TT - Hơn 70 tuổi vẫn học tiếng Anh, viết blog… Cứ có điện thoại gọi đến báo có chuyện tiêu cực là bà lại sôi lên…
Ngày ngài đại sứ Thụy Điển thông báo bà được vào vòng chung kết giải thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch quốc tế, bà Lê Hiền Đức rất mừng nhưng lo sẽ không biết phát biểu gì, việc của bà là đi chống tham nhũng, không phải làm để lĩnh giải thưởng...
Da xanh, tóc bạc, người gầy, 77 tuổi, bà Lê Hiền Đức luôn vồn vã tiếp khách, trả lời điện thoại. Bà Đức bức xúc vì cái tên Lê Hiền Đức đã bị không ít kẻ xấu gọi chệch là “Lê Ác Đức, Lê Thất Đức”... So với những lời đe dọa, kiểu gọi chệch tên này chẳng nhằm gì. Nhưng bà Đức vẫn tức, vì “cái tên đó do đích thân Bác Hồ đặt cho tôi”.
“Tôi tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ. Ngay từ năm 1946, tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Làm giao liên, làm mật mã viên cho ngành công an, rồi tình báo, sau đó tôi được điều động về dịch mật mã trực tiếp cho Bác Hồ. Bí danh của tôi thời đó là Lê Đức. Bác bảo nghe giống tên con trai quá, con gái phải hiền thục, trung hậu, nên đã đặt cho tôi là Lê Hiền Đức”.
Chống tiêu cực đến cùng
Bà Đức (người bế con) trong một lần gặp Bác Hồ - Ảnh tư liệuSau thời cách mạng sôi nổi, bà Đức được cử đi học, rồi chuyển sang ngạch giáo viên cấp 1. Lần đầu tiên bà “chống lại bất công” khi đang phải bán đồ ăn vặt cho học sinh Trường Chu Văn An lúc vừa nghỉ hưu năm 1984. Lúc đó, có mấy anh giao thông công chính chạy đến tịch thu hàng của bà. Bà đến tận cơ quan của mấy anh này đòi vài lần, bị chối từ bà vẫn đòi tiếp. Thương tình cô giáo phải bỏ tiền đi xe điện mất công, một anh học sinh cũ báo cho bà biết hàng của bà mấy anh công chính đã chia nhau ăn hết rồi. Ý thức đấu tranh chống tiêu cực của bà bắt đầu từ đấy.
Từ năm 2005, thấy tình trạng người dân khiếu kiện ngày càng tăng, bà quyết định mua máy ảnh. Đi đâu bà cũng cầm máy ảnh, gặp bất bình là dừng lại ngay. Một lần đang trên xe buýt, thấy anh xe ôm bị công an bắt ở ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ rồi dẫn vào chỗ khuất. Bà Đức lập tức xuống xe buýt, bám theo ghi hình. Phản ảnh của bà đã được gửi ngay đến giám đốc công an thành phố. Bà “đeo bám” vụ việc này cho tới khi nhận được công văn do chánh thanh tra công an thành phố ký thông báo cán bộ công an kia đã bị kỷ luật mới thôi.
Mới đây, khi nghe trả lời chất vấn có một bộ trưởng đòi đại biểu Quốc hội phải đưa ra dẫn chứng cụ thể về “chạy” chức “chạy” quyền, bà Đức nôn nóng không chịu được. Bà tìm điện thoại, đợi lúc bộ trưởng ăn tối xong bèn gọi đến nhà riêng. “Xin lỗi, có phải Bộ trưởng T. đấy không ạ?”. “Đúng, bác là ai vậy?”. “Tôi là Lê Hiền Đức. Tôi nghe anh nói mà không thể hiểu nổi. Nếu anh cần dẫn chứng, anh có ôtô thì anh cứ đến gặp tôi. Tôi không có xe”. Cuộc nói chuyện kéo dài, cuối cùng bộ trưởng hứa sẽ cho người đến gặp. “Nói ra để lãnh đạo phải động não, nói để bọn tiêu cực bị nhận diện”.
Đến nay, trong ngôi nhà ba tầng, mỗi tầng bà Đức trang bị tới hai điện thoại. “Vác tù và hàng tổng” suốt ngày, con cháu không ai ở nổi với bà vì lịch sinh hoạt “loạn xạ”. Hơn 70 tuổi vẫn học tiếng Anh, viết blog. Sáng dậy sớm vào mạng đọc tin tức. Cứ điện thoại gọi đến phản ảnh tiêu cực là bà lại sôi lên. Cơm đang dọn ra cũng dẹp. Bà ghi chép, lên lịch, bắt đầu dựa vào nghiệp vụ công an cũ của mình mà tìm hướng giải quyết đến tận nửa đêm. Vụ gần nhất là vụ bà hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ Trường T, theo bà Đức, đã chỉ đạo bớt tiền ăn của các cháu. Bà tìm đến tận UBND quận, rồi sở để đòi giải quyết. Đeo bám chặt, đến nỗi ngay khi trường này công bố đảng bộ trong sạch vững mạnh, bà đã gọi điện phản ảnh cho phó bí thư phường.
Đằng sau những “chiến công” của bà Đức là không ít phiền toái. Nhẹ nhất là một kẻ đã đem vòng hoa “kính viếng hương hồn bà” đặt trước cửa. Còn “điện thoại nặc danh bảo dừng ngay mọi việc lại, nếu không ra đường sẽ bị xe đụng thì nhiều, không nhớ nổi”. Gần đây có kẻ còn đến trực tiếp, chỉ vào mặt bà chửi bới rồi bảo: “Già rồi, để dành tiền điện thoại mà mua quan tài”.
Niềm vui vẫn chưa át nổi nỗi buồn
Bà rổn rảng kể chuyện mình đã “đánh” tiêu cực thế nào. Đây là vụ Trường A, bà hiệu trưởng trước khi cho học sinh nghỉ hè đã triệu tập một cuộc họp phụ huynh yêu cầu mỗi em phải đóng hơn 300.000đ. Bà nghe được lập tức gọi điện đến hỏi: “Nghỉ hè rồi, làm gì còn khoản nào phải đóng góp?”… Ngọt nhạt khuyên nhủ rồi kiên quyết thu thập bằng chứng, cuối cùng bà hiệu trưởng đã phải gọi phụ huynh lên trả tiền lại. Đến lúc này bà Đức mới chịu nở nụ cười sảng khoái và kết luận: “Vụ này thắng lợi rồi”.
Vui nhiều song buồn cũng không ít. Số người viết đơn tố cáo “kính gửi bà Lê Hiền Đức” giờ không chỉ là dân nghèo nữa mà có cả công an, quân đội, trí thức. Đi giải quyết, ai cũng biết bà làm xã hội tốt lên, nhưng ở đâu cũng thấy ít nhiều có tâm lý lảng tránh. “Bị xua đuổi, lảng tránh đã buồn nhưng thấy thái độ lắng nghe của một số người có trách nhiệm còn buồn hơn” - bà Đức tâm sự.
Một lần bà Đức hẹn một vị lãnh đạo thành phố, đợi mãi ông ấy mới đến và nói: “Tôi đang họp”. “Tôi chỉ xin anh 15 phút thôi”. “Bà có gì cứ trình bày đi”, “Việc này bà sang gặp chị phó chủ tịch. Bà ghi số đi… Bút đây. Thôi, bà cứ cầm bút về nhà mà dùng”… “Trời” - bà Đức chỉ biết kêu lên như vậy.
Dốc tiền túi để chống tiêu cực
Lịch của bà Đức hiện tại vẫn kín mít: chiều đi sao chụp, gửi đơn cho những người khiếu nại đất đai Đà Nẵng, sáng mai tiếp cán bộ một tổ chức phi chính phủ, chiều tiếp tục đến sở G để hỏi tiến độ giải quyết vụ tiêu cực ở Trường K, tối tiếp cô hiệu trưởng một trường có giáo viên đánh học sinh. Sáng hôm sau tiếp cán bộ Bộ Nội vụ…
Gặp nhiều, gọi điện thoại cũng lắm nên giờ chỉ nghe đến giọng bà, có nơi đã bảo: “Bà nhầm máy”. Nhưng bà Đức không chịu. “Này, tôi không thể nhầm được. Anh lãnh đạo X. cho số này, nếu anh không nói chuyện tôi sẽ đến tận nơi”. Cứ thế, bà Đức đưa từng chồng hồ sơ đến các cơ quan chức năng và lẳng lặng theo dõi. Ai gọi đến cảm ơn về sự giúp đỡ của bà, bà chỉ nghe chưa đến một phút là cúp máy vì “có gì đâu, tôi còn vụ khác”…
Lương hưu có 900.000đ, bà dùng hầu hết để chi điện thoại, gửi thư, rồi tiền xe buýt. Mới đây, Công ty FPT có hỗ trợ bà tiền Internet, EVN biếu một máy điện thoại, miễn cước thuê bao. Thế là bà có nhiều tiền để đầu tư máy ảnh kỹ thuật số, các thiết bị điện tử để thu bằng chứng. Năm ngoái hì hục mãi bà “nâng đời” được cái máy ảnh lên 4.0.
Khoảng 40% vụ việc bà Đức “thụ lý” đã thành công. Với bà Đức, giải thưởng Liêm chính không quan trọng, quan trọng là “đánh” được tiêu cực. “Nếu giải thưởng đó mà giúp tôi “đánh” được tiêu cực tốt hơn, giúp nhiều người muốn đánh tiêu cực hơn thì tôi thích”.
“Bà Đức đang gây sự chú ý ”
Bà Lê Hiền Đức rất kiên trì trong công việc chống tham nhũng dù phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, khó khăn, đây là lý do đặc biệt đưa bà vào vòng chung kết giải thưởng Liêm chính năm 2007 (2007 Integrity Awards), đại diện của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cho biết.
Tối 4-12, trao đổi với Tuổi Trẻ từ Berlin (Đức), nơi đặt trụ sở của TI, bà Gypsy Guillen Kaiser, phụ trách truyền thông của tổ chức, nói: “Rõ ràng, bà Đức đang là người gây sự chú ý của ban giám khảo”.
Họ đang bầu chọn và sẽ công bố người chiến thắng vào ngày 10-12-2007 và tổ chức lễ tôn vinh tại Berlin vào ngày 21-1-2008. Giải thưởng được trao không bao gồm tiền mặt, mà là tờ giấy ghi nhận công lao và một kỷ niệm chương bằng thủy tinh. Theo bà Gypsy - một nhân viên của TI vô tình đọc được thông tin và đề cử bà Đức, vì các cá nhân hay tổ chức không được tự đề cử mình.
Ngoài bà Đức, những cá nhân và tổ chức vào vòng chung kết năm nay được chọn từ 20 đề cử khắp thế giới. Trong đó có trưởng công tố của nước Haiti Claudy Gassant; nhật báo Bangladesh, Prothom Alo (liên tục đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng của các quan chức chính phủ ở cấp cao nhất trong vòng mười năm qua với sự chỉ đạo của tổng biên tập dũng cảm Motiur Rahman); nhóm luật sư Abdelatif Kanjae, Lhibib Lhaji và Khalid Bouhail của Morroco (đã chống lại nạn tham nhũng trong hệ thống luật pháp của nước này, giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của một hệ thống pháp lý công bằng và độc lập) và giáo sư Mark Pieth từ Đại học Basel, Thụy Điển (ông chuyên về tội phạm học và luật hình sự, là thành viên của Ủy ban Điều tra độc lập về chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hiệp Quốc)...
Giải thưởng Liêm chính lần thứ sáu này nhằm ghi nhận những nỗ lực của các cá nhân hay các tổ chức để tạo ra thế giới không có tham nhũng, vì công lý, nhân quyền, tính minh bạch và liêm chính.
Chủ tịch ban giám khảo và là thành viên của ban giám đốc TI, ông Sion Assidon nói: “Những người vào vòng chung kết đã làm những công việc dũng cảm và sáng tạo để đẩy lùi nạn tham nhũng ăn sâu ở các nước đang phát triển và phát triển”.
TI là tổ chức xã hội dân sự toàn cầu được thành lập năm 1993, hoạt động dựa trên các khoản tiền trao tặng của nhiều cá nhân, tổ chức, chính phủ, với sứ mệnh tạo ra thế giới không có tham nhũng. TI không theo đảng phái chính trị nào, không tiến hành điều tra các vụ nghi ngờ tham nhũng riêng rẽ nhưng đôi khi có thể kết hợp hoạt động điều tra với các tổ chức có chức năng này.
Khổng Loan
CẦM VĂN KÌNH