Chia sẻ mọi người bài xã luận rất hay trên báo Người Lao động...
Nợ công, thâm hụt ngân sách, dự trữ ngoại hối... là những vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội tuần qua nhưng con số cụ thể vẫn là những dấu hỏi. Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cho biết nợ công ở ta khoảng 57% GDP nhưng theo một số chuyên gia, tỉ lệ này đã lên mức 70%, nếu tính theo thông lệ quốc tế.
Mới đây, tạp chí The Economist cho biết trung bình mỗi người dân VN phải gánh 600 USD nợ công, một con số quá lớn so với thu nhập bình quân đầu người ở mức 1.200 USD hiện nay. Tuy nhiên, người dân luôn được trấn an “nợ công vẫn ở mức an toàn”. Theo một số chuyên gia, ở các nước khác, nợ công có thể hơn 100% GDP nhưng điều khác biệt là thu nhập bình quân đầu người của họ lên tới hơn 30.000 USD/năm.
Về thâm hụt ngân sách, Bộ Tài chính cho biết so với GDP năm 2009 là 6,9%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng con số này là 8,9% và Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) thì ước tính 9,6%...
Tình trạng mỗi nguồn đưa ra một số liệu khác nhau còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực dự trữ ngoại hối, nợ các tập đoàn... Đây là thực tế cần được nhìn nhận và khắc phục, bởi con số - ngoài chỉ báo chính xác thực trạng - còn là niềm tin vào năng lực quản lý, điều hành.
Cuối tuần qua, trước tình trạng tỉ giá và giá vàng leo thang chóng mặt, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã công bố chủ trương không tăng tỉ giá, không kết hối ngoại tệ. Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (SBV) mạnh tay hơn trong việc bơm ngoại tệ. Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực chưa bền, bởi thị trường đang chờ động thái tiếp theo của SBV là bơm tiền. Nhưng bơm bao nhiêu thì theo Thống đốc SBV, vẫn “chưa thể công bố”!
Dự trữ ngoại hối cũng là một ẩn số, khi Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia chỉ cho biết “giảm so với mức đỉnh cao trên 20 tỉ USD trước đây, song vẫn đủ sức để can thiệp bình ổn thị trường”. Nhiều người còn nhớ chuyện “giải cứu” thị trường chứng khoán cách đây 3 năm, đến nay vẫn không ai biết cổ phiếu nào được “cứu”, số tiền bao nhiêu, ai được lợi?...
Thị trường luôn cần thông tin để ra quyết định. Các nhà làm chính sách cũng cần thông tin chuẩn xác để có thể hiểu thực trạng của nền kinh tế, từ đó đưa ra chính sách thích hợp. Chẳng hạn, có đánh giá đúng thực trạng nợ công mới dũng cảm nói không với những siêu dự án chưa thật cần thiết cho dân sinh, chưa mấy hiệu quả về kinh tế. Có biết tình trạng dự trữ ngoại hối, người dân mới yên tâm, không tích trữ vàng, ngoại tệ...
Do vậy, cần công khai chính sách, minh bạch các con số. Đặc biệt, thống kê cần tương thích với thông lệ quốc tế chứ không nên “linh hoạt” hay chạy theo thành tích, để rồi chủ quan và đưa ra những quyết sách thiếu tính thực tế, thậm chí sai lầm. Chưa kể, khi thiếu thông tin, thị trường sẽ là mảnh đất đắc địa cho giới đầu cơ và những tin đồn tai hại.
Minh Hà