Trích:
Ra về, hỏi bạn cảm nghĩ khi dự tiệc cưới ở Việt Nam, bạn chỉ cười và lắc đầu. Gặng mãi, bạn mới xin lỗi và thật thà bộc bạch: “Các bạn lãng phí và xài sang quá. Đám cưới mời 17 giờ mà tới 19 giờ hơn mới bắt đầu. Coi như mỗi người đi toong 2 giờ. Khách toàn là viên chức và tầng lớp trung lưu, trí thức. Gần 500 khách đã mất toi 1.000 giờ lao động hoặc nghỉ ngơi. Ăn uống thì thừa mứa, bàn nào cũng vậy. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao người Việt Nam giỏi mà chưa giàu!”.
Giật mình, thấy bạn nói quá chí lý. Đám cưới nào cũng na ná nhau. Từ nghi thức, trang trí, múa minh họa đến ca nhạc và ăn uống. Đám sau phải oai hơn đám trước như “con gà tức nhau tiếng gáy”. Cứ mỗi lần dự là tuổi thọ giảm đi một ít. Mình làm khổ mình chưa đủ còn làm khổ nhiều người khác cho vui. Mà ở Việt Nam có hàng chục loại đám. Dẫu không thân hoặc chỉ mang máng nhớ cũng mời. Có người gọi vui thiệp mời là giấy báo nợ. Đi nhiều nước chẳng thấy đâu giờ giấc tùy tiện, ăn uống tiêu xài sang như Việt Nam. Dẫu nước mình còn nghèo. “Bây giờ tôi mới hiểu người Việt Nam giỏi mà chưa giàu!” - câu nói chân tình của anh bạn Nhật cứ không thôi ám ảnh.
Lâu nay, người ta quen nghĩ nước mình nghèo là do lãng phí, quản lý kém cỏi… Điều này không sai nhưng chỉ mới đúng gần một nửa. Hơn một nửa còn lại là do mình tự làm nghèo mình từ ý thức lẫn vô thức. Từ thói quen lề mề đủng đỉnh, xài giờ “dây thun”, đến cố tật lấn đường giành chỗ, chẳng ai nhường ai, bất chấp đèn xanh đỏ để rồi tất cả cùng… kẹt đường. Từ văn hóa xả rác bé ven đường đến thải rác lớn làm chết cả những dòng sông. Từ cách nghĩ chỉ chăm bẵm lợi ích bản thân, mặc cho chung quanh và tập thể gánh chịu thiệt hại. Rồi cố tật ăn cắp vặt từ thời gian đến chất xám và…
Phải thay đổi cách quản lý! Phải triệt để chống lãng phí, tham ô! Những nhiệm vụ khó khăn không của riêng ai. Nhưng trước hết và dễ làm hơn là chống lại căn bệnh nan y về lãng phí và sự tùy tiện trong mỗi cá nhân. Nếu mình không tự quản lý được mình thì thiên hạ bất ổn là điều tất yếu.
Tại sao Việt Nam giỏi mà chưa giàu? Câu hỏi lớn vẫn luôn ám ảnh từng người dân Việt. Khi đã biết đặt câu hỏi có nghĩa là có sẵn câu trả lời.
|
Bài viết này có nhiều ý hay nhưng khi bàn luận anh em lại đi theo hướng riêng biệt cá nhân giỏi nhưng chưa giàu.
Khái niệm giỏi hay dở thì tùy theo cách đánh giá. Có thể ta giỏi ở việc học cái có sẵn và làm lại những cái đã có sẵn một cách chính xác. Giỏi ở phần lựa gà nội chọi ở cấp phổ thông - thi học sinh giỏi...Nhưng nếu xét giỏi ở sự sáng tạo và sáng chế thì ta lại không bằng người Nhật và người Đức. Giỏi ở cái làm việc hiệu quả theo nhóm hàng chục hay hàng trăm người thì ta lại thua người phương Tây. Giỏi ở tinh thần trách nhiệm và tự hào khi xây dựng các công trình đô thị hay hạ tầng thì ta thua xa người Nhật, Hàn và Singapore.
Chúng ta có thật sự giỏi hay không thì có thể tranh luận dài dài.
Nhưng người Việt ta nói mình giỏi là mong được gì: sự thật là ta giỏi hơn các dân tộc hay đó là niềm tự hào và sĩ diện dân tộc hay là để con cháu tự hào ..v..v..v..Có nhiều cách để suy diễn điều này nên tôi không bàn ở đây.
Nhưng nếu ta cho là mình còn dở là ta có một lợi thế là ta biết ta phải luôn cố gắng và cố gắng không ngừng để xây dựng đất nước.
Người Nhật ở Đệ nhị thế chiến thứ II đã sản xuất được tàu ngầm và máy bay nhưng sau khi thất bại Đệ Nhị thế chiến họ đã cho là mình còn dở và cần học hỏi phương Tây nên gởi sinh viên ra nước ngoài học hỏi và một việc được nhắc tới nhiều là luôn mang máy ảnh theo khi ra nước ngoài để chụp hình để học hỏi.
Hy vọng sẽ có một thế hệ VN được đào tạo có một tinh thần học hỏi, không sợ khổ, tự hào và đầy trách nhiệm khi xây dựng những tòa nhà trong niềm tự hào dân tộc mà không nghĩ là rút được bao nhiêu từ dự án.