Chương 8
Langdon không thể rời mắt khỏ những dòng chữ nguệch ngoạc màu tía đang rực lên trên sàn gỗ. Điều truyền đạt cuối cùng của Jacques Saunière xem ra không giống một lời trăng trối mà Langdon có thể tưởng tượng.
Lời nhắn như sau: 13-3-2-21-1-1-8-5
Ôi quỷ hà khắc!
Ôi thánh yếu đuối.
Mặc dù hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của thông điệp này- nhưng Langdon chợt hiểu chính bản năng đã mách Fache rằng hình sao năm cánh là một cái gì đó có liên quan đến sự tôn thờ ma quỷ.
Ôi quỷ hà khắc!
Saunière đã để lại một ám chỉ rành rành đến quỷ. Cũng kỳ quái không kém là dãy số. "Một phần của nó có vẻ giống như mật mã số".
"Đúng", Fache nói. "Nhân viên mật mã của chúng tôi đang giải mã nó. Chúng tôi tin rằng những con số này có thể là chìa khóa dẫn đến kẻ sát nhân. Có thể là một tổng đài điện thoại hoặc một thứ thẻ căn cước nào đó. Liệu những con số này có ý nghĩa biểu tượng nào với ông không?".
Langdon nhìn lại những con số, cảm thấy sẽ mất nhiều giờ để rút ra một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Nếu Saunière định đưa vào một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Đối với Langdon, các con số trông hoàn toàn ngẫu nhiên. Ông quen với những dãy biểu tượng có vẻ có tương quan ý nghĩa, nhưng mọi thứ ở đây- hình sao năm cánh, đoạn văn, các con số - dường như hoàn toàn khác biệt về cơ bản.
Ban nãy ông đã khẳng định", Fache nói, "rằng những hành động của Saunière ở đây đều nhằm nỗ lực gửi lại một lời nhắn ngắn gọn… sự tôn thờ nữ thần hay một điều gì tương tự? Lời nhắn này ăn nhập như thế nào?".
Langdon biết câu hỏi này chỉ là mỹ tự. Thông điệp kỳ quặc này rõ ràng không ăn khớp với kịch bản về sự tôn thờ nữ thần của Langdon một chút nào.
Ôi quỷ hà khắc là gì? Ôi, thánh yếu đuối là gì?
Fache hỏi: "Đoạn văn này có vẻ như một kiểu kết tội. Ông đồng ý không?".
Langdon cố gắng tướng tượng ra những phút cuối cùng của ông phụ trách bảo tàng khi ông mắc kẹt trong Hành Lang Lớn, biết rằng mình sắp chết. Có vẻ lôgic đấy. "Kết tội kẻ sát hại ông là có lý, tôi cho là như vậy".
"Công việc của tôi, tất nhiên là tìm ra tên của kẻ đó. Cho phép tôi hỏi ông điều này, ông Langdon. Đập vào mắt ông ngoài những con số, thì lời nhắn này có gì lạ nhất?".
Lạ nhất. Một người sắp chết dựng rào chắn tự hãm mình trong hành lang, vẽ một ngôi sao năm cánh lên người mình, và viết nguệch ngoạc một lời kết tội bí ẩn trên sàn. Có cái gì trong kịch bản này là không lạ?
"Từ "hà khắc" (dracoman) thì sao?" Ông đánh bạo nói ra ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu. Langdon tin chắc chả có lý nào một người sắp chết lại nghĩ tới Draco - một chính trị gia hà khắc thế kỷ VII trước Công nguyên(1). "Quỷ hà khắc" xem ra là một sự lựa chọn từ ngữ kỳ quặc".
"Hà khắc?" Giọng Fache có vẻ hơi sốt ruột. "Việc Saunìere chọn từ ngữ khó có thể xem là vấn đề ưu tiên".
Langdon không biết chắc Fache nghĩ đến vấn đề gì trong đầu, nhưng ông bắt đầu ngờ ngợ rằng Draco và Fache có thể ăn ý với nhau.
"Saunière là người Pháp", Fache nói dứt khoát. "Ông ấy sống ở Paris. Nhưng ông ấy chọn viết lời nhắn này…".
"Bằng tiếng Anh!", Langdon nói, bây giờ thì ông đã nhận ra ý của viên đại uý.
Fache gật đầu: "Chính xác. Ông có biết tại sao lại thế không?".
Langdon biết Saunière nói tiếng Anh không chê vào đâu được, nhưng lý do khiến ông ta chọn tiếng Anh để viết những lời cuối cùng, hoàn toàn lọt khỏi sự chú ý của ông.
Ông nhún vai.
Fache chỉ lại vào hình sao năm cánh trên bụng Saunière:
"Không có gì liên quan đến sự tôn thờ ma quỷ sao? ông vẫn chắc như vậy chứ?".
Langdon không còn chắc chắn bất kỳ điều gì nữa: "Hệ ký hiệu và văn bản xem ra không trùng khớp. Tôi xin lỗi là tôi không thể giúp gì hơn".
"Có thể điều này sẽ làm cho mọi sự rõ ràng". Fache lùi xa khỏi thi thể, giơ chiếc đèn tia tử ngoại lên một lần nữa, để chùm sáng tỏa ra một góc rộng hơn. "Còn bây giờ thì sao?".
Langdon kinh ngạc thấy một vòng tròn thô sáng lên quanh thi thể ông phụ trách bảo tàng. Vẻ như Saunière đã nằm xuống, lấy bút khoanh mấy vành cung quanh người, cốt lồng mình trong vòng tròn.
Loáng một cái, ý nghĩa của nó vụt trở nên rõ ràng.
"Người Vitruvian". Langdon há hốc miệng. Saunière đã tạo một bản sao với kích thước người thật bức ký họa nổi tiếng nhất của Leonardo Da Vinci.
Được xem là bức vẽ đúng nhất về mặt giải phẫu học ở thời đại đó bức Người Vitruvian của Da Vinci giờ đã trở thành bức thánh tượng thời nay của văn hóa, xuất hiện trên tranh ảnh quảng cáo, đệm di chuột máy tính, áo phông trên toàn thế giới.
Bức ký họa trứ danh này gồm một vòng tròn trong đó có một hình khoả thân nam… tay chân dang thẳng.
Da Vinci. Langdon cảm thấy run lên vì sửng sốt. Chủ ý của Saunière đã rõ rành rành không thể chối cãi. Trong những khoảng khắc cuối cùng của đời mình, ông phụ trách bảo tàng đã cởi bỏ hết quần áo và sắp xếp cơ thể mình thành một hình ảnh rõ ràng mô phỏng bức Người Vitruvian của Leonardo Da Vinci.
Vòng tròn chính là yếu tố cơ bản bị thiếu. Là biểu tượng nữ về sự bảo vệ, vòng tròn xung quanh người đàn ông khoả thân hoàn tất chủ ý của Da Vinci - sự hài hòa giữa nam và nữ. Tuy nhiên, câu hỏi bây giờ là tại sao Saunière lại mô phỏng một bức vẽ nổi tiếng.
"Ông Langdon", Fache nói, "chắc chắn một người như ông phải biết Leonardo Da Vinci có khuynh hướng thiên về ma thuật".
Langdon ngạc nhiên vì hiểu biết của Fache về Da Vinci, và chắc chắn phải mất nhiều công mới giải thích được những hồ nghi của viên đại uý về sự tôn thờ ma quỷ. Da Vinci luôn là một đề tài khó xử đối với các nhà sử học, đặc biệt trong truyền thống Thiên Chúa giáo. Mặc dù là một thiên tài thấu thị, ông lại là một người đồng tính luyến ái phô trương và là người tôn sùng trật tự thần thánh của Tự nhiên, cả hai điều đó đặt ông vào trạng thái thường xuyên phạm tội với Chúa. Hơn thế nữa, tính lập dị kỳ quái của người nghệ sĩ này phóng chiếu ra một vòng hào quang rành là ma quỷ: Da Vinci khai quật các xác chết để nghiên cứu giải phẫu con người; ông ghi những cuốn nhật ký kỳ bí bằng chữ viết tay đảo ngược không thể đọc được; ông tin rằng ông có sức mạnh giả kim thuật để biến chì thành vàng và thậm chí lừa dối Chúa bằng việc tạo ra một loại rượu thuốc để trì hoãn cái chết và những sáng chế của ông bao gồm các vũ khí chiến tranh và dụng cụ tra tấn khủng khiếp chưa từng ai tưởng tượng ra.
Hiểu lầm sinh ra ngờ vực. Langdon nghĩ.
Thậm chí số lượng lớn những tác phẩm nghệ thuật Thiên Chúa giáo kỳ vĩ của Da Vinci chỉ càng khiến ông khét tiếng là giả dối về tâm linh. Nhận hàng trăm đơn đặt hàng béo bở của Vatican, Da Vinci vẽ đề tài Thiên Chúa giáo không phải như một sự bộc lộ đức tin của chính mình mà thực chất là vì một sự kinh doanh thương mại - một phương tiện để chu cấp cho một lối sống hoang phí. Khốn thay, Da Vinci là kẻ thích chơi khăm, ông thường hay tiêu khiển bằng cách thản nhiên gặm nhấm bàn tay nuôi sống ông. Ông đưa vào nhiều bức vẽ Thiên Chúa giáo của mình các biểu tượng tàng ẩn không mảy may Cơ đốc - những vật cống nạp cho những tín ngưỡng của riêng ông và một sự chế nhạo tinh vi đối với Giáo hội. Langdon thậm chí đã từng có bài thuyết giảng ở Bảo tàng Quốc gia London nhan đề: Cuộc sống bí mật của Leonardo: Hệ biểu tượng vô đạo trong Nghệ Thuật Thiên Chúa giáo.
"Tôi hiểu những lo ngại của ông", bây giờ Langdon mới nói. "Nhưng Da Vinci quả thật chưa bao giờ thực hiện bất kỳ ma thuật nào. Ông là người giàu tâm linh phi thường mặc dù hay có xung đột với Nhà Thờ". Khi Langdon nói điều này, một ý nghĩ kỳ lạ chợt nẩy ra trong đầu ông. Ông dưa mắt nhìn xuống lời nhắn trên sàn một lần nữa. Ôi, quỷ hà khắc! Ôi, thánh yếu đuối!
"Gì thế?" Fache nói.
Langdon thận trọng cân nhắc từng lời: "Tôi chỉ đang nghĩ rằng Saunière chia sẻ nhiều hệ ý thức tâm linh với Da Vinci, kể cả mối quan tâm đến việc Nhà Thờ loại bỏ tính nữ thiêng liêng khỏi tôn giáo hiện đại. Có thể, bằng việc bắt chước một bức vẽ nổi tiếng của Da Vinci, Saunière chỉ đơn thuần phản ánh một vài điều thất vọng chung của họ đối với việc Giáo hội hiện đại quỷ hóa nữ thần".
Mắt Fache đanh lại: "Ông nghĩ rằng Saunière gọi Giáo hội là quỷ hà khắc và thánh yếu đuối sao?".
Langdon buộc phải thừa nhận rằng ý này có vẻ gượng ép, nhưng hình sao năm cánh dường như xác nhận ý tưởng đó ở một mức độ nào đó. "Tất cả những gì tôi đang nói là ông Saunière đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu lịch sử nữ thần, và không ai làm nhiều hơn Giáo hội Thiên Chúa giáo để xóa đi lịch sử ấy. Dường như có lý khi cho rằng Saunière có thể đã quyết định biểu lộ sự thất vọng của mình trong lời vĩnh biệt cuối cùng".
"Thất vọng?", Fache hỏi, giọng dữ dằn. "Lời nhắn này nghe có vẻ tức giận hơn là thất vọng, đúng không?".
Langdon đã hết kiên nhẫn: "Đại uý, ông hỏi tôi linh cảm thế nào về điều Saunière định nói ở đây, và đó là câu trả lời của tôi".
"Như vậy thì đây là một bản kết tội Giáo hội?" Quai hàm Fache siết lại khi ông nói qua hàm răng nghiến chặt. "Ông Langdon, tôi đã nhìn thấy nhiều cái chết trong công việc của tôi và hãy để tôi nói với ông vài điều. Khi một người bị kẻ khác giết hại, tôi không tin rằng những ý nghĩ cuối cùng của người đó là viết ra một phát biểu tâm linh mù mờ đến mức không ai hiểu nổi. Tôi tin ông ấy chỉ nghĩ đến một thứ mà thôi".
Giọng nói thì thầm của Fache xẻ vào không khí: "La vengeance"(2). Tôi tin Saunière viết những lới này để nói với chúng ta ai là kẻ giết ông ấy".
Langdon nhìn trân trân: "Nhưng như thế chẳng có nghĩa gì hết".
"Không ư?".
"Phải", ông quặc lại, mệt mỏi và thất vọng, "Ông nói với tôi rằng Saunière đã bị tấn công trong văn phòng ông ấy bởi một ai đó mà rõ ràng ông đã mời vào".
"Đúng thế".
"Vậy có vẻ hợp lý khi kết luận rằng ông phụ trách bảo tàng biết rõ kẻ tấn công ông ấy".
Fache gật đầu: "Tiếp tục đi".
"Vậy nếu Saunière biết rõ kẻ giết ông ấy, thì đây là một bản cáo trạng kiểu gì?". Ông chỉ xuống sàn. "Mật mã số? Những vị thánh yếu đuối? Những con quỷ hà khắc? Hình sao năm cánh trên bụng ông ấy? Tất cả đều kỳ bí".
Fache cau mày như thể ông ta chưa từng nghĩ đến điều đó.
"Ông có lý".
"Xét các tình huống", Langdon nói, "tôi cho rằng nếu Saunière muốn nói cho ta biết ai đã giết ông ấy, thì ông ấy tất sẽ viết tên một ai đó chứ".
Khi Langdon nói những lời này, lần đầu tiên trong cả buổi tối nay một nụ cười tự mãn vụt qua trên môi Fache.
"Précisément"(3) , Fache nói, "Précisément".
Mình đang chứng kiến công việc của một bậc thầy, trung úy Collet trầm ngâm khi anh vặn cần máy audio của mình và nghe giọng Fache qua tai nghe. Viên cảnh sát biết những khoảnh khắc như thế này sẽ đẩy viên đại uý lên đến cực điểm trong việc thi hành luật pháp của Pháp.
Fache sẽ làm những việc mà không ai khác dám làm.
Nghệ thuật phỉnh dụ tinh tế là một kỹ năng thất truyền trong việc thi hành luật pháp hiện đại, một điều đòi hỏi bản lĩnh phi thường dưới áp lực. Rất ít người có được sự bình tĩnh lạnh lùng cần thiết cho loại hoạt động này, nhưng Fache hình như sinh ra là để dành cho nó. Sự kiềm chế và kiên nhẫn của ông ta mấp mé tới độ như người máy.
Xúc cảm duy nhất của Fache trong buổi tối nay dường như là một quyết tâm mãnh liệt, tựa hồ cuộc bắt giữ này, cách nào đó, là chuyện cá nhân của ông ta vậy. Thông báo của Fache cho nhân viên của mình một giờ trước đây ngắn gọn khác thường và chắc như đinh đóng cột. Tôi biết ai giết Saunière, Fache nói.
Các bạn biết phải làm gì. Tối nay không được phép có sai lầm. Và cho đến bây giờ, chưa một sai lầm nào xảy ra.
Collet chưa biết bằng chứng nào đã khiến Fache tin chắc về tội của nghi phạm, nhưng anh không mảy may nghi ngờ trực giác của Bò Mộng. Trực giác của Fache đôi lúc dường như là siêu nhiên. Chúa thì thầm vào tai ông ta, một cảnh sát đã nhấn mạnh sau một lần giác quan thứ sáu của Fache được biểu thị một cách đặc biệt ấn tượng. Collet phải thừa nhận, nếu như có Chúa, thì Bezu Fache ắt nằm trong danh sách loại A của Ngài.
Người đại úy này đi lễ nhà thờ và xưng tội đều đặn nhiệt thành - đều đặn hơn nhiều so với việc dự các cuộc giao tế dân sự cần thiết vào ngày nghỉ mà các viên chức khác thực hiện dưới danh nghĩa quan hệ quần chúng tốt. Khi Giáo hoàng thăm Paris vài năm trước, Fache đã dùng mọi khả năng để được vinh dự là khán giả. Một bức ảnh của Fache với Giáo hoàng đang được treo trong phòng làm việc của ông. Con Bò Mộng của Giáo hoàng, các nhân viên ngầm gọi nó như thế.
Điều Collet thấy nực cười là một trong những thái độ công khai hợp lòng dân hiếm hoi của Fache trong những năm gần đây, là phản ứng thẳng thắn của ông ta với vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em trong Thiên Chúa giáo. Những thày tu này đáng bị treo cổ hai lần! Fache tuyên bố. "Một lần vì tội ác của chúng với trẻ con. Và một lần vì sự bôi nhọ thanh danh của Nhà Thờ Thiên Chúa giáo. Collet có cảm giác kỳ lạ rằng chính điều thứ hai lại khiến Fache phẫn nộ hơn.
Quay lại máy tính xách tay của mình, Collet làm nốt phần sau thuộc trách nhiệm tối nay của anh - hệ thống truy tìm CPS.
Hình ảnh trên màn hình cho thấy sơ đồ mặt sàn chi tiết của Cánh Denon, một lược đồ cấu trúc lấy từ Phòng An Ninh Louvre. Đưa mẩt dò theo mê cung các phòng trưng bày và hành lang, Collet tìm ra cái anh ta đang tìm kiếm.
Sâu trong trung tâm của Hành Lang Lớn nhấp nháy một chấm đỏ nhỏ xíu.
La marque (4)
Tối nay Fache đang giữ con mồi trong một sợi dây buộc chặt.
Cũng khôn ngoan không kém, Robert Langdon tỏ ra là một vị khách điềm tĩnh.
Chú thích:
(1) Dracoman (hà khắc) có gốc từ Draco
(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: sự báo thù.
(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đích thị.
(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: dấu chỉ điểm (trong trường hợp này chỉ Robert Langdon, ngưởi đang bị theo dõi bằng hệ thống IPS).
Chương 9
Để đảm bảo cuộc trò chuyện của mình với Langdon không bị ngắt quãng, Bazu Fache đã tắt máy di động. Tệ thay, đó là một "mô-đen" mới đắt tiền với chức năng máy thu thanh hai chiều. Do vậy, trái với mệnh lệnh, một nhân viên đang sử dụng nó để gọi cho ông ta.
"Capitaine?", Điện thoại kêu lạo xạo như tiếng bộ đàm.
Fache cảm thấy răng mình nghiến chặt giận dữ. Ông ta không thể tưởng tượng có việc gì quan trọng đến mức Collet cắt ngang cuộc urveillance cachée này (1) - đặc biệt vào lúc gay cấn này.
Ông ta nhìn Langdon với ánh mắt xin lỗi: "Tôi xin phép một lát thôi". Ông ta rút điện thoại ra từ thắt lưng và nhấn nút nghe: "Vâng?".
"Capitaine, un agent du Département de Cryptographie est arrie"(2)
Sự tức giận của Fache tạm lắng xuống. "Một người giải mật mã. Dù rơi vào thời điểm tồi tệ này, đây có lẽ là một tin tốt lành.
Fache, sau khi tìm thấy cái văn bản khó hiểu của Saunière trên sàn, đã gửi những bức ảnh về toàn bộ hiện trưclng vụ án đến Phòng Mật Mã với hy vọng ai đó có thể cho ông ta biết Saunière định nói điều quái quỷ gì. Nếu chuyên gia mật mã đến, thì rất có thể là ai đó đã giải mã được lời nhắn của Saunière.
"Tôi đang bận vào lúc này", Fache trả lời, bộc lộ rõ qua giọng nói là lệnh của ông ta đã bị vi phạm. "Bảo người giải mã chờ tôi ở trụ sở chỉ huy. Tôi sẽ nói chuyện với anh ta sau khi xong việc".
"Cô ta", giọng nói kia sửa lại, "Đó là nhân viên Neveu".
Fache trở nên mỗi lúc một kém thích thú với cuộc điện đàm này. Sophie Neveu là một trong những sai lầm lớn nhất của DCPJ. Là một déchiffreuse(3) trẻ của Paris từng học khoa mật mã ở Anh tại trường Hoàng gia Holloway, Sophie Neveu được ấn vào tay Fache buộc ông ta phải nhận hai năm trước như là một phần trong nỗ lực của Bộ nhằm đưa thêm phụ nữ vào lực lượng cảnh sát. Việc Bộ nhảy vào can thiệp để chỉnh đốn chính trị, Fache lập luận, đang làm cho Cục yếu đi. Phụ nữ không chỉ thiếu thể chất cần thiết cho công việc cảnh sát, mà sự hiện diện của họ còn gây một sự phân tâm nguy hiểm cho những người đàn ông trong ngành. Đúng như Fache đã lo sợ, Sophie Neveu đang gây ra sự xao lãng nhiều nhất.
Ở tuổi ba mươi hai, cô có một quyết tâm bướng bỉnh gần đến mức ngoan cố. Việc cô hăm hở theo phương pháp giải mã mới của Anh đã không ngừng làm các nhà mật mã học Pháp kỳ cựu tức tối. Và điều khó chịu nhất đối với Fache là cái sự thật phổ quát không sao tránh khỏi này: trong một văn phòng của những người đàn ông trung niên, một phụ nữ hấp dẫn luôn khiến họ rời mắt khỏi công việc đang làm.
Người đàn ông trong máy liên lạc vô tuyến nói: "Nhân viên Neveu một mực đòi nói chuyện với ông ngay lập tức, thưa đại úy. Tôi đã cố ngăn cô ấy, nhưng cô ấy đang trên đường vào Hành Lang Lớn".
Fache chùn lại, vẻ hoài nghi: "Thật không thể chấp nhận được! Tôi đã nói rất rõ mà…".
Trong chốc lát, Robert Langdon nghĩ Bezu Fache đang bị choáng. Viên đại uý ngừng nói giữa chừng, quai hàm thôi chuyển động và mắt lồi ra. Cái nhìn tức giận dường như dính chặt vào một cái gì đó qua vai của Langdon. Trước khi Langdon có thể quay lại nhìn xem đó là gì, thì ông nghe thấy một giọng phụ nữ nhẹ nhàng phía sau ông.
"Excusez-moi, messieurs (4)
Langdon quay lại nhìn người thiếu phụ đang đi tới. Cô đi xuôi hành lang, tiến về phía họ với những sải chân dài, uyển chuyển… một dáng đi đầy tự tin khó quên. Mặc xuề xòa một chiếc váy len Ailen màu kem, dài đến đầu gối phủ lên đôi tất đen, cô trông quyến rũ và khoảng ba mươi tuổi. Mái tóc dày màu đỏ xõa không kiều cách xuống bờ vai, đóng khung khuôn mặt ấm áp. Không giơng những nàng tóc vàng ẽo ợt vô cá tính dán đầy trên tường phòng ngủ tập thể của trường Harvard, người phụ nữ này trông khỏe mạnh với vẻ đẹp không trang điểm và sự chân chất tỏa ra một vẻ tự tin kỳ lạ.
Trước sự ngạc nhiên của Langdon, người phụ nữ đi thắng đến chỗ ông và chìa tay ra một cách lịch sự. "Ông Langdon, tôi là Sophie Neveu đến từ Phòng Mật Mã của DCPJ". Những từ cô phát âm quyện theo cái giọng Anh lơ lớ Pháp. "Hân hạnh".
Langdon nắm bàn tay mềm mại của cô trong tay mình và cảm thấy mình cứng sững trong cái nhìn mạnh mẽ của cô. Mắt cô màu xanh ôliu - sắc và trong.
Fache hít một hơi dài, rõ ràng là chuẩn bị đưa ra lời quở trách.
"Đại uý", cô nói, nhanh chóng quay sang và chặn trước đòn tấn công của ông ta, "xin thứ lỗi cho sự xen vào ngắt quãng, nhưng…".
"Ce n'est pas le moment!"(5) - Fache lắp bắp.
"Tôi đã cố gọi cho ông", Sophie tiếp tục nói bằng tiếng Anh, như để thể hiện sự lịch thiệp đối với Langdon. "Nhưng ông đã tắt điện thoại".
"Tôi tắt máy là có lý do", Fache rít lên. "Tôi đang nói chuyện với ông Langdon".
"Tôi đã giải được mật mã số", cô nói dứt khoát.
Langdon cảm thấy phấn khích. Cô ấy đã giải được mật mã số sao?
Fache trông có vẻ phân vân không biết nên phản ứng thế nào.
"Trước khi tôi giải thích", Sophie nói, "Tôi có một lời nhắn khẩn cấp cho ông Langdon".
Thái độ của Fache chuyển sang sự quan tâm sâu sắc: "Cho ông Langdon?".
Cô gật đầu, quay sang Langdon: "Ông cần liên lạc ngay với Đại sứ quán Mỹ. Họ có một tin nhắn cho ông tử Mỹ".
Langdon ngạc nhiên, sự phấn khích về mật mã nhường chỗ cho một thoáng lo lắng bất chợt. Một tin nhắn từ Mỹ sao? Ông cố nghĩ xem ai đang cố gắng liên lạc với ông. Chỉ một vài đồng nghiệp biết ông đang ở Paris.
Quai hàm rộng của Fache nghiến chặt khi nghe tin đó: "Đại sứ quán Mỹ à?", ông ta hỏi lại, nghe có vẻ nghi ngờ. "Làm thế nào họ biết có thể tìm thấy ông Langdon ở đây?".
Sophie nhún vai: "Chắc chắn họ đã gọi đến khách sạn của ông Langdon, và người trực đã nói cho họ biết ông Langdon đã bị một nhân viên DCPJ đưa đi".
Fache trông có vẻ hoang mang: "Và đại sứ quán đã liên lạc với Phòng Mật Mã của DCPJ sao?".
"Không, thưa ông", Sophie nói, giọng rắn rỏi. Khi tôi gọi đến tổng đài của DPCJ để cố gắng liên lạc với ông, họ đã có lời nhắn cho ông Langdon và nhờ tôi chuyển nếu tôi liên lạc được vởi ông".
Trán Fache nhăn lại, rõ ràng là bối rối. Ông ta định nói, nhưng Sophie đã quay lại với Langdon.
"Ông Langdon", cô nói, rút ra lừ túi áo một mảnh giấy, "đây là số điện thoại bộ phận dịch vụ nhắn tin của đại sứ quán. Họ bảo ông gọi càng sớm càng tốt". Cô đưa cho ông tờ giấy với cái nhìn chăm chú. "Trong khi tôi giải thích mật mã cho Đại uý Fache, ông nên gọi cho số này".
Langdon nhìn chằm chằm vào mảnh giấy nhỏ. Có một số điện thoại Paris cùng số máy con nội bộ. "Cảm ơn cô". Ông nói, cảm thấy lo lắng, "tôi có thể tìm thấy đíện thoại ở đâu?".
Sophie định rút chiếc điện thoại di động ra khỏi túi áo len, nhưng Fache phất tay ra hiệu bảo cô cất đi. Lúc này trông ông như núi lửa Vesuvius sắp phun. Không rời mắt khỏi Sophie, ông lấy điện thoại di động của mình chìa ra. "Đường dẫn này an toàn, ông Langdon. Ông có thể dùng nó".
Langdon cảm thấy bối rối bởi sự giận dữ của Fache với người thiếu phụ. Cảm thấy không thoải mái, ông nhận chiếc điện thoại của viên đại uý. Ngay lập tức Fache kéo Sophie ra cách đó vài bước và bắt đầu thấp giọng quở trách cô. Càng lúc càng không ưa viên đại uý, Langdon ngoảnh đi khỏi cuộc đối đầu kỳ lạ và bật máy điện thoại. Xem lại mảnh giấy Sophie vừa đưa cho, Langdon bấm số.
Đường dây bắt đầu đổ chuông.
Một hồi…hai hồi…ba hồi…
Cuối cùng cũng đã kết nối được.
Langdon chờ đợi giọng người trực tổng đài của đại sứ quán, nhưng ông nhận ra rằng mình đang nghe một máy trả lời tự động. Lạ thay, giọng nói trong cuốn băng rất quen. Đó là giọng của Sophie Neveu.
"Bonjour, vous etes bien chez Sophie Neveu…" giong người phụ nữ vang len. "Je suis absente pour le moment, mais…"(6)
Bối rối, Langdon quay sang Sophie: "Tôi xin lỗi, cô Neveu. Tôi nghĩ cô đã đưa cho tôi…".
"Không, đó là số đúng đấy", Sophie đột ngột ngắt lời, như thể đoán được sự bối rối của Langdon, "Đại sứ quán có hệ thống tin nhắn tự động. Ông phải bấm mã vào để nghe thấy tin nhắn của ông".
Langdon ngớ ra nhìn: "Nhưng…".
"Nó là mã số gồm ba con số trên mảnh giấy tôi đã đưa cho ông".
Langdon mở miệng toan giảỉ thích sự aihầm lẫn kỳ lạ, nhưng Sophie nhìn ông ra hiệu im lặng trong khoảnh khắc. Đôi mắt màu ôliu của cô gửi đi một thông điệp rất rõ ràng.
"Đừng hỏi. Cứ làm thế."
Hoang mang, Langdon bấm số nội bộ trên mảnh giấy nhỏ: 454.
Lời nhắn của Sophie ngay lập tức dừng lại, và Langdon nghe thấy một giọng ghi âm điện tử nói tiếng Pháp: "Bạn có một tin nhắn". Vẻ như 454 là mã số kết nối từ xa để Sophie nhận tin nhắn khi cô đi vắng.
Mình đang nghe các tin nhắn của cô ấy?
Langdon có thể nghe thấy tiếng cuộn băng đang tua. Sau cùng, nó dừng lại và cái máy lại hoạt động. Langdon lắng nghe khi tin nhắn bắt đầu vang lên. Giọng nói trên đường dây lại là của Sophie.
"Ông Langdon", tin nhắn bắt đầu với lời thì thầm dễ sợ. "Đừng phản ứng gì với tin nhắn này. Hãy bình tĩnh lắng nghe. Ngay lúc này ông đang gặp nguy hiểm. Hãy làm theo thật sát sao những chỉ dẫn của tôi".
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: giám sát ngầm.
(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Thưa đại úy, một nhân viên Phòng Mật mã đã đến.
(3) Tiếng Pháp trong nguyên ban: nữ giải mã viên.
(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Xin các ông thứ lỗi.
(5) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đây không phải lúc.
(6) Tiếng Pháp trong nguyên bản : Xin chào, đây là nhà của Sophie Neveu.. Hiện nay tôi đang đi vắng, nhưng…
Silas ngồi sau tay lái chiếc Audi màu đen mà Thầy Giáo đã xếp đặt cho hắn và nhìn ra bên ngoài, dán mắt vào Nhà thờ lớn Saint - Sulpice. Được chiếu sáng từ bên dưới bởi những dãy dèn pha, hai tháp chuông vươn lên như những lính gác lực lưỡng bên trên phần thân chính của nhà thờ. Cả hai bên sườn, một hàng cột trụ mờ tối nhô ra như những chiếc xương sườn của một con quái vật.
Bọn vô đạo dùng một ngôi nhà của chúa để cất giấu viên đá đỉnh vòm của chúa, Một lần nữa hội kín này lại khẳng định tiếng tăm về tài lừa lọc và mưu mô đã thành huyền thoại của nó. Silas mong tìm thấy viên đá và đưa nó cho Thầy Giáo để có thể lấy lại những gì mà bao lâu nay hội kín đó đã đánh cắp của các tín đồ.
Điều đó sẽ làm cho Opus Dei hùng mạnh xiết bao.
Đỗ chiếc Audi trên Quảng trường Saint-Sulpice vắng vẻ, Silas thở mạnh, tự nhủ phải sáng trí cho nhiệm vụ trước mắt. Cái lưng rộng vẫn còn đau nhức vì sự hành xác hắn đã chịu đựng trước đó, nhưng đau đớn này thấm vào đâu so với nỗi thống khổ của cuộc đời hắn trước khi Opus Dei cứu sống hắn.
Những ký ức vẫn ám ảnh tâm hồn hắn.
Hãy cởi bỏ lòng hận thù, Silas ra lệnh cho mình. Hãy tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm ngươi.
Nhìn lên những tháp đá của nhà thờ Saint - Sulpice, Silas cố dẹp cái đợt sóng ngầm quen thuộc… cái lực thường kéo tâm trí hắn trở ngược thời gian, một lần nữa giam hắn trong nhà tù đã từng là thế giới của hắn khi còn trẻ. Như thường lệ, tựa một cơn bão, những ký ức ngục tù trở lại với giác quan của hắn… mùi thối của bắp cải hỏng, mùi thối của những xác chết, nước tiểu và phân người. Những tiếng khóc tuyệt vọng trên nền cơn gió thét gào trong dãy Pyrenees. Và tiếng thổn thức của những con người bị lãng quên.
Andorra, hắn nghĩ, cảm thấy cơ bắp siết chặt.
Không thể tin được là chính ở nơi khô cằn và bị lãng quên đó giữa Tây Ban Nha và Pháp, run rẩy trong xà lim bằng đá, chỉ muốn chết, Silas đã được cứu sống.
Hắn đã không nhận chân ra điều đó ngay lúc đó.
Sau tiếng sấm hồi lâu mời thấy chớp lóe.
Tên của hắn dạo ấy không phải là Silas, mặc dù hắn không thể nhớ nổi cái tên mà bố mẹ hắn đặt cho. Hắn bỏ nhà đi lúc lên bảy. Cha hắn nghiện rượu, một người bốc vác vạm vỡ, nổi điên bởi sự ra đời của dứa con trai bạch tạng, đã thường xuyên đánh mẹ hắn, đổ lỗi cho bà về khiếm khuyết của đứa trẻ. Khi đứa bé cố gắng bảo vệ mẹ mình, nó cũng bị đánh tàn tệ.
Một đêm, cuộc ẩu đả đến hồi khủng khỉếp và mẹ nó không trở dậy nữa. Đứa bé đứng nhìn người mẹ đã chết và thấy cảm giác phạm tội trào dâng không sao chịu nổi vì đã để chuyện đó xảy ra.
Lỗi tại mình!
Như thể ma quỷ đang điều khiển thân xác nó, đứa bé đi vào bếp và chụp lấy con dao thái thịt. Như bị thôi miên, nó đi vào phòng ngủ nơi bố nó nằm trên giường trong trạng thái say xỉn.
Không nói một lời, nó đâm vào lưng ông ta. Bố nó la lên đau đớn và cố lăn, nhưng thằng con lại tiếp tục đâm nữa, đâm hoài cho đến khi căn phòng hoàn toàn tĩnh lặng.
Thằng bé bỏ trốn khỏi nhà nhưng nó thấy đường phố của Marseilles cũng không thân thiện. Vẻ ngoài kỳ dị khiến nó trở thành lạc lõng giữa những đứa trẻ bụi đời khác, và nó buộc phải sống trong tầng hầm của một xưởng máy đổ nát, ăn những hoa quả và cá sống lấy trộm được ở cảng. Bầu bạn duy nhất của nó là những tờ báo rách nát nó tìm thấy trong đống rác, và nó tự học để đọc chúng. Thời gian trôi đi, nó lớn lên khỏe mạnh. Khi nó mười hai tuổi, một kẻ lang bạt khác - một cô gái gấp đôi tuổi nó - đã chế nhạo nó trên đường phố và định ăn cắp đồ ăn của nó. Cô gái bị nó đánh thừa sống thiếu chết. Khi nhà chức trách kéo nó ra khỏi cô ta, họ ra cho nó một tối hậu thư: hoặc là rời Marseilles hoặc là vào trại cải tạo thanh thiếu niên.
Đứa bé di chuyển theo bờ biển xuống đến Toulon. Cùng với thời gian, những ánh mắt thương hại trên đường phố chuyển thành những cái nhìn sợ hãi. Đứa bé đã trờ thành một gã trai hùng sức. Khi mọi người đi qua, hắn có thể nghe thấy họ thì thầm với nhau. Một con ma, họ khẽ nói, mắt giương to hoảng sợ khi nhìn làn da trắng của hắn. "Một con ma với đôi mắt của quỷ!".
Và hẩn cảm thấy mình như một con ma… trong suốt… trôi giạt từ thành phố cảng này sang thành phố cảng khác.
Mọi người dường như nhìn xuyên qua hắn.
Ở tuổi mười tám, tại một thị trấn cảng, trong khi tìm cách lấy trộm một hòm thịt muối từ một tàu chở hàng, hắn đã bị hai thủy thủ bắt. Hai người đánh hắn sặc mùi bia, giống bố hắn. Những hồi ức về sự sợ hãi và lòng căm thù nổi lên giống như một con quái vật từ trong sâu thẳm. Gã trai mới lớn bẻ gẫy cổ người thủy thủ thứ nhất bằng tay không, và chỉ sự xuất hiện của cảnh sát mới cứu người thủy thủ còn lại thoát khỏi tình trạng tương tự.
Hai tháng sau, bị còng tay, hắn đến một nhà tù ở Andorra.
Mày trắng như ma vậy, những người bạn tù nhạo báng hắn khi người quản giáo đưa hắn vào, trần truồng và lạnh cóng. Có thể ma sẽ xuyên qua tường được!
Qua hai mươi năm, thân xác và linh hồn hắn héo hon đến mức hắn biết rằng hắn đã trở nên trong suốt.
Ta là một con ma.
Ta không trọng lượng.
Yo say un espectro pdlido como un fantasma caminando este mundo a solas(1).
Một tối, con ma tỉnh dậy bởi tiếng la hét của những người bạn tù. Hắn không biết sức mạnh vô hình nào đang lắc sàn nhà nơi hắn đang nằm ngủ, cũng không biết bàn tay vĩ đại nào đang rung vữa của căn phòng giam bằng đá, nhưng khi hắn đứng dậy, một tảng đá cuội khổng lồ rơi xuống rất gần chỗ hắn đang ngủ. Ngước lên để xem hòn đá rơi từ đâu, hắn nhìn thấy một lỗ hổng trên bức tường đang rung động, và bên ngoài, một hình ảnh mà suốt hơn mười năm qua hắn không được thấy. Mặt trăng.
Trong khi mặt đất vẫn còn rung chuyển, con ma thấy mình đang bò qua một đường hầm hẹp, lảo đảo bước ra một không gian rộng lớn và bổ nhao bổ nhào xuống một sườn núi khô cằn lao vào rừng. Hắn chạy suốt đêm, luôn luôn theo chiều đi xuống, mê sảng vì đói và kiệt sức.
Lúc bình minh, gần tỉnh trí lại, hắn thấy mình đang ở một khoảng rừng phát quang nơi đường xe lửa cắt một vệt xuyên qua khu rừng. Men theo đường xe lửa, hắn đi tiếp như trong mơ. Nhìn thấy một toa xe chở hàng rỗng, hắn bò vào trú và nghỉ ngơi. Khi hắn tỉnh dậy, con tàu đang chuyển động. Bao lâu?
Bao xa? Một cơn đau dâng lên trong ruột hắn. Mình sắp chết? Hắn lại ngủ. Lần này hắn bị đánh thức bởi một ai đó đang quát tháo, đánh đập hắn, quăng hắn ra khỏi toa xe. Người đầy máu, hắn lang thang ngoài bìa một ngôi làng nhỏ, tìm kiếm cái ăn trong vô vọng. Cuối cùng quá yếu không đủ sức bước thêm bước nào nữa, hắn nằm xuống bên vệ đường và rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Ánh sáng đến từ từ và con ma tự hỏi hắn đã chết được bao lâu Một ngày? Ba ngày? Điều đó không quan trọng. Giường hắn nằm êm như mây và không khí xung quanh hắn thơm mùi nến.
Chúa Jesus ở đó nhìn xuống hắn. Ở đây, Người nói. Hòn đá đã được gạt sang một bên và con được tái sinh.
Hắn ngủ và dậy. Sương mù bao quanh ý nghĩ của hắn. Hắn chưa từng tin vào thiên đường, vậy mà Chúa Jesus đang chăm sóc hắn. Thức ăn bên cạnh giường và con ma ăn, gần như có thể cảm nhận thấy thịt đầy dần lên trên xương mình. Hắn lại ngủ. Khi hắn tỉnh dậy, Chúa Jesus vẫn mỉm cười và nói. Con đã được cứu sống, con trai của ta. Ta ban phước lành cho những kẻ theo đường của ta.
Một lần nữa hắn lại ngủ.
Một tiếng thét đau đớn làm con ma giật mình tỉnh giấc. Hắn nhảy ra khỏi giường, lảo đảo đi theo một hành lang hướng về phía có tiếng thét. Hắn đi vào nhà bếp và nhìn thấy một người đàn ông to lớn đang đánh một người nhỏ con hơn. Không cần biết lý do, con ma túm lấy người đàn ông to lớn và lẳng hắn vào tường. Tên này bỏ chạy, để lại con ma đứng nhìn xuống một người đàn ông trẻ tuổi trong chiếc thầy tu. Người thầy tu bị vỡ mũi. Bế người thầy tu mình đầy máu lên, con ma đưa anh ta đến một cái giường.
Người thầy tu nói bằng một thứ tiếng Pháp trọ trẹ. "Tiền cúng nhà thờ là thứ cám dỗ bọn trộm cướp. Anh đã nói tiếng pháp trong giấc ngủ. Anh biết nói tiếng Tây Ban Nha chứ?".
Con ma lắc đầu.
"Tên anh là gì?" Anh ta tiếp tục bằng thứ tiếng Pháp bập bõm.
Con ma không thể nhớ được tên mà bố mẹ hắn đặt cho hắn.
Tất cả những gì hắn nghe thấy chỉ là những lời mắng nhiếc chế giễu của những người cai ngục.
Người thầy tu mỉm cười: "No hay problema"(2) . Tên tôi là Manuel Aringarosa. Tôi là một người truyền giáo đến từ Madrid. Tôi được phái đến đây để xây một nhà thờ cho dòng tu Obra de Dios"(3).
"Tôi đang ở đâu?", Giọng hắn nghe oang oang.
"Oviedo. Miền Bắc Tây Ban Nha".
"Làm sao tôi đến được đây?".
"Ai đó đã để anh ở ngưỡng cửa nhà tôi. Anh ốm. Tôi đã cho anh ăn. Anh đã ở đây nhiều ngày".
Con ma chăm chú nhìn người chăm sóc trẻ tuổi của mình. Đã bao năm mới có người tỏ từ tâm với hắn. Hắn nói: "Cảm ơn, Cha".
Người thầy tu sờ làn môi tướp máu của mình. "Tôi mới là người phải cảm ơn, bạn của tôi".
Thức giấc vào buổi sáng, con ma thấy thế giới của mình sáng rõ hơn. Hắn nhìn lên cây thánh giá trên tường bên trên giường hắn. Mặc dù nó không nói gì với hắn, hắn vẫn cảm thấy một vầng sáng an ủi trong sự hiện diện của nó. Ngồi dậy, hắn ngạc nhiên khi nhìn thấy một mảnh báo cắt đặt cạnh giường. Bài báo bằng tiếng Pháp một tuần trước. Khi đọc bài đó, hắn sợ hãi. Nó nói vế trận động đất trong dãy núi đã phá hủy một nhà tù và giải thoát rất nhiều tù nhân nguy hiểm.
Tim hắn bắt đầu đập thình thịch. Người thầy tu biết mình là ai!
Điều hắn cảm thấy lúc này là một cảm giác đã khá lâu rồi chưa đến với hắn. Xấu hổ. Phạm lỗi. Kèm theo nó là nỗi sợ bị bắt lại. Hắn nhảy khỏi giường. Mình chạy đi đâu?
"Sách Thiên Tai"(4) , một giọng nói từ phía cửa.
Con ma quay đầu lại sợ hãi.
Người thầy tu trẻ tuổi mỉm cười đi vào. Mũi anh ta được băng lại một cách vụng về, và anh ta đưa ra một quyển Kinh Thánh cũ. "Tôi tìm thấy một bản bằng tiếng Pháp cho anh. Chương này đã được đánh dấu".
Phân vân, con ma cầm quyển Kinh thánh và nhìn vào chương được người thầy tu đánh dấu.
Thiên Tai - Chương 16.
Những câu thơ nói về một người tù tên là Silas nằm trần truồng và bị đánh đập trong xà lim, vẫn hát thánh ca ca ngợi Chúa. Khi con ma đọc đến Tiết 26, hắn há hốc mồm ngạc nhiên.
Và đột nhiên có một trận động đất lớn khiến nền nhà tù rung chuyển và tất cả cả các cánh cửa của nhà tù bật mở".
Hắn nhìn chằm chằm vào người thầy tu đang mỉm cười ấm áp: "Từ giờ trở đi, anh bạn, nếu anh không có một cái tên nào khác tôi sẽ gọi anh là Silas".
Con ma gật đầu dứt khoát. Silas. Hắn đã có thể xác, không còn là ma nữa. Tên ta là Silas.
"Đã đến giờ ăn sáng", người thầy tu nói. "Anh sẽ cần đến sức khỏe nếu anh muốn giúp tôi xây nhà thờ này".
Ở độ cao hơn sáu nghìn mét bên trên biển Địa Trung Hải, chuyến bay Aitalia 1618 rung lên, làm cho các hành khách dao động.
Giám mục Aringarosa hầu như không để ý. Ý nghĩ của ông đang hướng về tương lai của Opus Dei, sung sướng khi biết những kế hoạch ở Paris đang tiến triển tốt, ông ước mình có thể gọi điện cho Silas. Nhưng ông không thể. Thầy Giáo đã lo liệu việc đó.
"Đó là vì sự an toàn của bản thân ông", Thầy Giáo giải thích bằng tiếng Anh lơ lớ giọng Pháp. "Tôi đã khá quen liên lạc điện tử để biết là nó có thể bị nghe trộm. Hậu quả đối với ông có thể là thảm hoạ đấy".
Aringarosa biết ông ta đúng. Thầy Giáo là người cẩn thận hiếm có, ông ta không tiết lộ danh tính của mình cho Aringarosa nhưng ông đã tỏ ra là người đáng được nghe lời. Bằng cách nào đó ông ta đã lấy được những thông tin rất bí mật. Tên của bốn thành viên đứng đầu của tu viện Sion. Đây là một trong những thành công thuyết phục giám mục rằng Thầy Giáo thực sự có khả năng mang về chiến lợi phẩm đáng kinh ngạc mà ông ta đã khẳng định là mình có thể moi ra.
"Giám mục", Thầy Giáo nói với ông, "tôi đã sắp xếp mọi việc. Để kế hoạch của tôi thành công, ông phải để Silas chỉ được nhận điện của tôi trong vòng vài ngày. Hai thầy trò ông không được nói chuyện với nhau, tôi sẽ liên lạc với anh ta qua những kênh an toàn".
"Ông sẽ tôn trọng anh ta chứ?".
"Một người trung thành xứng đáng được tôn trọng nhất".
"Tuyệt! Vậy thì tôi hiểu rồi. Silas và tôi sẽ không liên lạc với nhau cho đến khi việc này kết thúc".
"Tôi làm điều này để bảo vệ danh tính của ông, danh tính của Silas, và sự đầu tư của tôi".
"Sự đầu tư của ông?".
"Giám mục, nếu vì lòng khát khao muốn sánh ngang tầm sự tiến bộ mà ông phải vào tù thì ông sẽ không thể trả công cho tôi".
Giám mục mỉm cười: "Một điểm tuyệt vời. Khát vọng của chúng ta hợp nhau. Chúc may mắn".
Hai mươi triệu euro, giám mục nghĩ, đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sồ máy bay. Khoản tiền này quy sang đô-la Mỹ cũng xấp xỉ con số đó. Một khoản thù lao nhỏ để đạt được một thứ đầy quyền năng đến thế.
Ông cảm thấy lại càng tin rằng Thầy Giáo và Silas sẽ không thất bại, tiền và sự trung thành là những động lực mạnh mẽ.
Chú thích:
(1) Tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản: Tôi thấy một bóng ma… nhợt nhạt như một con ma… lủi thủi một mình đi trong thế giới này…
(2) Tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản: Không thành vấn dề, không hề gì
(3) Tiếng Tây Ban Nha: Tác phẩm của Chúa.
(4) Trong Tân ước, Kinh Thánh.
Un plasaniterie numericque(1), Bezu Fache tái mặt nhìn Sophie Neveu không tin. Một trò đùa bằng số? "Theo đánh giá chuyên môn của cô thì mật mã của Saunière là một loại trò chơi toán học sao?".
Fache hoàn toàn không hiểu nổi sự táo tợn của người phụ nữ này. Cô ta không chỉ xông bừa vào chỗ Fache không xin phép mà giờ đây còn đang cố gắng thuyết phục ông ta rằng Saunière, trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đới mình đã nổi hứng để lại một câu đố toán học?
"Mật mã này", Sophie giải thích nhanh bằng tiếng Pháp, "giản đơn đến mức phi lí. Jacques Saunière chắc chắn đã biết chúng ta sẽ hiểu nó ngay lập tức". Cô lôi ra một miếng giấy nhỏ từ túi áo len và đưa cho Fache. "Đây là lời giải mã".
Fache nhìn vào tờ giấy. 1-2-3-5-8-13-21
"Đây là nó sao?". Ông ta ngắt lời. "Tất cả những gì cô làm là đặt những con số theo một trật tự tăng dần!".
Sophie thực sự có gan dám nở một nụ cười thỏa mãn: "Chính xác".
Giọng Face hạ xuống thành một tiếng gầm gừ trong cố họng:
"Nhân viên Neveu, tôi không biết cô sẽ đi đến đâu với cái trò ma này, nhưng tôi khuyên cô hãy kết thúc cho nhanh". Ông ta ném một cái nhìn lo âu về phía Langdon đang đứng gần đó, điện thoại áp sát trào tai, hiển nhiên là đang nghe tin nhắn qua điện thoại từ Đại sứ quán Mỹ. Bằng vào vẻ mặt tái mét của Langdon, Fache cảm thấy đó là tin xấu.
"Đại uý", Sophie nói, giọng đầy thách thức, "dãy số mà ông có trong tay ngẫu nhiên lại là một trong những cấp số toán học nổi tiếng nhất trong lịch sử".
Fache không biết thậm chí còn có một cấp số toán học được đánh giá là nổi tiếng, và ông ta chắc chắn không đánh giá cao cái giọng sàm sỡ của Sophie.
"Đây là dãy số Fibonacci" - cô tuyên bố, hất đầu về phía mảnh giấy trong tay Fache. "Một dãy số trong đó mỗi số là tổng của hai số đứng liền trước nó".
Fache nhìn chăm chú các con số. Mỗi số đúng là tổng của hai số liền trước, nhưng Fache không thể hình dung ra được nó có liên quan gì với cái chết của Saunière.
"Nhà toán học Leonardo Fibonacci đã tạo ra dãy số này vào thế kỷ XIII. Rõ ràng, khi tất cả các con số Saunière viết trên sàn đều thuộc dãy số nối tiếng của Fibonacci thì không thể là trùng hợp ngẫu nhiên được".
Fache trừng trừng nhìn người thiếu phụ mấy giây: "Tốt, nếu không có sự trùng hợp, cô có thể nói cho tôi biết tại sao Saunière lại làm như thế. Ông ấy định nói gì? Điều này nghĩa là thế nào?".
Cô nhún vai: "Tuyệt đối không có nghĩa gì cả. Đó chính là vấn đề. Nó là một trò đùa mật mã giản đơn. Giống như lấy những chữ trong một bài thơ nổi tiếng xáo trộn lung tung lên để xem liệu có ai nhận ra tất cả các chữ ấy có điểm gì chung nhau".
Fache tiến lên một bước đầy vẻ hăm dọa, mặt ông ta chỉ cách mặt Sophie vài phân: "Tôi dứt khoát hy vọng cô có một sự giải thích thỏa đáng hơn thế nhiều".
Nét mặt dịu dàng của Sophie bỗng trở nên nghiêm nghị lạ lùng: "Đại uý, xét tình thế bất ổn của ông ở đây tối nay, tôi đã tưởng ông có thể hàm ơn khi được biết rằng Jacques Saunière đang chơi trò chơi với ông. Nhưng rõ ràng là không. Tôi sẽ thông báo với chỉ huy phòng Mật mã rằng ông không còn cần đến sự phục vụ của chúng tôi nữa".
Nói xong, cô quay gót, và đi ra ngoài theo lối mà cô đã vào.
Choáng váng, Fache nhìn cô biến mất trong bóng tối. Cô ta mất trí hay sao? Sophie vừa định nghĩa lại thuật ngữ le suicide Professionnel(2).
Fache quay sang Langdon, vẫn đang áp máy điện thoại vào tai, có vẻ lo lắng hơn lúc trước, lắng nghe chăm chú tin nhắn.
Đại sứ quán Mỹ. Bazu Fache khinh thường nhiều thứ… nhưng ít thứ gây phẫn nộ hơn Đại sứ quán Mỹ.
Fache và đại sứ Mỹ thường xuyên đọ sừng với nhau về những vấn đề Nhà nước mà hai bên cùng quan tâm - đấu trường thông thường nhất là sự tuân thủ luật pháp đối với những du khách người Mỹ - gần như hàng ngày DCPJ bắt giữ các du học sinh người Mỹ sở hữu ma túy, các thương nhân Mỹ vì khuyến dụ các hành vi mãi dâm trẻ em, các khách du lịch Mỹ vì tội lấy cắp hàng trong các cửa hàng hoặc phá hoại tài sản. Đại sứ quán Mỹ có thể can thiệp một cách hợp pháp vào việc trao trả các công dân vi phạm về Mỹ, ở đó họ chắng phải nhận bất kỳ sự trừng phạt nào ngoài một hình phạt lấy lệ.
Và trước sau như một, Đại sứ quán Mỹ chỉ làm có thế.
L'emasculation de la Police Judiciere(3), Fache gọi điều đó như vậy Paris Match gần đây đã vẽ một bức tranh biếm họa miêu tả Fache như một con chó cảnh sát, đang cố cắn một phạm nhân người Mỹ, nhưng không thể bởi vì nó bị xích vào Đại sứ quán Mỹ.
Không phải tôí nay, Fache tự nhủ. Có quá nhiều thứ đang bị đe doạ.
Khi Langdon gác máy, ông trông như ốm.
"Mọi chuyện đều ổn cả chứ?" Fache hỏi.
Một cách yếu ớt, Langdon lắc đầu.
Tin xấu từ gia đình, Fache linh cảm, để ý thấy Langdon hơi toát mồ hôi khi Fache nhận lại điện thoại.
"Một tai nạn", Langdon lắp bắp, nhìn Fache với sắc mặt khác lạ, "một người bạn…" ông do dự. "Tôi cần phải bay về nhà trong chuyến bay đầu tiên vào buổi sáng".
Fache tin chắc vẻ bàng hoàng trên mặt Langdon là chân thật. nhưng ông ta linh cảm còn có một xúc cảm khác ở đó, như thể một nỗi sợ hãi xa xăm đột nhiên sôi âm ỉ trong đôi mắt của người Mỹ này. "Tôi rất tiếc", Fache nói, nhìn Langdon kỹ càng.
"Ông có muốn ngồi xuống không?". Ông ta chỉ vào một cái ghế dài để ngồi ngắm tranh trong hành lang.
Langdon gật đầu một cách lơ đãng và bước vài bước về phía chiếc ghế dài. Ông dừng lại, coi bộ mỗi lúc một thêm bối rối: "Thực sự, tôi nghĩ tôi muốn dùng nhà vệ sinh".
Trong thâm tâm, Fache thấy khó chịu vì sự trì hoãn này: "Nhà vệ sinh. Tất nhiên. Ta hãy tạm nghỉ vài phút". Ông ta chỉ trở lui theo hướng họ đã đi vào. "Nhà vệ sinh ở về phía văn phòng của ông phụ trách bảo tàng".
Langdon ngập ngừng, chỉ về đầu đằng kia Hành Lang Lớn: "Tôi nghĩ có một nhà vệ sinh gần hơn nhiều ở đầu kia".
Fache nhận ra rằng Langdon nói đúng. Họ đã đi được hai phần ba quãng đường, và Hành Lang Lớn có hai nhà vệ sinh ở hai đầu. "Tôi có cần đưa ông đi không?".
Langdon lắc đầu, đã dấn sâu hơn vào hành lang: "Không cần thiết. Tôi nghĩ tôi muốn có vài phút một mình".
Fache không khoái gì cái ý để Langdon lang thang một mình trong quãng đường còn lại của hành lang, nhưng ông ta biết rằng Hành Lang Lớn là một ngõ cụt mà mọi người chỉ có thể đi ra ở đầu kia - cánh cổng mà họ đã bò qua. Dù những quy định phòng cháy của Pháp yêu cầu một vài cầu thang thoát hiểm cho không gian rộng lớn này, nhưng các cầu thang này đã tự động đóng lại khi Saunière khởi động hệ thống bảo vệ. Cứ cho là hệ thống đó đã được khởi động lại, không khóa các cầu thang thoát hiểm, nhưng cũng không hề gì - các cửa bên ngoài, nếu mở, sẽ khởi động chuông báo cháy và có các nhân viên DCPJ gác ở bên ngoài. Langdon không thể rời đây mà Fache không biết.
"Tôi cần trở lại văn phòng ông Saunière một lát", Fache nói.
"Hãy đến thắng đó tìm tôi, ông Langdon. Chúng ta cần bàn luận thêm".
Langdon vẫy tay ra hiệu đồng ý, rồi biến mất trong bóng tối.
Quay gót, Fache bước giận dữ theo hướng ngược lại. Đến cánh cổng bảo vệ, ông trướn qua, ra khỏi Hành Lang Lớn, đi xuống sảnh, và đi vào trung tâm chỉ huy ở văn phòng ông Saunière.
"Ai đã cho phép Sophie Neveu vào tòa nhà này?" Fache gầm lên.
Collet là người đầu tiên trả lờil: "Cô ấy nói với lính gác bên ngoài là cô ấy đã giải được mật mã".
Fache nhìn quanh: "Cô ấy đi khỏi chưa?".
"Cô ấy không ở chỗ ông sao?".
"Cô ấy đã bỏ di". Fache nhìn ra hành lang tối tăm. Xem ra Sophie chắc chẳng hứng thú gì dừng lại trò chuyện với những nhân viên khác trên đường ra.
Trong một khoảnh khắc, ông nghĩ đến việc gọi cho lính gác trong tầng xép và bảo họ ngăn và lôi cô ta trở lại đây trước khi cô rời khỏi ngôi nhà. Rồi ông ta nghĩ là không nên làm thế. Đó chỉ là tính tự cao của ông đang lên tiếng… muốn giành tiếng nói cuối cùng. Ông đã có quá đủ sự rối trí trong buổi tối hôm nay.
Xử lý nhân viên Neveu sau, ông ta tự nhủ, đã tính tới chuyện sa thải cô ta.
Đẩy Sophie ra khỏi đầu, Fache liếc nhìn bức tượng kỵ sĩ đang đứng trên bàn ông Saumère. Rồi ông ta quay lại phía Collet: "Cậu có thấy ông ta không?".
Collet gật đầu rồi quay cái máy tính xách tay về phía Fache.
Chấm đỏ hiện rõ trên tấm bản đồ, nhấp nháy đều đặn trong một căn phòng có ghi: VỆ SINH CÔNG CỘNG.
"Tốt", Fache nói, đốt một điếu thuốc lá và oai vệ đi vào sảnh. "Tôi phải gọi một cuộc điện thoại. Phải thật đảm bảo rằng phòng vệ sinh là nơi duy nhất Langdon đến".
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Một trò đùa bằng số
(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: tự sát nghề nghiệp.
(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Sự làm suy yếu Cảnh sát tư pháp. (nguồn vnthuquan.net)
Robert Langdon thấy đầu óc quay cuồng khi lê bước về cuối Hành Lang Lớn. Tin nhắn điện thoại của Sophie cứ tua đi tua lại trong tâm trí ông. Ở cuối hành lang, các bảng phản quang với hình vẽ tượng trưng chỉ phòng vệ sinh đã dẫn ông đi qua hàng loạt nhằng nhịt những tấm ngăn đôi hành lang theo chiều dọc, phô những ký họa Ý và che phòng vệ sinh khỏi tầm nhìn.
Tìm thấy cửa phòng dành cho nam, Langdon đi vào và bật đèn.
Căn phòng trống rỗng.
Đi tới bồn rửa mặt, ông té nước lạnh lên mặt và cố tỉnh táo.
Những bóng đèn huỳnh quang chói chang chiếu xuống sàn lát đá ảm đạm, căn phòng sực mùi amôniăc. Khi ông lau mặt, cánh cửa nhà vệ sinh kêu kẽo kẹl, mở ra sau lưng ông. Ông quay lại.
Sophie Neveu đi vào, đôi mắt xanh ánh lên nỗi lo sợ: "Đội ơn Chúa, ông đã đến. Chúng ta không có nhiều thời gian".
Langdon đứng cạnh bồn rửa, ngỡ ngàng nhìn nhân viên mật mã của DCPJ Sophie Neveu. Chỉ một phút trước, Langdon đã nghe tin nhắn điện thoại của cô, nghĩ rằng nữ nhân viên mật mã mới đến này chắc là bị mất trí. Nhưng càng nghe, ông càng cảm thấy Sophie đang nói chân thành. "Đừng phản ứng gì với tin nhắn này. Hãy bình tĩnh lắng nghe. Ngay lúc này ông đang gặp nguy hiểm. Hãy làm theo thật sát sao những chỉ dẫn của tôi". Dù còn hoài nghi, Langdon đã quyết định làm đúng theo lời Sophie khuyên. Ông nói với Fache rằng tin nhắn điện thoại liên quan đến một người bạn bị thương ở nhà. Sau đó ông hỏi dùng nhà vệ sinh ở cuối Hành Lang Lớn Bây giờ Sophie đã đứng trước mặt ông, vẫn còn hổn hển lấy lại hơi sau khi vòng lại phòng vệ sinh. Trong ánh đèn huỳnh quang, Langdon ngạc nhiên nhìn thấy vẻ mạnh mẽ thực sự tỏa ra từ nét mặt dịu dàng đến bất ngờ. Chỉ cái nhìn là sắc, và sự chồng xếp ấy gợi nhớ đến những hình ảnh trong một bức chân dung nhiều lớp của Renoir… kín đáo mà rõ rành, với một sự táo bạo mà cách nào đó, vẫn giữ được tấm mạng đầy huyền bí.
"Tôi muốn cảnh báo ông, ông Langdon…" Sophie bắt đầu, vẫn hổn hển, "Ông đang sous surveillance cachee(1) dưới sự giám sát chặt chẽ. Những câu tiếng Anh lơ lớ của cô dội vào tường ốp đá khiến giọng cô nghe ồm ồm.
"Nhưng… tại sao?". Langdon hỏi. Sophie đã giải thích với ông trên điện thoại, nhưng ông muốn nghe nó từ chính miệng cô.
"Bởi vì", cô nói, tiến về phía ông, "nghi phạm chính của Fache trong vụ án mạng này là ông".
Langdon cố nắm bắt từng lời, nhưng nghe vẫn hết sức kỳ cục. Theo Sophie, đêm nay Langdon bị gọi đến bảo tàng Louvre không phải với tư cách là một nhà ký tượng học mà như một nghi phạm và hiện tại đang là mục tiêu của một trong những phương pháp tra hỏi ưa thích nhất của DCPJ mà không biết - sous surveillance cachee - một mánh khóe khéo léo trong đó cảnh sát thản nhiên mời kẻ tình nghi đến hiện trường vụ án và phỏng vấn anh ta với hy vọng anh ta sẽ hoảng sợ và tự buộc tội mình.
"Hãy nhìn vào túi bên trái áo vét-tông của ông", Sophie nói.
"Ông sẽ tìm ra bằng chứng của việc họ đang theo dõi ông".
Langdon cảm thấy nỗi lo sợ dâng lên. Nhìn vào túi? Nó nghe có vẻ giống một trò ảo thuật rẻ tiền.
"Cứ nhìn xem".
Hoang mang, Langdon cho tay vào túi bên trái của chiếc áo vet-tông tuýt - cái túi ông không bao giờ dùng đến. Sờ khắp bên trong một lượt, ông không tìm thấy gì. Cô chờ đợi cái quái gì chứ? ông bắt đầu tự hỏi rút cục, Sophie có điên không. Thế rồi, những ngón tay ông chạm phải một vật gì đó. Nhỏ và cứng.
Kẹp vật tí hon giữa các ngón tay, Langdon lôi ra và giương mắt nhìn kinh ngạc. Đó là một cái đĩa kim loại, hình khuy, có kích thước bằng viên pin đồng hồ. Ông chưa từng nhìn thấy nó trước đây "Vật này…?".
"Đó là thiết bị theo dấu tích GPS", Sophie nói. "Liên tục truyền vị trí của nó với một vệ tinh thuộc Hệ thống định vị toàn cầu mà DPCJ kiểm soát được. Chúng tôi sử dụng nó để theo dõi vị trí của mọi người. Nó chuẩn xác tới mức trong bán kính sáu mươi centimét ở mọi nơi trên thế gỉới. Họ xích ông bằng một sợi dây điện tử. Viên cảnh sát đến đón ông ở khách sạn đã nhét nó vào túi ông trước khi ông rời phòng.
Langdon nhớ lại lúc ở phòng khách sạn… Ông tắm qua, mặc quần áo, nhân viên DPCJ lịch sự đưa cho ông chiếc áo ngoài bằng vải tuýt khi họ rời khỏi phòng. Bên ngoài rất lạnh, ông Langdo, viên cảnh sát nói. Mùa xuân ở Paris không hoàn toàn như trong bài hát đâu. Langdon cảm ơn và mặc chiếc áo vào.
Đôi mắt màu ôliu của Sophie thật sắc sảo: "Tôi đã không nói với ông về thiết bị này lúc trước vì tôi không muốn ông kiểm tra túi áo trước mặt Fache. Ông ta không thể biết là ông đã tìm ra nó".
Langdon không biết phải phản ứng như thế nào.
"Họ theo dõi ông với thiết bị GPS vì họ nghĩ ông có thể chạy trốn", cô ngừng lại. trên thực tế, họ hy vọng ông sẽ chạy, điều đó sẽ làm cho lập luận của họ thêm vững chắc".
"Tại sao tôi phải chạy?" Langdon hỏi. "Tôi vô tội!".
"Fache thì nghĩ khác".
Tức giận, Langdon đi thắng về phía thùng rác định vất cái đĩa GPS.
"Không!" Sophie chụp lấy tay ông, ngăn lại. "Hãy để nó vào túi áo ông. Nếu ông vất nó đi, tín hiệu sẽ không di chuyển, và họ sẽ biết là ông đã tìm ra vật nhỏ xíu đó. Lý do duy nhất mà Fache để ông ở một mình là vì ông ta có thể kiểm soát ông đang ở đâu. Nếu ông ta nghĩ ông phát hiện ra việc ông ta đang làm…" Sophie không nói hết suy nghĩ của mình. Thay vào đó, cô lấy cái đĩa nhỏ kim loại từ tay Langdon và cho nó vào túi áo ngoài của ông: "Vật nhỏ này phải ở lại với ông. Ít nhất là trong lúc này".
Langdon cảm thấy hoang mang: "Làm thế quái nào mà Fache có thể tin là tôi giết Jacques Saunière chứ?".
"Ông ta có một vài lý do tương đối thuyết phục để nghi ngờ ông". Vẻ mặt Sophie nghiêm nghị. "Có một tang chứng ở đây mà ông chưa thấy. Fache đã thận trọng giấu khuất mắt ông".
Langdon chỉ biết giương mắt nhìn.
"Ông còn nhớ ba dòng chữ Saunière viết trên sàn chứ?".
Langdon gật đầu. Những con số và chữ ấy đã in sâu trong tâm trí ông. Sophie hạ thấp xuống thành một tiếng thì thầm: "Thật không may, những gì ông nhìn thấy không phải là toàn bộ lời nhắn. Có một dòng thứ tư mà Fache đã chụp ảnh rồi xóa đi trước khi ông tới".
Dù Langdon biết mực hòa tan của loại bút nỉ ngấm nước có thể dễ dàng xóa đi, ông cũng không thể tưởng tượng tại sao Fache lại xóa tang chứng.
"Dòng cuối của lời nhắn", Sophie nói "là điều Fache không muốn ông biết", cô dừng lại, "ít nhất cho đến khi ông ta buộc tội được ông một tấm ảnh in từ máy tính ra khỏi túi áo và giở ra. Fache đã gửi những hình ảnh về hiện trường vụ án đến Phòng Mật Mã lúc tối nay với hy vọng chúng tôi có thể chỉ ra lời nhắn của Saunière định nói gì. Đây là ảnh của lời nhắn đầy đủ". Cô đưa tờ giấy cho Langdon.
Ngỡ ngàng, Langdon nhìn vào hình ảnh đó. Một ảnh cận cảnh phơi bày lới nhắn rực sáng trên sàn gỗ. Dòng cuối cùng làm Langdon lo đến thắt ruột. 13-3-2-2-8-5
Ôi quỷ hà khắc!
Ôi, thánh yếu đuối!
Tái bút. Tìm Robert Langdon.
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: bị giám sát ngầm.
Trong vài giây, Langdon nhìn vào dòng tái bút của Saunière. Tái bút. Tìm Robert Langdon. Ông thấy như thể nền nhà đang chao đảo dưới chân. Saunière đã để lại lời tái bút với tên mình trên đó? Trong những giấc mơ cuồng dại nhất, Langdon cũng không thể tìm ra lý do tại sao.
"Bây giờ thì ông hiểu chứ", Sophie nói, mắt cô thúc giục. "Tại sao Fache yêu cầu ông đến đây đêm nay và tại sao ông là nghi phạm số một?".
Điều duy nhất mà Langdon có thể hiểu lúc này là tại sao Fache lại có vẻ tự mãn đến thế khi Langdon nêu ý kiến rằng lẽ ra Saunière phải chỉ đích danh kẻ giết ông ta.
Tìm Robert Langdon "Tại sao Saunière viết dòng này?" Langdon hỏi, sự bối rối giờ nhường chỗ cho cáu giận. "Tại sao tôi lại muốn giết ông Jacques Saunière chứ?".
Fache còn phải tìm ra một động cơ, nhưng ông ta đã ghi âm toàn bộ cuộc nói chuyện của ông ta với ông đêm nay với hy vọng ông có thể để lộ một điều gì đó".
Langdon mở miệng, nhưng không nói được lời nào.
"Ông ta cài một micrô nhỏ xíu trong người", Sophie giải thích. "Nó được nối với một máy phát trong túi áo ông ta và truyền tín hiệu về sở chỉ huy".
"Điều này là không thể", Langdon lắp bắp. "Tôi có bằng chứng ngoại phạm. Tôi về thẳng khách sạn sau buổi thuyết giảng. Các người có thể hỏi quầy tiếp tân của khách sạn".
Fache đã làm việc đó. Báo cáo của ông ta chỉ ra rằng ông lấy chìa khóa từ người thường trực lúc khoảng 10 giờ 30' tối. Thật không may, thời gian của vụ giết người lại là lúc gần 11 giờ. Ông có thể dễ dàng lẻn ra khỏi phòng khách sạn mà không ai thấy".
"Điều này thật điên rồ? Fache không có bằng chứng".
Mắt Sophie mở to như để nói: Không có bằng chứng sao? "Ông Langdon, tên ông được viết trên sàn nhà cạnh thi thể nạn nhân, và cuốn sổ ghi các cuộc hẹn của ông Saunière nói rằng ông ở cùng với ông ta gần khớp với thời gian của vụ sát hại". Cô dừng lại "Fache có thừa bằng chứng để tạm bắt ông để hỏi cung".
Langdon chợt cảm thấy mình cần một luật sư: "Tôi không làm việc này".
Sophie thở dài: "Đây không phải là truyền hình Mỹ, ông Langdon. Ở Pháp, luật pháp bảo vệ cảnh sát, chứ không phải bọn tội phạm. Thật không may, trong trường hợp này, còn có cả sự chú ý của phương tiện thông tin đại chúng. Jacques Saunière là một người rất nổi tiếng và là nhân vật được yêu quý ở Paris, vụ sát hại ông sẽ được đưa tin ngay sáng hôm sau. Dưới áp lực tức thời, Fache sẽ phải đưa ra một tuyên bố, và ông ta sẽ chắc chân hơn nếu đã có một kẻ tình nghi trong phòng tạm giam. Dù ông có tội hay không, chắc chắn ông cũng sẽ bị DCPJ giữ cho đến khi họ khám phá ra điều đã thực sự xảy ra".
Langdon cảm thấy như con thú trong chuồng: "Tại sao cô nói cho tôi tất cả những chuyện này?".
"Bởi vì, ông Langdon, tôi tin ông vô tội". Sophie nhìn đi chỗ khác trong một khoảnh khắc và rồi lại nhìn vào mắt ông. "Và cũng vì tôi có một phần lỗi khi để ông vướng vào chuyện này".
"Tôi xin lỗi? Là lỗi của cô khi Saunière cố mưu hại tôi sao?".
"Saunière không cố mưu hại ông. Đó là một lầm lẫn. Lời nhắn trên sàn nhà đó là dành cho tôi".
Langdon cần một phút để kịp hiểu: "Cô làm ơn nhắc lại?".
"Lời nhắn đó đó không phải cho cảnh sát. Ông ấy viết nó cho tôi. Tôi nghĩ ông ấy đã bị buộc phải làm mọi thứ trong lúc quá vội vã đến mức ông không nhận ra là nó sẽ được cảnh sát nhìn nhận như thế nào". Cô dừng lại. "Mật mã số là vô nghĩa. Saunière đã viết nó để đảm bảo rằng cuộc điều tra sẽ cần đến nhân viên giải mã, đảm bảo rằng tôi sẽ biết càng sớm càng tốt những gì đã xảy ra với ông ấy".
Langdon thấy mình nhanh chóng mất liên hệ với thực tại.
Việc Sophie Neveu có mất trí hay không, đến thời điểm này, là chuyện dành cho bất cứ ai, nhưng chí ít giờ đây Langdon hiểu tại sao cô cố gắng giúp ông. Tái bút. Tìm Robert Langdon. Rõ ràng cô tin rằng ông phụ trách bảo tàng đã để lại một lời tái bút khó hiểu bảo cô ấy tìm Langdon. "Nhưng tại sao cô nghĩ lời nhắn của ông ấy là dành cho cô?".
"Người Vitruvian", cô nói dứt khoát, "bức ký họa đó xưa nay vốn là tác phẩm của Da Vinci mà tôi yêu thích nhất. Tối nay ông ấy đã dùng nó để lưu ý tôi".
"Khoan đã. Cô đang nói là ông phụ trách biết tác phẩm nghệ thuật yêu thích của cô sao?".
Cô gật đầu: "Tôi xin lỗi. Chuyện này ra khỏi thói thường. Jacques Saunière và tôi…".
Giọng Sophie nghẹn lại, và Langdon nghe thấy một sự sầu muộn đột ngột, một quá khứ đau thương, âm ỉ ngay dưới bề mặt. Rõ ràng Sophie và Jacques Saunière có mối quan hệ đặc biệt. Langdon chăm chú nhìn người thiếu phụ trẻ đẹp trước mặt ông, biết rõ rằng những người đàn ông có tuổi ở Pháp thường có những cô tình nhân trẻ tuổi. Dù là thế, việc Sophie Neveu là "gái bao" dường như không phù hợp.
"Mười năm trước chúng tôi đã có một mối bất hòa", Sophie nói, giọng cô thì thầm. "Từ đó, chúng tôi hầu như không nói với nhau. Đêm nay, khi phòng Mật Mã nhận được cú điện thoại báo là ông ấy đã bị sát hại, và khi tôi nhìn thấy những hình ảnh của thi thể và những dòng chữ trên sàn của ông, tôi hiểu ra rằng ông đang cố gửi cho tôi một tin nhắn".
"Do vì Người Vitruvian sao?".
"Vâng. Và những chữ cái P.S".
"Post Scrip?"(1)
Cô lắc đầu "P.S. là tên viết tắt của tôi".
Nhưng tên cô là Sophie Neuve".
Cô nhìn đi chỗ khác: "P.S. là biệt danh ông đặt cho tôi khi tôi sống với ông". Cô đỏ mặt. "Đó là chữ viết tắt của Princesse Sophie (Công chúa Sophie)".
Langdon không phản ứng gì.
"Thật ngớ ngẩn, tôi biết", cô nói. "Nhưng đó là nhiều năm trước đây. Khi tôi còn là một cô bé".
"Cô biết ông ấy khi cô là một cô bé sao?".
"Đúng vậy", cô nói, mắt rưng rưng xúc động, "Jacques Saunière là ông tôi".
"Langdon đang ở đâu?" Fache hỏi, phả hơi cuối cùng của điếu thuốc khi ông ta quay trở lại sở chỉ huy.
"Vẫn ở trong nhà vệ sinh nam, thưa ông", trung uý Collet trả lời Fache lầm bầm: "Nhẩn nha nhỉ".
Viên đại úy nhìn chấm GPS qua vai của Collet, và Collet gần như có thể nghe thấy những bánh xe đang chuyển động. Fache đang cố dẹp nỗi thôi thúc muốn đi kiểm tra xem Langdon còn đó hay không. Về mặt lý tưởng, đối tượng của một cuộc giám sát được cho phép tối đa thời gian và tự do trong phạm vi có thể, để ru ngủ hắn trong cảm giác an toàn giả tạo. Cần phải để Langdon tự ý trở lại. Tuy nhiên đã gần mười phút rồi.
Quá lâu.
"Liệu có khả năng là Langdon biết chúng ta theo dõi không?". Fache hỏi.
Collet lắc đầu: "Chúng ta vẫn đang nhìn thấy những chuyển động nhỏ trong phòng vệ sinh nam, vì thế đĩa GPS chắc chắn vẫn còn trên người ông ta. Có thể ông ta thấy không khỏe? Nếu ông ta tìm thấy cái đĩa, chắc ông ấy đã vứt nó đi, rồi tìm cách trốn chạy".
Fache nhìn đồng hồ: "Tốt".
Tuy nhiên, Fache vẫn có vẻ băn khoăn. Cả buổi tối, Collet cảm thấy một sự hăm hở không xác định được nơi người chỉ huy của mình. Bình thường vốn thản nhiên và tỉnh bơ dưới mọi áp lực nhưng tối nay dường như Fache đầy xúc động, như thể đó là một vấn đề cá nhân đối với ông ấy.
Không có gì đáng ngạc nhiên, Collet nghĩ. Fache cần cuộc bắt giữ này ghê gớm. Gần đây, Hội đồng chính phủ và báo chí đã có những chỉ trích công khai hơn đối với những chiến thuật hung dữ của Fache, những va chạm của ông ta với các đại sứ quán của các cường quốc, và sự vượt quá ngân sách cho công nghệ mới. Đêm nay cuộc vây bắt một người Mỹ với công nghệ cao sẽ khiến Fache đi được một quãng đường dài tỉến tới dập tẩt những lời chỉ trích, giúp ông ta giữ cương vị này thêm vài năm nữa cho đến khi có thể về hưu với một khoản lương hưu hậu hĩnh. Chúa biết rằng ông ấy cần lương hưu. Collet nghĩ. Sự hăng hái của Fache đối với công nghệ gây tổn hại cho ông cả về mặt nghề nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân. Người ta đồn rằng Fache đã đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào niềm ham mê công nghệ vài năm qua và ông mất sạch, cho đến chiếc sơ-mi cuối cùng. Mà Fache lại là một người chỉ mặc áo sơmi thượng hảo hạng.
Đêm nay, vẫn còn nhiều thời gian. Sự cắt ngang của Sophie Neveu, dù không may, chỉ là một gợn sóng nhỏ. Giờ thì cô ấy đã đi, và Fache vẫn còn những quân bài để chơi. Ông ta chưa nói cho Langdon biết rằng tên ông ấy bị nạn nhân viết trên sàn.
"Tái bút. Tìm Robert Langdon". Phản ứng của người Mỹ này đối với cái chứng cứ nho nhỏ đó sẽ thực sự có tác dụng.
"Đại úy!" một nhân viên DCPJ gọi từ phía bên kia văn phòng. "Tôi nghĩ ông nên nghe cuộc gọi này". Anh ta giơ ống nghe ra, vẻ lo lắng.
"Ai đó?" Fache nói.
Người nhân viên cau mày: "Chỉ huy của Phòng Mật Mã".
"Thì sao?".
"Về Sophie Neveu, thưa ông. Có điều gì đó không ổn".
Đã đến lúc rồi Silas cảm thấy khỏe khoắn khi bước ra khỏi chiếc xe Audi màu đen, một cơn gió nhẹ ban đêm thổi tung chiếc áo choàng rộng thùng thình của hắn. Những cơn gió của sự thay đổi đang thổi. Hắn biết nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi sự khéo léo hơn là sức lực, và hắn để lại súng trong xe. Thầy Giáo trang bị cho hắn khẩu Heckler mười ba băng và khẩu Koch USP 40.
Một vũ khí giết người không có chỗ trong ngôi nhà của Chúa.
Lúc này, quảng trường phía trước nhà thờ lớn vắng vẻ!
Những linh hồn hiển hiện duy nhất ờ mé kia của Quảng trường Saint - Sulpice là hai gái điếm vị thành niên đang phô "hàng" với khách đi chơi khuya. Thân thể dậy thì của họ đánh thức một thèm muốn quen thuộc nơi hông Silas. Đùi hắn gập lại theo bản năng, làm cho chiếc dây lưng hành xác có ngạnh sắc cứa sâu vào thịt đau nhói.
Cơn khát dục tan biến ngay lập tức. Trong mười năm qua, Silas một lòng một dạ khước từ mọi phóng túng tình dục, thậm chí kể cả thủ dâm. Đó là Đạo. Hắn biết hắn đã hy sinh nhiều khi đi theo Opus Dei, nhưng hắn nhận lại còn hơn thế rất nhiều.
Một lời nguyền sống độc thân và từ bỏ mọi của cải cá nhân hầu như chưa phải là hy sinh. So với xuất thân nghèo khổ và những bạo hành tình dục khủng khiếp mà hắn đã phải chịu đựng trong tù thì cuộc sống độc thân là một sự thay đổi thú vị.
Giờ đây, trở về Pháp lần đầu tiên kể từ khi bị bắt và đưa đến nhà tù ở Andorra, Silas có thể nhận thấy quê hương đang thử thách hắn, đang gợi lại những ký ức đầy bạo lực từ linh hồn đã được cứu rỗi của hắn. "Mày đã được tái sinh", hắn tự nhắc nhở mình. Hôm nay, việc phụng sự Chúa buộc phải phạm vào tội lỗi giết người, và nó là một sự hy sinh mà Silas biết sẽ phải lặng lẽ chôn chặt trong tim mình suốt đời.
"Thước đo sự trung thành của con là thước đo sự đau đớn mà con có thể chịu đựng", Thầy Giáo đã nói với hắn. Silas không phải là người lạ lẫm với sự đau đớn, vì thế hắn rất háo hức được tự thể hiện mình với Thầy Giáo, người đã đảm bảo với hắn rằng mọi hành động của hắn đều được sắp đặt bởi một quyền lực trên cao.
Sáng danh Chúa ở trên cao, Silas thì thầm, đi về phía cổng vào nhà thờ.
Dừng lại trong bóng tối của cánh cổng to đùng, hắn hít một hơi thở sâu. Đến tận lúc này, hắn mới thực sự nhận ra hắn sắp làm gì và cái gì đang chờ đợi hắn ở bên trong.
Viên đá đỉnh vòm. Nó sẽ dẫn chúng ta đến đích cuối cùng.
Hắn giơ bàn tay trắng như ma lên và gõ ba lần vào cánh cửa.
Ngay sau đó, then của cánh cổng gỗ khổng lồ bắt đầu dịch chuyển
Sophie tự hỏi không biết phải mất bao lâu Fache mới nhận ra rằng cô chưa rời khỏi tòa nhà. Thấy Langdon rõ ràng đang choáng ngợp, Sophie lại tự hỏi liệu mình có làm đúng không khi dồn ông ấy vào đây, trong phòng vệ sinh nam.
Mình có thế làm gì khác đây?
Cô hình dung xác ông cô, trần truồng, chân tay dang ra trên sàn. Đã có thời ông là cả thế giới đối với cô, thế mà đêm nay, Sophie ngạc nhiên cảm thấy mình gần như không buồn thương cho ông. Giờ đây Jacques Saunière là một người xa lạ với cô.
Quan hệ của họ đã tan biến trong khoảnh khắc vào một buổi tối tháng ba khi cô hai mươi hai tuổi. Mười năm trước. Sophie về nhà sớm vài ngày sau khi tốt nghiệp đại học ở Anh và đã vô tình chứng kiến ông ngoại làm một việc mà hiển nhiên Sophie không có phận sự gì để thấy. Đó là một hình ảnh mà cho đến giờ cô vẫn không thể tin được.
Nếu mình không chính mắt nhìn thấy…
Quá xấu hổ và choáng váng không chịu nổi những lời giải thích đau đớn của ông, ngay lập tức Sophie đã chuyển ra sống ở ngoài một mình, mang theo số tiền dành dụm được, thuê một căn hộ nhỏ ở chung với vài người nữa. Cô thề sẽ không bao giờ nói với bất kỳ ai về điều cô đã nhìn thấy. Ông cô cố gắng một cách tuyệt vọng để liên lạc với cô, gửi thiếp và thư, van xin Sophie cho gặp để ông có thể giải thích. Giải thích như thế nào? Sophie không bao giờ trả lời trừ một lần - để cấm ông không bao giờ được gọi điện thoại cho cô hoặc tìm cách gặp cô ở nơi công cộng. Cô sợ sự giải thích của ông sẽ còn khủng khiếp hơn cả bản thân sự việc.
Thật khó tin, Saunière không bỏ cuộc vẫn đeo đuổi cô, và bây giờ Sophie có cả một chồng thư chưa mở của mười năm trong một ngăn tủ. Phải công nhận là ông chưa bao giờ làm trái yêu cầu của cô và gọi cho cô.
Cho đến chiều nay.
"Sophie phải không?". Giọng ông nghe già lạ lùng trong chiếc máy trả lời tự động của cô. "Ông đã tuân theo ý muốn của cháu bao lâu rồi… và ông đau lòng mà phải gọi điện cho cháu, nhưng ông phải nói chuyện với cháu. Một điều khủng khiếp vừa xảy ra".
Đứng trong bếp của căn hộ ở Paris của mình, Sophie cảm thấy ớn lạnh khi nghe thấy giọng ông sau từng ấy năm. Giọng nói nhẹ nhàng của ông mang lại cả một dòng lũ kỉ niệm mến thương thời thơ ấu.
"Sophie, xin cháu hãy nghe". Ông đang nói tiếng Anh với cô, như ông vẫn luôn làm khi cô còn là một bé gái. Thực hành tiếng Pháp ở trường. Thực hành tiếng Anh ở nhà. "Cháu không thể giận mãi thế được. Cháu đã đọc những bức thư ông gửi trong suốt những năm qua chưa? Cháu chưa hiểu sao?". Ông dừng lại.
"Chúng ta phải nói chuyện ngay lập tức. Xin cho ông của cháu được toại cái ước nguyện duy nhất này. Hãy gọi cho ông ở Louvre. Ngay lập tức. Ông nghĩ ông cháu mình đang trong tình thế nguy hiểm nghiêm trọng".
Sophie nhìn cái máy trả lời tự động. Nguy hiểm? ông đang nói về chuyện gì vậy?
"Công chúa…" Giọng ông cô vỡ ra vì một xúc cảm mà Sophie không thể gọi tên ra được. "Ông biết ông đã giấu cháu nhiều chuyện và ông biết điều đó đã khiến ông mất tình yêu của cháu. Nhưng đó là vì sự an toàn của cháu. Bây giờ, cháu phải biết sự thật. Xin cháu hãy nghe nhé, ông phải nói với cháu sự thật về gia đình cháu".
Sophie đột nhiên có thể nghe thấy tiếng trái tim mình. Gia đình mình sao? Cha mẹ Sophie đã chết khi cô mới bốn tuổi. Xe ô tô của họ văng ra khỏi cầu và rơi xuống dòng nước chảy siết. Bà và em trai cô cũng ở trên xe, và cả gia đình Sophie bị xóa sạch trong phút chốc. Cô có cả một hộp các mảnh báo cắt khẳng định điều đó.
Lời nói của ông bất ngờ làm trào lên khát khao trong cô. Gia đình mình! Trong khoảnh khắc thoáng qua đó, Sophie nhìn thấy những hình ảnh trong cái giấc mơ đã đánh thức cô không biết bao nhiêu lần khi cô còn là một cô bé. Gia đình mình vẫn còn còn sống! Họ đang về nhà! Nhưng, giống như trong giấc mơ, những hình ảnh đó tan biến vào quên lãng.
Gia đình mày đã chết, Sophie ạ. Họ không thể trở về nhà.
"Sophie…", ông cô nói trong máy trả lời tự động, "Ông đã chờ nhiều năm để nói với cháu. Chờ thời điểm thích hợp, nhưng bây giờ không còn thời gian nữa. Hãy gọi cho ông ở Louvre. Ngay khi cháu nghe được tin nhắn này. Ông sẽ chờ ở đây cả đêm. Ông e rằng cả hai ông cháu ta đều đang gặp nguy hiểm. Có quá nhiều chuyện cháu cần biết".
Tin nhắn kết thúc.
Trong yên lặng, Sophie đứng run hồi lâu, có dễ đến mấy phút. Suy đi xét lại cái tin nhắn của ông cô, chỉ có một khả năng có lý và ý đồ thực sự của ông hé lộ.
Đó là mồi nhử.
Hiển nhiên là ông cô muốn gặp cô ghê gớm. Ông đang thử mọi cách. Sự ghê tởm đốl với ông càng sâu sắc thêm. Sophie tự hỏi liệu có phải ông ốm thập tử nhất sinh nên đã quyết định thử mọi kế sách có thể nghĩ ra để làm Sophie đến thăm ông lần cuối. Nếu như vậy, ông đã lựa chọn một cách khôn ngoan.
Gia đình tôi.
Giờ đây, đứng trong bóng tối của nhà vệ sinh nam trong bảo tàng Louvre, Sophie có thể nghe thấy tiếng vọng của tin nhắn điện thoại lúc chiều. Sophie, cả hai ông cháu ta đều có thể đang gặp nguy hiểm. Hãy gọi cho ông.
Cô đã không gọi cho ông. Cũng chẳng có ý định gọi. Tuy nhiên, giờ đây, sự hoài nghi của cô đang lung lay sâu sắc. Ông cô bị giết trong bảo tàng của chính ông. Và ông đã viết một mật mã trên sàn.
Một mật mã cho cô. Về điều này thì cô chắc chắn.
Dù không hiểu ý nghĩa lời nhắn của ông, nhưng Sophie chắc chắn tính chất khó hiểu của nó là một bằng chứng thêm nữa rằng những dòng chữ đó là dành cho cô. Niềm đam mê và năng khiếu về mật mã của Sophie là kết quả của việc lớn lên bên cạnh Jacques Saunière - bản thân ông cũng mê các mật mã, các trò chơi đố chữ. Chúng ta đã dành bao chủ nhật để giải những bảng mã hóa và ô chữ trên báo?
Ở tuổi mười hai, Sophie đã có thề giải ô chữ trên tờ Le Monde mà không cần ai giúp, và ông cô nâng mức lên các ô chữ tiếng Anh, các câu đố toán học, các mật mã thay thế.
Sophie giải được hết. Cuối cùng, cô chuyển niềm đam mê thành nghề nghiệp bằng cách trở thành nhân viên giải mật mã của Cảnh sát tư pháp .
Đêm nay, người giải mật mã trong Sophie buộc phải kính nể cái cách hiệu quả mà ông cô đã vận dụng một mật mã đơn giản để liên kết hai người hoàn toàn xa lạ - Sophie Neveu và Robert Langdon.
Câu hỏi là tại sao?
Khốn thay, bằng vào cái vẻ ngơ ngác trong mắt Langdon, Sophie cảm thấy người Mỹ này cũng chẳng biết gì hơn cô về lý do tại sao ông cô đầy họ lại với nhau.
Cô lại gặng hỏi: "Ông và ông tôi dự định gặp nhau tối nay đúng không. Về chuyện gì vậy?".
Langdon có vẻ thực sự lúng túng: "Thư ký của ông cụ đã sắp đặt một cuộc gặp mặt và không đưa ra lý do cụ thể nào, mà tôi cũng không hỏi. Tôi đồ rằng ông cụ biết là tôi sẽ thuyết giảng về những hình tượng ngoại đạo trong các nhà thờ lớn của Pháp, rằng ông cụ quan tâm đến đề tài đó và nghĩ sẽ thú vị nếu hai chúng tôi gặp nhau làm vài ly sau bài nói chuyện của tôi".
Sophie không tin thế. Lý do không thuyết phục. Ông cô biết rõ về hệ hình tượng ngoại đạo hơn bất cứ ai khác trên thế giới.
Hơn thế nữa, ông là người sống riêng tư khác thường, không mấy ưa tán gẫu với các giáo sư người Mỹ tình cờ gặp, trừ khi có một lý do quan trọng.
Sophie hít một hơi thật sâu và thăm dò thêm: "Chiều nay, ông tôi gọi cho tôi, bảo là hai ông cháu tôi đang trong tình thế rất nguy hiểm. Điều đó có ý nghĩa gì với ông không?".
Đôi mắt xanh của Langdon giờ đây bị nỗi lo lắng che phủ: "Không, nhưng xét những gì vừa xảy ra…".
Sophie gật đầu. Xét những sự kiện tối nay cô có họa là đồ ngu mới không sợ hãi. Cảm thấy cạn kiệt, cô đi về phía cửa sổ làm bằng kính dầy ở cuối phòng vệ sinh và nhìn ra không gian tĩnh lặng bên ngoài qua mạng băng lưới báo động gắn vào cửa kính. Họ đang ở trên cao - ít nhất là 12-13 mét.
Thở dài, cô đưa mắt nhìn ra khung cảnh tráng lệ của Paris. Bên trái cô, bên kia sông Seine là Tháp Eiffel rực rỡ. Thẳng phía trước là Khải Hoàn Môn. Và bên phải, ở đỉnh đồi Montmartre dốc đứng, là mái vòm duyên dáng của nhà thờ Sacré - Coeur, lớp đá mài nhẵn rực lên trắng lóa như một thánh đường lộng lẫy.
Tại đây, ở đầu mút cực tây của Cánh Denon, đại lộ Place du Carrousel theo hướng bắc-nam gần như chạy ngang bằng với tòa nhà, chỉ trừ một vỉa hè hẹp ngăn cách mặt đường với tường bao của Louvre. Tít bên dướỉ, một đoàn xe tải thường giao hàng ban đêm trễ nải đứng, chờ cho đèn giao thông đổi màu, những ngọn đèn nhỏ như nháy mắt trêu chọc Sophie.
"Tôi không biết phải nói gì", Langdon tiến đến đằng sau cô.
"Hiển nhiên là ông cô đang cố nói với chúng ta điều gì đó. Tôi xin lỗi, tôi chắng giúp được gì".
Sophie quay từ phía cửa sổ lại, cảm thấy sự chân thành trong giọng trầm của Langdon. Thậm chí với tất cả những rầy rà bủa vây ông, ông vẫn thực sự muốn giúp cô. "Người thầy giáo trong ông" cô nghĩ, bởi cô đã đọc bản miêu tả chi tiết của DCPJ về kẻ tình nghi của họ. Đây là một giáo sư đại học rõ ràng không coi thường sự thông cảm.
Chúng ta có điểm này chung, cô nghĩ.
Là người giải mật mã, cô kiếm sống bằng cách đi tìm ý nghĩa từ những dứ liệu có vẻ như vô nghĩa. Tối nay, dự đoán tối ưu của cô là Robert Langdon, dù hữu thức hay vô thức, đang nắm giữ cái thông tin mà cô rất cần. Công chúa Sophie, Tìm Robert Langdon. Lời nhắn của ông cô còn có thể rõ ràng đến thế nào nữa? Sophie cần có nhiều thời gian với Langdon hơn. Thời gian để suy nghĩ. Thời gian giải mã điều bí ẩn này cùng nhau. Thật không may, thời gian đang cạn dần.
Chăm chú nhìn Langdon, Sophie đánh ngón bài duy nhất mà cô có thể nghĩ ra: "Bezu Fache sẽ tạm giam ông bất cứ lúc nào.
Tôi có thể đưa ông ra khỏi tòa nhà bảo tàng này. Nhưng chúng ta cần hành động ngay bây giờ".
Mắt Langdon mở to: "Cô muốn tôi chạy trốn sao?".
"Đó là điều thông minh nhất mà ông có thể làm. Nếu bây giờ ông để cho Fache tạm giam mình, ông sẽ phải ở trong nhà tù của Pháp nhiều tuần trong khi PCPJ và Đại sứ quán Mỹ cãi nhau xem tòa án nào sẽ xét xử vụ của ông. Nhưng nếu chúng ta đưa được ông ra khỏi đây để giải thích với Đại sứ quán Mỹ thì chính phủ ông sẽ bảo vệ quyền lợi của ông trong khi chúng ta chứng minh rằng ông không liên quan gì đến vụ sát hại này".
Langdon có vẻ không mảy may bị thuyết phục: "Quên nó đi! Fache có lính gác vũ trang ở mọi lối ral Thậm chí nếu chúng ta trốn thoát mà không bị bắn, thì chỉ riêng việc chạy trốn cũng đủ khiến chúng ta giống như có tội. Cô cần nói với Fache rằng lời nhắn trên sàn nhà là dành cho cô, và tên của tôi không phải ở đó như một lời cáo buộc".
"Tôi sẽ làm việc đó", Sohie nói, vội vã, "nhưng chỉ sau khi ông đã an toàn ở trong Đại sứ quán Mỹ". Nó chỉ cách đây khoảng một dặm và xe của tôi đỗ ngay bên ngoài bảo tàng. Đối phó với Fache từ đây là một trò may rủi. Ông không thấy sao?
Fache đã xác định nhiệm vụ của ông ta đêm nay là chứng minh rằng ông có tội. Lý do duy nhất khiến ông ta trì hoãn việc bắt ông là để tiến hành sự giám sát này với hy vọng ông sẽ làm một điều gì đó khiến cho lập luận của ông ta vững vàng hơn".
"Chính xác. Như là chạy trốn!".
Điện thoại di động trong túi áo len của Sophie đột nhiên đổ chuông. Chắc là Fache. Cô luồn tay vào túi áo len và tắt máy.
"Ông Langdon", cô nói một cách vội vã, "tôi cần hỏi ông một câu cuối cùng!". Và có thể toàn bộ tương lai của ông phụ thuộc vào nó. "Lời viết trên sàn nhà hiển nhiên không phải là bằng chứng kết tội ông, nhưng Fache nói với đội chúng tôi rằng ông ta chắc chắn ông là kẻ gây án. Ông có thể nghĩ ra lý do nào khác nữa khiến ông ta tin chắc rằng ông có tội?".
Langdon im lặng trong vài giây: "Hoàn toàn không".
Sophie thở dài. Có nghĩa là Fache đang nói dối. Tại sao, Sophie chưa nghĩ ra, nhưng đó không phải là vấn đề vào thời điểm này. Thực tế vẫn cứ là đêm nay Bezu Fache quyết tâm bắt giam Langdon bằng mọi giá. Sophie cần Langdon vì chính bản thân mình, và tình thế nan giải này khiến cô chỉ còn một kết luận duy nhất lô-gích.
Mình cần đưa được Langdon đến Đại sứ quán Mỹ.
Quay về phía cửa sổ, Sophie phóng mắt qua mạng lưới báo động gắn trên những tấm kính dầy nhìn xuống đường từ độ cao chóng mặt khoảng mười hai mét. Một cú nhảy từ độ cao này sẽ khiến Langdon gãy cả hai chân. Thế đã là may nhất rồi.
Tuy nhiên, Sophie vẫn quyết định.
Robert Langdon sắp thoát khỏi Louvre, dù ông có muốn hay không.
"Anh nói cô ta không trả lời nghĩa là sao?", Fache có vẻ không tin. "Anh gọi vào máy di động của cô ta, đúng không? Tôi biết cô ta có mang theo mà".
Collet đã cố liên lạc với Sophie trong vài phút vừa qua: "Có thể máy cô ấy hết pin. Hoặc hỏng chuông".
Fache có vẻ lo lắng kể từ khi nói chuyện qua điện thoại với chỉ huy Phòng Mật Mã. Sau khi gác máy, ông ta đi đến chỗ Collet và yêu cầu anh liên lạc với Sophie Neveu. Giờ đây Collet đã gọi mãi không được và Fache đi đi lại lại như con sư tử.
"Tại sao Phòng Mật Mã lại gọi tới?" Collet đánh bạo hỏi.
Fache quay lại: "Để nói với chúng ta rằng họ không tìm ra tài liệu tham khảo nào có nhắc đến "quỷ hà khắc và thánh yếu đuối".
"Có thế thôi ư?".
"Không, cũng để nói rằng họ đã nhận ra mật mã để lại là dãy số Fibonacci, nhưng họ ngờ rằng dãy số này là vô nghĩa".
Collet bối rối: "Nhưng họ vừa cử nhân viên Neveu đến để nói với chúng ta điều đó".
Fache lắc đầu: "Họ không cử Neveu đến".
"Gì cơ?".
"Người chỉ huy nói rằng theo mệnh lệnh của tôi, ông ấy đã gọi tất cả đội đến xem những bức ảnh tôi gửi cho ông ta. Khi nhân viên Neveu đến, cô nhìn những tấm ảnh chụp Saunière và mật mã rồi rời văn phòng mà không nói một lời nào. Người chỉ huy nói ông ta không thắc mắc về ứng xử của cô ấy vì cũng dễ hiểu là cô ta bị xáo đảo bởi những bức ảnh đó".
"Xáo đảo?". Cô ấy chưa bao giờ nhìn thấy một bức ảnh chụp một xác chết sao?".
Fache im lặng trong giây lát: "Hình như Sophie Neveu là cháu gái gọi Jacques Saunière bằng ông. Tôi đã không biết điều này và có vẻ như người chỉ huy cũng không biết cho đến khi một đồng nghiệp nói với ông ta".
Collet lặng đi.
Người chỉ huy nói rằng cô ta không bao giờ nhắc đến Saunière với ông ta, và ông ta cho rằng đó là do có thể cô ta không muốn được ưu đãi vì có một người ông nổi tiếng".
Không có gì là lạ khi cô ấy bị xáo đảo bởi các bức ảnh. Collet khó có thể quan niệm được sự trùng hợp bất hạnh đã xui khiến một phụ nữ trẻ đến giải một mật mã bí ẩn được viết bởi một người thân đã chết trong gia đình. Tuy nhiên, những hành động của cô ấy chẳng có nghĩa gì cả. "Nhưng rõ ràng cô ta đã nhận ra các con số đó là dãy số Fibonacci bởi vì cô ấy đã đến đây và nói cho chúng ta biết. Tôi không hiểu tại sao cô ấy rời khỏi phòng Mật Mã mà không nói với ai là cô đã tìm ra nó".
Collet chỉ có thể nghĩ ra một kịch bản duy nhất để giải thích cho những diễn tiến phức tạp đó: Saunière đã viết một mật mã số trên sàn với hy vọng Fache sẽ yêu cầu những người giải mật mã tham gia vào cuộc điều tra, và như thế sẽ có cháu gái của ông ta. Về phần còn lại của lời nhắn, liệu có phải Saunière bằng cách nào đó đang liên lạc với cháu ông ta? Nếu thế, lời nhắn nói với cô ta điều gì? Và Langdon có liên quan như thế nào?
Trước khi Collet có thể suy nghĩ kỹ càng hơn, sự tĩnh lặng của bảo tàng bị phá vỡ bởi tiếng chuông báo động. Tiếng chuông nghe như phát ra từ bên trong Hành Lang Lớn.
"Alarme!"(1) một trong số các nhân viên hét lên, quan sát con mồi của anh ta từ trong trung tâm An ninh của Louvre: "Grande Galerie! Toilettes Messieurs!"(2).
Fache chạy tới chỗ Collet: "Langdon đang ở đâu?".
"Vẫn trong phòng vệ sinh naml" Collet chỉ vào chấm đỏ đang nhấp nhảy trên bản đồ trong máy tính xách tay: "Chắc ông ta đã phá cửa sổ!" Collet biết Langdon sẽ không thể đi xa.
Mặc dù các qui định về cứu hỏa của Paris yêu cầu các cửa sổ trên mười lăm mét trong các tòa nhà công cộng phải có thể phá vỡ được trong trường hợp hỏa hoạn, nhưng việc nhảy qua cửa sổ tầng hai của Louvre mà không có sự trợ giúp của móc sắt và thang sẽ chẳng khác nào tự sát. Hơn nữa, không có cây cối hay thảm cỏ ở phía tây của Cánh Denon để làm đệm cho người ngã. Ngay bên dưới cửa sổ phòng vệ sinh đó là đường Place du Carousel với hai làn xe chạy chỉ cách tường bao của bảo tàng chừng một mét. "Lạy Chúa tôi", Collet kêu lên, nhìn trừng trừng vào màn hình, "Langdon đang đi đến rìa cửa sổ".
Nhưng Fache đã sẵn sàng hành động. Rút khẩu Manurhin MR-93 từ bao súng ở vai, viên đại uý lao ra khỏi văn phòng.
Collet hoang mang nhìn màn hình khi chấm nhấp nháy đến rìa cửa sổ rồi làm một điều gì đó hoàn toàn bất ngờ. Điểm sáng đã di chuyển ra bên ngoài chu vi của tòa nhà.
Điều gì đang diễn ra? Anh tự hỏi. Langdon đang ở trên rìa cửa sổ hay…
"Chúa ơi!" Collet chồm dạy khi chấm sáng nhảy xa hơn, ra bên ngoài bức tường. Tín hiệu dường như rùng mình trong giây lát và rồi sau đó chấm nhấp nháy dừng đột ngột ở một điểm cách khoảng mười mét bên ngoài chu vi tòa nhà.
Rở rẫm với bộ điều khiển, Collet bấm gọi một bản đồ đường phố Paris để xác định vị trí của chấm GPS. Sau khi phóng to ra, anh có thể nhìn thấy vị trí chính xác của tín hiệu.
Nó không còn di chuyển nữa.
Nó nằm im ở ngay giữa đường Place du Carrousel.
Langdon đã nhảy xuống.
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Báo động!
(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Hành Lang Lớn! Phòng vệ sinh nam!