Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..:: Các CLB khác ::.. > CLB Tâm linh

Tổ Thứ Nhất Trung Hoa (Phật Giáo)

Tổ Thứ Nhất Trung Hoa (Phật Giáo)

this thread has 33 replies and has been viewed 21042 times

Gởi Ðề Tài Mới Ðề tài đã khoá
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 06-07-2007, 12:03 AM   #21
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default Tổ Xà-Dạ-Đa (Jayata)

Tổ Xà-Dạ-Đa (Jayata)
Giữa thế kỷ thứ tám sau Phật Niết-bàn.





Ngài người Bắc-Ấn, trước đã sẵn lòng mến đạo, thông hiểu đạo lý. Nhơn du lịch miền Trung-Ấn gặp Tổ Cưu-Ma-La-Đa, Ngài nhờ giải nghi, rồi phát tâm xuất gia. Sau được truyền tâm ấn. Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa các nước,lần lượt đến thành La-Duyệt. Trong thành nầy hiện có số đông chúng tăng học đạo. Nghe tin Ngài đến,họ đua nhau đến yết kiến. Chúng đến trước nhất,người lãnh đạo là Bà-Tu-Bàn-Đầu. Ông nầy tu hành tinh tấn suốt ngày đêm không nằm và sáu thời lễ bái,mặc y vá, ăn một bữa,lòng đạm bạc không mong cầu. Đồ chúng nhơn đó rất kính trọng ông.
Ngài gọi đồ chúng bảo: -Người khổ hạnh tu hành thanh tịnh nầy (Bà-Tu-Bàn-Đầu) có thể được Phật đạo chăng ?
Chúng đáp: -Thượng nhơn nầy tu hành tinh tấn như thế,đâu không được đạo. Ngài bảo: -Người nầy cùng đạo xa vậy.
Dù khổ hạnh trải qua nhiều kiếp,chỉ giúp cho gốc vọng, đâu thể chứng đạo ? Chúng hỏi: -Nhơn giả chứa đựng được pháp gì mà chê thầy tôi ? Ngài đáp: -Ta chẳng cầu đạo cũng chẳng điên đảo,ta chẳng lễ Phật cũng chẳng khinh mạn,ta
chẳng ngồi mãi cũng chẳng lười biếng,ta chẳng biết đủ cũng chẳng tham cầu.Bà-Tu-Bàn-Đầu nghe lời nầy vui vẻ nói bài kệ tán thán: Khể thủ tam muội tôn, Bất cầu ư Phật đạo, Bất lễ diệc bất mạn, Tâm bất sanh điên đảo, Bất tọa bất giải đải, Đãn thực vô sở hảo,Tuy hoãn nhi bất trì, Tuy cấp nhi bất tháo, Ngã kim ngộ chí tôn, Hòa nam y Phật giáo Dịch: Đảnh lễ tam muội lớn, Chẳng cầu được Phật đạo, Chẳng lễ cũng chẳng khinh, Tâm chẳng sanh điên đảo,Chẳng ngồi chẳng lười biếng, Chỉ ăn không cần ngon, Tuy hoãn mà không chậm, Tuy gấp mà chẳng thô, Nay con gặp chí tôn, Cúi đầu vâng Phật dạy.
Ngài bảo chúng: -Người tu hạnh đầu đà nầy, bọn ngươi không thể bì kịp.Vì ông ấy kiếp trước tu hạnh bất khinh nên mới được như vậy.Vừa rồi,ta chê ông, bởi thấy ông đạo tâm tha thiết,sợ e như sợi đờn thẳng quá phải đứt nên ta không
khen ông, muốn ông tiến đến chỗ vô sở đắc và dừng trụ nơi đất An-Lạc. Ngài lại gọi Bàn-Đầu hỏi: -Ta nói trái ý ông,
tâm ông được chẳng động chăng ? Bàn-Đầu thưa: -Đâu dám động tâm.Tôi nhớ bảy đời về trước sanh cõi An-Lạc,vì mộ đạo nên thờ trí giả Nguyệt-Tịnh làm thầy. Thầy Nguyệt-Tịnh dạy tôi: <Không bao lâu nữa ngươi sẽ chứng quả Tư-Đà-Hàm, nên siêng năng tinh tiến. Phàm tu hành như trèo lên cao, phải cố gắng tiến lần lên, không cho sụt xuống. Nếu lỡ có sụt, muốn trèo lên lại càng khó >.Lúc đó, tôi đã tám mươi tuổi, nương gậy mới có thể đi được.Khi ấy, gặp Bồ-Tát Đại-Quang-Minh ra đời, tôi muốn đến lễ Ngài, bèn đi đến tịnh-xá, lễ bái xong trở về. Chợt gặp thầy Nguyệt-Tịnh quở
trách tôi: <Dốt quá, tại sao ông lại khinh cha trọng con ? Hôm trước,ta thấy ông sắp được chứng quả, hôm nay đã mất>
Khi ấy, tôi tự cho là không có lỗi, nên không phục những lời quở ấy.Tôi cầu xin thầy Nguyệt-Tịnh chỉ lỗi cho tôi.Thầy
Nguyệt-Tịnh dạy: -< Vừa rồi,ngươi đến đảnh lễ Bồ-Tát Đại-Quang tại sao lại dựng cây gậy vào mặt Phật vẽ trên vách,
Ngươi do lỗi nầy nên sụt quả vị >.Tôi nhớ kỹ lại, thật đúng như lời thầy Nguyệt-Tịnh quở.Từ đó về sau, phàm có nghe lời nào, chẳng dám không tin. Dù bị những lời chửi mắng vẫn coi như gió thổi ngoài tai. Huống là, nay Tôn-giả dùng
chánh pháp chỉ dạy thì đâu dám phiền buồn. Cúi xin đấng đại từ thương xót đem đạo mầu chỉ dạy cho con.
Ngài liền dạy: -Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao cho ngươi, ngươi nên truyền bá chớ để dứt mất. Nghe ta nói kệ: Ngôn hạ hiệp vô sanh, Đồng ư pháp giới tánh, Nhược năng như thị giải, Thông đạt sự lý cánh .
Dịch: Nói ra hợp vô sanh, Đồng cùng tánh pháp giới, Nếu hay hiểu như thế, Suốt thông sự lý tột . Bà-Tu-Bàn-Đầu lễ bái vâng lệnh. Ngài ngồi ngay trên tòa lặng lẽ qui tịch. Chúng hỏa táng thu xá-lợi xây tháp thờ .
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:05 AM   #22
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 21 - Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu (Vasubandhu)

Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu (Vasubandhu)
Cuối thế kỷ thứ tám sau Phật Niết-bàn.






Ngài họ Tỳ-Xá-Khư ở nước La-Duyệt, cha hiệu Quang-Cái, mẹ là Nghiêm-Nhất. Nguyên gia đình ông Quang-Cái giàu có mà không con. Hai ông bà đồng đi lễ tháp Phật ở phía Bắc thành La-Duyệt để cầu con. Sau đó, bà mộng thấy nuốt hai hạt châu một sáng một tối. Kế bà biết mình có thai. Một hôm, có vị A-La-Hán hiệu Hiền-Chúng đến nhà. Ông Quang-Cái ra đảnh lễ. Đến lượt bà ra lễ, Tôn-giả Hiền-Chúng liền tránh qua một bên ra vẻ cung kính đáp lại. Ông Quang-Cái lấy làm lạ hỏi: -Tôi là trượng phu đảnh lễ Tôn-giả chẳng nhượng, tại sao vợ tôi là phụ nữ mà Tôn-giả lại kính nhượng ? Tôn-giả Hiền-Chúng đáp: -Bởi ông là phàm phu nên tôi nhận ông lễ, còn vợ ông đang mang thai Bồ-Tát là bậc pháp khí thượng thừa nên tôi cố tránh, không phải tôi trọng nữ khinh nam.
Ông Quang-Cái tạ lỗi thưa: -Tôn-giả là bậc thánh nhơn hay biết việc chưa đến. Sau quả nhiên bà Nghiêm-Nhất sanh
được hai người con trai một lượt. Người con lớn đặt tên là Bà-Tu-Bàn-Đầu tức là Ngài. Thuở bé, Ngài ý chí siêu việt, đến 15 tuổi xin xuất gia với A-La-Hán Quang-Độ. Khi thọ giới được Bồ-Tát Tỳ-Bà-Ha truyền cho. Ngài mộ hạnh của Tổ Ca-Diếp nên tập tu theo hạnh đầu-đà. Lúc gặp Tổ Xà-Dạ-Đa kích khởi phát sanh đại huệ và được truyền pháp.
Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi, lần lượt đến nước Na-Đề. Vua Na-Đề tên là Thường-Tự-Tại, sanh được hai người con trai. Người con lớn là Ma-Ha-La đã 40 tuổi, người con thứ là Ma-Noa-La được 30 tuổi. Khi Ngài đến nước nầy, vua thỉnh vào cung cúng dường. Vua hỏi Ngài: -Phong tục nước tôi chắc không bằng phong tục thuần mỹ ở thành La-Duyệt ? Ngài đáp: -Ở thành La-Duyệt xưa kia có phước đức được ba đức Phật ra đời, ở nước nầy hiện có hai vị hiền sĩ làm phước báo. Vua hỏi: -Hai vị hiền là ai ? Ngài đáp: -Xưa Phật thọ ký rằng: < Gần một nghìn năm sau ta Niết-bàn, có một thần lực đại sĩ ra nối truyền chánh pháp tại nước Na-Đề tên là Ma-Noa-La >,là con thứ hai của bệ hạ.
Còn bần tăng tuy đức mỏng cũng đảm đang một vị vậy. Vua nghe hoan hỷ gọi thái-tử Ma-Noa-La đến, bạch với Ngài:
Con tôi đây đã được Phật thọ ký, cúi xin Tôn-giả nhận cho nó xuất gia. Ngài bảo: -Vị hoàng tử nầy nếu không phải tôi làm thầy, sau nầy không ai độ được. Ngài liền triệu tập thánh chúng vào hoàng cung làm lễ xuất gia thọ giới cho Ma-Noa-La. Ma-Noa-La rất hoan hỷ được thọ lãnh giới pháp. Sau đó, Ngài dẫn Ma-Noa-La sang hóa đạo nước khác.
Một hôm, Ngài gọi Ma-Noa-La lại bảo: -Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai nay giao phó cho ngươi, ngươi phải gìn giữ
truyền bá. Nghe ta nói kệ: Bào huyễn đồng vô ngại,Vân hà bất ngộ liễu,Đạt pháp tại kỳ trung,Phi kim diệc phi cổ.
Dịch: Bọt huyễn đồng không ngại, Tại sao chẳng liễu ngộ, Đạt pháp ngay trong ấy, Chẳng xưa cũng chẳng nay .
Truyền pháp xong, Ngài đang ngồi trên tòa, bỗng thân vượt lên hư không, ngồi yên trên ấy. Bốn chúng quỳ bạch:
< Chúng con muốn thờ xá-lợi, xin Tôn-giả cho chúng con được thiêu lấy xá-lợi >. Thân Ngài liền hạ xuống ngồi yên chổ cũ. Chúng thiêu lượm xá-lợi phụng thờ .
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:05 AM   #23
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 22 - Tổ Ma-Noa-La (Manorhita)

Tổ Ma-Noa-La (Manorhita)
Đầu thế kỷ thứ chín sau Phật Niết-bàn.






Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở nước Na-Đề, cha là Thường-Tự-Tại vua nước nầy. Ngài là con thứ ba của vua, khi sanh ra có nhiều điềm lạ, nên vua không dám lấy việc thế tục ràng buộc. Khi gặp Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu, Ngài được 30 tuổi,vua cha cho phép xuất gia theo Tổ. Sau Ngài được Tổ truyền tâm pháp.
Ngài sang Tây-ấn giáo hóa.Vua nước nầy họ Cù-Đàm tên Đắc-Độ hằng sùng Phật pháp tinh tấn tu hành. Bảy năm hành đạo tại Long cung. Một hôm, bỗng hiện một bảo tháp xanh huyền bề cao một thước tư, ngay chổ vua tu hành.Vua
đích thân lại bưng lên để thờ, nhưng bưng không nổi,lính hộ vệ họp lực nhắc lên cũng không lay chuyển. Sau cùng vua phải mở đại hội triệu tập tất cả lực sĩ, tăng sĩ, phạm-chí, chú-thuật…để hỏi nguyên nhơn bảo tháp xuất hiện và dời lên thờ.Trong cuộc hội nầy, Ngài cũng đến dự. Trước tiên những lực sĩ ra sức nhắc tháp lên không lay động. Kế các nhà chú-thuật dùng thần chú cũng bất lực.Sau cùng Ngài Ma-Noa-La bước ra giải thích: -Tháp nầy do vua A-Dục tạo ra để thờ xá-lợi của Phật. Bốn mặt đều có chạm hình tiền thân Phật Thích-Ca khi còn làm hạnh Bồ-Tát. Ngày nay do đại-vương có duyên phước lớn nên tháp nầy mới hiện. Nói xong,Ngài lại nhắc bảo tháp để trên bàn thờ.Vua và toàn chúng
hết lòng kính phục.Vua thưa: -Xin Tôn-giả dạy cho chúng tôi những Phập pháp gì cần học ? Ngài bảo:-Muốn học Phật
pháp phải bỏ ba vật và đủ bảy việc.Vua thưa: -Ba vật gì phải bỏ và đủ bảy việc gì ? Ngài đáp: -Tham, sân, si là ba vật phải bỏ. Đủ bảy việc là: 1)- đại từ, 2)- hoan hỷ, 3)- vô ngã, 4)-dõng mãnh, 5)- nhiêu ích, 6)- hàng ma, 7)- vô chứng.
Vua Đắc-Độ nghe xong cảm ngộ, rất tiếc mình được hiểu quá muộn. Tự than: < Bậc chí thành khó gặp, sự vui trong đời có gì lâu dài !> Vua cho đòi thái tử đến giao hết việc nước, xin theo Ngài xuất gia học đạo. Ngài triệu tập các vị thánh chúng đến hoàng cung làm lễ xuất gia và truyền giới cho vua. Xuất gia tu không bao lâu, vua Đắc-Độ chứng được quả thánh. Ngài dạy Đắc-Độ ở lại trong nước giáo hóa, còn Ngài sang nước Nguyệt-Chi tìm người kế truyền.
Ngài Ma-Noa-La và tăng chúng đến nước Nguyệt-Chi. Vua nước nầy là Bảo-Ấn và Tỳ-kheo Hạc-Lặc-Na đồng đón tiếp, thỉnh về nội cung. Hạc-Lặc-Na đem việc Long-Tử hỏi trước: -Thưa Tôn-giả ! tôi có một đứa đệ tử tên Long-Tử tuổi tuy còn nhỏ mà thông minh tuyệt vời. Tôi thường nhập định tìm nguyên nhơn đời trước mà không thấy manh mối, hôm nay gặp đây xin Tôn-giả chỉ dạy cho ? Ngài hỏi: -Ông nhập định quán thấy được mấy kiếp ? Hạc-Lặc-Na thưa: -Tôi chỉ thấy được ba đời. Ngài bảo: -Đệ tử của ông trong kiếp thứ năm đã sanh trong nhà Bà-la-môn giàu có tại nước Diệu-Hỷ. Khi ấy, trong nước có ngôi chùa mới khánh thành cái đại hồng chung.Con ông Bà-la-môn nầy dùng gỗ chiên đàn tiện cái chày dộng chuông cúng chùa. Nhờ chày nầy giúp cho người được nghe chuông thức tỉnh. Bởi quả báo ấy, nên nay nó sanh ra được thông minh. Hạc-Lặc-Na lại hỏi: -Riêng tôi không biết duyên gì mà cảm được bầy hạc thường theo, xin Tôn-giả chỉ dạy ? Ngài bảo:-Xưa ông trong kiếp thứ tư làm vị Tỳ-kheo đạo đức được đầy đủ,có đến 500 đệ tử
mỗi khi Long cung thỉnh ông cúng dường, ông xét trong hàng đệ tử không có người đủ phước đức thọ Long cung cúng nên ông chỉ đi một mình. Nhóm đệ tử bất mãn nói: < Thầy thường thuyết pháp nói: đối sự ăn uống bình đẳng, đối với pháp cũng bình đẳng, mà nay thầy đi thọ trai một mình !> Sau Long cung thỉnh, ông đều cho chúng đi theo. Bởi họ chưa đủ đức mà nặng về sự ăn uống, nên sau khi tịch diệt, chúng ấy lần lượt chết sanh trong loài có cánh. Đã trải qua năm kiếp, nay họ lại làm thân hạc. Do nhơn duyên thầy trò kiếp trước nên nay chúng cảm mến ông. Hạc-Lặc-Na cảm động, lại hỏi: -Nay phải tu pháp gì để giúp chúng trở lại làm người ? Ngài bảo: -Ta có pháp bảo vô thượng, là kho tàng Như-Lai, Thế-Tôn xưa trao cho Tổ Ca-Diếp lần lượt đến ta, nay ta trao cho ông, ông nên truyền bá chớ nên để dứt mất
Nghe ta nói kệ: Tâm tùy vạn cảnh chuyển, Chuyển xứ thật năng u, Tùy lưu nhận đắc tánh, Vô hỷ diệc vô ưu .
Dịch: Tâm theo muôn cảnh chuyển, Chổ chuyển thật kín sâu, Theo dòng nhận được tánh, Không mừng cũng không lo Hạc-Lặc-Na vui vẻ kính vâng phụng hành. Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp thờ .
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:07 AM   #24
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 23 - Tổ Hạc-Lặc-Na (Haklena)

Tổ Hạc-Lặc-Na (Haklena)
Giữa thế kỷ thứ chín sau Phật Niết-bàn





Ngài dòng Bà-la-môn sanh tại nước Nguyệt-Chi, cha hiệu Thiên-Thắng, mẹ là Kim-Quang. Ông Thiên-Thắng đã lớn tuổi mà không con.Một hôm, ông đến trước Kim-Tràng thờ bảy đức Phật dâng hương lễ bái cầu con. Một hôm, bà Kim
-Quang nằm mộng thấy một vị thần đứng trên ngọn núi Tu-Di tay cầm vòng ngọc nói với bà: <Ta lại đây>. Khi thức giấc, bà biết có thai.Khi Ngài được bảy tuổi đi chơi trong xóm, thấy một ngôi miếu thờ thần, dân gian hằng ngày giết các súc vật đến dâng cúng. Ngài đi thẳng vào miếu quở: -Khéo bày đặt sự họa phước mà lừa gạt dân chúng, hằng năm làm hao phí của nhơn dân, tổn hại sinh mạng loài vật quá nhiều ! Ngài quở xong, ngôi miếu bị sụp đổ. Dân chúng trong làng gọi Ngài là ông thánh con.
Hai mươi tuổi, Ngài xuất gia tu theo Phật giáo. Ngài ở ẩn trong đám rừng xanh ngót chín năm, chỉ làm bạn với bầy hạc và chuyên tụng kinh Đại-Bát-Nhã. Năm ba mươi tuổi, Ngài gặp Tổ Ma-Noa-La và được truyền tâm ấn. Ngài dẫn chúng du hóa miền Trung-Ấn. Ông vua sứ nầy tên Vô-Úy-Hải rất sùng mộ Phật giáo. Vua thỉnh Ngài vào cung thuyết pháp cho vua nghe.Vua nghe Ngài thuyết pháp rất hoan hỷ. Ngài có đệ tử ưu tú nhất là Long-Tử. Long-Tử rất thông minh, mà mạng yểu. Long-Tử mất, cha mẹ và anh là Sư-Tử đến làm lễ hõa táng, song dời quan tài không được. Sư-Tử lấy làm lạ hỏi Ngài: -Toàn chúng tận lực dỡ lên, tại sao không nổi ? Ngài đáp: -Lỗi tại nơi ngươi vậy. Sư-Tử hỏi: -Tôi có lỗi gì ? Xin Tôn-giả nói cho tôi biết ? Ngài bảo: -Ngươi xưa theo Bà-la-môn, em ngươi đi xuất gia, hai bên xa cách.
Em ngươi hai năm ngày đêm nhớ thương, muốn làm phước giúp cho ngươi, bảo thầy ngươi đấp một tượng Phật, đã lâu
mà chưa hoàn bị. Ngươi vì ghét nên đem tượng Phật ném xuống đất. Bây giờ, ngươi đi về thỉnh tượng Phật để trên bàn lại, thì quan tài sẽ dời được. Sư-Tử làm y như Ngài dạy, quả nhiên quan tài dời đi dễ dàng. Kế đến thầy của Sư-Tử tịch. Ông cảm thấy buồn bã, nghiệm lại lời Ngài nói, bèn đến xin xuất gia theo Phật làm đệ tử Ngài.
Sư-Tử hỏi Ngài: -Bạch thầy ! con muốn dụng tâm cầu đạo, phải dụng tâm nào ? Ngài đáp: -Không có chổ dụng tâm. Đã không dụng tâm làm sao làm Phật sự ? –Ngươi nếu có dụng thì chẳng phải công đức. Nếu ngươi không làm tức là Phật sự. Cho nên kinh nói: < Ta ra làm công đức, mà không có cái ta làm >. Sư-Tử nghe nói liền phát sanh trí huệ Phật.
Ngài chỉ hướng Đông-Bắc hỏi Sư-Tử: -Ngươi thấy gì chăng ? Sư-Tử thưa: -Con thấy. –Ngươi thấy cái gì ? –Con thấy hơi trắng xông lên giống như cái mống bao khắp trời đất, lại có hơi đen năm lằn xẹt như cây thang lên trời Đạo-Lợi.
-Ngươi thấy hơi ấy, có biết ứng điềm gì chăng ? –Con không biết ứng điềm gì, xin thầy dạy cho. -Cuối năm chục năm
sau khi ta diệt độ, tai nạn sẽ phát khởi ở Bắc-Ấn ngươi nên biết đó. Sư-Tử thưa: -Con muốn du phương, thỉnh thầy chỉ dạy. Ngài bảo: -Nay ta đã già, giờ Niết-bàn sắp đến, đại pháp nhãn tạng của Như-Lai giao lại cho ngươi, ngươi đến nước khác. Song nước ấy có tai nạn mà liên hệ đến thân ngươi. Ngươi phải dè dặt, truyền trao sớm chớ để đoạn mất. Nghe ta nói kệ: Nhận đắc tâm tánh thời, Khả thuyết bất tư nghì, Liễu liễu vô khả đắc, Đắc thời bất thuyết tri .
Dịch : Khi nhận được tâm tánh, Mới nói chẳng nghĩ bàn, Rõ ràng không chỗ được, Khi được không nói biết . Truyền pháp xong, Ngài phi thân lên hư không làm mười tám pháp thần biến, rồi trở lại chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:08 AM   #25
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 24 - Tổ Sư-Tử (Aryasimha)

Tổ Sư-Tử (Aryasimha)
Cuối thế kỷ thứ chín sau Phật Niết-bàn





Ngài dòng Bà-la-môn người Trung-Ấn. Thuở nhỏ Ngài rất thông minh, tài hùng biện xuất chúng. Ngài có người em tên Long-Tử cũng thông minh như thế. Trước Ngài thọ giáo với thầy Bà-la-môn, em Ngài lại xuất gia tu theo Phật giáo.
Khi Long-Tử tịch, Ngài có cơ hội gặp Tổ Hạc-Lặc-Na và hồi đầu thọ giáo với Tổ. Khi Tổ sắp tịch truyền tâm pháp lại cho Ngài.Ngài sang nước Kế-Tân hoằng hóa. Trong nước nầy trước có vị Sa-môn tên Bà-Lợi-Ca, chuyên tập thiền quán Tiểu-thừa. Môn đồ của Bà-Lợi-Ca, sau lại chia làm năm phái:1) -Thiền-định, 2) –Tri-kiến, 3) -Chấp-tướng, 4)Xã-
tướng, 5)-Tịnh-khẩu. Họ tranh nhau dành phần hơn. Ngài đến các phái ấy, dùng biện tài vô ngại chiết phục được bốn phái. Duy phái Thiền-định người cầm đầu là Đạt-Ma-Đạt, hay tin nầy tức giận tìm đến cật vấn Ngài.
Vừa gặp Ngài, Đạt-Ma-Đạt nói: -Muốn gặp nhau vấn nạn mới đến đây. Ngài hỏi: -Nhơn giả tập định sao lại đến đây ? Nếu có đến đây thì đâu phải thường tập định ? Ma-Đạt nói: -Tôi đến chỗ nầy mà tâm cũng không loạn, định tùy người tập đâu phải tại chỗ nơi. Ngài hỏi: -Nhơn giả lại đây thì cái tập kia cũng đến. Đã không phải chỗ nơi thì đâu tại người tập ? Ma-Đạt nói: -Vì định tập người, chẳng phải người tập định. Tuy tôi có đi lại mà cái định ấy vẫn thường tập. Ngài hỏi: -Người chẳng tập định, vì định tập người. Vậy chính khi người đi lại, thì cái định ấy tập ai ? Ma-Đạt nói: -Như hạt minh châu sạch, trong ngoài không bị che, nếu định được thông đạt cũng lại như thế. Ngài bảo: -Nếu định thông đạt giống như hạt minh châu. Nay thấy nhơn giả không thể sánh được với hạt minh châu. Ma-Đạt nói: -Hạt châu kia sáng suốt trong ngoài đều định. Tâm tôi không loạn ví như hạt châu ấy. Ngài bảo: -Châu kia không có trong ngoài, nhơn giả làm sao hay
định ? Vật nhơ chẳng giao động, định nầy chẳng phải sạch. Đạt-Ma-Đạt biết nghĩa mình bị bẽ gãy, càng kính phục, đảnh lễ bạch Ngài: -Con học đạo còn sơ suyển, nếu không được lời chỉ dạy của Tôn-giả làm sao biết được chỗ tột. Cúi xin Tôn-giả thương xót nhận con làm học trò.Ngài dạy thêm: -Thiền-định của chư Phật không có sở đắc. Giác đạo của chư Phật không có sở chứng. Không đắc không chứng là chơn giải thoát. Đền nhơn trả quả là nghiệp báo của thế gian, ở trong pháp nầy (chơn giải thoát) ắt chẳng như thế. Ngươi nếu tập định nên tập như vậy. Đạt-Ma-Đạt vui vẻ vâng lời dạy. Một hôm, có ông trưởng giả dẫn đứa con đến yết kiến Ngài.Trưởng giả thưa: -Thằng con tôi đây tên là Tư-Đa, từ khi sanh ra cho đến giờ (20 tuổi) mà bàn tay trái vẫn nắm chặc lại chưa từng mở ra. Xin Tôn-giả từ bi nói rõ nhơn đời trước của nó cho con hiểu. Ngài nhìn thẳng vào mặt Tư-Đa, rồi đưa tay bảo: -Trả hạt châu lại cho ta ! Tư-Đa liền sè tay dâng hạt châu cho Ngài,Ông trưởng-giả và đồ chúng thấy thế đều ngạc nhiên. Ngài giải thích:-Thuở quá khứ Ta làm vị Tỳ-kheo thường được Long-Vương thỉnh xuống Long-cung tụng kinh, khi ấy, Tư-Đa nầy cũng theo ta xuất gia, tên Bà-Xá. Một hôm, Long-Vương thỉnh ta đi tụng kinh, Bà-Xá theo làm thị giả. Tụng kinh xong, Long-Vương cúng hạt châu đáp lễ. Ta nhận trao cho thị giả giữ trong tay. Ta tịch, sanh nơi đây, vì nhơn duyên thầy trò chưa hết, nên lại gặp nhau tại hội nầy. Ông trưởng giả nghe được tiền duyên của con mình, hoan hỷ cho Tư-Đa theo Ngài xuất gia.
Ngài xét duyên xưa và nay nên hợp hai tên lại đặt là Bà-Xá-Tư-Đa. Nhận Bà-Xá-Tư-Đa rồi, Ngài triệu tập thánh chúng làm lễ truyền giới. Sau đó, Ngài gọi Bà-Xá-Tư-Đa lại bảo: -Nơi nước nầy sắp có tai nạn đến cho ta, nhưng tuổi ta đã già yếu đâu mong lánh thoát làm gì. Ta đã được truyền đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao lại cho ngươi, ngươi nên phụng trì, ngươi mau đi khỏi nước nầy, lấy sự giáo hóa làm nhiệm vụ. Nếu có người nghi ngờ nên trình cái y tăng-già-lê của ta đây làm tin.Nghe ta nói kệ: Chánh thuyết tri kiến thời,Tri kiến câu thị tâm,Đương tâm tức tri kiến,Tri kiến tức vu kim. Dịch: Chính khi nói tri kiến, Tri kiến đều là tâm, Chính tâm tức tri kiến, Tri kiến tức là hiện nay.
Bà-Xá-Tư-Đa nhận lãnh tuân hành, ngay hôm ấy đi nơi khác. Lúc ấy, trong nước Kế-Tân có hai người ngoại đạo giỏi pháp huyễn thuật mưu đồ ám sát nhà vua. Nhưng còn ngại bại lộ cơ mưu, nên chúng đổi hình Tỳ-kheo đi làm việc gian ác ấy. Quả nhiên bị quân quan bắt được.Vua Di-La-Quật hay việc nầy nổi cơn phận nộ, ra lệnh triệt hạ chùa chiền, bắt nhốt tăng chúng.Vua trách: -Lâu nay ta sùng kính Phật giáo quý trọng Tỳ-kheo mà nay họ lại manh tâm sát hại ta, vậy còn đạo đức chỗ nào ? Bởi sự tức giận ấy, nhà vua đích thân cầm gươm báo đến chỗ Ngài Sư-Tử hỏi: -Thầy được không tướng chưa ? Ngài đáp: -Đã được.- Đã được, thì còn sợ sống chết chăng ?- Đã lìa sống chết thì đâu có sợ. -Chẳng sợ có thể cho ta cái đầu chăng ? - Thân chẳng phải cái của ta, huống nữa là đầu. Vua liền chặt đầu Ngài rơi xuống đất. Nơi cổ phun lên giọt sữa trắng cao chừng một trượng. Cánh tay mặt của vua Di-La-Quật cũng đứt lìa. Bảy ngày sau vua băng (Duyên nghiệp đời trước của Ngài và nhà vua có ghi rõ ràng trong:Thánh-Trụ Tập và Bửu-Lâm Truyện).Thái-tử Quang -Thủ lên ngôi, lo mai táng phụ hoàng và thỉnh chúng tăng cúng dường sám hối. Tăng chúng lo xây tháp thờ Ngài .
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:09 AM   #26
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 25 - Tổ Bà-Xá-Tư-Đa (Basiasita)

Tổ Bà-Xá-Tư-Đa (Basiasita)
Đầu thế kỷ thứ mười sau Phật Niết-bàn






Ngài dòng Bà-la-môn người nước Kế-Tân, cha hiệu Tịch-Hạnh , mẹ là Thường-An-Lạc. Một hôm, bà Thường-An-Lạc
nằm mộng thấy lượm được cây kiếm thần, sau đó có thai Ngài. Khi sanh ra, Ngài nắm chặt bàn tay trái mãi,cho đến gặp Tổ Sư-Tử mới sè ra. Ngài được cha mẹ cho phép xuất gia theo hầu Tổ Sư-Tử. Tổ Sư-Tử vì nợ trước phải trả nên truyền tâm ấn xong, bảo Ngài phải sang Nam-Ấn.
Ra khỏi nước Kế-Tân, Ngài đến Trung-Ấn.Vua nước nầy hiệu Ca-Thắng ra đón tiếp Ngài.Trong nước nầy trước có chúng ngoại đạo giỏi pháp thuật, ỷ tài khinh chê Phật pháp, người cầm đầu tên Vô-Ngã.Vua thấy thế bất bình, muốn thỉnh Ngài chiết phục chúng.Vua mở hội nghị luận,chính vua làm chủ tọa.Vô-Ngã đến hội đề xướng mặc luận, không dùng lời nói. Ngài chống: -Nếu chẳng dùng lời làm sao phân biệt hơn thua ? Ngoại đạo nói: -Chẳng tranh hơn thua chỉ lấy nghĩa ấy. Ngài hỏi: -Cái gì là nghĩa ? Ngoại đạo đáp: -Không tâm là nghĩa. Ngài hỏi: -Ngươi đã không tâm thì đâu
thành nghĩa ? –Tôi nói không tâm chính là danh chẳng phải nghĩa. Ngài nói: -Ngươi nói không tâm chính là danh chẳng phải nghĩa, ta nói phi tâm chính là nghĩa chẳng phải danh. –Chính là nghĩa chẳng phải danh thì ai hay biện được nghĩa ?
Ngài bảo: -Ngươi nói chính là danh không phải nghĩa, thì danh nầy là danh gì ? –Vì biện cái phi nghĩa nên không danh mà đặt danh. –Ngài bảo: -Danh đã phi danh thì nghĩa cũng phi nghĩa, người biện là ai và biện vật gì ?
Bàn qua luận lại như thế đến hơn năm chục lần, ngoại đạo mới bặt lời nép phục. Bỗng trong vương cung có mùi hương lạ bay đến, Ngài chợt nói:< Đây là tin đưa đến, thầy ta đã tịch >. Ngài liền xây mặt về hướng Bắc chấp tay đảnh lễ. Lễ xong, Ngài nói với vua: -Khi tôi mới đi, thầy dạy qua Nam-Ấn, nay ở lại đây đã lâu là trái ý thầy, xin tạm biệt Đại-Vương sang nơi ấy.Vua và quần thần đồng tiển Ngài sang Nam-Ấn.
Vua nước Nam-Ấn hiệu là Thiên-Đức nghe tin Ngài sang cũng sửa sang xe giá ra đón tiếp, thỉnh Ngài về hoàng cung
Nhơn vua có hai Thái-tử, vị lớn là Đức-Thắng thì thân thể mạnh khỏe mà tánh tình hung bạo, còn em thì hiền lành mà bệnh hoạn liên miên, sẵn dịp vua hỏi Ngài.Vua hỏi: -Con tôi kính thờ Phật pháp, ưa làm việc lành, mà sao lại mắc bệnh kinh niên, vậy lẽ báo ứng lành dữ như thế nào ? Ngài đáp: -Bệnh của Thái-tử là do công đức phát sanh. Song lý sâu xa nầy Đại-Vương phải khéo nghe.Phật dạy người có nghiệp nặng nơi thân, ví như bệnh nội thương quá nặng, uống thuốc
không có công hiệu, sắp chết bệnh càng hoành hành. Nếu là bệnh nhẹ, gặp thuốc liền bớt, bớt rồi từ từ mạnh. Người nghiệp nặng cũng vậy, tuy có công đức mà không làm gì được, đến lúc gần chết nghiệp lại càng hiện. Nếu nghiệp nhẹ, làm các việc công đức, nghiệp trước liền hiện, trả xong sau sẽ thanh tịnh. Hiện nay Thái-tử làm việc thiện mà bị bệnh lâu, hẳn là do làm các công đức nên phát ra nghiệp nhẹ nầy.Hiện nay tuy có khổ nhỏ,về sau sẽ an ổn. Kinh đã nói:< Nếu phải chịu nghiệp báo trong ba đường ác, nguyện đời nầy trả xong, để khỏi vào đường ác >. Vua còn nghi gì ư ? -Vua Thiên-Đức tín nhận, càng phát tâm làm phước. Sau đó, Ngài từ giả nhà vua đi hoằng hóa nơi khác. Mười sáu năm sau, vua Thiên-Đức băng, Thái-tử Đức-Thắng lên nối ngôi.Vua Đức-Thắng tin theo ngoại đạo, chú thuật, nghe lời xúi dục của chúng, muốn làm khó Ngài.Thái-tử con vua Đức-Thắng tên Bất-Như-Mật-Đa biết được ác ý đó, liền đến can vua.
Thái-tử thưa: -Tôn-giả Bà-Xá-Tư-Đa xưa kia được ông nội kính trọng, nhiều người muốn hại còn không thể được, đạo đức của Ngài rất cao, xin phụ hoàng đừng làm khó Ngài.Vua Đức-Thắng nổi giận cho Thái-tử theo phe Tôn-giả Bà-Xá-Tư-Đa liền bắt hạ ngục. Sau vua cho thỉnh Ngài vào chánh điện.Vua cật nạn: -Nước tôi không có pháp tà, thầy tu học về
Tông phái nào ? Ngài đáp: -Tôi tu học theo tâm tông của Phật. Vua hỏi: -Phật diệt độ đã một ngàn năm, thầy làm sao được tâm tông của Phật ? Ngài đáp: -Từ Phật truyền cho Tổ Ca-Diếp đã trải qua 24 đời đến thầy tôi là Tổ Sư-Tử, tôi được người truyền lại. Vua hỏi: -Tôn-giả Sư-Tử đã bị giết, đâu thể đem pháp truyền cho thầy ? Nếu thầy thật được truyền thì lấy gì làm tin ? Ngài đáp: -Thầy tôi truyền bát và trao y Tăng-già-lê để làm tin, hiện nay vẫn còn. Ngài liền lấy y đưa cho vua xem. Vua vẫn không tin bảo đem lửa đốt. Khi lửa cháy, y hiện năm sắc hào quang. Lửa tắt, y vẫn còn nguyên như cũ. Vua mới tin nhận, xin sám hối tạ tội. Đồng thời, vua truyền lệnh tha Thái-tử.
Sau khi được thả, Thái-tử Bất-Như-Mật-Đa quyết chí xuất gia, xin phép vua cha được như nguyện. Vua thấy không thể ngăn được chí Thái-tử, nên đành phải cho. Thái-tử đến yết kiến Ngài xin cho làm đệ tử xuất gia. Ngài hỏi: -Nhà vua bằng lòng chăng ? Thái-tử thưa: -Phụ vương bằng lòng. Ngài hỏi: -Ông muốn xuất gia để làm việc gì ? Thái-tử thưa:
-Con muốn xuất gia để làm việc Phật. Ngài thấy Thái-tử tha thiết cầu đạo, liền nhận cho xuất gia. Sau sáu năm, Ngài triệu thỉnh các vị thánh chúng vào vương cung truyền giới cho Bất-Như-Mật-Đa.Giờ truyền giới đó có nhiều điềm lành ứng hiện, toàn hội đều hoan hỷ. Một hôm, Ngài gọi Bất-Như-Mật-Đa đến dặn dò: -Ta đã già lắm, chẳng bao lâu sẽ rời cõi nầy, xưa đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao lại cho ngươi. Hãy nghe ta nói kệ:
Thánh nhơn thuyết tri kiến, Đương cảnh vô thị phi, Ngã kim ngộ kỳ tánh, Vô đạo diệc vô lý .
Dịch: Thánh nhơn nói tri kiến, Ngay cảnh không phải quấy, Nay ta ngộ tánh ấy, Không đạo cũng không lý . Bất-Như-Mật-Đa thọ pháp xong, thưa: -Còn y Tăng-già-lê thầy không truyền cho con, là sao vậy ? Ngài bảo: -Xưa ta được truyền y vì thầy ta bị nạn truyền pháp không rõ ràng. Nay ngươi được truyền, mọi người đều biết, cần y làm gì ? Chỉ cần hóa đạo. Nói xong, Ngài thị hiện thần biến rồi vào Niết-bàn. Đồ chúng lượm xá-lợi xây tháp thờ .
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:10 AM   #27
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 26 - Tổ Bất-Như-Mật-Đa (Punyamitra)

Tổ Bất-Như-Mật-Đa (Punyamitra)
Giữa thế kỷ thứ mười sau Phật Niết-bàn






Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở Nam-Ấn, con vua Đức-Thắng, Lúc bé, Ngài đã sùng mộ Phật giáo, tánh tình thuần lương, thông minh xuất chúng. Vì can thiệp với vua cha về việc hại Tổ Bà-Xá-Tư-Đa, Ngài bị hạ ngục. Sau khi được thả, Ngài lấy cớ bệnh, từ ngôi Thái-tử,xin xuất gia với Tổ Bà-Xá-Tư-Đa. Sau đó,Ngài được Tổ truyền tâm ấn, đi giáo hóa các nơi.
Ngài sang Đông-Ấn hoằng hóa.Vua nước nầy hiệu Kiên-Cố đang tin trọng các thầy Phạm-Chi. Hay tin Ngài vào nước nầy,chúng Phạm-Chi họp nhau bàn mưu hãm hại. Thầy bọn Phạm-Chi xin theo vua lên chỗ cao, ông chỉ xa hỏi vua: -Bệ hạ thấy gì không ? Phương-Tây có yêu khí, ắt ma vào nước.Vua đáp:-Không thấy,song có gì đáng ngại ? Phạm-Chi thưa
-Ma nầy đến thì quốc gia suy vong. Xin dâng kế với bệ hạ, chi bằng mình tiêu diệt trước đi. Vua đáp: -Chưa thấy họ có tội gì ? đâu thể nhẫn tâm hại được. Phạm-Chi lại tiến cử một đồ chúng giỏi chú thuật để theo vua trị ma. Ngài dự biết trước việc xảy đến nên dặn đồ chúng: -Ta đến thành nầy ắt có nạn nhỏ, các ngươi chớ sợ. Đến thành, Ngài xin vào yết kiến nhà vua. Vừa gặp, vua liền hỏi: -Thầy đến đây làm gì ? Ngài đáp: -Tôi đến đây vì độ chúng sanh. Vua hỏi: -Sẽ lấy pháp gì ? độ những loài chúng sanh nào ? Ngài đáp: -Tùy mỗi loài kia dùng pháp độ họ.
Vua hỏi: -Nếu có người pháp thuật giỏi, thầy dám chống chăng ? Ngài đáp: -Phật pháp rất chơn chánh, dù thiên ma cũng hàng phục được, huống là yêu thuật mà chẳng dám chống sao ? Ngoại đạo nghe nói nổi nóng, liền dùng pháp thuật hóa quả núi lớn, hiện trên không ngay đầu Ngài, như chực sắp đè. Ngài lấy tay chỉ, quả núi bay lại trên đầu bọn Phạm Chi chúng hoảng sợ cầu Ngài cứu mạng. Ngài lấy tay chỉ, quả núi tan mất. Vua và chúng Phạm-Chi đều kính phục xin Ngài từ bi tha lỗi.
Nhơn đó, Ngài đem yếu lý Phật pháp giảng giải cho vua nghe. Vua hiểu rõ, thêm lòng quí kính, thỉnh Ngài lưu lại trong hoàng cung.Ngài cũng cho nhà vua biết rằng trong nước nhà vua có một vị thánh nhơn sẽ nối tiếp Ngài truyền đạo
Nguyên trong nước nầy có một đồng tử con dòng Bà-la-môn. Cha mẹ mất sớm, đồng tử ấy phải ăn xin để sống qua ngày. Đồng tử nầy tánh tình phóng khoáng lạ thường, không ai biết tên họ gì. Có khi đồng tử tự xưng là Anh-Lạc, nên dân chúng gọi là đồng-tử Anh-Lạc. Gặp lúc đồng tử đi nhanh, có người hỏi:-Sao anh đi nhanh vậy ? Đồng tử đáp: -Sao các người đi chậm quá.Có người hỏi:-Anh họ gì ? Đồng tử đáp: -Tôi với các người đồng họ.Một hôm,vua Kiên-Cố cùng
Ngài Bất-Như-Mật-Đa ngồi chung xe đi sang thành Đông. Anh-Lạc ra đón, đứng trước xe làm lễ. Ngài nói với nhà vua:
-Người nầy là thánh nhơn ở trong nước đại vương vậy. Ngài lại hỏi Anh-Lạc: -Ngươi nhớ việc xưa chăng ? Anh-Lạc thưa: -Tôi nhớ xưa đồng trong pháp hội, Tôn-giả giảng Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa, tôi giảng Tu-Đa-La thậm thâm. Duyên
xưa lại gặp, nên mới đón nhau đây. Ngài nói với vua: -Đồng tử nầy là hóa thân của Bồ-Tát Đại-Thế-Chí ra đời để nối dòng pháp cho tôi. Sau tôi sẽ có hai vị đại-sĩ ra đời, vị trước giáo hóa ở Nam-Ấn, vị sau có duyên với nước Trung-Hoa,
nhưng ở bên ấy chín năm rồi trở về bổn quốc. Ngài bảo Anh-Lạc: -Do xưa ta giảng Bát-Nhã, ông thuyết Tu-Đa-La, nay
lại gặp đây, nên lấy Bát-Nhã-Đa-La đặt tên ngươi. Bát-Nhã-Đa-La lễ tạ, theo thầy xuất gia. Ngài ở Đông-Ấn ngót sáu chục năm hoằng truyền chánh pháp. Thấy cơ duyên sắp mãn, Ngài gọi Bát-Nhã-Đa-La đến dặn dò: -Xưa Như-Lai trao đại pháp nhãn tạng lần lượt truyền đến ta, nay ta đem truyền lại cho ngươi, ngươi nên lưu truyền chớ để dứt mất.
-Nghe ta nói kệ: Chơn tánh tâm địa tàng, Vô đầu diệc vô đuôi, Ứng duyên nhi hóa vật, Phương tiện hô vi trí .
Dịch : Kho tâm địa chơn tánh, Không đầu cũng không đuôi, Hợp duyên tùy hóa vật, Phương tiện gọi là trí .
Ngài từ giả vua Kiên-Cố rằng: -Đại-vương gánh vác việc nước, ủng hộ Tam-Bảo đều được an ổn. Vì tôi hóa duyên đã hết, không vì quyến luyến ân đức đại vương mà ở lâu, nay tôi sắp đi, đại vương khéo bảo hộ Phật pháp. Ngài nói xong, trở lại chổ ngồi, thị hiện các thứ thần biến, rồi thị tịch. Vua và môn đồ xây tháp thờ xá-lợi cúng dường .
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:11 AM   #28
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 27 - Tổ Bát-Nhã-Đa-La (Prajnatara)

Tổ Bát-Nhã-Đa-La (Prajnatara)
Cuối thế kỷ thứ mười sau Phật Niết-bàn





Ngài dòng Bà-la-môn ở Đông-Ấn. Cha mẹ mất sớm, Ngài đi theo xóm ăn xin qua ngày. Nếu có ai mượn làm việc gì, Ngài sẵn sàng làm tận lực mà không cần tiền. Hành động và ngôn ngữ của Ngài lạ thường, người đời không lường được. Khi gặp Tổ Bất-Như-Mật-Đa nhắc lại duyên xưa, Ngài xin xuất gia, theo hầu Tổ và được truyền tâm pháp.
Sau nầy, Ngài thống lãnh đồ chúng sang Nam-Ấn hoằng hóa. Vua nước nầy hiệu Hương-Chí hết lòng sùng kính Phật pháp. Vua sanh ba người con trai đều kính tin Phật pháp. Người con lớn tên Nguyệt-Tịnh-Đa-La thích tu pháp niệm Phật tam muội. Người thứ hai tên Công-Đức-Đa-La thích tu bố thí làm phước. Người thứ ba tên Bồ-Đề-La thích thông lý Phật, lấy việc xuất thế làm trên. Vua thỉnh Ngài về cung cúng dường, bảo ba vị Thái-tử ra đảnh lễ Ngài. Ngài biết ba vị Thái-tử đều ham tu, muốn nghiệm thử trí mỗi người thế nào. Sẵn nhà vua cúng dường hạt châu quý vô giá, Ngài lấy ra hỏi: -Ở đời còn có vật gì quý báu bằng hạt châu nầy chăng ? Nguyệt-Tịnh thưa: -Hạt châu nầy quý tột, ở đời không có gì hơn nó, chẳng phải trong nhà vua thì làm gì có hạt châu nầy. Công-Đức-Đa-La cũng đồng ý như vậy: Bồ-Đề-Đa-La thưa: -Châu nầy là của báu thế gian chưa đủ làm tột, trong các thứ báu chỉ có pháp bảo là tột. Đây là ánh sáng của thế gian, trong các thứ ánh sáng chỉ có ánh sáng trí tuệ là tột. Đây là trong sạch của thế gian, trong các thứ trong sạch, chỉ tâm trong sạch là trên hết. Nhưng ánh sáng của hạt châu nầy không thể tự chiếu, cần nhờ ánh sáng trí tuệ mới biện biệt được nó. Đã biện rõ mới biết là châu, đã biết là châu mới hiểu cái quý báu của nó. Nếu hiểu cái quý báu của nó, thì nó báu mà không biết báu. Nếu biện rõ nó là châu, thì nó châu mà chẳng tự biết châu. Châu mà chẳng tự biết châu, cần nhờ trí châu mới biện được thế châu. Báu mà chẳng tự biết báu, cần nhờ trí bảo mới rõ pháp bảo. Song mà, thầy tôi có đạo thì báu kia liền hiện. Chúng sanh có đạo thì tâm báu cũng thế.
Ngài khen ngợi tài biện luận của Bồ-Đề-Đa-La. Lại hỏi thêm: -Trong các vật, vật gì không tướng ? –Trong các vật, chẳng khởi là không tướng. –Trong các vật, vật gì là tối cao ? –Trong các vật, nhơn ngã là tối cao. –Trong các vật, vật gì là tối đại ? –Trong các vật, pháp tánh là tối đại. Ngài thầm vui biết là đại pháp khí sẽ nối dõi cho Ngài sau nầy. Một hôm, vua Hương-Chí hỏi Ngài: -Tôi thấy các thầy đều tụng kinh, tại sao Tôn-giả không tụng kinh ? Ngài đáp: Tôi hơi thở ra chẳng tiếp các duyên, hít vào chẳng ở trong ấm giới, thường tụng thứ kinh nầy trăm ngàn muôn ức quyển.
Vua Hương-Chí băng, hai hoàng tử lớn và hoàng thân đều kêu khóc, duy Bồ-Đề-Đa-La ngồi nhập định chỗ hoàn linh cữu suốt bảy ngày. An táng nhà vua xong, Bồ-Đề-Đa-La xin phép mẹ và hai anh theo Ngài Bát-Nhã-Đa-La xuất gia. Ngài thấy cơ duyên đã thuần thục nên nhận cho, rồi thỉnh thánh tăng làm lễ xuất gia thọ giới cho Bồ-Đề-Đa-La.
Hôm nọ, Ngài gọi Bồ-Đề-Đa-La đến dặn dò: Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai lần lượt truyền trao, nay ta trao cho ngươi, ngươi khéo truyền bá chớ cho đoạn dứt. Nghe ta nói kệ:
Tâm địa sanh chư chủng, Nhơn sự phục sanh lý, Quả mãn bồ-đề viên, Hoa khai thế-giới khởi.
Dịch: Đất tâm sanh các giống, Nhơn sự lại sanh lý, Quả đầy bồ-đề tròn, Hoa nở thế-giới sanh. Truyền pháp xong, Ngài hiện các thứ thần biến, rồi thị tịch.
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:13 AM   #29
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 28 - Bồ-Đề-Đạt-Ma (Bodhidharma)

Tổ thứ nhất Trung-Hoa
Bồ-Đề-Đạt-Ma (Bodhidharma)
Đầu thế kỷ thứ mười một sau Phật Niết-bàn




Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở Nam-Ấn, cha là Hương-Chí vua nước nầy. Vua Hương-Chí sanh được ba người con trai, Ngài
Là Vương-tử thứ ba. Thưở nhỏ, Ngài đã có chí siêu việt và đặc tài hùng biện. Nhơn vua Hương-Chí thỉnh Tổ Bát-Nhã-Đa-La vào cung cúng dường, Ngài mới có duyên gặp Tổ. Qua cuộc nghiệm vấn về hạt châu, Tổ đã biết Ngài là người siêu quần bạt tục sẽ kế thừa Tổ vị. Sau khi vua cha băng, Ngài quyết chí xuất gia cầu xin Tổ Bát-Nhã độ làm đệ tử, Tổ hoan hỷ làm lễ thế phát và truyền giới cụ túc.Tổ bảo Ngài: -Hoàng-tử đối các pháp đã được thông suốt, nay nên đổi hiệu là Bồ-Đề-Đạt-Ma. Từ đây, Ngài luôn hầu hạ bên thầy. Một hôm, Tổ gọi Ngài đến truyền pháp và dặn dò: -Ngươi tạm giáo hóa ở nước nầy, sau sang Trung-Hoa mới thật là nhơn duyên lớn. Song, đợi ta diệt độ khoảng sáu mươi năm sau sẽ đi. Nếu ngươi đi sớm, sau e có việc không tốt. Những điều kiết hung về sự giáo hóa ở Trung-Hoa sau nầy, Ngài đều cầu xin Tổ chỉ dạy.Tổ dùng những lời sấm ký tiên đoán sự kiết hung vận số Phật pháp ở Trung-Hoa,nói có hơn mười bài kệ.
(Hình: Tranh Thiền: Bồ-đề-đạt-ma của Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku, 1689-1796) tông Lâm Tế)
Tổ tịch rồi, Ngài vẫn ở tại nước nhà giáo hóa. Người huynh đệ đồng sư với Ngài là Phật-Đại-Tiên cùng chung sức giáo hóa. Thời nhơn gọi hai Ngài là < Mở hai cửa cam lồ >. Song, sau môn đồ của Phật-Đại-Tiên lại chia làm sáu tông:
1.-Hữu tướng, 2.-Vô tướng, 3.- Định huệ, 4.-Giới hạnh, 5.-Vô đắc, 6.-Tịch tịnh, đua nhau truyền bá. Ngài thấy sự chia ly ấy, ngại cho chánh pháp suy vi. Vì thế, Ngài dùng phương tiện cảm hóa họ hồi đầu quay về chánh pháp.
Vua Nguyệt-Tịnh băng, con vua là Thái-tử Dị-Kiến nối ngôi. Dị-Kiến lên ngôi không bao lâu lại tin theo tà thuyết bài bác Phật giáo. Ngài sai đệ tử là Ba-La-Đề đến cung vua để nhiếp hóa. Sau khi cải tà quy chánh, vua Dị-Kiến hỏi ra mới biết Ba-La-Đề là đệ tử của chú mình. Nhà vua cho người thỉnh Ngài về cung giáo hóa. Về cung giáo hóa một thời gian, Ngài thấy cơ duyên sang Trung-Hoa đã đến, bèn đem lời huyền ký của Tổ Bát-Nhã-Đa-La thuật lại cho vua biết. Vua không còn lời gì dám ngăn cản, đành sắm một chiếc thuyền buôn, cho thủy thủ đưa Ngài sang Trung-Hoa. Vua và quần thần tiển đưa Ngài ra tới cửa biển.
Ngài ở trên thuyền gần ngót ba năm, thuyền mới cặp bến Quảng-Châu, nhằm đời nhà Lương niên hiệu Phổ-Thông năm
đầu (520 sau T.C.),ngày 21 tháng 9 năm Canh-Tý. Thích-sử tỉnh nầy ra đón tiếp Ngài, đồng thời dâng sớ về triều tâu vua Lương-Võ-Đế. Vua được sớ, liền sai sứ lãnh chiếu chỉ đến thỉnh Ngài về Kim-Lăng (Kinh đô nhà Lương). Vua Võ-Đế hỏi: -Trẩm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng ni, không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng ? Ngài đáp: -Đều không có công đức. -Tại sao không có công đức ? -Bởi vì những việc ấy là nhơn hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật. -Thế nào là công đức chơn thật ? –Trí thanh tịnh tròn mầu,thể tự không lặng,công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu. -Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất ?
-Rỗng rang không thánh. -Đối diện với trẩm là ai ? –Không biết. Vua Lương-Võ-Đế không lãnh ngộ được, lui về nghỉ. Ngài biết căn cơ chẳng hợp, tạm lưu lại đây ít hôm.
Đến ngày 19, Ngài bỏ vua Lương, lén sang sông qua Giang-Bắc. Ngài nhập cảnh nước Ngụy đi đến Lạc-Dương nhằm đời Hậu-Ngụy, vua Hiếu-Minh-Đế niên hiệu Chánh-Quang năm đầu (520 sau T.C.) ngày 23 tháng 11.
Ngài dừng trụ tại chùa Thiếu-Lâm ở Trung-Sơn, trọn ngày ngồi xây mặt vào vách im lặng. Tăng chúng đều không hiểu được. Người đời gọi Ngài là < Thầy Bà-la-môn ngồi nhìn vách > (Bích quán Bà-la-môn). Có vị Tăng tên Thần-Quang học thông các sách, giỏi lý diệu huyền, nghe danh Ngài tìm đến yết kiến. Thần-Quang đã đủ lễ nghi mà Ngài vẫn ngồi lặng yên ngó mặt vào vách không màng đến. Quang nghĩ: < Người xưa cầu đạo chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của các Ngài >. Hôm ấy, nhằm tiết mùa đông (mùng 9 tháng chạp), ban đêm tuyết rơi lả tả, Thần-Quang vẫn đứng yên ngoài tuyết chấp tay hướng về Ngài. Đến sáng tuyết ngập lên khỏi đầu gối, mà gương mặt Thần-Quang vẫn thản nhiên. Ngài thấy thế thương tình, xây ra hỏi: -Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì ?
Thần-Quang thưa: -Cúi mong Hòa-thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con. -Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay ! Huống là, dùng chút công lao nhỏ nầy mà cầu được pháp chân thừa ?
Thần-Quang nghe dạy bèn lén lấy đao chặt cánh tay trái để trước Ngài để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Ngài biết đây là pháp khí bèn dạy: -Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân, nay ngươi chặt cánh tay để trước ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá. –Pháp ấn của chư Phật con có thể được nghe chăng ? –Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được. –Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm. –Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho. –Con tìm tâm không thể được. –Ta đã an tâm cho ngươi rồi. Thần-Quang nhơn đây được khế ngộ. Ngài liền đổi tên Thần-Quang là Huệ-Khả.
Từ đây kẻ Tăng người tục đua nhau đến yết kiến Ngài, tiếng tăm vang dậy. Vua Hiếu-Minh-Đế nước Ngụy sai sứ ba phen thỉnh Ngài, Ngài đều từ chối. Nhà vua càng kính trọng, sai sứ đem lễ vật đến cúng dường: một cây tích trượng, hai y kim tuyến, bình bát, v.v…Ngài từ khước nhiều lần, nhưng nhà vua cố quyết cúng dường, rốt cuộc Ngài phải nhận.
Mở cửa phương tiện, Ngài có dùng bốn hạnh để giáo hóa môn đồ: 1.-Báo oán hạnh, 2.-Tùy duyên hạnh, 3.-Vô sở cầu hạnh, 4.-Xứng pháp hạnh (Xem cửa thứ ba quyển < Sáu cửa vào động Thiếu-Thất > của Trúc-Thiên dịch.
Ở Trung-Hoa gần chín năm, Ngài thấy cơ duyên đã đến, liền gọi đồ chúng hỏi: -Giờ ta trở về sắp đến. Các ngươi mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình. Đạo-Phó ra thưa: -Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo. Ngài bảo: -Ngươi được phần da của ta. Bà ni Tổng-Trì ra thưa: -Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A-Nan thấy nước Phật A-Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại. Ngài bảo: -Ngươi được phần thịt của ta. Đạo-Dục ra thưa:
-Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được. Ngài bảo: -Ngươi được phần xương của ta. Đến Huệ-Khả bước ra đảnh lễ Ngài, rồi lui lại đứng yên lặng. Ngài bảo: -Ngươi được phần tủy của ta. Ngài gọi Huệ-Khả đến dặn dò: -Xưa Như-Lai đem đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca-Diếp, lần lượt truyền đến ta. Nay ta đem trao lại cho ngươi, ngươi phải truyền trao không để dứt mất. Cùng trao cho ngươi y Tăng-già-lê và bát báu, để làm pháp tín. Mỗi thứ tiêu biểu cho mỗi việc, ngươi nên biết. Huệ-Khả thưa: -Xin thầy từ bi chỉ dạy mọi việc. Ngài dạy: -Trong truyền tâm-ấn để khế hợp chổ tâm chứng, ngoài trao cà-sa để định tông chỉ. Đời sau có nhiều người cạnh tranh nghi ngờ, họ nói < Ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được pháp, lấy cái gì để minh chứng ? >. Ngươi gìn giữ pháp y nầy, nếu gặp tai nạn, ngươi đem ra làm biểu tín, thì sự giáo hóa không bị trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát nầy dừng lại không truyền, vì lúc đó, Phật pháp rất thạnh hành, Chính khi ấy, người biết đạo thật nhiều, người hành đạo quá ít, người nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên, người thầm thông lặng chứng có hơn ngàn vạn. Ngươi gắng xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ. Nghe ta nói kệ:
Ngô bổn lai tư độ, Truyền pháp cứu mê tình, Nhất hoa khai ngũ diệp, Kết quả tự nhiên thành.
Dịch : Ta sang đến cõi nầy, Truyền pháp cứu mê tình, Một hoa nở năm cánh, Nụ trái tự nhiên thành.
Ngài lại bảo: -Ta có bộ kinh Lăng-già bốn quyển, là Phật nói tột pháp yếu, cũng giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật, nay ta trao luôn cho ngươi. Ta từ Nam-Ân sang đây đã năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì
thấy xứ nầy tuy có khí đại-thừa mà chưa ứng hợp, nên ta lặng lẽ ngồi lâu chờ đợi. Nay đã truyền xong, đã có thủy ắt phải có chung vậy. Xong rồi, Ngài cùng đồ chúng đi đến Võ-môn ở chùa Thiên-Thánh dừng lại ba hôm. Quan thái thú thành nầy tên Dương-Huyễn-Chi là người sùng mộ Phật pháp. Nghe tin Ngài đến, liền tới đảnh lễ. Ông hỏi: -Thầy ở Ấn-Độ được kế thừa làm Tổ, vậy thế nào là Tổ, xin thầy dạy cho ? Ngài đáp: -Rõ được tâm tông của Phật, không lầm một mảy, hạnh và giải hợp nhau, gọi đó là Tổ. -Chỉ một nghĩa nầy hay còn nghĩa nào khác ? -Cần rõ tâm người, biết rành xưa nay, chẳng chán có không, cũng chẳng cố chấp, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Nếu hay hiểu như thế, cũng gọi là Tổ. Huyễn-Chi lại thưa: -Đệ tử vì bị nghiệp thế tục, ít gặp được tri thức, trí nhỏ bị che lấp không thể thấy đạo. Cúi xin thầy chỉ dạy, con phải noi theo đạo quả nào ? dùng tâm gì được gần với Phật, Tổ ? Ngài vì ông nói kệ: Diệc bất đổ ác nhi sanh hiềm, Diệc bất quán thiện nhi cần thố, Diệc bất xả trí nhi cận ngu, Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ, Đạt đại đạo hề quá lượng, Thông Phật tâm hề xuất độ, Bất dữ phàm thánh đồng triền, Siêu nhiên danh chi viết Tổ.
Dịch: Cũng đừng thấy dữ mà sanh chê, Cũng đừng thấy lành mà ái mộ, Cũng đừng bỏ trí mà gần ngu, Cũng đừng ném mê mà về ngộ, Đạt đạo lớn chừ quá lượng, Thông Phật tâm chừ vô kể, Chẳng cùng phàm thánh đồng vai, Vượt lên, gọi đó là Tổ. Huyễn-Chi nghe dạy hoan hỷ đảnh lễ, lại thưa: -Xin thầy chớ vội tạ thế, để làm phước lợi cho quần sanh, Ngài bảo: -Đời mạt pháp, kẻ tệ ác quá nhiều, dù ta còn ở lâu e chẳng lợi ích, mà thêm tai nạn, làm tăng trưởng tội ác cho người. -Từ thầy đến đây ai thường hại thầy, xin thầy chỉ họ, con sẽ sắp xếp. –Nói ra ắt có tổn hại, ta nên đi vậy. Đâu cam hại người để mình được vui. Huyễn-Chi nài nỉ thưa: -Con không hại người, chỉ muốn biết đó thôi. Ngài bất đắc dĩ nói bài kệ:
Giang tra phân ngọc lãng, Quản cự khai kim tỏa, Ngũ khẩu tương cộng hành, Cửu thập vô bỉ ngã.
Dịch: Thuyền con rẽ sóng ngọc, Đuốc soi mở khóa vàng, Năm miệng đồng cùng đi, Chín, mười không ta người.
Huyễn-Chi nghe rồi ghi nhớ, đảnh lễ Ngài lui ra. Ở đây đúng ba hôm, Ngài ngồi an nhiên thị tịch. Hôm ấy là ngày mùng 9 tháng 10 năm Bính-Thìn, nhằm niên hiệu Đại-Thông năm thứ hai nhà Lương (529 T.C). Đến ngày 18 tháng chạp năm nầy, làm lễ đưa nhục thân của Ngài nhập tháp tại chùa Định-Lâm, núi Hùng-Nhĩ. Sau, vua Hậu Ngụy sai Tống-Vân đi sứ Ấn-Độ về, gặp Ngài tại núi Thông-Lãnh, thấy Ngài tay xách một chiếc dép, một mình đi nhanh như bay. Tống-Vân hỏi: -Thầy đi đâu ? Ngài đáp: Về Ấn-Độ. Ngài lại nói thêm: -Chủ ông đã chán đời rồi. Tống-Vân ngẩn ngơ, từ giả Ngài về triều. Đến triều thì vua Minh-Đế đã băng. Hiếu-Trang-Đế lên ngôi. Ông đem việc ấy tâu lại, vua ra lệnh mở cửa tháp dở quan tài ra, quả nhiên là quan tài không, chỉ còn một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép về thờ ở chùa Thiếu-Lâm, Đến đời Đường niên hiệu Khai-Nguyên năm thứ 15 (728 sau T.C) môn đồ lại dời chiếc dép về thờ ở Chùa Hoa-Nghiêm. Vua phong Ngài hiệu Viên-Giác Thiền-Sư, tháp hiệu Không-Quán.

thay đổi nội dung bởi: LeGiang, 06-07-2007 lúc 12:18 AM.
LeGiang is offline  
Old 06-07-2007, 12:20 AM   #30
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default 29. –Huệ-Khả (494 – 601 T.L )

Tổ thứ hai Trung-Hoa
29. –Huệ-Khả (494 – 601 T.L )


Sư họ Cơ quê ở Võ-Lao, giòng tôn thất nhà Chu, cha mẹ Sư lớn tuổi không con, lắm phen đến chùa cầu con, sau mẹ có thai sinh ra Sư. Khi Sư lọt lòng mẹ, có hào quang lạ chiếu sáng trong nhà, nên đặt tên Sư là Quang.
Thuở bé, Sư học hết sách đời, rất thông Lão-Trang. Năm ba mươi tuổi, Sư tự cảm than: < Lão, Dịch là sách thế gian chẳng tột được đại lý >.Sư bắt đầu xem kinh Phật. Sư viễn du tìm thầy học đạo, đến Lạc-Dương lên núi Hương-Sơn chùa Long-Môn gặp thiền sư Bảo-Tịnh bèn xin xuất gia. Sau đó, Sư đến chùa Vĩnh-Mục thọ giới ở tại Phù-Du Giảng-Tứ. Sư chuyên học Kinh luận, chưa bao lâu thảy được tinh thông. Năm 32 tuổi, Sư trở về Bổn sư nơi Hương-Sơn. Ở đây trọn ngày, Sư ngồi thiền quán trên núi. Trải tám năm như thế, một hôm khi Sư đang thiền định, bỗng có vị thần hiện ra thưa: -Ngài không nên ở đây lâu, muốn được đạo quả hảy đi về phương Nam.
Hôm sau, trên đầu Sư chợt đau như kim châm không thể chịu được. Sư định đi tìm thuốc trị, chợt nghe trong hư không có tiếng nói: < Đây là đổi xương, chẳng phải bệnh thường >. Sư đem việc nầy thuật lại Thiền-sư Bảo-Tịnh. Bảo-Tịnh ngăn không cho trị thuốc. Sáng hôm sau, Bảo-Tịnh xem trên đầu Sư quả thấy đầu xương nổi cao như năm ngọn núi,bảo:
-Lạ thay ! ngươi có tướng tốt này ắt sẽ đắc đạo. Thần lại dạy ngươi sang miền Nam, ta nghe Đại-sĩ Bồ-Đề-Đạt-Ma đến ở chùa Thiếu-Lâm, chắc đó là thầy của ngươi vậy. Nhơn có Thần mách bảo, nên Bổn sư Bảo-Tịnh đổi hiệu Sư là Thần-Quang. Sư tìm đến chùa Thiếu-Lâm yết kiến Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma và được truyền tâm ấn. Sư ở đây cho đến lúc Tổ qui tịch. Sau đó, sư sang Bắc-Tề hoằng truyền chánh pháp. Một hôm, Sư gặp một người cư sĩ trạc 40 tuổi, chẳng nói tên họ, đến đảnh lễ Sư thưa: -Đệ tử mang bệnh ghẻ lở đầy mình, xin thầy từ bi vì đệ tử sám tội. Sư bảo: -Đem tội ra, ta sẽ vì ngươi sám hối. Ông cư sĩ đứng sững giây lâu thưa: -Đệ tử tìm tội không thể được. –Ta đã vì ngươi sám hối rồi. Nhưng, ngươi nên nương tựa Phật Pháp Tăng. -Hiện giờ đệ tử thấy thầy đã biết được Tăng. Chẳng biết thế nào là Phật và Pháp ?
-Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp, Phật Pháp không hai, ngươi có biết đó chăng ? –Nay đệ tử mới biết tánh tội không ở trong, ngoài, chặng giữa; như tội, tâm cũng vậy, thật Phật Pháp không hai. Sư nghe nói rất hoan hỷ, cho cạo tóc xuất gia
bảo: -Ngươi là vật báu của ta, nên đặt tên Tăng-Xán. Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Thiên-Bình năm thứ hai ( 536 T.L ).
Tăng-Xán được thọ giới cụ túc tại Chùa Quang-Phước. Từ đó, bệnh của ông lần lần thuyên giảm. Ông theo hầu thầy được hai năm. Một hôm, Sư Huệ-Khả gọi ông đến bảo: -Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma chẳng ngại xa xôi từ Ấn-Độ sang, đem chánh pháp nhãn tạng truyền cho ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát, ngươi khéo giữ gìn chớ để đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ: Bổn lai duyên hữu địa, Nhơn địa chúng hoa sanh, Bổn lai vô hữu chủng, Hoa diệc bất tằng sanh.
Dịch: Xưa nay nhơn có đất, Bởi đất giống hoa sanh, Xưa nay không có giống, Hoa cũng chẳng từng sanh
Đọc bài kệ xong Sư lại tiếp: -Ngươi phải tìm nơi núi sâu ở ẩn, không nên đi giáo hóa sớm, trong nước sẽ có nạn. Tăng-Xán thưa: -Thầy đã biết trước mọi việc, cúi xin từ bi dạy con rành rẽ. –Đây không phải tự ta nói, mà là lời huyền ký của Tổ Bát-Nhã-Đa-La do Tổ Đạt-Ma thuật lại cho ta nghe: Sau khi Tổ nhập Niết-bàn 150 năm sẽ có những việc xảy ra như bài kệ nầy: Tâm trung tuy kiết ngoại đầu hung, Xuyên hạ tăng phòng danh bất trung, Vi ngộ độc long sanh võ tử, Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng. Dịch: Trong tâm tuy kiết ngoài đầu hung, Đất xuyên phòng tăng tên chẳng trúng, Vì gặp độc long sanh con võ, Chợt nghe chuột nhỏ lặng vô cùng.
Xét về niên số nhằm đời của ngươi, ngươi cố gắng gìn giữ. Ta cũng có cái nợ ngày trước nay cần phải trả. Sư sang xứ Nghiệp-Đô tùy nghi giáo hóa thuyết pháp độ sanh ngót ba mươi bốn năm. Lúc đó, có một văn sĩ nổi tiếng là thần đồng tên Mã-Tăng-Ma. Năm 21 tuổi, ông đã giảng được sách Lễ, kinh Dịch tại miền Đông-Hải, thính giả đến nghe đông như chợ. Một phen gặp Sư, Tăng-Ma liền xin xuất gia đầu Phật. Từ đây về sau, ông chẳng cầm đến cây viết, bỏ hết sách thế gian, chỉ một y một bát, một tọa cụ, ngày ăn một bửa, dưới gốc cây ngủ một lần, chuyên tu hạnh đầu đà.
Lại có ông cư sĩ Hướng là nhà văn Uyên bác chẳng màng đến bả công danh, tánh thích rừng sâu quê vắng, đói ăn lá cây, khát uống nước giếng, làm bạn với nước biếc non xanh, để di dưỡng tinh thần. Nghe Sư hoằng hóa ở Bắc-Tề, ông biên thơ đến hỏi, thơ viết: -Bạch-Thầy, Theo thiển ý của tôi, người đời cảnh tạm, công danh phú quý như lùm mây nổi, lạch biển cồn dâu, đài các phong lưu, như hòn bọt nước. Có cái gì là chơn thật, đáng để ta quí trọng.
Vì bởi bóng do hình mà có, vang theo tiếng mà sanh, đuổi bóng nhọc hình, chẳng biết hình là gốc của bóng, to tiếng để ngăn vang, đâu biết tiếng là cội của vang. Trừ phiền não mà thú hướng Niết-bàn, dụ bỏ hình mà tìm bóng; lìa chúng sanh mà cầu Phật quả, dụ im tiếng mà tìm vang. Cho nên biết, mê ngộ một đường, ngu trí chẳng khác, không tên mà đặt tên, nhơn tên đó mà có thị phi. Không lý mà tạo thành lý, nhơn lý đó mà khởi tranh luận. Huyễn hóa chẳng phải chơn, thì cái gì phải ? cái gì quấy ? Hư vọng chẳng thật, thì cái gì không ? cái gì có ?
Muốn đem cái biết < được mà không chỗ được, mất mà không chỗ mất > trình với Thầy mà chưa có dịp gặp. Nay thố lộ ý nầy, mong thầy từ bi đáp cho. Sư đáp thơ: Bị quán lai ý giai như thật, Chơn u chi lý cảnh bất thù, Bổn mê ma-ni vị ngõa lịch, Hoát nhiên tự giác thị chơn châu, Vô minh trí huệ đẳng vô dị, Đương tri vạn pháp tất giai như, Mẫn thị nhị kiến chi đồ bối, Thân từ tá bút tác tư thơ,Quán thân dữ Phật bất sai biệt, Hà tu cánh mích bỉ vô dư ?
Dịch: Ông cư sĩ Hướng, Xem rõ ý ông gởi đến đây, Đối lý chơn u có khác gì, Mê bảo ma-ni là ngói gạch, Bỗng nhiên giác ngộ biết chơn châu, Vô minh trí huệ đồng chẳng khác, Muôn pháp đều như, phải liễu tri, Thương kẻ chấp thường và chấp đoạn, Bày lời mượn bút viết thơ này, Quán thân với Phật không sai khác, Nhọc gì tìm kiếm Niết-bàn chi ?
Ông cư sĩ Hướng được thơ Sư, đọc xong ông tìm đến đảnh lễ và thọ nhận ấn ký. Sau nầy, Sư đổi đạo phục, giả dạng thế gian, có khi vào quán rượu, hoặc lúc đến hàng thịt, hoặc ở giữa đám đông thuyết pháp, hoặc làm người khuân vác v.v… Có người biết hỏi Sư: -Thầy là nhà tu, tại sao làm như thế ? Sư đáp: -Ta tự điều phục tâm, đâu có quan hệ gì đến việc của ngươi. Sư đến huyện Quản-Thành, ở trước tam quan chùa Khuôn-Cứu diễn nói đạo vô thượng. Nhằm lúc ông trụ trì là pháp sư Biện-Hòa đang giảng Kinh Niết-bàn, thính giả bên trong từ từ rút lần ra nghe Sư diễn hóa. Ông Biện-Hòa bực tức mới đi cáo gian với quan Ấp-Tể tên Địch-Trọng-Khản rằng < Sư giảng tà thuyết làm việc phi pháp >.
Địch-Trọng-Khản không biết nhận xét, cứ nghe bướng liền bắt Sư gia hình. Sư không đối khán vẫn mặc nhiên thừa nhận để trả nợ trước cho xong. Ngay lúc gia hình, Sư thị tịch nhằm niên hiệu Khai-Hoàng năm thứ 13 nhà Tùy (601T.L)
Sư hưởng thọ 107 tuổi. Thiện tín thương xót đem di thể của Sư về chôn ở Từ-Châu phía đông-bắc huyện Phú-Dương.
Đến đời vua Đức-Tông nhà Đường truy phong Đại-Tổ-Thiền-Sư.
_________________________________________
Phần-Phụ: Sư Mã-Tăng-Ma sau có đệ tử hiệu là Huệ-Mãn. Sư bảo Huệ-Mãn: -Tâm ấn của Tổ-Sư chẳng phải chuyện khổ hạnh, khổ hạnh chỉ là giúp đạo mà thôi. Nếu người khế được bản tâm, phát cái dụng tùy ý chơn quang, thì khổ hạnh như nắm đất thành vàng. Nếu người chỉ chú trọng khổ hạnh mà không rõ bản tâm, lại yêu ghét trói buộc thì khổ hạnh như đêm ba mươi đi trong đường hiểm. Ngươi muốn rõ được bản tâm, phải suy cùng xét cạn, khi gặp sắc gặp thinh mà chưa khởi suy nghĩ, tâm ở chỗ nào ? là không chăng ? là có chăng ? Đã chẳng rơi vào chỗ có không, thì tâm chân tự sáng thường chiếu thế gian, chưa có một mảy bụi làm gián cách, chưa từng có tướng khoảng sát-na đứt nối.
Huệ-Mãn sau cũng hành hạnh đầu đà.
Thiền-Sư Hạo-Nguyệt hỏi Thiền-Sư Trường-Sa-Cảnh-Sầm rằng: -Cổ-đức nói: < Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu ưng tu thường túc trái > ( Hai câu này trích trong < Chứng Đạo Ca > của Thiền-Sư Huyền-Giác ). Như Tổ Sư-Tử và Tổ Huệ-Khả vì sao lại đền nợ trước ? Trường-Sa bảo: -Đại-Đức chẳng biết bổn lai không. Hạo-Nguyệt hỏi: -Thế nào là bổn lai không ? -Nghiệp chướng. -Thế nào là nghiệp chướng ? -Bổn lai không. Hạo-Nguyệt lặng thinh. Trường-Sa dùng kệ chỉ bày: Giả hữu nguyên phi hữu, Giả diệt diệc phi vô, Niết-bàn thường trái nghĩa, Nhất tánh cánh phi thù. Dịch: Giả có vốn chẳng có, Giả diệt cũng chẳng không, Nghĩa Niết-bàn, đền nợ, Một tánh lại nào hai .
LeGiang is offline  
Ðề tài đã khoá



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:45 PM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps