Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Giao lưu bạn bè :: > Chia sẻ kinh nghiệm > Tư vấn - Hướng nghiệp

Đường đến Harvard...

Đường đến Harvard...

this thread has 4 replies and has been viewed 19405 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 24-09-2006, 05:02 PM   #1
Hồ sơ
Gem
Senior Member
 
Gem's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 2,127
Tiền: 109549
Thanks: 170
Thanked 1,340 Times in 543 Posts
Gem is an unknown quantity at this point
Default Đường đến Harvard...

Năm 2003, có hai sinh viên VN đầu tiên được chọn vào cấp đại học của Trường Harvard. Một trong hai người đó là sinh viên ngành toán Nguyễn Tiến Anh.
1. Lần đầu tiên đến Singapore với học bổng Asian, tôi chưa tròn 16 tuổi. Một giấc mơ đẹp trở thành sự thật. Người ta nói cuộc viễn du ngàn dặm được bắt đầu bằng một bước chân. Về sau này tôi mới hiểu được bước chân đầu tiên của tôi thật sự là điểm bắt đầu của một cuộc hành trình vô cùng thú vị, có gian nan, có khó khăn nhưng cũng thật may mắn và phong phú...

2. Đối với tôi, việc được Trường đại học Harvard nhận năm 2003 thật sự là một giấc mơ thứ hai mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành sự thật. Chỉ từ khóa năm 2003 của tôi, Trường Harvard mới bắt đầu nhận hai sinh viên VN đầu tiên. Giờ nhìn lại, tôi thấy việc chuẩn bị của mình đã diễn ra từ Singapore. Tôi đã chuẩn bị khá tốt về nhiều mặt: một vốn tiếng Anh tốt, lợi thế về các môn khoa học tự nhiên như toán, lý hay tin học. Với những môn xã hội, mặc dù thời gian đầu có rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, nhưng rồi tôi đã đuổi kịp và thật sự cảm thấy thích thú những môn học như văn hoặc địa lý.

Tôi cũng giành được một số thành tích tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia của Singapore, cũng như tham gia tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa: thể thao, làm tạp chí điện tử, tình nguyện viên, gây quĩ cho người nghèo. Qua những hoạt động đó, tôi tự thấy mình trưởng thành lên nhiều, học được nhiều kỹ năng quí và có một tầm nhìn già dặn hơn.

Những sự chuẩn bị đó giúp tôi rất nhiều khi viết bài luận về bản thân mình (bài viết quan trọng nhất của một hồ sơ), cũng như trong những lá thư giới thiệu của nhà trường và thầy cô, và trong những cuộc phỏng vấn với đại diện của nhà trường. Cảm xúc của tôi khi chuẩn bị gửi tập hồ sơ đi Harvard thật là khó tả: nó chứa đựng cả sự mệt mỏi, căng thẳng bởi kỳ thi tốt nghiệp, có cả nỗi buồn và cô đơn khi nhớ nhà, là tâm trạng lo lắng, xao xuyến khi bước chân vào một trang mới trong cuộc đời đầy thử thách...

3. Hằng năm có 20.000 thí sinh gửi hồ sơ dự tuyển, mà hầu như ai cũng rất xuất sắc, toàn diện. Trong khi đó chỉ có trên dưới 2.000 người trúng tuyển và khoảng 1.650 người nhập học hằng năm. Đã có dịp làm việc với các cán bộ tuyển sinh của Harvard, tôi biết trong số 20.000 thí sinh, không phải chỉ có 2.000 người đạt yêu cầu, mà đến 40-50% số thí sinh đều rất xuất sắc và hầu hết hội tụ đủ những yêu cầu học vấn và thành tích như những người trúng tuyển.

Bởi vì ở Mỹ, không có kỳ thi tuyển hay tốt nghiệp trung học trong toàn quốc như ở VN, nên không có những chỉ số quyết định như đỉểm chuẩn, điểm sàn... Việc so sánh các thí sinh đến từ nhiều nền giáo dục khác nhau trên toàn thế giới, với nhiều hoàn cảnh khác nhau là vô cùng khó khăn. Khi cán bộ tuyển sinh xem xét một bộ hồ sơ tuyển sinh, họ không chỉ coi trọng thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa mà còn muốn tìm những sinh viên tương lai có thể đóng góp tích cực vào các hoạt động ở trường và chia sẻ cuộc sống cộng đồng với bạn bè đồng môn. Họ còn tìm kiếm những điểm nhấn đặc biệt, những sự khác biệt để làm cho cộng đồng trường phong phú hơn.

Cầm giấy báo kết quả tuyển sinh và lá thư chúc mừng của Trường Harvard, tôi thật sự không thể tin vào mắt mình. Để được nó, tôi đã “phá vỡ” chính con người của mình: một cậu bé hiền lành, mơ mộng... để trở nên mạnh mẽ hơn, “cái tôi” cứng rắn và bản lĩnh hơn... ở giữa xứ lạ, quê người...

4. Ngày đầu tiên đặt chân sang Singapore, thầy cô và mọi người xung quanh trịnh trọng gọi tôi là “Young man” (chàng trai trẻ). Trường trung học Anglo - Chinese School là một trường trung học tư thục có “tuổi đời” 115 năm, được xây dựng theo mô hình trường nội trú cổ điển của Anh. Là một trường có hàng ngàn học sinh, nhưng nhiều khi giáo viên từ hiệu trưởng đến các thầy thể dục biết đến từng học sinh, điểm mạnh, yếu và cả hoàn cảnh gia đình của từng người.

Phương châm của trường: mỗi học sinh là “a scholar, a gentleman and an officer” - một người có học vấn sâu rộng, có nhân cách và có tinh thần trách nhiệm như một sĩ quan. Việc thi cử luôn luôn rất nghiêm túc, không bao giờ có sự gian lận, xin điểm... làm cho học sinh tự nhận thấy trách nhiệm về việc học tập của mình.

Ở đó, những ý kiến của tôi được lắng nghe, tôi không bao giờ phải e ngại gì khi đưa ra những đề xuất mới hay nhận xét của bản thân. Bên cạnh đó, tôi cũng tự thấy mình phải chịu trách nhiệm cho chính cá nhân mình. Và tôi bắt đầu “câu chuyện ngoại khóa” với một ngày hội festival nhằm gây quĩ xây dựng nhà trường và ủng hộ nạn nhân ung thư.

Sau này, qua những hoạt động trong trường và ngoài trường, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều người đến từ mọi ngả đường của xã hội Singapore và Mỹ, từ những cựu chiến binh Mỹ ở tiểu bang Alabama, những đứa trẻ tị nạn Haiti, Costa Rica mới đặt chân lên nước Mỹ, những nhà hoạt động về bình đẳng giới, những người vận động hợp thức hóa hôn nhân đồng giới... Tôi trải nghiệm, nhiều khi bị những thành kiến sẵn có tạo nên cú sốc, nên dành thêm thời gian để tìm hiểu về từng số phận khác nhau trên muôn ngả đường đời, để biết vì sao họ khác biệt như vậy.

5. Năm thứ nhất, trong dịp nghỉ giữa kỳ mùa xuân, tôi được tham gia một chuyến đi tình nguyện của nhóm bạn SV Harvard xuống miền nam nước Mỹ, tại tiểu bang Alabama để làm nhà cho những người da màu nghèo. Đây là chương trình do Tổ chức Habitat for Humanity (Nơi ở cho nhân loại) tổ chức ở các trường đại học tại Mỹ - nhưng mọi việc từ chuẩn bị đến phương tiện giao thông, nơi ở đều do chính sinh viên tổ chức.

Qua những thành phố, những miền quê khác nhau của nước Mỹ, tôi được biết một nước Mỹ muôn màu, muôn vẻ. Chuyến đi ôtô đường trường, những buổi lao động vất vả nhưng vui vẻ giúp tôi hiểu thêm được vị trí của mình trong xã hội, những việc mình có thể làm được, thêm tự tin vào khả năng thay đổi thế giới của mình, dù chỉ là một phần nhỏ.

Học kỳ 1 năm thứ 3, tôi tham gia một hoạt động mới: chương trình biểu diễn trượt băng nghệ thuật mang tên “Hẹn cùng những nhà vô địch”. Đây là một trong những chương trình nghệ thuật từ thiện lâu đời nhất ở Trường Harvard, và cũng hoàn toàn do sinh viên đại học đảm nhiệm từ khâu chuẩn bị, tổ chức đến quyết toán, dựng quĩ.

Hằng năm, ban tổ chức mời các nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật hàng đầu thế giới như Michelle Kwan... đến biểu diễn tại Trường Harvard và mở cửa bán vé cho đông đảo người hâm mộ, số tiền thu được đều được gửi ủng hộ quĩ “Jimmy Fund” để chống ung thư. Đây là một hoạt động ở tầm cỡ lớn và phức tạp bậc nhất đối với tôi từ trước đến nay. Tôi chịu trách nhiệm về mặt tài chính, từ cân đối bảng thu chi hằng tháng cho đến quản lý tiền vé, các nhà tài trợ.

6. Từ “học” ở Harvard có nghĩa rất rộng: học ở đây vừa có thể là ôn thi cho bài kiểm tra cuối năm, có thể là một bài nghiên cứu độc lập do sinh viên chủ động, là học hỏi của người cùng lứa hay cùng lớp, là chia sẻ thông tin, là có những khoảng thời gian thú vị, bổ ích khi hoạt động ngoại khóa hoặc hoạt động xã hội để học làm người, để hình thành nhân cách.

Sự xuất sắc của sinh viên làm các lớp học trở nên phong phú, sôi động. Luôn luôn có những ý kiến trái ngược, những câu hỏi được đặt ra rất hóc búa cho cả sinh viên và giáo sư. Sinh viên xuất sắc và độc lập, nên bài tập, đề án cho nhóm, hay những bài luận đều đạt trình độ cao, sắc sảo (tất nhiên là có sự tiến bộ dần dần) hiếm thấy. Họ học tập được của nhau, và thật sự biến khóa học trở thành một trường học của những ý tưởng. Đó là một môi trường giáo dục toàn diện, một thực thể không lồ chuyên tâm cho giáo dục con người, nhưng nó không tự bó buộc mình vào một định nghĩa cứng nhắc “thế nào là sự học”.

Bản thân tôi không nghĩ rằng Trường Harvard hay Princeton là trường đại học tốt nhất trên thế giới một cách tuyệt đối. Môi trường nào cũng có lợi thế và sự bất cập của nó. Tôi đã chọn Harvard không chỉ vì danh tiếng của trường này mà còn vì tôi nghĩ rằng nó phù hợp với bản thân mình và là nơi có thể giúp tôi trưởng thành hơn.

Có thể tấm bằng Harvard sẽ giúp mở nhiều cánh cửa và nhiều cơ hội hơn, song thật sự có nắm bắt và thành công được với những vận hội ấy hay không là phụ thuộc vào chính bản thân mình. Học ở Harvard, sau này khi nhìn lại, sẽ cũng chỉ là một bước chân trong cuộc du hành vạn dặm của cuộc đời. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là “make the best of what you have” - luôn luôn cố gắng vươn tới dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và thay đổi môi trường xung quanh chứ đừng chỉ để hoàn cảnh của mình quyết định số phận của bản thân.

========================================
Nguyễn Tiến Anh sinh năm 1983 và sống ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Học phổ thông cơ sở ở Trường Nguyễn Trường Tộ từ 1996-1998. Năm 1998, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc môn toán, được tham gia kỳ thi tuyển chọn học bổng trung học ASEAN của Bộ Giáo dục Singapore.

Học hết bậc trung học (secondary) tại Trường Anglo - Chinese School (Independent) (Trường tư thục trung học Trung Anh), thi tốt nhiệp kỳ thi O levels năm 2000. Tiếp tục theo học tại Trường dự bị đại học Anglo Chinese Junior College (ACJC) năm 2001-2002 và tốt nghiệp kỳ thi A levels năm 2002.

Cuối năm 2002, nộp đơn vào các trường đại học ở Mỹ và Anh. Đầu tháng 4-2003, Trường đại học Harvard đã gửi kết quả tuyển sinh và nhận Tiến Anh vào học chương trình đại học (undergraduate) khóa từ tháng 9-2003 đến 2007.

Theo Tuổi trẻ
Gem is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến Gem vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (26-11-2014)
Old 21-06-2009, 07:21 PM   #2
Hồ sơ
Gem
Senior Member
 
Gem's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 2,127
Tiền: 109549
Thanks: 170
Thanked 1,340 Times in 543 Posts
Gem is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Đường đến Harvard...



Nguyễn Bích Ngọc thẳng bước vào ĐH Harvard


Sinh năm 1989, Nguyễn Bích Ngọc trở thành người mang quốc tịch Việt Nam hiếm hoi tiếp theo đã đỗ vào ĐH Harvard.

Sáng 16/12/2008 trong căn nhà nhỏ ở phố Vũ Ngọc Phan (Hà Nội), Nguyễn Bích Ngọc check email như thường lệ…và gần như không tin vào mắt mình khi nhận được thư mời học bổng của ĐH Yale (Hoa Kỳ) danh tiếng. Giây phút ấy "Em đã bật khóc vì sung sướng. Con đường đến với giảng đường ĐH mơ ước đã trở thành hiện thực, dường như đơn giản đến không ngờ" như sau này Ngọc kể lại. Nhưng cơn sóng hạnh phúc chưa dừng lại, tháng 3/2009 Ngọc tiếp tục nhận được thư mời nhập học với học bổng ưu đãi của ĐH Princeton, rồi ĐH Columbia, ĐH Dartmouth, ĐH Georgetown…

Hình ảnh động của "Michelle Nguyen"

…4h sáng ngày 1/4/2009, Ngọc hồi hộp check mail, vì cô biết ở bên kia bán cầu những ngày tháng Tư là thời điểm để các giáo sư hàng đầu của Mỹ sẽ ra quyết định tiếp nhận những sinh viên ưu tú. Và cũng như ĐH Yale, giấy mời nhập học ĐH Harvard, Hoa Kỳ cùng học bổng hơn 50.000 USD/năm đến với Ngọc chỉ nhẹ nhàng qua lần click mở email cuối cùng. Lần này đánh thức cả nhà dậy.

4 năm trước, đoạt học bổng du học bậc phổ thông, tháng 9/2004, cô bé Ngọc, nữ sinh trường Hà Nội - Amsterdam tóc tết 2 bím, quần ngố, áo phông màu hồng lần đầu tiên bỡ ngỡ đặt chân xuống sân trường National Junior College (Singapore). Lớp chỉ có 2 học sinh là người Việt và 2 học sinh Trung Quốc, cô bé Việt Nam nhỏ nhắn lọt thỏm giữa đám học sinh người bản địa.

Môn học "kinh khủng" với cô học sinh giỏi trường "Am" là thể dục, một tuần thường xuyên có 2 tiết học thể dục. Đó thực sự là một cửa ải nặng nề với Ngọc, là chạy ngắn 100m tốc độ, là chạy bền 8 vòng sân vận động… Các bạn Singapore cao lớn lại thường đi bộ nhiều nên vượt qua môn chạy ngon lành, nhưng với Ngọc đó là một thách thức lớn.

Không còn lựa chọn nào khác, cô bé nghiến răng kiên cường gồng đôi chân nhỏ bé hoàn thành bước chạy 1 vòng sân vận động đầu tiên và về đích suýt lả đi trong tay bạn đồng môn. Cả đến khi phải thi kết thúc môn chạy cự ly dài "Em đã cố gắng chạy và về đích với 17 phút 19', trong khi điểm mốc tối đa cho phép để vượt qua môn là 17 phút 20'. Nhìn em về đích, thầy Thể dục phải phì cười và mừng rỡ chúc mừng cô học trò yếu đuối của ông đã vượt qua cửa ải…", Ngọc kể lại. Từ đó, cô bé đã dần cứng cáp.

Ngọc mê môn Lịch sử và kể rằng ở Sing hầu hết các môn học đều mở, giáo viên đưa ra các kiến thức, đồng thời tạo điều kiện để học sinh tự mình bày tỏ ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình.

Cô gái nhỏ nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của giới trẻ ở Sing và từng giành nhiều giải thưởng cao ở những kỳ thi trí tuệ, sáng tạo, văn nghệ cấp quốc gia trong nhiều môn học khác nhau. Xuất sắc trong môn tiếng Anh, Ngọc vượt qua hàng nghìn thí sinh quốc tế đến từ các nước nói tiếng Anh để đoạt giải Nhất cuộc thi viết luận tiếng Anh "The royal commonwealth essay writing competition".

Ngọc còn đứng ra gây quỹ và tổ chức trại Hè miễn phí cho học sinh cấp II tại Sing, xây nhà tình thương giúp nạn nhân bão lụt trong các dịp nghỉ Hè, thu gom đồ cũ và quyên góp tiền cho người nghèo, làm phiên dịch miễn phí ở các bệnh viện…

Ngọc cũng trực tiếp tham gia vào khâu tổ chức cho những hội thảo quốc tế, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN và đăng ký thực tập tại Bộ Ngoại giao Singapore theo giới thiệu của nhà trường. Michelle Nguyen - (tên quốc tế của Ngọc) đã tạo nên hình ảnh một cô gái luôn nhiệt tình với cuộc sống để "thuyết phục được mọi người rằng tôi là một người mà bạn sẽ muốn nói chuyện vào 4 năm sau!".

Đường tới Harvard

Càng đến gần ngày tốt nghiệp bậc phổ thông, đảo quốc Singapore dường như càng trở nên chật hẹp trong ước mơ của cô gái ham học hỏi. Ghi nhớ những cái tên như anh Tiến Anh, chị Thêu, chị Vân…(những SV Việt Nam từng đỗ và đang theo học tại ĐH Harvard), Ngọc âm thầm lập kế hoạch gửi đơn chinh phục các ĐH danh tiếng ở Mỹ.

Cô cũng nghiên cứu kỹ các bài luận (essay) và "Tôi tin không có gì là không thể đạt được. Điều cần là bạn phải biết marketing bản thân, hãy tìm và tạo nên điểm nhấn về mình. Đó là luật chơi cho những ai muốn nhập cuộc và giành chiến thắng tại các trường ĐH danh tiếng của Mỹ …." .

Ngọc tâm sự như vậy vào một chiều trung tuần tháng 6 Hà Nội đầy nắng, khi đã thực sự trở thành tân sinh viên của ĐH Harvard. Điểm nhấn ấy, với Ngọc đó chính là những năm tháng hoạt động sôi nổi ở trường phổ thông.

Theo cô, nền giáo dục Mỹ đánh giá cao những trải nghiệm và cảm xúc của cá nhân về cuộc sống. Trong essay hơn 1.000 chữ, Ngọc kể lại kỷ niệm thoáng qua về chiếc ghế cũ sơn xanh vẫn còn đó trong căn nhà nhỏ tại ngôi làng - quê cha Ngọc ở miền Trung Việt Nam, nơi ngày còn thơ bé cô về chơi với ông bà 10 năm về trước.

Chiếc ghế ấy là nơi người chú đã hy sinh trong chiến tranh vẫn thường ngồi. 4 năm sau, khi đã lớn lên, hiểu biết nhiều hơn, cô gái nhỏ mới cảm thấy một sự thôi thúc cần phải tìm hiểu về người chú đã hy sinh. Ngọc nhận được từ ông nội một cuốn vở đã cũ với lời dặn dò "hãy giữ gìn nó cẩn thận" và con sẽ hiểu khi đọc nó.

Đó chính là cuốn nhật ký được người chú của Ngọc viết trong 3 năm quân ngũ. Chú hy sinh khi mới ở độ tuổi mười chín, đôi mươi, đồng đội đã mang cuốn nhật ký đó về cho ông bà của Ngọc. Cuốn nhật ký thực sự là một kho tàng chứa đựng những hình ảnh chân thực và niềm tin trắng trong.

Và Ngọc viết trong bài luận của mình rằng: “…Tôi là một người yêu sách và đam mê đọc sách, nhưng chẳng bao giờ tôi có thể tưởng tượng được mình sẽ được gặp một "cuốn sách đặc biệt độc nhất", một "cuốn sách" mà có thể làm thay đổi cách suy nghĩ và cách sống của tôi, trong một góc nhỏ bụi bặm và tồi tàn giữa một ngôi làng Việt Nam nghèo khó.

Người lính 19 tuổi ấy đã kể lại một câu chuyện thật thà về những nỗi đau trải rộng hơn mọi biên giới của trí tưởng tượng con người. Không có chi tiết hư cấu, không một nhân vật thần tiên hay những cảnh tượng hùng vĩ. Chỉ có ký ức của một chàng trai trẻ với tất cả sức mạnh của nó.

Quyển nhật ký là cuốn sách ngắn nhất tôi đã từng đọc. Nó đã in dấu lên trí não tôi từ những trang đầu tiên và làm tôi khóc cho tới những dòng cuối cùng. Tôi đã nghiền ngẫm hơn 200 trang giấy ấy một cách chậm rãi, cẩn thận, với suy ngẫm về giá trị của hòa bình đã giành được.

Xã hội như cần, và sẽ tiến lên, bỏ lại đằng sau những ký ức buồn đau. Tôi cũng lớn lên để hiểu rằng những vết thương vẫn còn đó và nước mắt vẫn tuôn rơi cho những người phụ nữ không bao giờ trở thành người vợ để có cơ hội chơi đùa với đứa con xinh xắn trên bãi cỏ sau nhà.

Cho những người đã mất đi người thân yêu trong chiến trận, ký ức sẽ vẫn là vết thương đau đớn thầm kín trong trái tim họ… Đó là món nợ lớn của loài người...".

Đằng sau vóc dáng nhỏ nhắn, tính cách nhí nhảnh và hay lo lắng theo kiểu tuổi teen cho chút "nhan sắc" của mình, Nguyễn Bích Ngọc đầy tự tin ghi danh mình vào danh sách những cái tên Việt Nam đã bước tới ngôi trường Harvard. Tháng 8 này, Ngọc sẽ lên đường, cô bảo "Tôi tin mình đi rồi sẽ trở về "…

Theo Việt Khánh
Sinh Viên Việt Nam
Gem is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến Gem vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (26-11-2014)
Old 22-06-2009, 09:14 AM   #3
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: Đường đến Harvard...

Trích:
Nguyên văn bởi Gem View Post

Nguyễn Bích Ngọc thẳng bước vào ĐH Harvard
Bài này viết PR cho bản thân nhiều quá! Điều mà người đọc mong đợ là kinh nghiệm để đạt được điều này thì mải mai không nhắc đến.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 22-06-2009, 03:16 PM   #4
Hồ sơ
Gem
Senior Member
 
Gem's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 2,127
Tiền: 109549
Thanks: 170
Thanked 1,340 Times in 543 Posts
Gem is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Đường đến Harvard...

em thấy để đạt được đến Harvard thì có 1 bài giới thiệu bản thân như vậy cũng đáng, báo chí thì khía cạnh PR nhiều hơn, còn học thuật - kinh nghiệm thì em nghĩ sẽ được đăng trong những cuốn đặc san của các hội đồng chuyên du học.
Gem is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 22-06-2009, 04:35 PM   #5
Hồ sơ
Lai Quoc Dat
Senior Member
 
Tham gia ngày: Apr 2009
Số bài viết: 1,437
Tiền: 0
Thanks: 150
Thanked 598 Times in 388 Posts
Lai Quoc Dat is on a distinguished road
Default Ðề: Đường đến Harvard...

Đây là 2 trường hợp có năng lực rất tốt (theo tiểu sử của họ) và xứng đáng có mặt tại Harvard và đáng để mọi người học tập và phấn đấu. Tuy nhiên, cách PR của các báo có thể vô tình làm giảm đi giá trị của tấm gương: ví dụ, khi đọc vào ai cũng thấy cả 2 người này tuy đều sinh ra tại Việt Nam nhưng lại đang được thụ hưởng 1 nền giáo dục tiến bộ tại Singapore. Và khi thực hiện 1 thống kê, người ta thường quan tâm đến nơi đào tạo ra người đó hơn là người đó sinh ra ở đâu. Với lại. ở đây cũng ko biết hai bạn trẻ này sẽ được đào tạo ở lĩnh vực nào. Đọc tin trên thấy buồn vì nền giáo dục của mình có lịch sử lâu đời nhưng trình độ phát triển chậm (ngoài yếu tố về quản lý còn có nhiều yếu tố lịch sử khác nữa).

Nhân đây, tôi cũng xin giới thiệu 1 ít thông tin mà tôi biết được về việc du học ở Mỹ. Thực ra, ngay cả Havard cũng chỉ nổi trội về 1 vài ngành như Luật, Kinh tế và Y, còn về kỹ thuật thì là MIT, xã hội học thì Princeton, Food tech la UC Davies... Do đó, khi các bạn đi du học, đặc biệt là những bạn du học sau ĐH thi nên quan tâm đến vấn đề này, tùy theo từng ngành mà lựa chọn trường ưu tiên và cân nhắc khi nộp hồ sơ. Mình nộp vào ngành mà trường đó càng có vị trí cao trên bảng đánh giá thì sự canh tranh sẽ càng cao và tiêu chuẩn lựa chọn càng khắt khe. Còn nếu chỉ căn cứ vào bảng xếp hạng chung (ranking of the universities in the wolrd) thì thường không chính xác cho 1 ngành học cụ thể. Harvard luôn có điểm cao trong bảng xếp hạng vì nơi đây nổi tiếng là nơi đào tạo lãnh đạo cho các nước.

Khi apply học bổng, các trường ở Mỹ thường rất quan tâm đến nơi đào tạo của bạn vì chính nơi đào tạo là sự bảo chứng cho đối tượng mà họ lựa chọn (đây là lý do mà các bạn học tại VN thường gặp bất lợi vì trình độ giáo dục chung của VN không phát triển bằng các nước khác). Kế đến là họ quan tâm đến sự giới thiệu của những người từng dạy hoặc làm việc chung với bạn (recomendation). Người nào càng có uy tín và có mối quan hệ với bạn càng chặt chẽ trong quá trình học tập và làm việc thì recommendation đó càng được đánh giá cao về độ tin cậy. Thường thì để đi học ở Mỹ, nếu không đi được bằng con đường trực tiếp, các bạn có thể chọn con đường gián tiếp: hãy học ở 1 nước nào đó có trình độ giáo dục cao hơn VN và chương trình giáo dục càng giống Mỹ càng tốt như Thailand, Singapore... Khi đó, cơ hội của bạn sẽ nhiều hơn.
Còn về CV của bạn, khi viết cần phải chú ý là cách viết thật logic và khoa học. Cái này thuộc về kỹ năng. Sự logic và khoa học của bạn chính là cơ sở để đánh giá tư duy của bạn. Do đo, đôi khi có nhiều người failed dù rằng thành tích trong CV là rất tốt nhưng cách trình bày lại ko logic va khoa học (không giống như sơ yếu lý lịch của VN mình, có sẵn form và chỉ điền vào chỗ trống). Khi trình bày về các hoạt động xã hội hay ngoại khóa, bạn đừng nên đề cập quá nhiều về sự đóng góp của bạn hay những gì mà bạn đã học được, mà hãy làm nổi bật lên những nhận xét của bạn về xã hội, về tự nhiên... liên quan đến hoạt động đó.

Còn về phỏng vấn (interview), thường thì các bạn sẽ được các giáo sư do các trường ĐH của Mỹ trực tiếp phỏng vấn bạn sau khi bạn đã qua vòng sơ loại (primary sceering). Đây thực sự là vòng quyết định. Bạn hãy cố gắng thê hiện mình linh động, hoạt bát, tự tin và có kiến thức và có thể có 1 chút cá tính. Thường thì các câu hỏi ít đề cập đến kiến thức hàn lâm mà mang tính chất khái quát cao. Ví dụ, khi GS hỏi bạn biết gì kim loại, bạn trả lời về tính chất hóa học và vật lý của nó sẽ bị đánh giá thấp hơn khi bạn trả lời về vai trò của kim loại trong sự phát triển của xã hội loài người. Thường các bạn VN hay rơi vào trạng thái trả lời các câu hỏi theo 1 lối mòn mà sách vở dạy. Đây là điều tối kị. Các GS thường đánh giá rất cẩn thận và bản nhận xét của họ có quyền quyết định việc bạn có đạt hay không đạt. Sự đánh giá không chỉ về kiến thức mà về cả tính cách, các kỹ năng mềm, sự thích hợp của bạn với ngành nghề mà bạn sẽ theo học...

Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, thừa hưởng 1 nền giáo dục tốt là điều kiện thuận lợi để phát huy hết năng lực của mình. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là lựa chọn cho mình 1 môi trường phù hợp với năng lực thực sự của minh cả khi học tập lẫn sau này làm việc. Và quan trọng nhất vẫn là mình sẽ ứng dụng và phát triển cái mình đã học như thế nào trong quá trình làm việc sau này. Học ở đâu không quan trọng, làm được gì để đóng góp cho xã hội mới quan trọng (không phải là xã hội VN mà từ xã hội ở đây được hiểu rộng hơn).

TRên đây là 1 số thông tin mình biết được về việc tuyển chọn học bổng ở Mỹ, ai có thông tin gì thì cung cấp thêm càng nhiều càng tốt để những bạn muốn được thử thách và khẳng định mình trong những môi trường tốt hơn có thêm 1 kênh thông tin để tìm hiểu.

William S. Clark: "Boy, be ambitous".
Lai Quoc Dat is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:25 PM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps