Cũng là nữ sinh viên, nhưng họ không vùi đầu vào thư viện hoặc giảng đường. Phần lớn thời gian họ dành cho việc "lọ mọ" chọn mua vải ở những chợ đầu mối, tìm tiệm may với tiêu chí "đẹp và rẻ", nghiền ngẫm những kênh truyền hình và tạp chí thời trang quốc tế mới nhất hay đơn giản là lang thang trên phố để xem thiên hạ đang chuộng mốt gì... Hoàn toàn hợp lý, bởi họ là những nhà thiết kế thời trang (TKTT) tương lai.
Nghề không nhàn tản
Trong buổi trình diễn thời trang ARCH SHOW 196 của thầy trò khoa TKTT Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM vừa qua, khán giả rất ấn tượng với 11 bộ trang phục làm vườn của Cẩm Ly, sinh viên năm 4. Càng ấn tượng hơn khi những người mẫu sinh viên trình diễn những trang phục trẻ trung này cùng với bình tưới, chậu bông, trên nhạc nền là tiếng trẻ con, tiếng chim hót, tiếng gió xào xạc... Ít ai biết Cẩm Ly chỉ có 1 tuần để vừa cho "ra lò" 11 bộ trang phục, vừa làm công tác tổ chức ARCH SHOW.
Nhiều người thường nghĩ TKTT là một nghề ai làm cũng được, chỉ đưa bút phác vài nét là ra một mẫu trang phục. Nhưng trên thực tế, con đường để trở thành một nhà TKTT chuyên nghiệp cũng lắm nỗi gian nan. Sinh viên có một câu vè để minh họa cho cái sự cực khổ của mình: 4 năm là 8 kỳ thi, thêm kỳ tốt nghiệp còn gì là xuân. Thế nhưng với sinh viên khoa TKTT Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thì không phải 4 mà là 5 năm, không phải 9 kỳ thi mà trung bình mỗi tháng 1 đồ án. Mỗi đồ án theo một chủ đề: đồ dạo phố, đồ ở nhà, đồ công sở... phải có 1 poster quảng cáo, 1 mẫu thật và 1 quyển sổ phát triển mẫu gồm 10 - 20 phác thảo. Chuyện "chạy lụt" đồ án đến nỗi quên ăn quên ngủ, phải nhờ bạn bè xúm vào giúp nhau mỗi người một tay là chuyện thường đối với dân sinh viên TKTT, đặc biệt là sinh viên nữ.
Mai Anh, Minh Hằng, Cẩm Ly trong những bộ trang phục tự thiết kế. Ảnh Nguyên Châu
Theo Cẩm Ly, thiết kế thời trang quả là một ngành học tốn kém: tiền vải, tiền công may, tiền thuê người mẫu... lúc nào cũng đe dọa túi tiền vốn "hẻo" của sinh viên. Vì vậy, rất nhiều nữ sinh viên TKTT thường có cách tiết kiệm rất dễ thương: la cà ở các chợ đầu mối để "săn" vải đẹp giá mềm, tìm tới những tiệm may giá rẻ và người mẫu thì nhờ tới các bạn trong câu lạc bộ thời trang của trường. "Thế nhưng với những đồ án quan trọng như đồ án tốt nghiệp chẳng hạn, bọn mình vẫn phải tìm tới những người mẫu chuyên nghiệp có số đo chuẩn để lên đồ đẹp hơn. Đôi khi cũng phải... nghiến răng!", Ly nói rồi cười. Còn "người bạn" thân thiết của Minh Hằng, sinh viên năm 3 là chiếc máy may đạp chân. Hằng tự thiết kế, tự ra mẫu, tự may và đôi khi tự trình diễn. "Vừa rèn tay, vừa tiết kiệm được một khoản kha khá", Hằng tiết lộ.
"Nhận dạng" dân thiết kế thời trang
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là họ luôn mang bên mình một chiếc túi to và lạ mắt. "To là để vừa khổ giấy vẽ và đủ thứ linh tinh khác. Còn lạ mắt thì đương nhiên rồi, vì đó là do chính bọn mình thiết kế mà!". Chiếc túi màu xanh ngọc, điểm những bông hoa thêu khéo léo đã được Minh Hằng "tận dụng" lại từ một chiếc... váy cũ. Không những thế, chiếc vòng cổ của Hằng cũng đảm bảo "chẳng giống ai" bởi chính tay cô nàng đã nặn đất sét, đặt vào lò nung và hồi hộp chờ "hàng" ra lò. Mai Anh, sinh viên TKTT năm 2 thì trông thật điệu đàng với chiếc áo tua rua. Bạn tiết lộ: "Em mua về rồi... xé ra đó!", "Có thể chưa đẹp nhưng phải khác mọi người!" - đó là phương châm của họ.
Nữ sinh viên TKTT cũng lắm nghề tay trái. Mỗi mùa Tết, Noel là một "vụ" kinh doanh của các cô nàng, chẳng hạn như làm thiệp để bỏ mối ở các cửa hàng, hay thậm chí bày ngay ra lề đường để bán. Độc đáo, giá cả hợp lý - đó là lý do vì sao thiệp của các bạn thường "chạy như tôm tươi". Ngoài ra, nói đến vẽ chân dung, tranh tường thì sinh viên trong trường hay nhắc đến Minh Hằng. Ngay từ năm thứ nhất, Hằng đã đi làm thêm bằng cách vẽ cho bạn bè, người quen và các quán cà phê. Còn Cẩm Ly thì thiết kế áo gió cho một xưởng may từ khi còn học cấp 3 ở Đà Lạt. Nhờ các thầy cô trong khoa giới thiệu, Ly cùng với các anh chị khóa trên tham gia thiết kế đồng phục cho nhân viên tiếp thị của Công ty bia Sài Gòn: váy áo, áo gió, túi xách, áo mưa... Cô còn nhận hợp đồng thiết kế trang phục cho nhân viên khách sạn, quán cà phê...
"Đột nhập" tư dinh của các nàng dân TKTT vào mùa "chạy đồ án" mới thấy ngổn ngang màu sắc vải vóc cùng phụ kiện. Các bộ trang phục sản phẩm đồ án cũ mới dù điểm cao hay thấp đều được họ nâng niu, hết móc treo thì gấp lại cất đi. Trong phòng họ có rất nhiều thứ "hay ho" do họ tự tay làm như bình, chai, lọ, giỏ mây tre... Cẩm Ly phân trần: "Không phải tụi mình làm để trang trí phòng đâu. Toàn làm để tặng bạn bè, nhưng xấu quá nên không dám tặng, hoặc tặng bị... trả lại nên tiếc quá giữ lại xài thôi đó!".
Minh Hằng với chiếc mũ làm bằng giỏ mây tự thiết kế. Ảnh: Cẩm Ly
Và những khát vọng "dài hơi"
Hầu như bạn nào học TKTT cũng đều ấp ủ dự định tự xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Sau khi ra trường, Cẩm Ly dự tính sẽ đi làm để tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, đồng thời để xác định là mình thích cái gì, rồi đi học tiếp, có thể là quản trị hoặc ngành gì đó ngoài thời trang. Khi đủ điều kiện, Ly sẽ mở một nhãn hiệu đồ ứng dụng đại trà bao gồm cả quần áo, giày dép, túi xách, nước hoa cùng mang tên Cale. Cẩm Ly lý giải cho những dự định của mình: "Mở một thương hiệu riêng rất tốn kém. Số tiền để có một khối lượng hàng bày bán ở Zen Plaza thì không nhiều, nhưng để có một xưởng may với máy móc, công nhân, hệ thống cửa hàng... thì rất lớn. Nó là dự định lâu dài nên mình phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền và kinh nghiệm quản trị trước đã".
Còn Minh Hằng thì có ước mơ dễ thương là sau khi tốt nghiệp, cô sẽ đầu tư hết thời gian cho việc thiết kế thời trang cho giới trẻ kiêm luôn kinh doanh shop thời trang mang một nhãn hiệu của riêng cô. Hằng cười nói: "Nhưng từ giờ đến đó thì hơi... xa một chút, cho nên mình đang dồn sức vừa hoàn thành chương trình học, vừa kiếm thêm tiền từ các nguồn kinh doanh theo "mùa vụ" để lấy thêm kinh nghiệm cũng như bắt kịp thị hiếu tiêu dùng của giới trẻ hiện nay".
" Thanh niên online"