Những câu chuyện nhỏ dưới đây muốn nói với các bạn về sức mạnh của lời xin lỗi, tuy rất nhỏ bé thôi, nhưng nó có thể xóa bỏ những lỗi lầm, những sai sót của chúng ta trong cuộc sống mà đôi khi vì vô tình đã gây ra với những người xung quanh...
Tôi có đứa cháu gái học ở một trường phổ thông cơ sở của quận Tân Bình (TP.HCM). Một buổi chiều đi học về, cháu phụng phịu kể với tôi: "Bà ơi! Chúng cháu tức quá! Hôm nay cả lớp cháu bị thầy giám thị đánh, nhiều đứa trong bọn chúng cháu khóc như ri...". Tôi hỏi vì sao, thì cháu kể: "Trước khi vào học, cả lớp phải xếp hàng, có mấy bạn ở cuối hàng cười đùa mất trật tự, chẳng may thầy giám thị đi tới. Thầy đứng ở cửa lớp, cho từng hàng vào và giơ cây thước gỗ dày và to bằng ba ngón tay vụt vào bàn tay từng học sinh, dù thầy không xác định đứa nào có lỗi. Cả lớp cháu rất ấm ức và ghét thầy...".
Và cũng không ngờ, một hôm khi đi học về, cháu tôi reo lên khoe: "Bà ơi! Thầy hiệu trưởng của chúng cháu rất tuyệt vời! Thầy đã đến xin lỗi lớp cháu. Trước hết thầy nói: "Thầy đến thăm và sau là xin lỗi cả lớp về việc đã xảy ra". Thầy hỏi: "Những ai bị đánh?". Gần hết cả lớp cháu giơ tay. Thầy lại hỏi: "Có ai không bị oan?". Chỉ có 3 bạn giơ tay (3 bạn mất trật tự). Thầy hứa sẽ không để chuyện tương tự xảy ra nữa. Thầy chúc cả lớp ngoan, học giỏi. Thầy đi rồi mà cả lớp cháu vẫn còn ngỡ ngàng và xúc động. Trông nét mặt thầy thật hiền và dễ thương biết bao!". Vậy là lời xin lỗi đã xóa bỏ được tất cả những ấm ức, giận hờn trong lòng lũ trẻ.
Một lần tôi ngồi trên xe buýt, khi xe dừng lại có 3 cô gái vừa cười nói vừa bước lên. Một cô sơ ý dẫm lên chân tôi. Sức nặng chừng trên 50kg của cô gái và chiếc giày cao gót dẫm lên làm tôi đau điếng. Cô gái "thủ phạm" mặt tỉnh queo, không hề có ý kiến gì. Có lẽ nhìn nét mặt tôi lúc ấy... thảm hại lắm! Cô bạn cùng đi với cô gái kia xuýt xoa: "Chúng cháu xin lỗi bác, chắc là bác đau lắm! Cháu rất lấy làm tiếc. Cháu thành thật xin lỗi bác, mong bác thông cảm, bạn cháu sơ ý quá!". Xin lỗi tôi xong, cô ném cái nhìn như "chiếu tướng" về phía "thủ phạm". Trên xe không ai nói một lời, nhưng hình như ai cũng dành cho cô gái có lời xin lỗi một cái nhìn đầy thiện cảm...
Một lần khác, tôi và bạn tôi đi bộ trong con hẻm. Có hai cô gái đi xe đạp đùa vui, chèn nhau, cua gấp, va vào bà bạn tôi làm bà ngã. Hai cô vội vàng xúm lại nâng bà dậy... "Chúng cháu xin lỗi bà! Chúng cháu mải vui không để ý, bà có đau lắm không? Chúng cháu đưa bà đi bệnh viện nhé!". Bà bạn nói chỉ đau một chút ở cánh tay, nhưng không sao, khỏi đi viện. Hai cô gái xin địa chỉ của bà, rồi hẹn chiều quay lại thăm. Khi hai cô gái đi rồi, quay sang tôi, bà bạn mỉm cười nói: "Khi bị ngã, chỉ muốn mắng cho chúng một thôi cho bõ tức, nhưng khi thấy chúng xin lỗi, rồi ân cần hỏi han, tự nhiên cái bực tức biến đi đâu mất...". Rồi bạn tôi kể, có lần gặp hai cô đèo nhau bằng xe máy, cô gái ngồi đằng sau khạc đờm bay vèo vào vai áo bà. Cô gái kêu lên: "Thôi chết rồi mày ơi! Đờm dính vào bà già rồi!". Cô bạn kia cười rồi rồ ga vọt lẹ. Có người dừng lại, giúp bà lau áo. Nhiều người thốt lên đầy bất bình: "Con nhà ai mà vô giáo dục thế?". Một người khác nói: "Một hành vi mà chứa đựng hai yếu tố thiếu văn hóa: Nhổ bậy và không biết xin lỗi!".
Thế đấy. Lời xin lỗi có khó gì đâu? Nó là biểu hiện của nét văn hóa trong ứng xử của người biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Trong cuộc sống, không ai dám chắc mình không sơ suất chuyện này hay chuyện khác, nhưng khi có lỗi phải biết xin lỗi, đúng lúc, đúng chỗ. Lời xin lỗi có thể làm cho người ta thông cảm lẫn nhau, làm giảm sự bực tức không đáng có. Đó cũng là một nét đẹp góp phần làm cho cuộc sống đáng yêu hơn.
Trẻ em nên được làm quen với từ "cảm ơn" và "xin lỗi" ngay khi bắt đầu học nói để rèn luyện sớm có phản xạ đúng trong ứng xử hằng ngày: khi được giúp đỡ thì "cám ơn", khi có lỗi biết thành thật "xin lỗi".
Nguyễn Thị Thương
(Phó giám đốc Trung tâm tư vấn TY-HN-GĐ, thuộc Hội LHTN VN)
__________________
Có những lúc thật BUỒN nhưng người ta vẫn cứ phải CƯỜI