Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Giao lưu bạn bè :: > -‘๑’- Người Đương Thời

-‘๑’- Người Đương Thời Chia sẻ những câu chuyện về những người nổi tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng

Danh nhân Việt Nam

Danh nhân Việt Nam

this thread has 12 replies and has been viewed 24190 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 15-07-2006, 06:44 PM   #11
Hồ sơ
raykid2
Super Moderator
 
raykid2's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 287
Tiền: 25
Thanks: 0
Thanked 26 Times in 21 Posts
raykid2 is an unknown quantity at this point
Default

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm</span><span style=\'color:blue\'>
<a href=\'http://www.quehuong.org.vn\' target=\'_blank\'>http://www.quehuong.org.vn</a>

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) có trí tuệ thông minh mẫn tiệp từ nhỏ. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ văn có giá trị, mang tính triết học cao, xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, triết gia của thế kỷ 16.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc (cháu ngoại quan thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn, cả hai thân mẫu đều là những người có văn tài học hạnh nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Nhất là phụ mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tương truyền bà là người giỏi giang văn tài và tinh thông địa lý, tướng số. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Niềm thôi thúc đó khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại gặp thầy giỏi khác nào như rồng gặp mây. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Và sau này, tài học vấn uyên thâm của ông đã vượt xa thầy. Tương truyền Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học, đã đem sách Thái ất thần kinh ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy Lương Đắc Bằng cũng không hiểu được mà chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này mới tinh thông.


Lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra một triều đại mới. Thế là suốt cuộc đời thanh niên trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535, lúc này đã 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông hy vọng triều đại nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước. Lúc này, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người tỏ ra có chí khí đảm lược. Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà học giả uyên thâm, một trí thức dân tộc đã nhìn thấy điều đó. Và ông hy vọng: với nhân vật này, triều đại mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren mà vua tôi nhà Lê và các tập đoàn phong kiến trước đó gây ra.



Nhưng niềm tin đó bị thất vọng. Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ ông hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, hình như để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Năm 1568, Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm sát hại, lo cho "số phận" nên đã ngầm cho người hỏi kế an thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (ngụ ý nói: Dựa vào một dải Hoành sơn có thể lập nghiệp được lâu dài). Thế là Nguyễn Hoàng tức tốc xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào).



Tại Thăng Long, thời ấy chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời và lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao. Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thế thủ, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã trả lời: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt. Các truyền thuyết trên đây muốn chứng tỏ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài tiên đoán, đo nắm được bí truyền của sách Thái ất thần kinh. Vả lại còn truyền thuyết nữa về Trạng Trình với tập Trình quốc công sấm ký. Tương truyền trong tập sách đó, ông đã tiên tri và biết trước các sự việc nhân tình thế thái, thời cuộc xảy ra "năm trăm năm sau". Thực, hư thế nào, còn là vấn đề cần phải nghiên cứu khẳng định hay phủ định của các nhà học giả Việt Nam sau này để trả lại giá trị xứng đáng cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên, một điều cần khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sự là nhà học giả "thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự" (trên trời hiểu thiên văn, dưới đất tường địa lý, ở giữa hiểu con người).



Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Ông phê phán gay gắt bọn tham quan ô lại hút máu, hút mủ của dân. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế". Học trò của ông cũng có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...



Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Tư tưởng triết học của ông "không bận tâm đi vào xu hướng duy lý..." đi tìm khái niệm bản thể luận như Lão Tử, như triết học Phật giáo hay cái phóng nhiệm nhiều lúc đến ngụy biện của Trang Tử. Ông hiểu sâu sắc triết học Tống Nho nhưng không đi vào sự câu nệ vụn vặt, không lý giải quá sâu cái lý, có khi rắc rối, hoặc chẻ sợi tóc làm tư để tìm hiểu, biện giải nhiều thứ mơ hồ rối rắm trong những khái niệm hỗn tạp đó. Với sự uyên thâm vốn có, ông được triều đình nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là Trình tuyền hầu, tức là một vị Hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho), hoặc đời còn gọi ông là cụ Trạng Trình. Tuy vậy, triết học của ông là triết học đã được sống dậy, biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học mà mình thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh ở quanh mình. Trong thơ ông, ngoài mặt triết lý nhân sinh, nổi bật lên những suy ngẫm chiêm nghiệm, đúc kết như muốn vươn lên khái quát "luật" đời bằng những phạm trù triết học. Vì lẽ đó, ông rất hay dùng đến những cặp phạm trù đối lập như: đen - trắng, tốt - xấu, đầy - vơi, sinh - diệt, vuông - tròn, để giãi bày quan niệm triết lý nhân sinh của mình.



Tuy nhiên, "một hạn chế dễ nhận thấy trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tuy nắm được phép biện chứng, nhưng vẫn nặng về duy tâm. Quan niệm về sự phát triển của ông còn nằm trong khung tròn khép kín chứ chưa phải là vòng tròn xoáy ốc. Đó là sự phát triển tuần hoàn, là cái phép biện chứng của Chu dịch... ông đã nhận được trong nền giáo dục Nho học đương thời, cộng với phép biện chứng thô sơ của Lão Tử trong Đạo đức kinh. Đó cũng là những hạn chế đương nhiên của rất nhiều nhà triết học cổ đại" (Đào Thái Tôn).



Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, nhà triết gia của thế kỷ.

(Nhân dân)
raykid2 is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 15-07-2006, 06:54 PM   #12
Hồ sơ
raykid2
Super Moderator
 
raykid2's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 287
Tiền: 25
Thanks: 0
Thanked 26 Times in 21 Posts
raykid2 is an unknown quantity at this point
Default


PHÙNG KHẮC KHOAN
[Đăng nhập để xem liên kết. ]

Trong thế kỷ XVI có lẽ chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan là hai gương mặt lớn nhất, tiêu biểu cho lịch sử văn hóa dân tộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có ý thức tìm về cội rễ tinh thần dân tộc rất sâu sắc nhưng cũng thấm nhuần đến cốt lõi văn hóa Trung Hoa và mang một phong độ sống cao khiết của nhà hiền triết á Đông ít ai sánh được. Còn Phùng Khắc Khoan tuy học vấn sâu rộng, song là người có cuộc sống hết sức lão thực, hết sức dân dã, gần gũi với công việc đồng áng, nông tang..., được nhân dân phong Trạng gọi là Trạng Bùng.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, quê ở làng Phùng Xá, tên Nôm là Kẻ Bùng, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Ông có tên hiệu là Hoằng Phu, Nghị Mai, Mai Nham Tử. Phùng Khắc Khoan đậu tiến sĩ năm 1580, đời Lê Thế Tông (1573-1600) khi ấy ông đã 53 tuổi và đã là một công thần có nhiều thành tích với nhà Lê trong cuộc chống Mạc. Nhờ có công lao mấy chục năm phò giúp nhà Lê, Phùng Khắc Khoan được phong nhiều chức vụ quan trọng như Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tán trị Thừa chính sứ ty, Thừa chính các xứ Thanh Hóa, Tả thị lang bộ Công, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hộ... Năm 1597, Phùng Khắc Khoan được cử làm chánh sứ dẫn đầu một sứ bộ sang triều Minh và cuộc đi sứ của Cụ đã thành công lớn.

Sau khi xin nghỉ quan vì già cả, Phùng Khắc Khoan về quê sống và trên miền quê sứ Đoài, cụ đã cho trùng tu hai nhịp cầu Nhật Tiêu, Nguyệt Tiêu kiều bên núi Sài trước mặt chùa Thầy. Ngoài ra Phùng Khắc Khoan còn cho đào mương tưới nước quanh vùng núi Thầy, từ đó dẫn nước đi tưới cho các vùng lân cận. Nhưng đậm nét nhất trong ký ức nhân dân Bùng Xá vẫn là công đức Phùng Khắc Khoan truyền dạy cho dân làng nghề dệt tơ và cách trồng ngô, trồng đỗ do cụ đưa giống về. Phùng Khắc Khoan qua đời năm 1613, thọ 86 tuổi.

Sự nghiệp thơ văn Phùng Khắc Khoan để lại khá lớn, bao gồm sáng tác bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm, trong đó có ba tác phẩm quan trọng là Ngôn chí thi tập, Lâm tuyền vãn, Mai Lĩnh sứ hoa thi tập.

Thơ Phùng Khắc Khoan vừa nói cái chí lớn của kẻ nam nhi phải lập công danh ở đời, vừa nêu cao vai trò của sách vở, văn chương, của văn hóa, với quan niệm rằng tất cả những người làm nên sự nghiệp "khanh tướng" đều có học vấn cao:

Từ xưa những người lập thân làm nên khanh tướng,

Là những người trong bụng phải có thi thư.

ở Phùng Khắc Khoan hoài bão về sự nghiệp văn chương cũng rất lớn. Khi mới 16-17 tuổi, Cụ đã Tự bày tỏ tâm sự của mình:

Kề sinh nhai cất chứa trong nhà sách là của quý,

Sức lực thay cày bừa bút là nô bộc.

Phùng Khắc Khoan có một quan niệm về văn chương rõ ràng: "Văn chương phải sắc bén, coi thường con dao của bọn thư lại. Bút phải được dùng làm tươi sáng, vẻ vang cho nước". Và: "Cái gọi là thơ không phải là thứ láu lưỡi trong tiếng sáo lối chới chữ dưới ngòi bút". Thơ văn, theo Phùng Khắc Khoan phải là:

Hạ bút làm cho mưa gió phải động

Thơ thành khiến quỷ thần kinh sợ.

Nội dung thơ văn Phùng Khắc Khoan cũng phong phú, đẹp đẽ như chính cuộc đời cụ, một cuộc đời lớn, tất cả vì đất nước, nhân dân.

Đi sứ sang Tàu

Phùng Khắc Khoan [...] được cử đi sứ hai lần vào năm 1597 và 1606. Việc đi sứ là khó khăn vất vả nguy hiểm như vậy, nhưng Phùng Khắc Khoan khi đã 70 tuổi còn vâng mệnh vua đi sứ, đã thể hiện lòng trung quân ái quốc thật đáng kính phục. Ông đã nói lên trọng trách và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ qua bài Đinh Dậu phụng sứ thuật hoài:

Bẩy mươi là kể tuổi già nua, - Dáng chẳng bằng ai, dám kém thua. - Xe ngựa xôn xao đoàn sứ bộ, - Công khanh trang trọng lớp chào đưa. - Uy vua thể nước nhờ giao thiệp, - Nói khéo, lời hay học chẳng vừa. - Công trạng kết minh đành gắng gỏi, - Bạn bè được mất một mình lo. (Bản dịch của Trần Lê Sáng)

Sứ bộ Phùng Khắc Khoan đi từ tháng 7 năm Đinh Dậu (1597) đến tháng 8 năm sau mới tới Yên Kinh, hành trình dài ngày như vậy đã làm tiêu hao sức lực của con người 70 tuổi. Xuân về, Tết đến trên đường đi sứ, nằm trong nhà trọ nghe tiếng pháo nổ ran đón xuân sang, lòng kẻ lữ thứ xa quê càng thêm tê tái không được sum họp gia đình thờ cúng tổ tiên, bút nào tả xiết, nhưng vì phụng mệnh vua lo việc nước nên đành quên đi nỗi nhớ gia đình quê hương. Tiếc rằng thơ văn của ông không còn lưu lại những bài trên đường đi sứ, phải ăn Tết tha hương.

Sứ bộ Phùng Khắc Khoan đến Yên Kinh phải tạm trú ở quán Ngọc Hà trong 5 tháng liền mà không được bàn đến việc chính là sang cầu phong vương cho vua Lê Thế Tông, phải chịu sự khinh thị của triều đình nhà Minh (do nhà Minh vẫn còn công nhận nhà Mạc, chưa công nhân vua Lê), các biểu dâng không đến được đại thần và vua Minh. Biết được vua Minh Thần Tông sắp tổ chức "Bát tuần đại khánh" (mừng thọ 80 tuổi), ông đã làm 31 bài thơ gọi là Vạn thọ vô cương để dâng lên vua Minh, nhờ sứ thần Triều Tiên xem và viết lời tựa, dâng qua một Thượng thư bộ lại là Trương Vị để đến tay vua Minh. Vua Minh xem và khen ngợi Phùng Khắc Khoan là người "trung hậu" và hạ lệnh cho khắc in ngay. Từ chỗ biết đến thơ Phùng Khắc Khoan, biết có sứ thần nhà Lê sang xin phong vương, vua Minh đã cho gọi sứ bộ vào và phong cho vua Lê chức Đô thống ty. Ông đã biện bác chức đó không hợp với vua Lê, nhưng vua Minh khuyên hãy cứ nhận sau đó xem tình hình hai bên nhà Mạc và nhà Lê như thế nào hãy phong vương sau. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí thì trong chuyến đi sứ này, ông còn đấu tranh bỏ được lệ cống người vàng như nhà Mạc trước đây. Trong thời gian ở Yên Kinh, Phùng Khắc Khoan đã đặt quan hệ hữu nghị với sứ bộ Triều Tiên, làm thơ xướng hoạ cùng Lý Chi Phong và Lý Túy Quang. Lý Túy Quang viết: Mùa xuân năm Đinh Dậu (1597) lấy danh nghĩa là Tiền úy sứ lại được gặp sứ thần An Nam. Lần này đúng vào ngày đông chí, gặp có tiệc mừng, người nước ngoài đến đông lắm, may được ở cùng một nơi với sứ thần An Nam. Ở đây đến 50 ngày cho nên được đi lại quen thuộc, hỏi han tường tận... Vậy thời việc tôi và Túy Quang được gặp sứ thần nước An Nam há chẳng phải là có số phận hay sao?... Hai bên làm thơ xướng họa, có bài Phùng Khắc Khoan viết: Đông Nam hai nước cách xa, - Bách vương đạo học vốn là cùng chung. - Thành Chu lễ nhạc mừng trông, - Mũ xiêm đời Hán vinh phong đứng chầu. - Điện rồng mây phủ trên đầu, - Lò hương khói tỏa một mầu thơm bay. - Thánh ân chung thẩm đã dầy, - Gắng đem việc tốt giãi bày trong thơ. (Trần Văn Giáp dịch)

Sau này nhận xét về chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan năm 1597, Lê Quý Đôn viết trong sách Kiến văn tiểu lục: "Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể thống trong nước. Đến như 30 vần thơ dâng mừng khánh tiết và hơn 10 vần thơ đáp lại Chánh, Phó sứ Triều Tiên, tài tử chứa chan, cách điệu tươi đẹp y như lúc còn trẻ tuổi, như thế chả phải là được tinh khí sông núi giúp đỡ đấy ư?".

raykid2 is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 15-07-2006, 07:11 PM   #13
Hồ sơ
raykid2
Super Moderator
 
raykid2's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 287
Tiền: 25
Thanks: 0
Thanked 26 Times in 21 Posts
raykid2 is an unknown quantity at this point
Default

Giai Thoại Về Lương Thế Vinh </span>
<a href=\'http://www.tiengnoitre.com\' target=\'_blank\'>http://www.tiengnoitre.com</a>
<span style=\'color:blue\'>
Thần đồng- Thần chú
Lương Thế Vinh tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thuỵ Hiên, ông sinh năm 1411 tại Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản - Nam Định).

Từ bé Lương Thế Vinh đã nổi tiếng trong việc học, việc chơi. Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu, mà chơi cũng rất tài tình. Cậu rất thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng với các trẻ chăn trâu. Khi thả diều, diều của Vinh thường vẫn lên cao hơn, có hình dáng khác lạ và có tiếng kêu trầm bổng, rất du dương vui tai, người lớn cũng say mê lắng nghe.

Cùng đi câu cá với bạn bè, nhưng bao giờ cậu cũng được nhiều cá hơn. Nhìn chiếc bẫy người lớn bẫy chuột, cậu liền nghĩ ra chiếc bẫy nhỏ xíu để bẫy chim chả khá tinh vi làm người lớn phải ngạc nhiên, thán phục.

Người thời đó gọi cậu là "thần đồng", tiếng dùng để chỉ những người giỏi như thần ở tuổi nhi đồng. Nhưng bọn trẻ chả hiểu "thần đồng" là gì. Chúng ngỡ Lương Thế Vinh hay câu cá, thả diều, bẫy chim, chăn trâu ngoài đồng nên người ta gọi là "thần" ở ngoài "đồng". Rồi một chuyện sau đây xảy ra, khiến bọn trẻ tưởng cậu là "thần thánh" thực sự.

Hôm đó, cậu đem một trái bưởi ra bãi tha ma (chỗ bạn bè thả trâu) làm quả bóng để các bạn cùng chơi. Bỗng quả bưởi lăn xuống một trong những cái hố bên mép bãi người ta đào để ngăn trâu bò khỏi phá lúa. Cái hố rất hẹp lại rất sâu không xuống mà cũng không với tay lấy lên được. Bọn trẻ tưởng thế là mất đồ chơi. Nhưng Lương Thế Vinh nghĩ một lát, rồi mới hớn hở rủ bạn đi mượn vài chiếc gầu giai đi múc nước đổ xuống hố. Bọn trẻ không hiểu Vinh làm thế để làm gì. Nhưng lát sau thấy Vinh cúi xuống cầm quả bưởi lên, chúng rất sửng sốt phục tài Vinh.

Từ đó trẻ con trong làng truyền nhau rằng Lương Thế Vinh là thần, có một câu "thần chú" hay lắm, có thể gọi được những vật vô tri như quả bưởi lại với mình.

Thực ra thì Vinh trèo cây hái bưởi bên bờ ao, sẩy tay cậu làm rơi quả bưởi xuống nước tưởng mất. Nhưng khi nhìn thấy bưởi nổi trên mặt ao, Vinh đã lấy cành tre khều vào và đem ra bãi chơi. Lúc quả bưởi lăn xuống hố, cậu đã chợt nhớ lại và nghĩ ra cách lấy nước đổ xuống cho bưởi nổi lên. Vốn thích thơ ca, hò, vè nên trong khi cúi xuống chờ bưởi, cậu vui miệng đọc lẩm nhẩm:

Bưởi ơi bưởi
Nghe tao gọi
Lên đi nào
Đừng quên lối
Đừng bỏ tao...

Và bọn trẻ cứ nghĩ rằng Vinh đọc "thần chú".


Chơi mà học - học mà chơi
Lương Thế Vinh là người biết kết hợp rất khéo giữa chơi và học, nên từ nhỏ Vinh học rất thoải mái và lại đạt kết quả cao.

Khác với những người khá "dùi mài kinh sử", học như con vẹt chỉ biết thuộc nhiều, không cần hiểu, không cần sáng tạo. Vinh học đến đâu, hiểu đến đấy, học một mà biết mười. Khi đã ngồi học thì tập trung tư tưởng rất cao, luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào đời sống. Trong khi vui chơi như câu cá, thả diều, bẫy chim, Vinh luôn kết hợp với việc học. Lúc thả diều, Vinh rung dây diều để tính toán, ước lượng chiều dài, chiều cao. Khi câu cá, Vinh tìm hiểu đời sống các sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi... và kiểm tra lại bằng thực nghiệm. Vinh nghĩ ra cách đo bóng cây mà suy ra chiều dài của cây.

Người đời còn truyền lại câu chuyện sau đây:

Dạo đó, Lương Thế Vinh và Quách Đình Bảo là hai người nổi tiếng vùng Sơn Nam (Thái Bình- Nam Định bây giờ) về thông minh, học giỏi. Một hôm, sắp đến kỳ thi, Lương Thế Vinh tìm sang làng Phúc Khê bên Sơn Nam hạ để thăm Quách Đình Bảo, toan bàn chuyện cùng lên kinh ứng thí.

Đến làng, Vinh ghé một quán nước nghỉ chân. Tại đây Vinh nghe người ta nói là Quách Đình Bảo đang ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn. Chắc chắn kỳ này Bảo phải đứng đầu bảng vàng. Vinh cười nói:

- Kỳ thi đến nơi mà còn chúi đầu vào quyển sách, cố tụng niệm thêm vài chữ. Vậy cũng gọi là biết học ư? Ta có đến thăm cũng chẳng có gì để bàn bạc - Vinh nói thế rồi bỏ ra về.

Quách Đình Bảo nghe được chuyện trên, gật gù:

- Người đó hẳn là Lương Thế Vinh, ta phải đi tìm mới được!

Thế là Bảo chuẩn bị khăn gói, tìm đến Cao Hương thăm Vinh. Chắc mẩm đến nhà sẽ gặp ngay Vinh đang đọc sách, nhưng Vinh đi vắng, người nhà bảo Vinh đang chơi ngoài bãi.

Quách Đình Bảo ra bãi tìm, quả thấy Vinh đang thả diều, chạy chơi cùng bạn bè, rất ung dung thư thái. Bảo phục lắm tự nói với mình: "Người này khôi ngô tuấn tú, phong thái ung dung, ta có học mấy cũng không thể theo kịp".

Quả nhiên sau đó, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ tư, đời vua Lê Thánh Tông (1463) Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên (đỗ đầu), Quách Đình Bảo đỗ Thám hoa (đỗ thứ 3). Năm ấy Lương Thế Vinh mới hăm hai tuổi.

Cân Voi to - đo giấy mỏng
Ngày xưa, vua quan Trung Quốc thường cậy thế nước lớn, coi thường nước ta, cho nước ta là man di, mọi rợ. Về tinh thần bất khuất của cha ông ta thì chúng đã được nhiều bài học. Nhưng về mặt khoa học thì chúng chưa phục lắm.

Một lần sứ nhà Thanh là Chu Hy sang nước ta, vua Thánh Tông sai Lương Thế Vinh ra tiếp. Hy nghe đồn Lương Thế Vinh không những nổi tiếng về văn chương âm nhạc, mà còn tinh thông cả toán học nên mới hỏi:

- Có phải ông làm sách Đại thành toán pháp, định thước đo ruộng đất, chế ra bàn tính của nước Nam đó không?

Lương Thế Vinh đáp:

- Dạ, đúng thế!

Nhân có con voi rất to đang kéo gỗ trên sông, Chu Hy bảo:

- Trạng thử cân xem con voi kia nặng bao nhiêu!

- Xin vâng!

Dứt lời, Vinh xăm xăm cầm cân đi cân voi.

- Tôi xem chiếc cân của ông hơi nhỏ so với con voi đấy! - Hy cười nói.

- Thì chia nhỏ voi ra! Vinh thản nhiên trả lời!

- Ông định mổ thịt voi à? Cho tôi xin một miếng gan nhé!

Lương Thế Vinh tỉnh khô không đáp. Đến bến sông, trạng chỉ chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống. Thuyền đang nổi, do voi nặng nên đầm sâu xuống. Lương Thế Vinh cho lính lội xuống đánh dấu mép nước bên thuyền rồi dắt voi lên. Kế đó trạng ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, thuyền lại đầm xuống dần cho tới đúng dấu cũ thì ngưng đổ đá.

Thế rồi trạng bắc cân lên cân đá. Trạng cho bảo sứ nhà Thanh:

- Ông ra mà xem cân voi!

Sứ Tàu trông thấy cả sợ, nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh coi thường. Khi xong việc, Hy nói:

- Ông thật là giỏi! Tiếng đồn quả không ngoa! Ông đã cân được voi to, vậy ông có thể đo được tờ giấy này dày bao nhiêu không?

Sứ nói rồi xé một tờ giấy bản rất mỏng từ một cuốn sách dày đưa cho Lương Thế Vinh, Hy lại đưa luôn một chiếc thước.

Giấy thì mỏng mà li chia ở thước lại quá thô, Vinh nghĩ giây lát rồi nói:

- Ngài cho tôi mượn cuốn sách!

- Sứ đưa ngay sách cho Lương Thế Vinh với vẻ không tin tưởng lắm.

Lương Thế Vinh lấy thước đo cuốn sách, tính nhẩm một lát rồi nói bề dày tờ giấy.

Kết quả rất khớp với con số đã viết sẵn ở nhà. Nhưng sứ chưa tin tài Lương Thế Vinh, cho là ông đoán mò. Khi nghe Vinh nói việc đo này rất dễ, chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả thì sứ ngửa mặt lên trời than: "Danh đồn quả không sai. Nước Nam quả có lắm người tài!"

Lương Thế Vinh quả là kỳ tài! Ông nghĩ ra cách cân đo tài tình ngay cả trong lúc bất ngờ, cần ứng phó nhanh chóng. Gặp vật to thì ông chia nhỏ, gặp vật nhỏ thì ông gộp lại. Phải chăng ý tưởng của Lương Thế Vinh chính là mầm mống của phép tính vi phân (chia nhỏ) và tích phân (gộp lại) mà ngày nay là những công cụ không thể thiếu được của toán học hiện đại.

Nên mừng hay nên lo
Lương Thế Vinh là một ông quan tài giỏi, thông thạo văn chương, giỏi giang âm nhạc, tinh tường toán pháp. Ông còn nổi tiếng về lòng mến dân và đức tính thẳng thắn, trung thực. Ngay đối với vua, ông cũng hay châm biếm khôi hài, không chịu câu thúc. Ông thường mượn việc để răn dạy từ vua đến quan.

Một hôm, lúc chầu trong triều, vua hớn hở nói với Vinh:

- Trẫm có nhiều con trai, việc thiên hạ không việc gì phải lo ngại nữa!

Lương Thế Vinh tâu:

- Lắm con trai là lắm giặc. Không lo sao được!

Vua lấy làm lạ hỏi:

- Ta không rõ sao lại thế?

Trạng tâu không úp mở:

- Ngôi báu chỉ có một. Bệ hạ có nhiều con trai càng có nhiều sự tranh giành ngôi báu. Như vậy phải lo lắm chứ!

Đúng như “sấm” của trạng. Sau đó con cháu nhà vua tranh giành ngôi thứ, chém giết lẫn nhau, gây cảnh “nồi da nấu thịt, cốt nhục tương tàn”, làm cho triều chính đổ nát, trăm họ lầm than. Chỉ ba chục năm sau khi Thánh Tông mất, Mạc Đăng Dung đã nhân cơ hội mà cướp ngôi nhà Lê.

Quan trạng hầu quan huyện
Lương Thế Vinh rất ghét những viên quan hống hách, hà hiếp nhân dân. Ông có nhiều học trò giỏi đỗ cao, làm quan lớn. Với học trò nào ông cũng dạy về lòng yêu dân, đức khiêm tốn. Có lần, một viên quan huyện hách dịch đã bị ông cho một bài học, làm trò cười cho thiên hạ.

Bữa ấy, ông đi thăm bạn bè, ngồi nghỉ chân ở quán nước bên đường. Bỗng thấy một đoàn rước quan huyện đi qua. Dân trong vùng đều biết viên quan này thường hay bắt người dọc đường khiêng cáng, bèn bảo nhau trốn chạy cả. Vì không biết lệ đó nên ông cứ ung dung ngồi nghỉ đến khi tên lính hầu của quan huyện bắt ra khiêng cáng.

Lương Thế Vinh khúm núm bước lại ghé vai khiêng cáng. Khi cáng quan đi đến chỗ bùn lội, ông làm như vô tình trượt chân văng cáng, hất quan huyện ngã chỏng gọng giữa vũng, áo, mũ, cân đai bê bết bùn.

Quan huyện đỏ tím mặt mày vì giận, đang toan định đổ cơn thịnh nộ lên đầu kẻ hầu hạ mình thì trạng vẫy người đi đường, nói lớn:

- Bác gọi hộ anh học trò tôi là thám hoa Văn Cát ra khiêng hầu võng quan huyện thay thầy.

Quan huyện xanh xám mặt mày, cuống quýt quỳ mọp xuống bùn lạy như bổ củi, xin quan trạng tha tội cho.

Lương Thế Vinh nhẹ nhàng lấy lời răn dạy, từ đó viên quan huyện chừa thói hống hách với dân.

raykid2 is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:47 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps