Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.
Hằng năm, cứ vào độ ngày 1-4 là những con "chiên" nhạc Trịnh lại bắt đầu chương trình tưởng nhớ ông, nói nghe nhạc ông nhiều thì đúng hơn!?
Trong lịch sử âm nhạc VN, chắc chẳng ai được như ông. Người hâm mộ đến với nhạc ông một cách tự nguyện, chẳng phải o ép chi như thứ văn hóa sặc mùi chính trị. Ông là một tượng đài lớn, lớn đến nỗi chẳng ai dám nói nhạc ông dở. Nhớ độ, có một nghệ sĩ "lớn" lên tiếng chê bai, thế là cả một làn đạn tự nhiên xuất hiện bắn bác nghệ sĩ ấy tơi bời. Tội nghiệp. Vài thập kỷ nữa hãy chê nhạc Trịnh nhé, bây giờ thì đừng hòng!
Tại sao nhạc ông lại thu hút đến như vậy, tại sao lại có nhiều fan cuồng đến vậy. Mỗi người có một cách cảm nhận và trả lời riêng.
Tôi có vài người bạn, mở miệng ra là nói tới nhạc Trịnh, cứ nhất quyết chỉ hát nhạc Trịnh mà thôi, dầu tuổi đời không có bao nhiêu. Thế nhạc Trịnh đâu có gì là cao siêu triết lý. Đâu có phải râu tóc bạc phơ mới hiểu được.
Mà, biết đâu, nhạc Trịnh đã thành một cái mốt của thời đại. Người nghe/hát nhạc Trịnh xem mình đang ở thượng đẳng, nhìn xuống thứ nhạc gọi là thị trường, rồi mỉm mỉm... cười một mình.
Dầu nghe chẳng hiểu gì, nhưng có ai hỏi, vẫn có người rất thoải mái nói, tôi mê nhạc Trịnh. Ồ, anh ấy thật là sành điệu, thật đáng ngưỡng mộ quá đi!
Tất nhiên, không phải ai cũng giả vờ như vậy. Âm nhạc là không biên giới, nghệ thuật là không biên giới. Ai cảm được thì cảm, ai yêu được thì yêu, không thể đòi hỏi "bằng cấp" gì ở họ được. Do đó, không ai biết được ai thế nào!?
Khắp VN cuối tuần này có biết bao nhiêu sân khấu trương bảng "Đêm nhạc tưởng nhớ TCS", nhiều lắm. Kệ. Ở một góc nhà, có một người ôm cây đàn ghi cũ kỹ, sau khi nốc vài ly rượu mạnh (theo đúng gu của bác Trịnh lúc sinh thời), rồi rỉ rả ngân nga:
"Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!"