Originally posted by Phuong Thao@Dec 23 2004, 02:09 PM Nó vội mở cặp lấy tập ra. Con nhỏ ngồi kế bên la lên : "trời ơi! trong cặp mày sao có cái này nữa" :o Ôi! thì ra là cái..... nó vội thay đồ nên bỏ quên vào trong đây luôn. Cũng tại giấc mơ.....
tieunhoc bé người, suy nghĩ nông cạn...... hổng hiểu cái đồ vật gì đang được đề cập trong bài viết, xin tác giả, hoặc các cao thủ võ lâm nào..... giải thích dùm đê
__________________
Có những lúc thật BUỒN nhưng người ta vẫn cứ phải CƯỜI
Khi đã về khu nội trú mới lũ con trai chúng tôi tưởng đã thoát khỏi cảnh "phơi xương" mỗi khi chiều xuống bên hồ tắm. Thế nhưng mọi chuyện vẫn cứ y như cũ. Có điều bây giờ hồ nước tắm đã nằm một khoảng cách khá xa nhưng cũng nằm trơ ra trước dãy phòng các bạn nữ. Cứ mỗi buổi chiều về, đứng trên lầu 1 từ các phòng nữ, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh "đoàn quân gầy guộc" đang dàn hàng ngang, chuyền tay nhau xối từng thùng nước. Những hôm nào hết nước mà người ta chưa kịp bơm thì một thằng phải khum người vào hồ, tay cầm thùng nước. Những thằng còn lại phải giữ hai chân của thằng kia cho nó không phải rơi tỏm xuống hồ. Cực khổ là vậy!
Ban đầu tiếp nhận khu nội trú từ trường Cao đẳng chúng tôi còn được thừa kế từ các anh một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ để thay đổi trang phục khi tắm. Nhưng vì ngôi nhà làm bằng gỗ tạp, vốn đã có tuổi nên nó cứ ọp ẹp dần. Qua một mùa mưa nắng những miếng vách gỗ cứ lần lượt rơi dần. Ác một nổi ba mặt vách kia còn khá nguyên vẹn, chỉ có một mặt đã trống hoát thì nó lại quay về hướng... các phòng nữ. Thế là chẳng thể nào dùng căn phòng ấy để thay đồ vì nó chỉ có tác dụng che kín được ... phần đầu mà thôi.
Cái khó ló cái khôn. Một thằng trong lúc loay hoay tìm chổ thay đồ đã phát hiện ra rằng giữa cái hồ có cái nắp vuông khá lớn. Bên dưới cái nắp ấy, phía trong hồ có một cây đà bêtông khá lớn được xây để giữ thành hồ. Mùa khô nước hồ cạn, cây đà trồi lên khỏi mặt nước và rất khô ráo. Khi đứng trên cây đà ấy thì bề mặt nắp hồ đúng bằng ngang ngực. Có thể tận dụng chổ này! Thế là hết thằng này đến thằng khác lần lượt nhảy vào hồ. Từ xa trông lại cái hồ nước giống như một chiếc xe tăng, còn tên đứng trong hồ nhô nửa người ra trông dõng dạt như một người chỉ huy lái xe tăng xông trận. Thuật ngữ "lái xe tăng" ra đời từ đó. Trong những năm tháng ấy không biết có bao nhiêu lượt người "lái xe tăng" nhỉ.
Đứng trong 'cổ xe tăng" ấy thì gần như là an toàn tuyệt đối. Nhưng sự đời nào yên ả thế. Bên hông hồ nước lại là con đường "độc đạo" của chị em đi từ nội trú lên hồ nước uống để lấy nước về dùng. Cả ngày bận học hành nên chỉ có buổi chiều là chị em nhà ta xách những thùng nhựa đi lấy nước. Một hôm có một tên nhảy vào hồ nước và mới tiến hành được 1/2 "thao tác" thì chực nhớ mình còn bỏ quên nhiều thứ trên nắp hồ. Thế là một chiếc khăn được quấn vội vàng và hắn nhảy ra. Chẳng biết hắn hứng chí thế nào mà nhảy nhót loạn xạ. Tội nghiệp cho chiếc khăn quấn vội vàng ấy không đủ sức theo kịp những cử động loạn xạ của hắn nên đã từ từ rơi xuống. Vừa lúc đó thì có một chị tay xách can nước đi về. Quá đỗi bất ngờ trước tình huống ấy, chị ta chỉ còn biết hốc mồm rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo đến nỗi can nước rơi xuống đất vỡ tan tành!
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
Tiếc là anh chưa có dịp nào làm bể can nhựa thì đã ra trường rồi. Cái vụ lái xe tăng diễn ra vào những ngày cuối anh ở nội trú. Năm ấy em đang học lớp 11. Không biết một năm ở lại em có tham gia lái xe tăng không?
Em cũng ở nội trú cả ba năm vậy thì vào kể một vài chuyện gì mà em tâm đắc nhất đi.
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
Nhân dịp đọc bài viết của Hạnh Uyên và Dế Mèn mình rất xúc động về những kỷ niệm ngày còn học dưới mái trường Lê Quý Đôn chúng ta. Bây giờ mỗi khi nhắc về ngôi trường ấy điều ấn tượng nhất đọng lại trong lòng mình vẫn là tinh thần đoàn kết anh em tương thân tương ái vô cùng tươi đẹp. Mình cũng đã nhiều lần viết về tinh thần ấy. Văn hoá nội trú là những gì rất đời thường, rất bình dị, là những câu chuyện kể không tên, là những gì rất thân quen khi xa cách mới giật mình thấy nhớ. Mình xin phép nhóm những câu chuyện kể của Dế Mèn và Hạnh Uyên thành một câu chuyện và đặt tên là "Tinh thần cổ động" để tiếp tục kể về những ngày tháng ấy.
Nói về tinh thần cổ động của trường chúng ta thì không chê vào đâu được. Nhờ tinh thần ấy mà chúng ta đã nhiều lần làm nên những điều thần kỳ tưởng chừng như không thể. Tôi không thể nào quên những lần đi cổ động đá bóng. Ngày ấy rất vui, cứ đến lần thi đấu là các chị em nhà ta khệ nệ xách thùng đá, bánh kẹo rồi đèo nhau đến sân thi đấu la khản cả giọng.
Tôi nhớ nhất là lần thi đấu của những anh khối 92 với trường Tân An vào năm 1995. Ngày ấy lực lượng nam cầu thủ của chúng ta rất mỏng. Trường ta những năm ấy mỗi khối có 3 lớp, mỗi lớp chỉ có khoảng chừng 20 học sinh. Trong đó lớp D và B chỉ có 3 hoặc 4 nam mỗi lớp. Còn lại trông chờ vào lớp A cũng chỉ khoảng trên dưới 10 nam sinh. Tổng cộng chưa đến 20 nam nhưng đâu phải ai cũng đá bóng được. Đã vậy hơn nửa thành phần có thể thi đấu ấy là dân nội trú nên lượng lực cầu thủ của chúng ta vốn đã ốm lại càng... thêm yếu. Vì vậy mỗi lần có giải thi đấu với các trường bạn như Tân An, Bán công Tân An, Huỳnh Ngọc là điều rất khó khăn. Tuy vậy, các anh chị năm ấy đã làm nên một điều ngoạn mục.
Buổi chiều hôm ấy mới đầu giờ mà khoảng sân trường đã đông nghẹt các anh chị khối 92 với tất cả các lớp A,B,D. Không khí thật sôi động. Hôm ấy lớp chúng tôi học giờ văn thầy Hải ở tầng trệt. Nhìn ra cửa lớp là thấy ngay khung cảnh thi đấu. Mặc dù rất háo hức nhưng nài nỉ mấy thầy cũng không cho nghỉ học để cổ động cho các anh. Thế là "thân thể ở trong lớp, tinh thần ở ngoài lớp". Phía trên thầy giảng, chúng tôi vẫn hướng mắt về bục giảng nhưng tai hoàn toàn để ngoài sân. Vì vậy mà thầy giảng, thầy hỏi gì cũng không thấy đứa nào trả lời nhưng ngoài sân vừa nghe tiếng "dô" là trong lớp chúng tôi hưởng ứng "dô" vang dội. Đến lần thứ ba thì thầy đành phải mỉm cười cho chúng tôi ra xem và bảo rằng "tụi nhỏ này hết nói".
Chúng tôi túa ra sân nhanh chóng hoà vào la hét cùng các anh chị. Chúng tôi ngồi kín cả hai góc khung thành. Mỗi lần bóng trước khung thành đối phương chúng tôi cổ vũ phe mình vang dội. Các anh có thêm tinh thần đi bóng vào lưới liên tục. Còn mỗi lần đội bạn đến trước khung thành chúng ta, chúng tôi la hét đến khản giọng đến nổi phe kia, toàn là lực lượng hùng mạnh, "cứng giò" không thể nào đá được. Trận ấy chúng ta thắng đậm với một tỉ số không ngờ. Hình như là 8-1. Quả là một điều kỳ diệu chưa từng có.
Rồi mỗi lần thi hùng biện và báo tường với các trường chúng tôi cũng lũ lượt kéo đi hò hét, cổ vũ và đem về rất nhiều giải thưởng. Có những cuộc thi trường chúng ta giành hết các giải nhất, nhì, ba. Những ký ức ấy chúng tôi không thể nào quên.
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
Vô cùng xúc động khi đọc lại câu chuyện cũ đã một thời gắn bó với khu nội trú của mình trong những năm 1995-1996.
Bài này của tác giả Nguyễn Thị Xuân Đào 93D05. Đào viết truyện ngắn này vào năm học lớp 12. Ban đầu bài viết được đăng trên báo xuân của trường năm 1996. Câu chuyện đã gây ra một "tiếng vang" sau khi được đăng vì xảy ra một sự cố nhỏ. Xét về truyện ngắn thì đây là một câu chuyện vui, tác giả đã hư cấu một phần nhưng phản ánh rất sinh động cuộc sống nội trú ngày ấy nên mọi người rất thích.
Thế nhưng sau khi thầy hiệu trưởng đọc xong thầy giận dữ bảo rằng tụi nội trú thật là quá đáng, dám ăn trộm chuối và phá phách làm mất thể diện nhà trường và thầy đòi kỷ luật tác giả vì dám viết một chuyện như thế lên tạp san của trường. Nghe xong ai cũng phì cười vì không ai lại đi xử tội một người vì những tình tiết trong một truyện ngắn. Cho dù những tình tiết đó là thật đi chăng nữa thì tác giả vẫn có quyền bảo lưu như một câu chuyện hư cấu.
Không ngờ sau đó câu chuyện này lại được đăng trên báo Văn nghệ Long An 1997, tức sau một năm nó ra đời.
Chuyện trộm chuối thì có nhiều, nhưng câu chuyện này đúng là đã từng được nhắc đến trong diễn đàn và mình đã phải cân nhắc khi kể những câu chuyện như "Của trời cho", "Sát cẩu"...
Để giúp bạn Dế Mèn và mọi người hiểu rõ hơn về các nhân vật trong chuyện, mình xin chú thích một số nhân vật như sau:
1. Tác giả Nguyễn Thị Xuân Đào, quê ở Long Định, Cần Đước. Hiện đang công tác tại tập đoàn khách sạn Rex Sài gòn. Đào là một trong những cây bút có khiếu văn chương của 93D trước đây.
2. Dung - có lẽ là bạn Kim Dung 93D03- quê ở Bình Lãng, Tân Trụ. Hiện Dung đang là giáo viên tại trường Bến Lức.
3. Thy - Nguyễn Thị Kim Thi 93D21- quê ở Tân Trụ, Thi tính tình kín đáo, ít nói nhưng rất tình cảm. Hiện Thi đang công tác tại ĐH Cần Thơ.
4. Thy Ca - Tôn Nữ Thy Ca 93D01 - quê ở Phước Vân, Cần Đước. Hiện nay Thy Ca công tác tại hãng Hàng không Việt Nam.
5. Yến - Phan Thái Hải Yến 93D26 - quê ở Phước Vân, Cần Đước. Hiện nay Yến đang công tác tại Hải quan Thành phố HCM.
6.Lam - Đặng Phương Lam 93D10 - quê ở Phước Lý, Cần Giuộc. Hiện nay Lam công tác tại Long An.
7. Thuận lớp 93A
8. Vân - có hai bạn cùng tên Vân lớp 93B quê ở Tân Trụ.
Tất cả các bạn này đều chung một phòng trong ký túc xá. Còn nhân vật Hiệp trong đó thì chắc hẳn là mình. Nhưng đây chỉ là một chi tiết hư cấu mà thôi vì đêm hôm đó mình không tham gia đi hái chuối mà chỉ góp phần chia chác "chiến lợi phẩm" mà thôi.
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
Câu chuyện này thuộc loại xưa lắm rồi khi nó xảy ra lúc trường ta còn ở khu nội trú bên đường Thủ Khoa Huân.
Sau khi biết được kết quả thi đầu vào, tôi cùng một vài người bạn háo hức về trường trước ngày khai giảng. Đêm đầu tiên của cuộc đời nội trú nỗi nhớ nhà được xua đi bởi không khí ấm cúng vui vẻ của các anh chị khối 91 đang chuẩn bị sinh nhật cho ai đó. (Sau này mới biết là sinh nhật của "đại ca" H). Các anh chị nấu nướng phía sau nhà bếp. Khu nhà bếp khi ấy còn khá bề bộn giữa trấu đun bếp, dụng cụ nấu nướng và có khi một ít rác rưởi. Mái nhà thì bị dừa khô rụng bể toang hoác nên khi trời mưa xuống lại càng thêm ẩm ướt. Vì vậy mà khi có nhu cầu đun nấu anh chị em ta cứ ra tìm một ít củi khô phía sau trường, nhặt ba hòn gạch thì có thể bắt bếp ở bất cứ chổ nào trong cái khu vực gọi là "nhà bếp" ấy. Hôm ấy các anh chị nấu một nồi chè to tướng. Có lẽ vì to quá nên những mớ củi do các "sĩ phu" (chứ không phải "tiều phu") nhặt được đã không đủ để đun. Thế là một cái chân bàn to tướng đặt trong kho tự bao giờ đã nhanh chóng biến thành củi và sau khi đun vẫn còn một phần cái chân bàn còn sót lại.
Trong khu nội trú lúc ấy có ba tên "tân binh" mới chân ướt chân ráo về trường thấy như vậy thì lấy làm thích lắm. Những ngày ăn cơm bụi bên ngoài đã chán nên ba tên rủ nhau nấu cơm ăn cho vui. Thế là củi tự nhiên đã cạn dần và ba tên phải đi tìm nguồn "năng lượng" khác. Trong lúc tìm thì ba tên phát hiện phía trong khu bếp ấy có một cái giường cũ bỏ hoang. Vì bị mưa dột ướt nên các vạc giường đã mục dần. Không biết cái giường ấy để làm gì (và cho rằng cái giường không còn công dụng) nên ba tên tháo dần mấy cái vạc giường đun bếp. Chẳng bao lâu, cái giường ấy chỉ còn lại cái khung trơ trọi...
Ngày khai giảng đã đến, học sinh trở về. Các cô phụ trách nấu bếp cũng trở lại công việc. Ngay khi khai giảng mọi người trở về lớp và bắt đầu buổi học đầu tiên. Không khí ngày đầu năm học nghiêm trang và mọi người đang lắng nghe thầy cô giảng bài. Không gian im lặng....Bỗng đâu từ phía khu nhà bếp tiếng cô Châu vang lên thánh thót. " Tụi học trò này thật là quá đáng. Cái giường tao ngủ trưa mà nó cũng không chừa, chỉ trong vòng mấy tháng hè mà nó đã đun hết vạc giường giờ chỉ còn lại mỗi cái khung thì còn làm gì được nữa..." Thế là cô cứ ê a từ đầu đến cuối dãy phòng học. Lớp học đang nghiêm trang bỗng vỡ oà. Thầy cô thì tủm tỉm cười còn ba tên kia thì dù không ai phát hiện mặt cũng đỏ như ba quả gấc.
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
thay đổi nội dung bởi: duonghoanghiep, 11-09-2006 lúc 03:52 PM.
Đã lâu rồi chuyên mục chuyện nội trú không có câu chuyện nào được kể tiếp. Đã hơn 10 thế hệ đi qua cùng khu nội trú chẳng lẽ chúng ta chỉ có ngần ấy câu chuyện thôi sao? Chắc chắn chúng ta sẽ còn rất nhiều câu chuyện vô cùng thú vị mà chưa khai thác hết.
Vậy ai đã từng trải qua những năm tháng cùng khu nội trú có những câu chuyện vui buồn mà ngày xưa còn giữ kín đến tận bây giờ thì hãy tiếp tục vào đây mà kể. Mong mọi người tiếp tục hưởng ứng.
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...