Chương 34
Người lái xe đón giám mục Aringarosa tại sân bay quốc tế Leonardo de Vinci lái đến một chiếc Fiat nhỏ, màu đen không lấy gì làm oách lắm. Aringarosa nhớ lại cái thời mà tất cả phương tiện đi lại của Vatican đều là những chiếc ô tô lớn, sang trọng, trưng lên nào huy hiệu, nào là cờ có in con dấu của Toà Thánh Vatican. Những ngày ấy đã qua rồi. Xe của Vatican bây giờ ít phô trương hơn và hầu như không bao giờ mang dấu đặc trưng gì.
Vatican nói rằng đó là cách cắt giảm chi phí để phục vụ tốt hơn cho giáo phận của họ, nhưng Aringarosa ngờ rằng điều đó nặng về biện pháp an ninh hơn. Thế giới đã trở nên điên loạn, ở nhiều nơi của châu Âu, phô trương tình yêu Chúa Jesus Christ cũng giống như vẽ một mục tiêu ngắm bắn lên mui xe của mình.
Xốc lại chiếc áo thụng, Aringarosa leo lên ghế sau, an tọa chuẩn bị cho chuyến đi dài đến lâu dài Gandolfo. Nó hẳn cũng giống như chuyến đi cách đây năm tháng của ông.
Chuyến đi Rôma năm ngoái, ông thở dài. Cái đêm dài nhất trong đời mình.
Năm tháng trước đây, Vatican đã gọi điện yêu cầu Aringarosa có mặt ngay tại Rôma. Họ không giải thích gì cả. Vé của ông đã được đặt ở sân bay. Toà Thánh Vatican ráng hết sức duy trì một màn bí mật, ngay cả với những giáo chức cao nhất.
Những cuộc triệu tập bí mật, Aringarosa đoán, có lẽ là một dịp chụp ảnh Giáo hoàng và các quan chức Vatican khác để quảng cáo cho thành công mới đây của Opus Dei hoàn thành Trụ sở Quốc gia của bọn họ ở thành phố New York. Tờ Architecrural Digest gọi toà nhà của Opus Dei là "một ngọn hải đăng rực sáng của Chính giáo Thiên Chúa được hội nhập một cách siêu tuyệt vào cảnh quan hiện đại"; và gần đây, dường như Vatican bị hấp dẫn bởi bất cứ thứ gì có chứa từ "hiện đại".
Aringarosa không có chọn lựa nào ngoài việc chấp nhận lời mời, mặc dù miễn cưỡng. Không phải là người ngưỡng mộ sự điều hành của Giáo hoàng hiện tại, Aringarosa, như đa phần giới tu sĩ bảo thủ, đã rất quan ngại theo dõi vị Giáo hoàng thụ nhiệm trong năm đầu tiên của ngài. Là người tự do tư tưởng chưa từng thấy, Đức Cha đã giành được chức Giáo hoàng thông qua một trong những phiên họp Hồng y bất thường nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử toà thánh Vatican. Bây giờ, thay vì khiêm nhường về sự đăng quang bất ngờ của mình, Giáo hoàng đã không lãng phí thời gian vào việc phô trương uy lực gắn với cơ quan tối cao trong cộng đồng Cơ đốc giáo toàn thế giới. Lợi dụng một làn sóng náo động ủng hộ tự do chính trị trong trường đại học của các Hồng y giáo chủ, Đức Giáo hoàng giờ đây tuyên bố thiên chức Giáo hoàng của mình là "làm trẻ lại học thuyết của Toà thánh Vatican và cập nhật Ki tô giáo vào thiên niên kỉ thứ ba".
Aringarosa sợ rằng sự chuyển đổi là ở chỗ con người này thực sự kiêu kì đến mức nghĩ rằng mình có thể viết lại những giới luật của Chúa và giành lại trái tim của những người cảm thấy yêu cầu của Ki tô giáo đã trở nên quá bất tiện trong một thế giới hiện đại.
Anngarosa đã sử dụng mọi ảnh hưởng chính trị của mình - khá lớn do quy mô của Opus Dei và ngân sách của họ để thuyết phục Giáo hoàng và các cố vấn của Ngài rằng: nới lỏng giáo luật của Giáo hội không chỉ là thiếu lòng tin, hèn nhát mà còn là tự sát chính trị. Ông còn nhắc nhở họ rằng biện pháp giảm nhẹ giới luật Giáo hội trước đây - thảm bại của Vatican II đã để lại một di hại nặng nề: số người đi lễ nhà thờ giảm xuống mức thấp hơn bất kỳ thời điểm nào, nhưng nguồn quyên tặng cạn kiệt và thậm chí không có đủ linh mục để quản lý các nhà thờ.
Giáo dân cần sự sắp xếp và hướng dẫn phía nhà thờ, Aringarosa nhấn mạnh, chứ không phải sự nâng niu hay chiều chuộng!
Tối hôm đó, cách đây mấy tháng, khi chiếc Fiat rời sân bay Aringarosa đã ngạc nhiên khi thấy xe không đi về phía Toà Thánh Vatican mà về phía đông, lên một dốc núi ngoằn ngoèo.
"Chúng ta đang đi đâu đây?" ông hỏi người tài xế.
"Khu đồi Alban", gã đáp. "Nơi gặp là ở lâu đài Gandolfo".
Dinh mùa hè của Giáo hoàng? Aringarosa chưa bao giờ đến, hay thậm chí muốn thấy nó. Ngoài chức năng là nhà nghỉ mùa hè của Giáo hoàng, cái tòa thành xây hồi thế kỷ 16 này đã từng là Specula Vatican - đài thiên văn của Toà Thánh Vatican một trong những đài quan sát thiên văn hiện đại nhất châu Âu.
Aringarosa xưa nay vẫn khó chịu với cái nhu cầu từ trong lịch sử của Vatican là học đòi làm khoa học. Căn cớ gì mà phải hoà quyện khoa học với đức tin? Khoa học khách quan không thể thực hành bởi một người có đức tin ở Chúa. Mà đức tin cũng chẳng cần đến khoa học để xác nhận một cách vật thể những tín ngưỡng của nó.
Mặc dù vậy, nó vẫn đó, ông nghĩ khi lâu đài Gandolfo hiện ra, sừng sững trên nền trời tháng mười một đầy sao. Từ con đường vào, Glandolfo trông giống một con quái vật bằng đá khổng lồ đang tính làm một cú nhảy tự sát. Chon von ngay trên gờ một vách đá, toà lâu đài ngả mình ra bên trên cái nôi của nền văn minh Ý cái thung lũng từng chứng kiến cuộc chiến giữa những thị tộc Orazi và Curiazi, từ rất lâu trước khi lập ra đế quốc La Mã.
Ngay cả ở dạng bóng in trên nền trời, lâu đài Gandolfo cũng là một cảnh tượng đáng ngắm nhìn một điển hình đầy ấn tượng của kiến trúc phòng thủ nhiều tầng, phản ánh sự đắc dụng của khung cảnh bên vách đá cheo leo này. Đáng buồn thay - giờ đây Aringarosa thấy rõ - Vatican đã làm hỏng toà lâu đài bằng cách xây dựng hai cái vòm nhôm to tướng chứa kính viễn vọng trên mái, khiến cho tòa kiến trúc từng một thời uy nghi tựa một chiến binh lẫm liệt này trông như đội hai chiếc mũ chóp.
Khi Aringarosa bước ra khỏi xe, một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi chạy ra chào ông: "Chào mừng giám mục. Tôi là Cha Mangano.
Một nhà thiên văn ở đây".
Chúc cha tốt lành! Aringarosa lầm bầm chào rồi đi theo người đón tiếp mình đến phòng đợi của toà lâu đài một không gian rộng mở với cách bài trí pha trộn vô duyên giữa nghệ thuật Phục hưng và những hình ảnh thiên văn học. Theo sau người hộ tống lên một chiếc cầu thang đá hoa cương rộng lớn, Aringarosa nhìn thấy những kí hiệu của những trung tâm hội nghị, giảng đường khoa học, và các dịch vụ thông tin du lịch. Ông lấy làm ngạc nhiên khi nghĩ rằng Vatican chẳng bao giờ đem lại được những hướng dẫn mạch lạc và nghiêm ngặt cho sự phát triển tâm linh, nhưng bằng cách nào đó vẫn kiếm ra thời gian để tổ chức những buổi thuyết trình về thiên văn học cho du khách.
"Hãy nói cho tôi biết", Aringarosa nói với vị thầy tu trẻ tuổi, "khi nào thì cái đuôi bắt đầu vẫy con chó?".
Vị thầy tu nhìn ông lạ lùng: "Thưa ngài?".
Aringarosa phẩy tay, quyết định không tung ra lời công kích cụ thể nào nữa trong buổi tối hôm nay. Vatican điên mất rồi! Giống như một bậc phụ huynh lười biếng cảm thấy thà chấp nhận những trái thói của đứa con được nuông chiều còn hơn là cương quyết dạy bảo nó về những giá trị, Nhà Thờ chỉ một mực nới lỏng, mọi lúc mọi nơi, cố gắng thay đổi chính mình để thích nghi với một nền văn hoá lầm đường, lạc lối.
Hành lang của tầng trên cùng rộng rãi, sang trọng, và dẫn về một hướng duy nhất một loạt cưa gỗ sồi lớn với tấm biển đồng:
BIBLIOTECA ASTRONOMICA
(Thư viện Thiên văn học)
Aringarosa đã được nghe nói nơi này thư viện thiên văn của Toà thánh Vatican người ta đồn rằng nó chứa tới hơn 25.000 tài liệu gồm cả những công trình quý hiếm của Copernicus, Galileo, Kepler, Newton, và Sechi. Người ta cho rằng đây cũng là nơi các quan chức cấp cao nhất của Giáo hoàng sắp xếp những cuộc gặp riêng tư… những cuộc gặp mà họ không muốn diễn ra trong khuôn viên Toà Thánh Vatican.
Hẳn lúc đến gần cửa, giám mục Aringarosa không sao tưởng tượng nổi cái tin choáng người ông sắp nhận được bên trong căn phòng ấy, hoặc chuỗi sự kiện chết chóc nó sẽ khởi động.
Phải một giờ sau, khi loạng choạng bước ra sau cuộc gặp gỡ, ông mới thấm những ngụ ý ghê gớm. Sáu tháng tính từ bây giờ! Ông đã nghĩ. Chúa giúp đỡ chúng con!
Giờ đây, ngồi trong chiếc Fiat, giám mục Aringarosa nhận ra là mình đã nắm chặt tay lại tử lúc nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên đó ông thả lỏng bàn tay, cố gắng hít sâu, thư giãn cơ bắp.
Mọi thứ rồi sẽ êm đẹp, ông tự nhủ khi chiếc Fiat đi sâu hơn vào trong núi. Tuy nhiên ông vẫn mong điện thoại di động đổ chuông. Tại sao Thầy Giáo chưa gọi cho mình nhỉ? Lúc này chắc hẳn ở Paris, Silas đã có được viên đá đỉnh vòm.
Cố gắng thư giãn thần kinh, giám mục suy ngẫm về viên thạch anh tím trên chiếc nhẫn của mình. Sờ thớ dệt của miếng vải trang trí bọc đầu gậy giám mục và các mặt của những viên kim cương, ông tự nhắc mình rằng, chiếc nhẫn này là biểu tượng của quyền lực nhưng còn kém xa thứ quyền lực mà chẳng bao lâu ông sẽ đạt tới.
Bên trong nhà ga Saint-Laraze cũng giống như mọi nhà ga khác ở châu Âu: một khoảng rộng hoác lác đác những kẻ đáng ngờ thường gặp những người vô gia cư cầm những tấm biển các tông, những sinh viên mắt lờ đờ gối trên ba lô ngủ hoặc đang "phê" theo tiếng nhạc từ những chiếc cát sét xách tay MP3 và những đám phu khuân vác mặc áo xanh phì phèo thuốc lá.
Sophie nhìn bảng giờ tàu to tướng trên đầu. Những dòng chữ trắng đen chạy qua chạy lại, đảo xuống khi thông tin thay mới.
Khi quá trình cập nhật kết thúc, Langdon nhìn lên chuỗi thông báo. Hàng đầu tiên là:
LILLE RAPIDE(1) - 3 giờ 06.
"Tôi ước gì nó khởi hành sớm hơn!". Sophie nói. "Nhưng bây giờ chúng ta buộc phải chấp nhận bất cứ cái gì".
Sớm hơn. Langdon nhìn đồng hồ 2 giờ 59 sáng. Chuyến tàu sẽ rời đi sau bẩy phút nữa mà bây giờ họ còn chưa có vé?
Sophie đưa Langdon về phía cửa bán vé và nói: "Hãy mua hai vé bằng thẻ tín dụng của ông".
"Tôi nghĩ thẻ tín dụng có thể bị truy ra bởi…".
"Chính xác".
Langdon quyết định thôi không cố gắng đoán trước ý định của Sophie Neveu. Sử dụng thẻ visa của mình, ông mua hai vé đi Lille rồi đưa cho Sophie.
Sophie dẫn ông đi về phía đường tàu khi một âm thanh quen thuộc vang lên trên đầu họ và hệ thống phóng thanh thông báo lần cuối nhắc hành khách đi Lille lên tàu. Mười sáu đường tàu riêng rẽ trải ra trước mắt họ. Cách một quãng phía bên phải, trên ke số ba, chuyến tàu đi Lille đang phì phò chuấn bị xuất phát nhưng Sophie lại khoác tay Langdon kéo đi về hướng ngược lại. Họ hối hả theo một hành lang nhỏ, vượt qua một tiệm cà phê mở thâu đêm, rồi cuối cùng qua một cửa ngách ra một khu phố vắng lặng phía Tây nhà ga.
Có độc một chiếc tắc xi đậu cạnh cửa ra vào.
Người tài xế nhìn thấy Sophie và bật đèn xe.
Sophie nhảy vào ghế sau. Langdon vào theo.
Khi chiếc tắc xi rời khỏi ga, Sophie lấy những chiếc vé tàu mới mua ra, xé nát.
Langdon thở dài. Bẩy mươi đô la tiêu được việc đấy.
Phải đến lúc chiếc tắc xi vút đi về phía bắc trên phố De Gichy trong tiếng động cơ ro ro, Langdon mới cảm thấy họ thực sự thoát hiểm. Ngoài cửa phía tay phải, ông có thể nhìn thấy đồi Montmartre và mái vòm mĩ lệ của nhà thờ Sacre-Coeur. Hình ảnh ấy bị đứt quãng bởi ánh đèn xe cảnh sát vượt qua họ từ hướng ngược lại.
Langdon và Sophie cùng thụt đầu xuống cho đến khi tiếng còi nhỏ dần.
Sophie mới chỉ dặn người tài xế tắc xi hướng ra ngoài thành phố thôi và bằng cái quai hàm nghiến chặt của cô, Langdon cảm thấy cô đang cố hình dung ra bước tiếp theo.
Langdon xem xét lại chiếc chìa khoá hình thánh giá, giơ ra phía cửa xe, đưa lên gần mắt để cố gắng tìm bất kỳ một dấu hiệu nào khả dĩ chỉ ra nơi chế tạo. Trong ánh sáng cách quãng của đèn đường, ông chẳng thấy gì ngoài con dấu của Tu viện Sion.
"Thật phi lý", cuối cùng ông nói.
"Cái gì phi lý?".
"Việc ông cô mất bao công phu nhằm để lại cho cô một chiếc chìa khoá mà cô sẽ không biết làm gì với nó".
"Tôi đồng ý".
"Cô chắc chắn ông ấy không viết bất kỳ thứ gì nữa đằng sau bức tranh chứ?".
"Tôi đã lục soát toàn bộ chỗ đó rồi. Chỉ có chừng nấy thôi.
Chiếc chìa khoá được nhét vào phía sau bức tranh. Tôi nhìn thấy con dấu của Tu viện Sion, đút chiếc chìa khoá vào túi rồi chúng ta rời khỏi đó".
Langdon cau mày, nhìn kỹ phần cuối hơi bẹt của hình lăng trụ tam giác. Chẳng có gì cả. Nheo mắt, ông đưa chiếc chìa khoá lại gần mắt và xem xét gờ của đầu chìa. Ở đó cũng chẳng có gì cả. "Tôi nghĩ chiếc chìa khoá này vừa mới được lau chùi gần đây".
"Tại sao?".
"Có gì như mùi cồn chà sát".
Cô quay sang: "Tôi chưa hiểu".
"Nó có mùi như là ai đó đã chà sạch nó bằng thuốc tẩy", Langdon đưa chiếc chìa khoá lên mũi và ngửi. "Mùi ở phần bên kia mạnh hơn". Ông bỏ xuống. "Đúng vậy, thuốc tẩy làm từ cồn, giống như được chà bóng bằng một loại thuốc tẩy hoặc…".
Langdon ngừng lại.
"Cái gì cơ?".
Ông giơ nghiêng chiếc chìa khoá ra ánh sáng rồi nhìn vào mặt nhẵn trên thanh ngang của chữ thập. Nó dường như lấp lánh ở vài chỗ… như thể bị ướt. "Cô có nhìn phía sau chiếc chìa khoá kỹ không trước khi cô bỏ nó vào túi?".
"Cái gì cơ? Không kĩ lắm. Tôi đang vội mà".
Langdon quay sang cô: "Cô vẫn mang chiếc đèn tia cực tím theo chứ?".
Sophie thò tay vào túi và lấy ra cây bút chiếu tia cực tím.
Langdon cầm lấy, bật lên, chiếu tia sáng vào mặt sau chiếc chìa khoá.
Chiếc chìa khoá phát quang ngay lập tức. Ở đó có chữ viết.
Cách viết vội nhưng đọc được.
"Ồ", Langdon nói, mỉm cười. "Tôi đoán chúng ta biết cái mùi cồn là gì rồi".
Sophie ngạc nhiên nhìn chầm chầm vào dòng chữ màu tím trên lưng chiếc chìa khoá.
24 Phố Haxo.
Một địa chỉ! Ông mình viết ra một địa chỉ!
"Địa chỉ này ở đâu?" Langdon hỏi.
Sophie không biết. Quay lại cúi về phía trước, cô phấn khích hỏi người tài xế: "Connassez-vous la rue Haxo"(2).
Người tài xế nghĩ một lúc rồi gật đầu. Ông bảo Sophie là nó ở gần một sân tennis vùng ngoại ô phía tây của Paris. Cô bảo ông đưa họ đến đó ngay lập tức.
"Đường nhanh nhất là đi qua Rừng Boulogne", người tài xế nói với cô bằng tiếng Pháp. "Được chứ?".
Sophie cau mày. Cô có thể nghĩ ra được con đường nào đỡ rắc rối hơn, nhưng tối nay cô không muốn tỏ ra khó tính. "Được rồi". Chúng ta có thể làm vị khách người Mỹ này ngạc nhiên.
Sophie nhìn lại chiếc chìa khoá và tự hỏi họ có thể tìm thấy gì ở 24 phố Haxo. Một nhà thờ? Một thứ tổng hành dinh của Tu viện Sion?
Đầu cô lại tràn đầy hình ảnh về nghi lễ bí mật mà cô đã từng chứng kiến trong tầng hầm cách đây mười năm, rồi cô thở dài:
"Robert, tôi có rất nhiều chuyện để kể cho ông nghe". Cô ngừng lại nhìn ông chăm chăm khi chiếc tắc xi phóng về phía tây.
"Nhưng trước hết, tôi muốn ông cho tôi hay mọi điều ông biết về Tu viện Sion này".
Chú thích: (1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: tàu nhanh.
(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: ông có biết phố Haxo không? (nguồn vnthuquan.net)
Bên ngoài Salle de Etats, Bezu Fache đang nổi trận lôi đình khi nhân viên bảo vệ bảo tàng Louvre Grouard phân trần việc Sophie và Langdon đã tước vũ khí của anh ta như thế nào. Tại sao cậu không bắn vào bức tranh chết tiệt ấy?
"Đại úy?" Trung uý Collet phóng thẳng đến chỗ họ từ đồn chỉ huy. "Thưa đại uý, tôi vừa nghe tin. Họ đã định vị được chiếc xe của nhân viên Neveu".
"Cô ta đến đại sứ quán?".
"Không ạ. Ga xe lửa. Mua hai vé. Tàu vừa khởi hành". Fache vẫy tay ra hiệu cho nhân viên bảo vệ Grouard lui ra và dẫn Collet tới một góc tướng gần đó, thầm thì: "Tàu đi đâu?".
"Lille".
"Rất có thể đó chỉ là một cái bẫy", Fache thở hắt ra, vạch một kế hoạch. "Được rồi, trong trường hợp này, hãy canh phòng ở ga tiếp theo, hãy ngăn đoàn tàu lại và lục soát, chỉ là đề phòng thôi. Hãy để xe của cô ta nguyên chỗ cũ và cử các nhân viên mặc thường phục giám sát nó phòng trường hợp bọn họ cô gắng lấy lại chiếc xe đó. Hãy cử một số nhân viên đi rà soát những khu phố xung quanh nhà ga phòng trường hợp bọn họ chạy trốn bằng đường bộ. Xe buýt vẫn chạy từ ga đấy chứ?".
"Giờ này thì không có, thưa đại uý. Chỉ có taxi thôi".
"Tốt. Hãy đi dò la những người lái taxi. Xem họ có nhìn thấy gì không. Rồi liên hệ với các công ty taxi, kèm theo thông tin miêu tả. Tôi sẽ gọi Interpol".
Collet có vẻ ngạc nhiên: "Đại úy định đưa chuvện này lên mạng đấy ạ?".
Fache biết có thể xẩy ra rắc rối đáng tiếc, nhưng ông ta không còn lựa chọn nào khác.
Xiết vòng vây thật nhanh và thật chặt.
Giờ đầu tiên có tầm quan trọng quyết định. Hành xử của những kẻ đào tẩu trong giờ đầu tiên sau khi trốn thoát là điều có thể đoán trước được. Bao giờ chúng cũng cần một thứ giống nhau: Phương tiện đi lại - Chỗ tạm trú - Tiền mặt. Đức Chúa Ba Ngôi. Interpol có đủ quyền năng để làm cho cả ba ngôi đó biến mất trong nháy mắt. Bằng cách gửi những bản fax ảnh của Langdon và Sophie tới ban điều hành giao thông, các khách sạn, nhà băng ở Paris, Interpol sẽ không bỏ sót một hướng lựa chọn nào - không có cách nào rời khỏi thành phố, không có nơi nào để ẩn náu và không có nơi nào để rút tiền mà không bị nhận diện. Bọn đào tẩu thường hoảng sợ trên đường phố, sẽ đi đến chỗ làm điều ngu ngốc. ăn trộm ô tô. Cướp cửa hàng. Sử dụng thẻ tín dụng một cách tuyệt vọng. Bất kỳ một sơ xuất nhỏ nào mà bọn chúng phạm phải cũng sẽ nhanh chóng giúp nhà cầm quyền địa phương tìm ra nơi chúng lẩn trốn.
"Chỉ nhằm Langdon thôi, phải không ạ?" Collet nói. "Đại úy sẽ không bắt Sophie Neveu chứ. Cô ta là nhân viên của chúng ta mà".
"Tất nhiên là tôi sẽ bắt cả cô ta!". Fache gắt. "Bắt Langdon còn có ích gì nếu như cô ta có thể làm mọi công việc bẩn thỉu hộ hắn ta? Tôi định rà soát hồ sơ làm việc của Neveu - bạn bè, gia đình, các mối quan hệ cá nhân, bất cứ ai mà cô ta có thể đến nhờ vả giúp đỡ. Tôi không biết cô ta nghĩ gì khi cô ta làm điều đó nhưng nó sẽ làm cho cô ta mất nhiều thứ, không chỉ riêng công ăn việc làm thôi đâu!".
"Đại úy muốn tôi điều hành qua điện thoại hay trực tiếp đến hiện trường?".
"Trực tiếp. Hãy tới ga xe lửa và điều phối hoạt động của cả đội. Cậu nắm quyền chỉ huy nhưng chớ làm điều gì mà không nói cho tôi biết".
"Rõ, thưa Đại úy?" Collet chạy ra ngoài.
Fache cảm thấy cứng ngắc khi đứng trong hốc tường. Bên ngoài cửa sổ, kim tự tháp thuỷ tinh lấp lánh, phản chiếu lăn tăn trên mặt nước. Bọn chúng đã lọt qua kẽ ngón tay mình. Ông ta tự nhủ.
Ngay cả một cảnh sát dã chiến được huấn luyện tử tế ắt cũng tự coi là may mắn nếu chịu đựng nổi áp lực mà Interpol sắp thực thi.
Một nữ nhân viên mật mã và một thày giáo?
Họ sẽ không cầm cự được đến lúc bình minh. (nguồn vnthuquan.net)
Chương 37
Khu công viên rậm rạp cây cối mang tên Rừng Boulogne còn có nhiều mệnh danh khác, nhưng người Paris sành điệu thường gọi nó là Vườn lạc thú trần thế. Cụm từ định tính đó, mặc dù nghe có vẻ mĩ miều, nhưng thực ra hoàn toàn ngược lại.
Bất cứ ai đã từng thấy bức tranh ghê rợn cùng tên của Bosch(1) đều hiểu hàm ý châm biếm; bức tranh, cũng như khu rừng, tăm tối và xoắn xuýt, một thứ ngục luyện tội cho những kẻ dị tật tình dục và kẻ kích dục. Tối tối, trên những lối ngoằn ngoèo của khu rừng, hàng trăm thân thể bóng loáng xếp hàng để bán dâm, những lạc thú trần thế nhằm thoả mãn những khao khát sâu kín nhất không nói ra của người đời - nam, nữ và cả lưỡng tính nữa.
Trong khi Langdon tập trung tư tưởng để nói cho Sophie về Tu viện Sion, thì chiếc tắc xi của họ qua khung cổng gỗ dẫn vào công viên và bắt đầu tiến về hướng tây trên con đường rải sỏi.
Langdon cảm thấy khó tập trung khi đám cư dân ban đêm của công viên đã lác đác xuất hiện từ bóng lối và phô bày "hàng". trong ánh đèn pha. Phía trước họ, hai thiếu nữ mặc áo hở ngực phóng những tia nhìn mời chào vào trong chiếc taxi. Cách đó một quãng, một gã da đen mình bôi dầu bóng nhãy với độc một mảnh vải che chỗ kín, quay người và uốn éo mông. Bên cạnh họ, một phụ nữ tóc vàng loè loẹt kéo cao chiếc váy mini lên để tiết lộ rằng kì thực ả không phải là một phụ nữ.
Chúa cứu con! Langdon quay mặt vào trong ô tô rồi hít một hơi thật sâu.
"Hãy nói cho tôi về Tu viện Sion đi", Sophie nói.
Langdon gật đầu, không thể tưởng tượng được một khung cánh kém thích hợp đến thế cho truyền thuyết mà ông sắp kể.
Ông băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Lịch sử của hội kín này bắc qua hơn một thiên niên kỷ… một biên niên kì lạ về những bí mật, tống tiền, phản bội và thậm chí là cả tra tấn tàn bạo dưới bàn tay của một vị Giáo hoàng nổi giận.
"Tu viện Sion", ông bắt đầu, "được một vị vua người Pháp có tên là Godefroi de Bouillon thành lập ở Jerusalem năm 1099, ngay sau khi ông ta chinh phục được thành phố này".
Sophie gật đầu, mắt dán vào ông.
"Đức vua Godefroi là người sở hữu một bí mật đầy quyền năng một bí mật đã có trong gia đình ông từ Công nguyên. Sợ rằng bí mật sẽ mất đi khi ông băng hà, ông đã lập ra một hội kín lấy tên là Tu viện Sion và giao cho họ nhiệm vụ bảo vệ bí mật này bằng cách lặng lẽ truyền nó từ đời này sang đời khác.
Trong những năm ở Jerusalem, Tu viện Sion đã biết một chỗ cất giấu những tài liệu được chôn dưới đống đổ nát của ngôi đền Herod; bản thân ngôi đền này lại được xây dựng trên hoang tàn của ngôi đền thờ Solomon trước đó. Những tài liệu này - họ tin vậy khẳng định cái bí mật đầy quyền năng của Godefroi và, về bản chất, nhạy cảm đến nỗi Nhà Thờ sẽ không từ thủ đoạn nào để giành được chúng".
Sophie có vẻ nghi ngờ.
"Tu viện Sion thề rằng dù có mất bao lâu đi nữa cũng phải thu hồi những tài liệu này từ đống gạch vụn bên dưới ngôi đền thờ đó và mãi mãi bảo vệ chúng, để cho sự thật sẽ trường tồn. Nhằm thu hồi lại chỗ tài liệu từ trong đống đổ nát ấy, Tu viện Sion đã lập ra một binh chủng một đội gồm chín hiệp sĩ có tên gọi là Dòng các Hiệp sĩ nghèo của Chúa Jesus và ngôi đền Solomon". Langdon dừng lại. "Họ thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi Các Hiệp sĩ Templar".
Sophie ngước lên với cái vẻ ngạc nhiên nhận ra một điều quen thuộc.
Langdon thường xuyên giảng bài về Hiệp sĩ Templar đến độ đủ để biết rằng hầu như mọi người trên trái đất đều đã nghe nói về họ, chí ít là một cách trừu tượng. Đối với các học giả, lịch sử các Hiệp sĩ Templar là một lĩnh vực bất trắc, ở đó thực tế, truyền thuyết và thông tin sai lạc xoắn xuýt với nhau đến độ rút ra được sự thật nguyên khôi là bất khả. Ngày nay, thậm chí Langdon cũng ngần ngại không muốn đề cập đến các Hiệp sĩ Templar trong khi giảng bài vì điều đó bao giờ cũng dẫn đến hàng loạt câu hỏi phức tạp liên quan đến những lý thuyết về đủ loại âm mưu.
Sophie có vẻ hoang mang: "Anh nói nhóm các Hiệp sĩ Templar được Tu viện Sion lập ra để thu hồi một tập tài liệu bí mật? Tôi cứ tưởng họ được tạo ra để bảo vệ Đất Thánh".
"Một quan niệm sai lầm thường thấy. Ý tưởng về sự bảo vệ những người hành hương chỉ là chiêu bài mà các Hiệp sĩ Templar trương ra để thực hiện sứ mệnh của mình. Mục đích thật sự của họ ở Đất Thánh là thu hồi mớ tài liệu từ dưới đống đổ nát của ngôi đền".
"Và họ có tìm thấy không?".
Langdon mỉm cười: "Không ai biết chắc chắn nhưng có một điều mà tất cả các học giả đều nhất trí là: các Hiệp sĩ đã khám phá ra điều gì đó ở bên dưới đống gạch vụn… một điều khiến họ trở nên giàu có và đầy quyền lực ngoài sức tưởng tượng ngông cuồng nhất của bất kỳ ai". (nguồn vnthuquan.net)
Langdon kể lướt cho Sophie nghe lịch sử Các Hiệp sĩ Templar, một phác họa kinh viện được chấp nhận là tiêu chuẩn, giải thích rằng các Hiệp sĩ đó đã ở Đất Thánh trong suốt cuộc Thập tự chinh thứ hai và đã nói với vua Baldwin II rằng họ ở đó để bảo vệ những tín đồ đạo Cơ đốc trên đường hành hương. Mặc dù không được trả công và chịu phận nghèo khổ, các Hiệp sĩ đã nói với nhà vua là họ cần có một nơi trú chân và xin nhà vua cho phép họ ở trong các chuồng ngựa dưới đống đổ nát của đền thờ. Vua Baldwin II chấp thuận yêu cầu của những chiến binh ấy và các Hiệp sĩ tiếp quản nơi cư trú tồi tàn bên trong miếu thờ tan hoang.
Sự lựa chọn kỳ cục nơi cư trú đó, Langdon giải thích, hoàn toàn không phải là được chăng hay chớ. Các Hiệp sĩ tin rằng những tài liệu mà Tu viện Sion tìm kiếm được chôn sâu dưới đống đồ nát - bên dưới Tối Linh Điện, một căn phòng thiêng liêng mà người ta tin rằng đích thân Chúa ngự ở đó. Nói theo nghĩa đen, đây đích thị là trung tâm của tín ngưỡng Do Thái.
Trong gần một thập kỉ sống trong đống hoang tàn đó, chín Hiệp sĩ đã đào xuyên qua lớp đá cứng trong bí mật tuyệt đối.
Sophie nhìn dõi: "Và anh cho rằng họ đã tìm thấy cái gì đó?".
"Tất nhiên rồi", Langdon giải thích. "Mất chín năm, nhưng cuối cùng các Hiệp sĩ cũng thấy cái mà họ tìm kiếm. Họ mang kho báu đó ra khỏi đền thờ về châu Âu, nơi mà ảnh hưởng của họ dường như trở nên vững chắc chỉ qua một đêm".
Không ai biết chắc các Hiệp sĩ có tống tiền Vatican hay không, hay đơn giản là Nhà Thờ đã tìm cách mua sự im lặng của họ, nhưng thực tế là Giáo hoàng Innocent II ngay lập tức đã ra một sắc lệnh chưa từng có ở một thời Giáo hoàng nào trước đó là chấp nhận quyền lực vô hạn độ của các Hiệp sĩ Templar và tuyên bố họ "là luật với chính họ" một đội quân độc lập không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào từ đức vua đến giáo chủ, cả tôn giáo lẫn chính trị.
Với toàn quyền hành động mới được Vatican trao cho, tổ chức Hiệp sĩ Templar đã phát triển đến độ chóng mặt cả về số lượng lẫn sức mạnh chính trị, vơ vét những khu đất rộng lớn ở hơn chục quốc gia. Họ bắt đầu cho đám hoàng thân quốc thích bị vỡ nợ vay tiền và lấy lãi, bằng cách đó, họ lập nên những nhà băng hiện đại và làm tăng thêm của cải cũng như ảnh hưởng của họ.
Vào thế kỷ 14, sự công nhận của Vatican đã giúp các Hiệp sĩ Templar nắm được quyền lực lớn đến nỗi Giáo hoàng Clement V quyết định phải làm một cái gì. Cùng bàn thảo với đức vua Pháp Philippe IV, Đức Giáo hoàng đã hoạch định một chiến dịch tài tình để thủ tiêu các Hiệp sĩ Templar và tịch thu của cải của họ, và cuối cùng là kiểm soát những bí mật đã chi phối toà thánh Vatican. Trong một cuộc điều binh khiển tướng không thua gì CIA, Giáo hoàng Clement đã gửi mật lệnh có dấu niêm phong để các chiến binh của ngài trên khắp châu Âu mở cùng một lúc vào ngày thứ sáu, ngày 13 tháng 10 năm 1307.
Rạng đông ngày mười ba, niêm phong được mở và nội dung kinh hoàng của sắc thư được tiết lộ. Sắc thư của Giáo hoàng Clement nói rằng Chúa đã hiện hình báo mộng cho ngài biết rằng đám Hiệp sĩ Templar là những kẻ dị giáo phạm các tội trọng: thờ phụng quỷ dữ, đồng tính luyến ái làm ô uế thánh giá, kê dâm, và nhiều hành vi báng bổ khác. Giáo hoàng Clement đã được Chúa yêu cầu thanh thông trái đất bằng cách quây bắt tất cả bọn Hiệp sĩ Templar và tra tấn chúng cho đến khi chúng thú nhận những tội chống lại Chúa của chúng. Chiến dịch xảo quyệt của Clement đã diễn ra với sự chính xác của đồng hồ. Vào ngày hôm đó, không thể đếm xuể những Hiệp sĩ Templar đã bị bắt giam, tra tấn một cách tàn nhẫn và cuối cùng bị thiêu trên cọc gỗ như những kẻ dị giáo. Tấn thảm kịch này còn để lại dư âm trong văn hoá hiện đại; cho tới nay, thứ sáu ngày mười ba vẫn bị coi là ngày không may mắn.
Sophie có vẻ bối rối: "Tổ chức Hiệp sĩ Templar đã bị xoá sạch rồi sao? Tôi tưởng các hội ái hữu Templar đến nay vẫn tồn tại?".
"Họ quả vẫn còn tồn tại dưới những cái tên khác nhau. Bất chấp những lời kết tội ngụy tạo và những nỗ lực lớn nhất để xoá sổ họ của Clement, các Hiệp sĩ có những liên minh hùng mạnh và một số người đã thoát khỏi những cuộc thanh trừng của Vatican. Tập tài liệu, kho báu đầy quyền lực của các Hiệp sĩ Templar, nguồn gốc quyền lực của họ, chính là mục tiêu thật sự của Clement, nhưng nó đã lọt qua kẽ tay ông ta. Tập tài liệu từ lâu đã được giao phó cho những người trong bóng tối kiến tạo nên các Hiệp sĩ Templar - Tu viện Sion, những người mà tấm màn bí mật đã che chắn họ an toàn ngoài vòng tấn công ác liệt của Vatican. Khi Vatican khép chặt vòng vây, Tu viện Sion lén lút chuyển những tài liệu đó từ một nơi truyền đạo ở Paris vào ban đêm lên những con tàu của tổ chức Templar đậu ở cảng La Rochelle".
"Những tài liệu đó đã đi đâu?".
Langdon nhún vai: "Câu trả lời cho bí mật đó chỉ có Tu viện Sion biết thôi. Bởi vì tài liệu đó, thậm chí đến ngày nay, vẫn còn là nguồn gốc của những cuộc điều tra, những suy biện không dứt, người ta tin rằng chúng đã được chuyển chỗ cất giấu nhiều lần rồi. Người ta phỏng đoán chỗ cất giấu những tài liệu đó hiện nay là đâu đó trong Vương quốc Anh".
Sophie có vẻ bứt rứt.
"Trong một ngàn năm", Langdon tiếp tục, "những truyền thuyết về bí mật này đã được lan truyền. Toàn bộ tập tài liệu, quyền năng của nó và những bí mật nó thể hiện đã trở nên nổi tiếng bởi một tên gọi duy nhất Sangreal. Hàng trăm cuốn sách đã viết về nó, ít bí mật nào gây ra được nhiều hứng thú trong giới sử học như Sangreal".
"Sangreal à? Tử đó có liên quan gì với từ Pháp sang hay từ tiếng Tây Ban Nha sangre nghĩa là "máu" không?".
Langdon gật đầu. Máu là xương sống của Sangreal, nhưng không phải theo cách mà Sophie tưởng tượng. "Truyền thuyết này thật là phức tạp, nhưng điều quan trọng cần nhớ là Tu viện Sion nắm giữ những bằng cớ và đang chờ đợi thời khắc thích hợp của lịch sử để tiết lộ sự thật".
"Sự thật nào? Bí mật gì có thể quyền năng đến thế?".
Langdon hít một hơi thật sâu và nhìn ra đám người lén lút của Paris đang mồi chài bán dâm trong bóng tối. "Sophie, Sangreal là một từ cổ. Nó đã triển hoá trong nhiều năm thành một khái niệm khác…một cái tên hiện đại hơn". Ông dừng lại. "Khi tôi nói với cô cái tên hiện đại của nó, cô sẽ nhận ra cô biết nhiều về nó. Thực tế, hầu hết mọi người trên trái đất đều đã từng nghe câu chuyện về Sangreal".
Sophie có vẻ nghi ngờ: "Tôi chưa bao giờ nghe về nó cả".
"Chắc chắn là cô đã nghe". Langdon mỉm cười. "Cô chỉ quen nghe thấy nó được gọi bằng cái tên "Chén Thánh".
Chú thích:
(1) Jerome Bosch (1450 -1516), họa sĩ xứ Flandre, nổỉ tiếng với những tác phẩm đầy hoang tướng ghê rợn. (nguồn vnthuquan.net)
Sophie nhìn chòng chọc vào Langdon đang ngồi ở ghế sau chiếc taxi. Anh ta đang đùa. "Chén Thánh?".
Langdon gật đầu, trông ông rất nghiêm túc: "Chén Thánh là nghĩa đen của Sangreal. Cụm từ đó bắt nguồn từ tiếng Pháp Sangraal, đã biến đổi thành Sangreal, và cuối cùng được chia thành hai từ, San Greal".
Chén Thánh. Sophie lấy làm ngạc nhiên là cô không phát hiện ra được ngay lập tức mối liên hệ ngôn ngữ đó. Ngay cả như vậy lời khẳng định của Langdon vẫn chẳng có nghĩa gì với cô.
"Tôi nghĩ Chén Thánh là một chiếc chén thôi. Ông vừa nói với tôi là Sangreal là một tập tài liệu chứa đựng một số bí mật đen tối mà".
"Đúng thế, nhưng tập tài liệu Sangreal chỉ là một nửa của kho báu Chén Thánh thôi. Chúng được chôn cùng với Chén Thánh… và tiết lộ ý nghĩa thực sự của nó. Những tài liệu đó mang lại cho các Hiệp sĩ Templar rất nhiều quyền lực bởi vì những trang đó tiết lộ bản chất thật sự của Chén Thánh".
Bản chất thực sự của Chén Thánh? Thậm chí bây giờ, Sophie còn cảm thấy mông lung hơn. Chén Thánh, xưa nay cô vẫn nghĩ, là chiếc ly mà Chúa Jesus đã dùng để uống trong bữa ăn tối cuối cùng và sau đó với nó, Joseph vùng Arimathea đã hứng những giọt máu của Người khi Người bị đóng đinh câu rút.
"Chén Thánh là chiếc ly của Chúa Jesus Christ", cô nói. "Nó có thể đơn giản hơn bao nhiêu nữa?".
"Sophie", Langdon thì thầm, nghiêng về phía cô. "Theo Tu viện Sion, Chén Thánh hoàn toàn không phải là một chiếc ly.
Họ khẳng định truyền thuyết Chén Thánh truyền thuyết về một chiếc ly thực sự là một truyện ngụ ngôn khéo bày đặt. Câu chuyện Chén Thánh đó sử dụng chiếc ly đó như một phép ẩn dụ cho một cái gì đó khác, đó là một thứ gì đó quyền năng hơn rất nhiều". Ông dừng lại. "Một thứ gì đó ăn khớp hoàn toàn với mọi điều mà ông cô đã cố nói với chúng ta đêm nay, kể cả mọi quy chiếu biểu tượng đến tính nữ linh thiêng".
Vẫn không chắc chắn nhưng Sophie cảm thấy trong nụ cười kiên nhẫn của Langdon rằng ông cảm thông với sự bối rối của cô và đôi mắt ông thể hiện những cảm xúc thật chân thành.
"Nhưng nếu Chén Thánh không phải là một chiếc chén", cô hỏi, "thì nó là cái gì?".
Langdon biết trước câu hỏi này sẽ đến, nhưng vẫn cảm thấy không biết trả lời cô thế nào cho chính xác. Nếu ông không trình bày trong bối cảnh lịch sử đúng đắn, Sophie sẽ ngẩn mặt ra hoang mang y xì cái vẻ mà Langdon đã nhìn thấy trên gương mặt người biên tập của mình chỉ vài tháng trước đây khi Langdon đưa cho ông này một dự thảo của công trình ông đang soạn.
"Bản thảo này khẳng định cái gì?" người biên tập của ông mắc nghẹn, đặt ly rượu xuống, nhìn Langdon trửng trừng qua bên trên bữa trưa mới ăn được một nửa của mình. "Đây không thể là chuyện nghiêm túc".
"Đủ nghiêm túc để dành hẳn một năm trời nghiên cứu về nó đấy!".
Nhà biên tập nổi tiếng của New York Jonas Faukman bứt rứt giật giật chòm râu dê của mình. Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, Faukman chắc chắn đã nghe một số ý tưởng điên rồ về sách nhưng ý tưởng này có vẻ làm cho ông bàng hoàng.
"Robert", cuối cùng Faukman nói, "đừng hiểu sai tôi. Tôi thích tác phẩm của anh, và chúng ta đã có một quá trình hợp tác tuyệt vời với nhau. Nhưng nếu tôi đồng ý xuất bản một ý tưởng như thế này, người ta sẽ vây chặn văn phòng của tôi hàng tháng trời. Ngoài ra, nó sẽ giết chết danh tiếng của anh.
Lạy Chúa, anh là một nhà sử học của Harvard chứ không phải hạng ca sĩ nhạc pop rẻ tiền tìm cách hốt bạc nhanh. Anh có thể tìm đâu ra đủ bằng chứng đáng tin cậy để bảo vệ một lý thuyết như thế này?".
Mỉm cười lặng lẽ, Langdon lôi từ trong túi áo khoác dạ một mảnh giấy, đưa cho Faukman. Trang giấy liệt kê một thư mục với hơn năm mươi tựa đề sách - những cuốn được viết bởi những nhà sử học nổi tiếng, một số đương đại, một số cách đây hàng thế kỷ - nhiều quyển trong số này là sách khoa học bán chạy nhất. Tất cả những tựa sách đó đều gợi ra một tiền đề chung mà Langdon vừa đề xuất. Khi Faukman đọc danh sách đó trông ông giống như một người vừa khám phá ra rằng trái đất thực sự bằng phắng: "Tôi biết một vài tác giả này Họ là… những nhà sử học đích thực!".
Chương 38 (tiếp theo)
Langdon mỉm cười: "Như anh thấy đấy, Jonas, đây không chỉ là lý thuyết của tôi. Nó đã tản mác đây đó từ lâu rồi. Tôi chỉ đơn giản xây dựng trên cái nền đó thôi. Chưa có cuốn sách nào khảo sát truyền thuyết về Chén Thánh từ một góc độ ký tượng học. Chứng cứ bằng tranh, tượng minh họa mà tôi tìm được để củng cố lý thuyết của mình là vô cùng thuyết phục".
Faukman vẫn nhìn chằm chằm vào tờ danh sách: "Chúa ơi, một trong những cuốn sách này được viết bởi ngài Leigh Teabing - nhà sử học hoàng gia của Vương quốc Anh".
"Teabing đã dành nhiều thời gian trong cuộc đời ông để nghiên cứu Chén Thánh. Tôi đã được gặp ông ấy. Ông ấy thực sự là một phần lớn nguồn cảm hứng của tôi. Ông ấy là một người tin vào thuyết này, Jonas ạ, cùng với tất cả những người khác trong danh sách đó".
"Anh đang nói với tôi là tất cả những nhà sử học này đều thực sự tin…" Faukman nuốt đánh ực, rõ ràng là không thốt ra được những từ đó.
Langdon lại mỉm cười: "Có thể nói Chén Thánh là kho báu được tìm kiếm nhiều nhất trong lịch sử loài người. Chén Thánh đẻ ra những truyền thuyết, những cuộc chiến, những cuộc tìm kiếm kéo dài cả đời người. Bảo nó chỉ đơn thuần là một chiếc chén thì còn có nghĩa gì nữa? Nếu vậy thì chắc chắn những thánh tích khác - Mũ Gai, Thánh Giá đích thực trên đó Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút, Titulus - phải gây ra mối quan tâm tương tự hoặc lớn hơn chứ, tuy nhiên, lại không hề như thế.
Suốt chiều dài lịch sử, Chén Thánh là thánh tích đặc biệt nhất". Langdon mỉm cười: "Bây giờ thì ông đã biết tại sao rồi chứ?".
Faukman vẫn lắc đầu: "Nhưng với tất cả những cuốn sách viết về chủ đề đó, tại sao lý thuyết này vẫn không được biết đến một cách rộng rãi hơn?".
"Những cuốn sách này không thể đấu lại được với hàng bao thế kỷ lịch sử đã thiết định, nhất là khi lịch sử được xác nhận bởi cuốn sách bán chạy nhất tối hậu của mọi thời".
Faukman tròn xoe mắt: "Đừng nói với tôi là Harry Porter cũng thực sự viết về Chén Thánh đấy nhé".
"Tôi đang nói đến Kinh Thánh cơ mà!".
Faukman rụt lại: "Tôi biết rồi".
Laissezle!(1) Tiếng quát của Sophie xé không khí bên trong chiếc taxi. "Đặt nó xuống!".
Langdon nhảy dựng lên khi Sophie cúi người về phía trước và hét lên với người lái xe tẩc xi. Langdon có thể nhìn thấy người lái xe đang nắm chặt chiếc máy bộ đàm và nói vào đó.
Lúc này Sophie quay lại và thọc tay vào túi áo khoác của Langdon. Trước khi Langdon kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô đã lôi khẩu súng lục ra, dí vào phía sau đầu người lái xe. Người lái xe lập tức buông máy bộ đàm và giơ tay lên.
"Sophie!" Langdon như bị mắc nghẹn. "Cái quái quỉ gì…".
"Arretez!"(2) Sophie ra lệnh cho người lái xe.
Run rẩy, người lái xe phục tùng, dừng xe và đưa vào chỗ đậu.
Đến lúc này thì Langdon mới nghe thấy những âm thanh sắc đanh phát ra từ bản thông báo của công ty taxi "…qui s'appelle Agent Sophie Neveu…", chiếc radio nổ lách tách, "Et un Americain, Robert Langdon…"(3).
Cơ bắp của Langdon như cứng ngắc lại. Họ đã tìm thấy chúng ta tồi sao?
"Descendez!"(4) Sophie yêu cầu.
Người lái xe run rẩy vẫn giữ hai tay cao quá đầu khi rời khỏi chiếc xe và lùi vài bước về phía sau.
Sophie hạ kính cửa xe bên phía cô xuống và chĩa súng ra ngoài về phía người tài xế ngơ ngác: "Robert!" cô nói khẽ, "cầm lấy tay lái, anh sẽ lái xe".
Langdon không muốn cãi lại một phụ nữ đang lăm lăm trong tay một khẩu súng. Ông ra khỏi xe rồi lại nhảy vào sau tay lái.
Người lái xe chửi rủa toáng lên, tay vẫn giơ trên đầu.
"Robert!" Sophie nói vọng từ ghế sau, "tôi tin anh đã ngắm đủ khu rừng kỳ diệu của chúng tôi rồi phải không?".
Ông gật đầu. Quá đủ là đằng khác.
"Tốt. Hãy lái xe đưa chúng ta ra khỏi đây".
Langdon nhìn xuống bảng điều khiển và ngần ngại. Chết tiệt.
Ông rờ rẫm tìm cần số và khớp li hợp. "Sophie. Có lẽ cô… ".
"Đi thôi!". Cô kêu lên.
Bên ngoài, mấy ả gái điếm đang tiến lại để xem chuyện gì đang diễn ra. Một phụ nữ đang gọi điện thoại di động. Langdon ấn khớp li hợp và xô mạnh cần số vào số một. Ông sờ vào hộp gia tốc, kiểm tra xăng.
Langdon giật mạnh cần số. Tiếng lốp xe kêu rít lên khi chiếc tắc xi chồm lên phía trước, vọt lên điên dại khiến cho đám đông vội toé ra tìm chỗ trốn. Người phụ nữ đang dùng điện thoại di động vội vọt vào rừng, vừa kịp tránh bị chẹt phải.
"Doucement!" Sophie nói, khi chiếc xe chao đảo trên đường.
"Anh đang làm gì vậy?".
"Tôi đã cố cảnh báo cô", Langdon hét to để át tiếng răng cưa chà xát! "Tôi đang lái một chiếc xe tự động". Chú thích: (1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đặt nó xuống! (2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Dừng lại. (3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: … tên là nhân viên Sophie Neveu… và một người Mỹ, Robert Langdon (4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Xuống xe. (nguồn vnthuquan.net)
Mặc dù căn phòng khắc khổ bằng đá nâu trên phố La Bruyère đã từng chứng kiến nhiều nỗi thống khổ, nhưng Silas vẫn không tin là có gì sánh tầy nỗi đau đang xiết chặt lấy cơ thể trắng bệch của hắn ta. Mình đã bị lừa. Tất cả đi tong rồi.
Silas đã bị lừa. Những thành viên hội kín đó đã nói dối, thà chết chứ không tiết lộ bí mật thật sự của họ. Silas không còn sức lực để gọi cho Thầy Giáo nữa. Silas không chỉ giết bốn người duy nhất biết nơi cất giấu viên đá đỉnh vòm mà còn giết cả một nữ tu trong nhà thờ Saint-Sulpice nữa.
Bà ta chống lại Chúa! Bà ta coi thường Opus Dei!
Một tội ác trong cơn bồng bột, cái chết của người phụ nữ làm cho sự việc trở nên rắc rối tệ hại. Giám mục Aringarosa đã gọi điện thoại yêu cầu cho Silas đến thăm nhà thờ Saint-Sulpice; cha tu viện trưởng sẽ nghĩ gì khi ông phát hiện ra nữ tu đã chết.
Mặc dù Silas đã đặt bà nằm lại trên giường, thế nhưng vết thương trên đầu bà thật là lộ liễu. Silas đã cố gắng xếp lại những viên gạch vỡ dưới sàn nhà, nhưng sự hư hại quá rõ ràng. Họ sẽ biết là có người đã ở đó.
Silas đã dự tính sẽ ẩn náu trong Opus Dei khi nhiệm vụ ở đây của hắn hoàn thành. Giám mục Aringarosa sẽ bảo vệ mình. Silas không thể tưởng tượng ra cuộc sinh tồn nào đầy diễm phúc hơn một cuộc sống tu hành và cầu nguyện ở trong cùng những bức tường trụ sở chính của Opus Dei ở New York. Hắn sẽ không bao giờ bước chân ra ngoài nữa. Tất cả những gì hắn cần là được ờ trong thánh đường đó. Sẽ không ai nhớ mình nữa.
Rủi thay, Slias biết, một người xuất sắc như giám mục Aringarosa không thể biến mất một cách dễ dàng thế.
Mình đã gây nguy hiểm cho giám mục. Silas đờ dẫn nhìn xuống sàn nhà và suy tính chuyện tự kết liễu đới mình. Xét cho cùng, trước nhất, chính Aringarosa là người đã mang lại cho Slias cuộc sống… trong căn nhà thờ của xứ đạo ở Tây Ban Nha, dạy dỗ hắn, cho hắn mục đích.
"Bạn thân mến", Aringarosa đã nói với hắn, "con sinh ra đã là một người bạch tạng, đừng để những kẻ khác xúc phạm con vì điều đó. Con không hiểu điều đó làm cho con đặc biệt đến mức nào ư? Con không biết chính Noê cũng là một người bạch tạng ư?".
"Noê chủ con Tàu ấy ư?" Silas chưa bao giờ nghe thấy điều này.
Aringarosa mỉm cười: ""Đúng thế, Noê chủ con Tàu cứu các dòng giống trong cơn Đại Hồng Thủy ấy. Một người bạch tạng giống như con vậy, ông có làn da trắng như thiên thần vậy.
Hãy suy xét điều này. Noê đã cứu tất cả sự sống trên hành tinh này. Vậy nên con cũng có sứ mệnh làm những việc lớn, Silas ạ. Chúa Trời đã giải thoát cho con vì một lý do. Con có nghiệp của mình. Chúa cần sự giúp đỡ của con để hoàn tất sự nghiệp của Người".
Qua thời gian, Silas học cách tự nhìn nhận mình dưới một ánh sáng mới. Mình tinh khiết, trắng đẹp đẽ như một thiên thần.
Tuy nhiên, lúc này đây, trong căn phòng của hắn tại tu viện, chính là cái giọng thất vọng của cha hắn đang thì thầm với hắn từ quá khứ.
Tu es un désastre. Un spectre(1).
Quỳ trên sàn gỗ, Silas cầu xin sự tha lỗi. Sau đó trút bỏ áo chùng, hắn tự trừng phạt mình.
Chú thích: (1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Mày là một thảm hoạ. Một bóng ma. (nguồn vnthuquan.net)
Vật lộn với cần số, Langdon vất vả lắm mới điều khiển được chiếc xe tắc xi cưỡng đoạt ra xa khỏi Rừng Boulogne mà chỉ bị chết máy có hai lần. Tệ thay, sự hài hước tự nhiên của tình huống lại bị trùm lấp bởi tiếng người điều phối của hãng tắc xi cứ liên hồi gọi đến chiếc xe qua radio.
"Voiture cinq-six-trois. Oil etcs-vous? Repondez!" (1).
Khi Langdon ra đến cổng khu công viên, ông nhấn phanh, nuốt cái kiêu hãnh của kẻ mày râu mà rằng: "Cô nên lái thì hơn".
Trông Sophie có vẻ nhẹ nhõm hẳn khi ngồi vào sau tay lái.
Trong vòng vài giây, cô đã điều khiển được chiếc xe chạy êm ru về phía Tây, dọc theo con đường Allée de Longchamp, bỏ Vườn lạc thú trần thế lại đằng sau.
"Đến phố Haxo đi đường nào?" Langdon hỏi, nhìn Sophie tăng tốc với hơn một trăm kilômet/giờ.
Mắt Sophie vẫn tập trung vào mặt đường: "Tay lái xe bảo nó kề với sân tennis Roland Garros. Tôi biết khu đó".
Langdon lại lôi từ túi ra chiếc chìa khoá, cảm thấy sức nặng trong lòng bàn tay. Ông cảm thấy nó là một vật có tầm quan trọng lớn lao. Rất có thể là chìa khoá dẫn đến tự do của ông.
Ban nãy, khi nói cho Sophie nghe về tổ chức Hiệp sĩ Templar, Langdon nhận ra rằng chiếc chìa khoá này, ngoài con triện khắc nổi của Tu viện Sion, còn có một liên quan tinh tế hơn với Tu viện đó. Chữ thập bốn nhánh bằng nhau là biểu tượng của cân bằng và hài hoà nhưng cũng là biểu tượng của Hiệp sĩ Templar.
Ai nấy đều đã thấy những bức tranh vẽ các Hiệp sĩ Templar mặc áo trắng với hình chữ thập đỏ bốn nhánh bằng nhau. Dành rằng bốn nhánh của chữ thập Templar có hơi loe ra ở cuối nhưng chúng vẫn dài bằng nhau.
Một dấu thập vuông nhánh. Y hệt dấu thập trên chiếc chìa khoá này.
Langdon cảm thấy trí tưởng tượng của mình bắt đầu tung bay khi ông mơ đến những gì họ có thể tìm thấy. Chén Thánh.
Ông suýt phá lên cười về sự phi lý của điều mơ tướng đó.
Người ta tin rằng Chén Thánh ở đâu đó trong nước Anh, chôn trong một căn phòng bí mật bên dưới một trong những nhà thờ của các Hiệp sĩ Templar, nơi nó được cất giấu ít nhất là từ năm 1500.
Thời kỳ của đại danh họa Da Vinci.
Tu viện Sion, để giữ an toàn cho xấp tài liệu đầy quyền năng của mình, đã bắt buộc phải di chuyển chúng nhiều lần trong những thế kỷ trước đây. Các nhà sử học ngày nay đoán rằng có sáu địa điểm khác nhau cất giữ Chén Thánh từ khi nó đến châu Âu từ mảnh đất Jerusalem. Lần "hiển thị" cuối cùng của Chén Thánh là vào năm 1147, khi nhiều chứng nhân miêu tả rằng một ngọn lửa bùng ra và suýt nuốt chửng những tài liệu đó trước khi chúng được chuyển đến nơi an toàn trong bốn chiếc rương lớn, mỗi cái phải sáu người khiêng. Sau đó, không ai dám khoe là đã nhìn thấy Chén Thánh nữa. Tất cả những gì sót lại là thi thoảng có những lời xì xào rằng nó được cất giấu ở Anh, vùng đất của Vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn Tròn.
Bất kể nó ở đâu, thì vẫn tồn tại hai thực tế quan trọng :
Trong suốt cuộc đời của mình Lconardo biết Chén Thánh ở đâu.
Chỗ cất giấu đó có lẽ không thay đổi cho đến ngày nay.
Vì lí do này, những kẻ nhiệt thành với Chén Thánh vẫn nghiền ngẫm nhật ký và các tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci với hy vọng phát hiện được một bằng cớ ẩn giấu giúp họ đi đến nơi hiện tại cất giấu Chén Thánh. Một số người khẳng định khung cảnh núi non trong bức tranh Madonna of the Rocks phù hợp với địa hình của hàng loạt những quả núi có hang động ở Scotland. Một số khác lại khăng khăng rằng cách sắp xếp đáng ngờ những tông đồ của Chúa Jesus trong bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng là một loại mã số. Lại có những người khác quả quyết rằng chiếu tia X qua bức Mona Lisa cho thấy ban đầu nàng được vẽ với một chiếc vòng ngọc bích của Isis đeo quanh cổ một chi tiết mà có lẽ sau này Da Vinci đã quyết định xoá đi. Langdon chưa từng nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào về chiếc vòng đó, ông cũng không thể tưởng tượng được làm cách nào mà nó có thể chỉ ra Chén Thánh, thế nhưng những người say mê Chén Thánh vẫn bàn luận về nó đến phát buồn nôn trên những bản tin Internet và trong những phòng chat trên mạng toàn cầu.
Ai cũng thích chuyện âm mưu.
Và những chuyện âm mưu tiếp tục đến. Cần đây nhất, tất nhiên, là sự khám phá gây chấn động rằng bức Tôn sùng ba Vua (2) trứ danh của Da Vinci giấu một bí mật đen tối dưới những lớp sơn của nó. Nhà giám định nghệ thuật người Ý Mauvizio Seracini đã vén bức màn bí ẩn về sự thật gây khuấy động mà tờ Thời báo New York đã đăng nổi bật trong một bài nhan đề Bí mật bị che phủ của Leonardo.
Seracim đã vạch ra rành rành không thể nghi ngờ rằng mặc dù phần vẽ phác thảo màu xanh xám bên dưới của bức Tôn sùng ba Vua đích thực là tác phẩm của Da Vinci nhưng bản thân bức tranh lại không phải. Sự thật là một họa sĩ vô danh nào đó đã điền thêm vào phác hoạ của Da Vinci như một sáng tác tập thể nhiều năm sau khi Da Vinci chết. Tuy nhiên, rắc rối hơn nữa là cái nằm bên dưới lớp sơn của kẻ mạo danh. Các bức ảnh được chụp với bức xạ hồng ngoại và tia X đã gợi mở rằng, tay hoạ sĩ lừa đảo này, trong khi bổ sung vào bản phác thảo của Da Vinci, đã tạo những nét đáng nghi ngờ khác với bức phác hoạ… như thể là để biến đổi ý đồ thật sự của Da Vinci. Cho dù bản chất thực sự của bức phác thảo là gì, thì nó cũng cần được công bố. Thậm chí như vậy, những người điều hành của Bảo tàng Ufizi ở Florence bị câu chuyện làm cho lúng túng đã xếp xó bức tranh này vào một nhà kho bên kia đường ngay lập tức.
Các khách tham quan gian phòng Leonardo của bảo tàng giờ thấy ở chỗ đã từng treo bức Tôn sùng Ba Vua một tấm bảng đánh lạc hướng mà chẳng hề ngỏ ý cáo lỗi. (nguồn vnthuquan.net)