Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..:: CLB Văn Thơ ::..

..:: CLB Văn Thơ ::.. Văn học , Thơ , Truyện , tùy bút , ..

Ghen tuông  “sản phẩm phụ của tình yêu”

Ghen tuông “sản phẩm phụ của tình yêu”

this thread has 0 replies and has been viewed 5920 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 01-01-1970, 07:00 AM   #1
Hồ sơ
trongbangpham
Senior Member
 
Tham gia ngày: Nov 2004
Tuổi: 49
Số bài viết: 414
Tiền: 25
Thanks: 234
Thanked 300 Times in 85 Posts
trongbangpham is an unknown quantity at this point
Default

Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng!
(Ca dao)

Chúng ta đã quá quen với câu ca dao trên. Và đó có lẽ là “ bửu bối” mà những người vợ cả ghen thường xuyên dùng để biện minh cho những “ lọ dấm chua” mà mình đã đổ ra. Nhưng gẫm cho cùng thì câu ca dao đó vẫn thiếu chút thiếu sót, vì không phải tất cả các loại ớt đều cay. Ớt vẫn có loại không cay, chỉ dùng để làm kiểng và trang trí, còn phụ nữ thì chắc chắn không có ai lại không ghen một khi đã yêu thực sự, dầu người đó có phải là … chồng mình hay không. Như vậy, ngẫm ra phụ-nữ- khi-yêu còn cay hơn cả ớt! Nhưng Thượng Đế quả thật là đấng Toàn Năng Toàn Trí, và vô cùng thông minh hóm hỉnh, khi để cho những hậu duệ thực sự của A-Đam không thích những thứ ngọt ngào, mà lại thích những món đăng đắng, cay cay. Bởi vậy, đâu có người đàn ông nào lại thích ăn chè hay uống nước ngọt (có lẽ vì nó mau ớn lắm!), mà khắp thiên hạ chỉ toàn thấy loại đàn ông thích cà phê ( là thứ đăng đắng!) và rượu ( là thứ cay cay!). Cho nên họ yêu phụ nữ và lấy vợ chỉ để tận hưởng những thứ cay nồng!

Sử ký Tư Mã Thiên chép rằng Lữ Hậu, là vợ của Hán Cao tổ Lưu Bang, rất ghen với Thích Cơ. Thuở còn sống, Lưu Bang sủng ái Thích Cơ, và muốn lập con Thích Cơ kế vị. Lữ Hậu, nhờ mưu của Trương Lương, mời bốn ẩn sĩ ở trong núi về làm vây cánh và rốt cuộc Lưu Bang phải lập con của Lữ Hậu lên ngôi thái tử là Hiếu Huệ Đế về sau. Khi Lưu Bang băng hà, Lữ Hậu bèn cho chặt tay chân Thích Cơ, móc mắt, đục thủng tai, cho uống thuốc thành câm và đem bỏ vào nhà tiêu, gọi đó “ con người lợn”. Hiếu Huệ Đế thấy mẹ làm vậy, bèn khóc mà nói: “Đây không phải việc làm của con người!” (Sử ký Tư Mã Thiên, Lữ Hậu bản kỷ). Đó là sự ghen tuông tàn nhẫn khoáng tuyệt cổ kim, làm cánh đàn ông, dù mới chỉ đọc sách thôi, cũng đã đủ để giật mình rợn gáy!

Có lẽ không ai trong chúng ta lại không nhớ đến cái ghen của Hoạn Thư với Thúy Kiều. Cô tiểu thư họ Hoạn chỉ cần tung ra vài chiêu nhẹ nhàng là đủ khiến cho đôi bên Thúc Sinh và Thúy Kiều chỉ biết “ nhìn nhau mà lệ ứa, mỗi ngày một cách xa” (thơ Lưu Trọng Lư). Xưa nay, nhiều người đã lên án cái ghen của Hoạn Thư là cái ghen thâm độc (?), nhưng quên rằng trong thâm tâm, cụ Nguyễn Du vẫn xem trọng Hoạn Thư vô bờ bến, vì cô đã làm được một điều xứng đáng với tấm lòng từ bi của Bồ Tát: đó là cô thực sự tôn trọng tài hoa của Thúy Kiều. “ Rằng: tài nên trọng mà tình nên thương” (Kiều, 1900). Tôn trọng tài hoa của tình địch là điều mà phụ nữ cổ kim hiếm ai, nếu không muốn nói là không có ai, làm nỗi. Cái ghen của Hoạn Thư là sự ghen tuông thường tình, nhưng cái ghen đó đã đi chung với cái tâm Bồ Tát siêu tuyệt thượng thừa.

Nhưng đâu phải chỉ con người mới biết ghen. Thần linh, khi đã yêu, cũng ghen tuông không kém. Thần thoại Hy Lạp đã cho ta thấy những trận ghen tuông kinh hoàng của Héra, vợ vương thần Zeus. Trong văn học nhân loại , dường như chỉ có thần tiên trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc không hề ghen tuông, có lẽ chỉ vì một lý do đơn giản là họ không hề biết thế nào là tình yêu thực sự. Mà nơi nào không có tình yêu, nghĩa là không có ghen tuông giận hờn, thì chán lắm, giống như suốt đời ngồi vào bàn nhậu chỉ để ăn chè! Bởi vậy Lưu Thần, Nguyễn Triệu phải vội vã bỏ tiên giới để quay về lại với trần gian. Sống ở tiên giới để làm gì nếu như cứ suốt ngày thơ thẩn với những tiên nương kiều diễm nhưng chỉ biết đàn ca múa hát, giống như những con búp bê robot xinh đẹp đã được lập trình?

Kim Dung là một trong những tác gia hiếm hoi của phương Đông mô tả tình yêu nhiều sắc thái đến lạ kì. Cho nên cũng hiếm có tác giả nào có thể mô tả cái ghen đa dạng và nhiều màu sắc đến vậy. Tác phẩm Kim Dung cho ta những ấn tượng sâu sắc về sự ghen tuông. Ghen tuông luôn đi đôi với tình yêu trong những tiếng cười gằn lạnh lẽo, cũng như trong những giọt nước mắt thương đau. Đôi khi nó có mang tính chất ngớ ngẫn như ông lão Bạch Tự Tại , chưởng môn phái Tuyết Sơn, ghen với lão ma đầu Đinh Bất Tứ. Có lẽ khi ghen vì yêu thì người ta dễ dàng biến thành trẻ con, dù ở bất kỳ lứa tuổi và thân phận nào.

Trong Hiệp khách hành, Mai Phương Cô vì giận Thạch Thanh đãphụ rẫy mình, nên bắt cóc con trai của vợ chồng cặp Hắc Bạch song kiếm này đem về đày đọa thành đứa trẻ ăn mày cầu bơ cầu bất, cô bắt nó sống thực khổ sở cho đỡ uất hận. Oái ăm hơn nữa, cô đặt tên cho thằng bé là Cẩu Tạp Chủng (Chó lộn giống). Bút lực Kim Dung quả rất thâm hậu khi hé mở được cái tâm lý nhỏ nhen và phức tạp của người phụ nữ ghen tuông. Đúng thôi. Ta yêu ngươi tha thiết, điều đó ngươi đã biết, vậy mà ngươi không đến với ta, ruồng rẫy tấm lòng ta, thì dù ngươi có lấy bất kỳ “con mụ đàn bà” (!) nào khác trên cõi đời này, vợ chống người chỉ có thể sinh ra loại “ chó lộn giống” mà thôi! Đúng như người ta nói: dưới mắt một người phụ nữ đang ghen thì tất cả người đàn bà nào yêu người mình yêu, bất kể trình độ hay xuất thân, bất kể là thượng lưu trí thức hay kỳ nữ giang hồ, đều là loại người trắc nết hư hỏng, và dĩ nhiên là đáng bỏ đi. Vì ghen với mẹ mà oán hận cả con. Đó cũng là cái ghen rất thường tình của phụ nữ và cũng rất đáng cảm thông.

Ni cô Nghi Lâm yêu Lệnh Hồ Xung tha thiết, yêu đến tiều tụy cả dung nhan, nhưng lại không ghen, bởi vì tâm hồn cô là tâm hồn thánh nữ, và có lẽ cô tiểu ni diễm kiều tuyệt tục đó không …. dám ghen! Trong thâm tâm, cô đã yêu nhưng lại luôn luôn lo sợ mang tội với Bố Tát. Ăn trộm một trái dưa giữa đồng vắng cho Lệnh Hồ Xung mà cô đã xem là chuyện tày trời, huống gì đi … ăn trộm một trái tim! Thân đã gởi nơi cửa Phật, suốt đời rau dưa kinh kệ, mà tâm hồn lại đi lưu luyến một gã lãng tử giang hồ thì, với cô, đó sẽ là tội đáng bị đày xuống mười tầng A Tỳ địa ngục, vĩnh viễn không thể siêu sinh.

Chả bù với mẹ cô. Bà ta nguyên là một ni cô xinh đẹp, vì cảm động trước tấm chân tình của Bất Giới hòa thượng mà chấp nhận hoàn tục. Như vậy, kể ra tình yêu cũng sâu sắc lắm. Vậy mà chỉ vì thấy Bất Giới hòa thượng bế con đứng ngoài cổng nói chuyện một vài câu gì đó với một cô nương qua đường, là đủ để bà ta đùng đùng “ đổ dấm chua” và bỏ đi mất biệt. Bất Giới hòa thượng đành đem gởi Nghi Lâm vào phái Hằng Sơn, bà ta bèn giả câm để vào quét dọn và ngầm chăm sóc Nghi Lâm. Khi bắt được Bất Giới hòa thượng, bà cho treo ông lên cây để cho cả thiên hạ biết được kẻ “ bạc tình hiếu sắc nhất thiên hạ”! Đó là cái ghen vớ vẫn và cùng cực ích kỷ của một ni cô dở hơi khi hoàn tục, và là loại dấm chua nhất trong thiên hạ.

Khang Mẫn là vợ của Mã Đại Nguyên -Phó bang chủ Cái bang, cô luôn tự hào về nhan sắc làm điên đảo khách giang hồ của mình, lại đem lòng ngưỡng mộ bang chủ Tiêu Phong, nhưng Tiêu Phong không để ý. Và điều đó đã gây nên tấn thảm kịch cho Tiêu Phong, tấm thảm kịch mấu chốt trong Thiên Long Bát Bộ. Cô sẵn sàng hiến thân cho trưởng lão Cái bang là Bạch Thế Kính và Toàn Quán Thanh để kéo thêm vây cánh nhằm hạ bệ Tiêu Phong. Dầu lúc đó, Tiêu Phong không có người yêu, và không yêu ai ngoài ruợu, như vậy không có ai để cô ghen, nhưng với phụ nữ hiếu thắng và độc đoán như Khang Mẫn thì trong thâm tâm cô vẫn đang ngấm ngầm ghen mà cô không hề hay biết. Thuở còn bé, nhà nghèo, ngày Tết cô không có áo hoa; thấy người hàng xóm có áo hoa xinh đẹp, cô lén lấy trộm về, không phải để mặc, mà để xé nát ra. Cô không có áo hoa thì có nghĩa là không được ai có cả. Cô đã thầm yêu Tiêu Phong, nhưng cô không chiếm được trái tim Tiêu Phong thì có nghĩa là không một ai có quyền chiếm lấy trái tim đó cả. Cô đang ngấm ngầm ghen với người phụ nữ nào đó sẽ đến với Tiêu Phong, vì điều đó có nghĩa là, dưới mắt Tiêu Phong, người phụ nữ đó xứng đáng hơn cô. Cho nên, khi bị trọng thương sắp chết, cô vẫn lồng lộn ghen tuông với A Châu, dù biết rằng A châu đã chết. Biết Tiêu Phong đang nóng lòng muốn biết thủ phạm gây ra tấn thảm kịch cho gia đình ông tại Nhạn môn quan năm nào, cô vờ bảo Tiêu Phong cô sẽ tiết lộ tên người đó, với điều kiện Tiêu Phong phải ôm cô vào lòng trước khi chết. Đó là cái ghen của một phụ nữ biết mình xinh đẹp nên hiếu thắng và tàn nhẫn. Nhưng tân nguyện chỉ xin được một vòng tay ôm của người mình yêu trước khi chết ngẫm ra cũng đáng thương.

A Châu là cô gái thông minh và hiếu hạnh. Cô dùng cái chết để giải tỏa mối oan cừu, do ngộ nhận, giữa Tiêu Phong và Đoàn Chính Thuần. Thế nhưng dầu đã qua đời, cô vẫn bị ghen bởi chính người em ruột cô là A Tử, người mà cô gởi gắm cho Tiêu Phong trước khi nhắm mắt. Cô bé tinh quái A Tử do yêu người anh rễ Tiêu Phong một cách tuyệt vọng, nên đâm ra ghen cả với người chị đã mất. Khi sống, cô bé ngang ngược và tai ác này không thể thỏa mãn ước mong, thì tại Nhạn môn quan cô đã được toại nguyện là cùng vùi thây với Tiêu Phong nơi vực thẳm. Sinh vi đồng thất thân, tử vi đồng huyệt trần ( Sống thì cùng ở một nhà, chết đi nấm mộ xin là nơi chung - thơ Bạch Cư Dị). Tình yêu đã đắm say cho nên cái ghen cũng nghiệt ngã, bởi vậy cô không thể không ghen với người chị ruột A Châu. Đó là cái ghen vừa mãnh liệt lại vừa trẻ con.

Hai cao thủ tuyệt đỉnh phái Tiêu Dao là Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy vì cùng yêu Vô Nhai Tử, kẻ tranh sư huynh người giành sư đệ, mà đánh ghen với nhau từ thuở thanh xuân cho đến lúc gần đất xa trời, chỉ vì muốn khẳng định rằng trong trái tim của vị chưởng môn kia chỉ có hình bóng của mình thôi. Trận huyết đấu cuối cùng giữa hai bà già ở cái tuổi xấp xỉ một trăm, khi mà Vô Nhai Tử đã chết, quả vừa buồn cười vừa cảm động. Lúc sắp mất người nào cùng lập mưu để được chết sau, xem như đó là cách chiến thắng tình địch trong trận đấu kéo dài suốt cả thế kỷ! Khi cả hai phát hiện ra người trong bức tranh của Vô Nhai Tử là vị sư muội xinh đẹp của mình, họ vừa mừng vì đó không phải là tình địch của mình, nhưng lại đau xót vì đó không phải là mình. Đúng là gừng càng già càng cay, người càng già càng ghen. Đó là cơn ghen “thế kỷ”!

Đao Bạch Phụng là vương phi của Đoàn Chính Thuần vì ghen và hận thói lăng nhăng của chồng nên đã không ngần ngại hiến thân cho một kẻ ăn xin mình tình cờ gặp trong đêm tối tại sân chùa Thiên Long. Cung phi của một vương gia với tấm thân nghìn vàng và dung nhan xinh đẹp, chỉ vì ghen tuông lại đi hiến thân cho một tên ăn mày ghẻ lở nhơ nhớp nhất trên đời. Vì ghen tuông thành oán hận, vì oán giận đâm mù quáng. Rõ đúng đàn bà dễ sa ngã nhất là lúc họ hận chồng. Đó là chi tiết cường điệu quá mức, nhưng lại là một cách trả thù kỳ quái vì ghen tuông, mà chỉ Kim Dung mới nghĩ ra.

Đã yêu thì phải ghen. Tất nhiên. Có lẽ bà E-Va là người phụ nữ duy nhất trên đời không biết ghen vì bà là “ đại lý độc quyền” của AĐam và không có đối thủ để cạnh tranh! Yêu. Ghen. Hận. Uất. Ghét. Thương. Oán. Lệ. Thù. Tất cả những từ quen thuộc và thậm chí sáo mòn đó góp phần tạo nên sự đa dạng đến kỳ diệu của tình yêu. Do đó, cái ghen, “ sản phẩm phụ của tình yêu”, cũng biến hóa thiên hình vạn trạng. Như tâm lý phực tạp và cực kỳ mâu thuẫn của phụ nữ! Môn chiêm tinh học làm gì có nếu như không có môn Thiên văn học? Hai chữ “ ghen tuông” làm gì tồn tại trong tự điển sống của những phụ nữ không biết đến tình yêu? Tại hạ xin kính cẩn đặt câu hỏi cùng tất cả bạn đọc: “ Tâm sự ghen tuông của những phụ nữ trong thiên hạ đáng thương hay đáng giận”?

Theo - Huỳnh Ngọc Chiến
trongbangpham is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 08:42 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps