõi Phật (Lệ Thuỷ ca), Hương sen quê ngoại (Lệ Thuỷ, Minh Phụng ca)… Có khi, ông dành tình yêu của mình cho chính những đồng nghiệp trót mang “nghiệp cầm ca”, tiêu biểu nhất có thể kể đến Em yêu người nghệ sĩ (Lệ Thuỷ ca).

3. Nụ cười hóm hỉnh

Nghe ngần ấy nỗi lòng, tâm sự buồn mênh mang ta cứ ngỡ Viễn Châu trầm và buồn như chính các tác phẩm đó. Nhưng ông có nét hóm hỉnh, duyên dáng của một “ông già Nam bộ” mà ta có thể thấy qua nhân vật huyền thoại Bác Ba Phi hoặc bất cứ ông cụ vui tính nào đó mà ta có thể gặp trong đời thực. Những giai điệu vui, dí dỏm nhưng không kém phần sâu sắc đó ông “đặt trọn niềm tin” vào giọng ca của “quái kiệt” Văn Hường. Lúc thì đả kích thói sính Tây trưởng giả trong “Vợ tôi nói tiếng Tây”, lúc thì cười vào “giọng ca karaoke” của cô vợ ưa ca hát trong “Vợ tôi mê tân nhạc”, lúc là niềm tự hào đáng yêu của ông chồng dành cho bà vợ “Vợ tôi đẹp ác”, lúc thì châm biếm thói phóng nhanh vượt ẩu trong “Tai nạn Hon-đa” (mang tính thời sự đến tận hôm nay), lúc thì vui tưng bừng với mấy “ông già gân” Tư Ếch, Ba Râu… Nếu bạn biết rằng Viễn Châu rất duyên & hóm khi ông sử dụng nhiều kiểu nói, những câu hát nhại vui rất “thời thượng” thời bấy giờ, ví dụ như “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc 1 cái lên 3 con gà mái. Ôi hết tiền, thua hết tiền”, “Em đang đi trên câu Bông, té xuống sông ướt cái quần ni lông. Dzô đi em, dù trời khuya anh vẫn đưa em về”, “chạy (xe) cho hết hồn Lệ Thuỷ xanh mặt Mỹ Châu, Hoành Oanh kêu lính bắt…”, “siết (ga) cho Tấn Tài thua bạc, siết cho Thanh Hải ứa gan… Trường Xuân cạo trọc, Thanh Việt để râu…”. Rồi ông cũng dành nhiều bài hát vui để Văn Hường “réo” tên nhiều nghệ sĩ thân yêu như Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Tấn Tài, Trường Xuân, Thanh Hải, Út Hiền, Thanh Việt… Những cuộc hội ngộ của Tư Ếch, Ba Râu gợi lại những không khí gia đình, tình làng nghĩa xóm “dzui tưng bừng” ở miền quê. Thậm chí tích truyện nghiêm túc như Quan Công tha Tào vẫn có chỗ cho Văn Hường chọc cười khán giả! Nghe ca cổ mà cứ phải cười nghiêng ngửa như thế, vì vậy mà khi xưa trong những ngày lễ tết, đám cưới, những bài ca cổ vui này thường được khán giả vặn lên tạo không khí (nhà tôi cũng là một trong số đó). Mấy chục năm mà nghe lại những bài ca này vẫn thấy vui và những câu nói, những kiểu đùa ngày nào vẫn được “bảo tồn”! Nếu ai chưa từng cười khi nghe ca cổ, hãy thử nghe Viễn Châu – Văn Hường thử xem có… nhịn cười nổi không!

Vài dòng chưa điểm hết được những nét đặc trưng, những nội dung chủ yếu trong hàng ngàn tác phẩm của ông, hơi “tư lợi” một chút vì tôi điểm những bài hát mà tôi yêu nhất trong nhiều bài của Viễn Châu mà tôi thích! Trong một bộ phận lớn của ông, ta luôn cảm nhận được cái tình, cái cảnh và cuộc sống của vùng sông nước phương Nam – như một lời giới thiệu cho khách phương xa và chia sẻ tình yêu với những tâm hồn Nam bộ, dù đang ở quê hay xa xứ. Ông cũng mang đến nhiều tâm sự của nhân vật trong tích Tàu (vốn quá quen thuộc với người Việt Nam) như Hạng Võ biệt Ngu Cơ (Tấn Tài, Lệ Thuỷ, Điền Tử Lang ca), Bàng Quý Phi (Tấn Tài), Tôn Tẩn giả điên (Út Trà Ôn ca), Đào Tam Xuân (Út Bạch Lan ca), Hận Kinh Kha (Tấn Tài ca), Trang Tử thử vợ (Hữu Phước ca), Hạng Võ Sở Bá Vương (Hà Bửu Tân ca)… hoặc những nhân vật “Made in Vietnam” như Trọng Thuỷ Mỹ Châu (Ngọc Giàu ca), Người điên yêu trăng (Minh Cảnh ca), Tâm sự Mộng Cầm (Tấn Tài, Phượng Liên ca)… hoặc triết lý sâu sắc của nhà Phật trong Thích Ca tầm đạo (Út Trà Ôn ca), Tu là cội phúc (Minh Cảnh ca)…

Cũng xin lan man thêm tí xíu với một số giọng ca tuyệt vời gắn bó với các bài hát của Viễn Châu. Bài hát của Viễn Châu hay, điều này không có gì phải phủ nhận. Nhưng những giọng ca “tê tái lòng người” là cầu nối, là kênh chuyển tải, là sự thể hiện cái đẹp của từng câu chữ, từng giai điệu trên giấy, tạo nên những bông hoa thơm ngát trong hoa viên cải lương. Đó là một Út Trà Ôn – tinh hoa của những nét đẹp mộc mạc, tinh khiết nhất. Đó là Tấn Tài với cách nhả chữ khi xuống vọng cổ làm tê tái lòng người và một chất giọng buồn xa vắng. Đó là Minh Cảnh ngọt ngào, truyền cảm (nói chung, cả ba NS này tôi đều yêu chất giọng chân phương, đầy cảm xúc cả). Đó là một Lệ Thuỷ trẻ trung, dễ thương và trong sáng; một Ngọc Giàu dịu dàng và da diết, một sầu nữ Út Bạch Lan với chất giọng “buồn còn hơn những điệu đàn thiên cổ”… Trong số đó, tôi xin trân trọng nhắc đến một người, tuy còn ít người biết đến, tuy không “hồng nhan” nhưng lại bạc phận – đó là NS Hà Bửu Tân (ông mất khá sớm nên để lại không nhiều tác phẩm). Lần đầu tiên nghe ông hát Xuân đất khách của Viễn Châu mà tôi ngỡ ngàng đến sung sướng. Chất giọng sang trọng nhưng vẫn gần gũi, trau chuốt nhưng vẫn tự nhiên, không điệu đàng, khoáng đạt mênh mông mà vẫn tinh tế, dịu dàng.

Tuy không phải là người nghiên cứu văn hoá chuyên nghiệp lại có phần hơi võ đoán, tôi trộm nghĩ những bài ca của Viễn Châu dễ đi vào lòng người miền Nam vì những bài buồn nẫu ruột và cũng vì những bài vui thật vui đó. Người ta dễ nhận thấy người miền Nam hiền hoà, phóng khoáng (chơi thì “xả láng”, nhậu “quắc cần câu”) và rất lạc quan yêu đời nên họ “khoái” những bài ca cổ hài thật dễ hiểu. Vậy còn những bài buồn? Cảnh tình sông nước đẹp nhưng buồn, người miền Nam tuy hào sảng đó nhưng cuộc sống thực sự vẫn vô vàn khó khăn. Từ khi khẩn hoang, chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc sống lao động vất vả, họ luôn phải lạc quan để sống nhưng không phải dửng dưng và hời hợt mà không biết buồn biết khổ. Rồi tâm lý dễ mềm lòng, muốn chở che những mảnh đời bất hạnh, đồng cảm với những con người khốn khó… Tất cả những điều đó làm cho những bài ca buồn, những nghịch cảnh éo le trong tác phẩm của Viễn Châu đi vào lòng họ một cách tự nhiên nhất. Kiểu vui, kiểu buồn, kiểu yêu, kiểu ghét trong bài ca của Viễn Châu đích thị là những kiểu rặc Nam bộ: cười vui lạc quan về cuộc sống, buồn vì góc tối cuộc đời nhưng có khi chạnh lòng chỉ vì cảnh tình sông nước, cô gái thì thuỷ chung chờ đợi, chàng trai thì nhút nhát âm thầm, ghét những thói trưởng giả và giả tạo, yêu những điều tốt đẹp không đo bằng thước đo vật chất… Cuộc sống đang biến đổi, tâm tình con người cũng khác đi nhưng những giá trị tinh thần ấy vẫn mãi là những nét đặc trưng đáng yêu của vùng đất phương Nam “coi dzậy mà hổng phải dzậy” – thoáng trông như đơn giản mà có vô vàn điều thú vị chờ ta khám phá… Hi vọng rằng cơn bão vật chất và làn sóng đô thị hoá sẽ không làm mất đi những giá trị tốt đẹp của nông thôn, cụ thể là vùng đất phương Nam. Hi vọng và tin tưởng thế. Vì không còn cái đẹp thì cuộc sống có còn là cuộc sống đâu?


Bài viết được viết trên Blog Yahoo!360 vào ngày 22/11/2006
__________________
phanphuong
phanphuong is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến

Chủ đề tương tự
Ðề tài Người Gởi Chuyên mục Trả lời Bài mới gởi
Lê Quý Đôn tuột dốc rồi sao???? Swan Góc "Tám" 11 30-07-2008 11:12 AM
Danh sách bài tân cổ,tuồng cải lương myhanh Cải lương 1 11-01-2007 05:37 PM
Tiếu Ngạo Giang Hồ - Kim Dung cobemongmo Kim Dung-Tác giả & Tác phẩm 50 31-10-2006 06:00 PM
Thị trường viễn thông di động giảm cước duonghoanghiep ..:: Thảo luận nghiêm túc ::.. 1 01-01-1970 07:00 AM


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:41 PM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps