VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Tình dục
T rong ngôn ngữ Trung Hoa, chữ Dâm (淫) được viết với bộ Thuỷ, có nghĩa là ham mê sắc dục quá độ. Dâm được coi là một cái gì đó rất tự nhiên đối với xã hội phong kiến Trung Hoa: vua được toàn quyền có nhiều phi tần, quan lại và nhà giàu có quyền cưới nhiều thê thiếp. Người phụ nữ trở thành món đồ chơi, phương tiện giải trí của người đàn ông. Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung phản ánh về xã hội phong kiến Trung Hoa nhưng cái nhìn của ông đối với thói dâm đãng nói riêng và tình dục nói chung là một cái nhìn nghiêm túc và nghiêm khắc.
Tác phẩm Kim Dung xây dựng khá nhiều những nhân vật dâm đãng chuyên lợi dụng tình dục. Và ông đã dành những hình phạt nặng nề theo luật giang hồ để trừng trị những loại nhân vật đó.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, nhân vật dâm đãng là Điền Bá Quang. Hắn vừa là tên cướp, vừa là dâm tặc, khinh công rất giỏi và đao pháp rất nhanh. Hắn có ngoại hiệu đúng 14 chữ: Giang dương đại đạo, thái hoa dâm tặc, vạn lý độc hành khoái đao Điền Bá Quang. Nhà sư Bất Giới đã trừng trị hắn: xuyên tụ tiễn vào bộ phận sinh dục và buột hắn cạo đầu làm sư với pháp hiệu Bất Khả Bất Giới (không thể không cấm). Chính nhờ hình phạt đó mà Điền Bá Quang bỏ được con đường tà dâm, trở thành người tử tế. Trong Xạ điêu anh hùng truyện, nhân vật dâm đãng là Âu Dương công từ. Hắn là cháu của Tây độc Âu Dương Phong, từ Tây Vực xuống Trung Nguyên, võ công cao cường, chuyên hãm hại lương gia phụ nữ. Da mặt hắn lúc nào cũng trắng bệt! Nhưng Âu Dương công tử tà môn vẫn chưa nguy hiểm bằng Doãn Chí Bình chính phái. Doãn Chí Bình là đệ tử hàng thứ ba của phái Toàn Chân. Hắn đi ngang qua núi Chung Nam thì gặp ngay lúc Tiểu Long Nữ phái Cổ Mộ đang thoát y để luyện võ công trong Ngọc Nữ tâm kinh. Thế là hắn quên mất môn quy, điểm huyệt cô gái, lấy áo đạo bào phủ lên mặt cô và đưa cô vào bụi rậm. Tiểu Long Nữ cứ ngỡ đó là Dương Qua, người học trò thân yêu của mình. Doãn Chí Bình ăn mắm mà Dương Qua khát nước!
Kim Dung nói về những hoạt động tình dục, điều mà người ta cho là dung tục, với một bút pháp tinh tế và trang nhã. Chính vì thế mà trong lần trở về thăm và nhận hàm Tiến sĩ danh dự Đại học Bắc Kinh - Đại nhã chi đường của trung Quốc- vào tháng 1-1995, người ta đã mạnh dạn bàn đến cái nhã, cái tục và ca ngợi Kim Dung là một nhà văn thanh nhã từ văn phong đến nội dung. Khi nói đến những hoạt động tình dục, Kim Dung không bao giờ mô tả. Ông chỉ thuật lại bằng một vài câu ngắn gọn và dành phần suy nghĩ, đánh giá tình hình cho độc giả.
Trong Liên thành quyết, Kim Dung xây dựng nhân vật Huyết đao lão tổ từ Tây Tạng xuống như một nhân vật dâm ác hạng nhất. Trong những chương đầu, cái nhìn của Kim Dung về nhân vật này rất nghiêm khắc, phản ánh quan điểm dân tộc hẹp hòi của ông đối với những con người ngoài Há tộc. Huyết đao lão tổ nhận Địch Vân làm đệ tử. Mọi người gọi Địch Vân là tiển dâm tặc. Nhưng hai thầy trò Địch Vân chẳng hề có một hành động dâm dật vơi ai, ngược lại Địch Vân còn là một chính nhân quân tử.
Nếu Huyết đạo lão tổ là tên “dâm tặc” già nhất thì trong Hiệp khách hành, Thạch Trung Ngọc là tên dâm tặc trẻ nhất. Khi được gửi lên phái Tuyết Sơn học, gã thiếu niên 15 tuổi đó đã có hành vi cưỡng bức cô bé A Tú, con của sư phục mình khiến cô bé phải nhảy xuống lũng sâu để tự bảo vệ tiết sạch giá trong. Thạch Trung Ngọc có đứa em song sinh rất giống mình là Thạch Phá Thiên, thường chỉ được gọi với cái tên Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống). Khi Cẩu Tạp Chủng xuất hiện, mọi người phái Tuyết Sơn đều tưởng là Thạch Trung Ngọc nên muốn giết cậu. Chỉ có đôi mắt ngây thơ của A Tú mới nhìn ra được “vị đại ca hiền lành này không phải là tên tiểu tặc đó”. Ấy vậy mà Cầu Tạp Chủng cũng bị mọi người chửi mấy trăm lần là “tiểu dâm tặc”.
Nhưng trong 12 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, nhân vật dâm đãng số một phải thuộc về Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh ký). Xuất thân trong kỹ viện thành Dương Châu, ngay từ nhỏ, Vi Tiểu Bảo đã quen với cảnh ong bướm lả lơi giữa đám khách làng chơi và các kỹ nữ. Cơ duyên đã đưa hắn lên Bắc Kinh, làm thái giám giả mạo trong cung nhà Thanh. Mới 13 tuổi đầu, hắn đã ôm Mộc Kiếm Bình, quận chúa Mộc vương phủ Vân Nam và chớt nhả với Phương Di, lớn hơn hắn 2 tuổi; 15 tuổi, hắn quan hệ thân xác với công chúa Kiến Ninh; 18 tuổi trôi giạt sang Nga, hắn quan hệ với công chúa Tô Phi Á (Sophia), con gái Sa hoàng! Từ thái giám, hắn lên Đô thống Hoàng kỳ, Khâm sai đại thần, Bá tước rồi Công tước. Trong một lần đi công cán về thành Dương Châu, hắn quan hệ một hơi với 4 người phụ nữ: Tô Thuyên (vợ giáo chủ Thần long giáo Hồng An Thông), A Kha (nghi là con gái của Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên), Song Nhi (nữ tì), Tăng Nhu (Thiên địa hội). Rồi hắn ăn ở luôn với cả 4 người trên, lấy luôn cả Kiến Ninh, Phương Di, Mộc Kiếm Bình. Suốt đời Vi Tiểu Bảo chỉ biết có tình dục, không hề biết đến tình yêu chân thật là gì. Kim Dung đã không cho hắn có được niềm hạnh phúc được yêu của Vi Tiểu Bảo. Hôm hắn trở lại Dương Châu thăm mẹ dẫn theo một đoàn thê thiếp, Vi Xuân Phương phải thầm khen con trai mình có mắt.
Trong tác phẩm Kim Dung, không thiếu những lời thoá mạ: dâm tặc, rùa đen, chó lộn giống... Ông đứng trên quan điểm của một nhà nhân bản để nhận xét, đánh giá những hành vi tình dục của các nhân vật do chính mình tạo ra. Ông phán xét họ một cách nghiêm khắc - tất nhiên là với cái nghiêm khắc của một nhà văn chứ không phải một quan toà. Ông để cho những nhân vật dâm đãng tự rước lấy sự trừng phạt công mình của cuộc sống (trừ Vi Tiểu Bảo!).
Cá biệt, có một trường hợp mở đầu bằng hành vi cưỡng bức nhưng kết thúa bằng tình cảm tốt đẹp. Đó là Dương Tiêu (Tả sứ Minh giáo) đã bắt cóc và cưỡng bức Kỷ Hiểu Phù (đệ tử phái Nga Mi). Hiểu Phù sinh ra đứa con gái, đặt tên là Dương Bất Hối để tỏ ý không hề hối hận vì đã thất thân với Dương Tiêu. Diệt Tuyệt sư thái, sư phụ của Kỷ Hiểu Phù, vì vậy đã giết Hiểu Phù. Dương Tiêu ở vậy nuôi con, không cưới vợ nữa để giữ mãi hình bóng của người phụ nữ từng là nạn nhân của anh ta.
Người ta thường nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” để chỉ những quan hệ tất yêu nam nữ trong những hoàn cảnh thuận lợi. Câu nói đầy tính ẩn dụ đấy không thể có trong tác phẩm Kim Dung. Nhiều lứa đôi trong tác phẩm của ông thương nhau, sống với nhau một nơi nhưng trai vẫn giữ được phong độ người quân tử, gái vẫn giữ được tiết sạch giá trong. Đó là Vô Kỵ - Triệu Minh - Chỉ Nhược - Tiểu Siêu, Trương Thuý Sơn – Hân Tố Tố, Lệnh Hồ Xung – Doanh Doanh, Quách Tĩnh – Hoàng Dung, Đoàn Dự - Mộc Uyển Thanh – Vương Ngọc Yến – Chung Linh, Hồ Phỉ - Viên Tử Y, Thạch Phá Thiên – A Tú, Địch Vân - Thủy Phương, Kiều Phong – A Châu. Họ đều rất trẻ, sống giang hồ phiêu bạt nhưng vẫn tôn trọng chữ Lễ, biết yêu say đắm, có thèm khát nhưng không vượt quá giới hạn của tình yêu. Có những lứa đôi thành vợ thành chồng, có lứa đôi ly tán nhưng tựu trung, họ đã sống thật đẹp và yêu thật đẹp. Tôi cho rằng đây là một khía cạnh rất đạo đức trong tác phầm Kim Dung. Nó đem lại cho người đọc - nhất là bạn đọc trẻ - những nhận thức đúng đắn về tình yêu và tình dục, giúp con người vươn lên để sống đúng nghĩa với khái niệm con người.