Lâu rồi, không đọc báo, mấy hôm nay đọc thì cười suốt cả ngày. Từ việc vào nhà hàng phải hỏi kỹ nguồn gốc gà mới ăn ( 100% nhà hàng sẽ nói dối là gà đồi Bắc Giang vì làm thịt rồi thì đố ai biết nó leo đồi ở Bắc Giang hay núi Pusan Hàn Quốc), đến các câu chuyện về xe "chính chủ", từ được dùng nhiều nhất trong thời gian qua. Có khoảng 48.500.000 kết quả cho 1 giây search chữ này trên google, tức hơn nửa dân số VN, chứng tỏ có sự quan tâm rất nhiều. Nhưng nói quá chuyện chính chủ thì cũng nhàm, hài liên tục 1 vấn đề thì cũng nhạt và đối tượng bị mắng nhiều quá thì cũng tội. Sửa đổi rồi sẽ diễn ra, tuy nhiên nó sẽ phải có quy trình. Giáo dục nhồi sọ và áp đặt xưa nay thì lấy đâu ra tầm nhìn xa, nên ở VN, ai cũng quan niệm "tới đâu hay tới đó", nước tới chân thì nhảy, không nhảy kịp thì ướt quần. Cứ việc ra quyết định, cho thi hành luôn, nếu có phản biện thì sửa, sai đâu sửa đó.
Nên mới có chuyện, có cả một hội đồng sửa đổi văn bản luật pháp, chỉnh trang đô thị, tách ra nhập vào các ban ngành thì ngày nào cũng có trên báo...Ấy là ở tầm vĩ mô. Còn ở tầm vi mô, cá nhân thì hầu hết định hướng nghề nghiệp bị sai. Thấy nghề nào hot lúc đó là đăng ký học liền. Học điện tử ra làm xuất khẩu, học cơ khí tốt nghiệp làm ca sĩ, học múa thì ra làm giám đốc, học sư phạm ra bán bánh mì, học IT thì giờ thất nghiệp....Giáo viên nói chung thì càng trẻ, càng ngây ngô về trí tuệ, vì 20 năm nay, những bạn giỏi nhất cấp 3 không thi vào ĐH sư phạm, các bạn giỏi nhất đại học không ở lại trường làm giảng viên như ngày xưa. Thế là ngây ngô dạy ngây ngô, và tốt nghiệp xong thì thành ngớ ngẩn.
Và mình là một trong sản phẩm ấy. Dù từ nhỏ được học trường chuyên lớp chọn, đại học chính quy về quản trị...tuy nhiên tầm nhìn xa nhất vẫn là mấy tiếng đồng hồ sau. Vẫn là không biết trưa nay ăn gì, bún bò hay bún riêu, cơm bà Cả hay cơm ông Út...Từ 8h vào công sở là suy nghĩ cho thực đơn buổi trưa, và sau 1h30 là băn khoăn về thực đơn buổi chiều.
Nhưng đến tối thì sẽ đi lượn xe máy đi trà chanh chém gió. Không thì ôm Iphone, laptop lên facebook. Sẽ mắng ông A vì không có tầm nhìn, chửi bà B vì phát ngôn ngớ ngẩn, dè bỉu ông C nói sai về ổn định kinh tế vĩ mô, rằng ông D không nên đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ. Sẽ cãi nhau và thậm chí sau đó một hồi thì nóng máu đánh nhau mẻ đầu sói trán về đề tài " nước Việt nam ta, lớn hay nhỏ".