Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..:: CLB Văn Thơ ::.. > Kim Dung-Tác giả & Tác phẩm

Kim Dung giữa đời tôi

Kim Dung giữa đời tôi

this thread has 3 replies and has been viewed 22143 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 07-11-2006, 06:56 PM   #1
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Kim Dung giữa đời tôi

Quyển sách do tác giả Vũ Đức Sao Biển viết bao gồm 91 chương. Mình sẽ post lên từng chương để mọi người tham khảo nha. Sau đây là mục lục:

1 . Khái quát phong cách xây dựng nhân vật
2. Võ công
3. Rượu
4. Âm nhạc
5. Hoa
6. Y học
7. Tình yêu
8. Tình dục
9. Chất hài
10. Ghen
11. Chất thơ
12. Ngôn ngữ bình dân
13. Những bộ sách
14. “Thời trang”
15. Những nhân vật quái dị
16. Nghề kỹ nữ
17. Con trâu
18. Người Tây dương
19. Kỹ thuật
20. Thức ăn Trung Hoa
21. Tinh thần Phật giáo
22. Libido
23. Nghệ thuật tiểu thuyết của Kim Dung
24. Kim Dung đặt lại mấy vấn đề lịch sử
25. Kim Dung và ngôn ngữ xã hội hóa
26. Kim Dung - Hồn tính lãng mạn phương Đông
27. Kim Dung và những ông thần si tình
28. Kim Dung và "Thiên ngoại hữu thiên"
29. Kim Dung và Vạn sự giai không
30. Kim Dung và chữ Xuân
31. Kiếm luận
32. Đao luận
33. Cành mai trên Thiên Sơn
34. Thư pháp và Võ công
35. Suy niệm ký tiểu hữu
36. Tiếu ngạo giang hồ
37. Những suy niệm siêu hình học
38. Sự suy tàn của chủ nghĩa bạo lực
39. Thanh kiếm và Cây đàn
40. Huyền thoại Thủ cung sa
41. Bọn hào sĩ giang hồ ăn Tết
42. Bọn hào sĩ giang hồ tiếp thị
43. Hàng giả tống Vân Nam
44. Bức giác thư giã từ thế kỷ
45. Hành trình qua thống khổ
46. Đêm phương Nam đọc lại Ỷ thiên Đồ long ký
47. Sử kiếm ý, bất sử kiếm chiêu
48. Kiều Phong - Khát vọng của tự do
49. Khóc lên hỡi Nghi Lâm!
50. Vi Tiểu Bảo ở đâu?
51. Con trâu thông thái
52.Thiên hạ đệ nhất đại mỹ nhân
53. Thử bình bầu Thập đại mỹ nhân
54. Chân dung Nhạc Bất Quần
55. Lam Phượng Hoàng
56. Đại phu Bình Nhứt Chỉ
57. Từ AQ tới Vi Tiểu Bảo
58. Vi Tiểu Bảo và phép thắng lợi tinh thần
59. Vi Tiểu Bảo và nghệ thuật làm quan
60. Vi Tiểu Bảo và kỹ thuật xuyên tạc thông tin
61. Lý Tự Thành - Chính sử và tiểu thuyết
62. Đau thương A Tử
63. Huyền thoại Nhạc Linh San
64. Ba người ngu nhất thiên hạ
65. Khang Hy
66. Thử bình bầu chín vị anh hùng
67. Ỷ thiên Đồ long ký - Bài ca của chủ nghĩa yêu nước
68. Hiệp khách hành
69. Vấn đề pháp luật
70. Nhân vật Kim Dung đi tìm công lý
71. Những vụ án tình báo gián điệp
72. Các tôn giáo, bang hội
73. Bang giao Trung - Nga nhìn qua Lộc Đỉnh ký
74. Đào cốc lục tiên - Một luật sư đoàn ngộ nghĩnh
75. Vụ án "di hoa tiếp mộc" trong Lộc Đỉnh ký
76. Tố tụng hình sự theo luật giang hồ
77. Những vụ án oan
78. Tứ di
79. "Luật hôn nhân"
80. Thiên Long bát bộ và luật tục thảo nguyên
81. Bang giao Tống-Liêu nhìn qua Thiên Long bát bộ
82. Khi Vi Tiểu Bảo hình sự hóa quan hệ dân sự
83. Vi Tiểu Bảo phá án đua ngựa
84. Vụ án Vi Tiểu Bảo phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp
85. Bản luận tội Vi Tiểu Bảo
86. Bản luận tội Nhạc Bất Quần
87. Bản luận tội Nhất Đăng đại sư
88. Báo cáo về việc đình chỉ điều tra vụ án Tiểu Long Nữ
89. Kết luận điều tra về hành vi phạm tội của Chu Chỉ Nhược
90. Yếu tố bằng chứng trong truyện võ hiệp Kim Dung
91. Những phiên tòa trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 07-11-2006, 06:57 PM   #2
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: Kim Dung giữa đời tôi

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

VŨ ĐỨC SAO BIỂN


Khái quát phong cách xây dựng nhân vật



Trong những năm trước 1975 tại miền Nam người đọc xem Kim Dung tiên sinh, tiểu thuyết gia Hongkong, là một nhà văn lớn. Những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của ông, được đăng báo dưới dạng feuilleton hoặc in thành sách, đã hấp dẫn hàng triệu người đọc Việt Nam. Văn của ông đã được truyển trạch để đưa vào giáo trình văn cấp trung học và đại học tại Đài Loan, Hongkong và Hoa Lục. Và ngay trong lòng nước Mỹ, người Hoa đã lập ra “Kim Dung học hội”, chuyên nghiên cứu, giới thiệu và dịch những tác phẩm của ông ra tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha....Điều mà người ta dễ nhận ra nhất là bút lực của Kim Dung rất hùng hậu. Mỗi tác phẩm là một bộ (thường trên 10 quyển, trung bình khỏang 500, 600 trang một quyển). Chúng tôi chỉ xin giới thiệu đầu tiên một khía cạnh trong kỹ thuật tiểu thuyết của ông: phong cách xây dựng nhân vật.



Trước năm 1975, sách Kim Dung được in gồm:



1. Thư kiếm ân cừu lục
2. Bích huyết kiếm
3. Xạ điêu anh hùng truyện
4. Thần điêu hiệp lữ
5. Tuyết Sơn phi hồ
6. Phi hồ ngoại truyện (Lãnh nguyệt bảo đao)
7. Ỷ thiên Đồ long ký
8. Liên thành quyết (Tố tâm kiếm)
9. Thiên Long bát bộ (Lục mạch thần kiếm truyện)
10. Hiệp khách hành
11. Tiếu ngạo giang hồ
12. Lộc Đỉnh ký



Một điều cần lưu ý là nếu chúng ta phân biệt rõ 4 khái niệm: Truyện (tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu), Ký (tác phẩm văn xuôi viết về người thật, việc thật) và Lục (cuốn sách) thì Kim Dung sử dụng 3 khái niệm đó với một ý nghĩa duy nhất để chỉ các bộ tiều thuyết võ hiệp của ông.



Khuynh hướng của Kim Dung là thường đặt những cuốn tiểu thuyết của mình vào những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Trung Quốc. Bộ Thiên Long bát bộ được đặt và khung cảnh lịch sử triều Tống (1127-1279) với sự tương tranh, tương giao của 6 thế lực phong kiến: Tống, Đại Lý, Khiết Đan (Liêu), Tây Hạ, Thổ Phồn và Yên (Tiên Ti, đã suy tàn). Bộ Lộc Đỉnh ký được đặt vào khung cảnh lịch sử triều Khang Hy (1662-1722) nhà Thanh, khi mà các thế lực chống Thanh như Đường Vương, Quế Vương, Lỗ Vương và Thiên Địa hội hoạt động mạnh... Chính vì thế, trong tiều thuyết của ông, có những nhân vật lịch sử như Triệu Hú (Tống Triết Tông), Gia Luật Hồng Cơ (hoàng đế Đại Liêu), Đoàn Chính Minh (hoàng đế Đại Lý), Khang Hy (hoàng đế Thanh), Trần Vĩnh Hoa (Trần Cận Nam, tổng đường chủ Thiên Địa hội)... Bên cạnh đó là nhưng nhân vật thuần túy hư cấu, thường là nhân vật chính của tiều thuyết... Trong Thiên Long bát bộ, đó là Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc, Du Thản Chi, Đinh Xuân Thu...Trong Lộc Đỉnh ký, đó là Vi Tiểu Bảo. Những nhân vật tiểu thuyết của ông kết hợp với nhân vật lịch sử tạo thành một phong cách tiều thuyết hư hư, thực thực. Phong cách này khá đậm nét khi ông xây dựng cặp nhân vật Khang Hy-Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký. Từ 1 thằng bé lưu manh trong động điếm Lệ Xuân viện thành Dương Châu, Vi Tiểu Bảo đã bị hoàn cảnh đẩy đưa lên Bắc Kinh giả làm thái giám rồi thân cận với vua Khang Hy, gia nhập Thiên Địa hội làm một thứ gián điệp hai mang, trờ thành công tước triều Thanh, nhận nhiệm vụ ký hoà ước lịch sử Hắc Long giang 1684 với Phí Diêu Đa La (Féodore) của Nga Ta Lư! Tác giả có ghi chú rõ về chuyện hư cấu của mình nhưng điều ấy vẫn không làm giảm đi sự thú vị trong lòng người đọc.



Một cách khái quát, nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung thường được chi làm 2 tuyến: chính phái (hay bạch đạo) và tà phái (hay hắc đạo). Tuy nhiên, trong tác phẩm Kim Dung không hề rơi vào chủ nghĩa công thức: những kẻ mà ông xếp vào hàng tà thường là những chính nhân quân tử, những kẻ mà ông giới thiệu như là chính nhân quân tử là là kẻ chẳng ra gì. Bất kỳ người Trung Quốc nào cũng gọi Minh giáo (tức Bái hỏa giáo) từ Ba Tư truyền sang là tà đạo. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung đã chứng minh ngược lại: Minh giáo là một chính giáo, nồng nàn tình cảm yêu nước, xả thân để cứu trăm họ ra khỏi ách thống trị của Mông Cổ. Những Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu, Phạm Dao, Hân Thiên Chính... là những con người quang minh lỗi lạc, hành sự trong sáng, sống rất người. Và chính nghĩa thuộc về họ, chứ không phải thuộc về nhân vật Chu Nguyên Chương, vốn đầy thủ đoạn chính trị, đã cướp công Minh giáo để lên ngôi mở ra nhà Minh. Còn có ai đẹp hơn Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn trong Tiếu ngạo giang hồ? Thế nhưng từ cuốn 9 trở đi, Nhạc Bất Quần dần dần hiện nguyên hình là một kẻ độc ác; dùng con gái làm bậc thang để leo lên, giết cả rể, lừa vợ, giết học trò, quyết chiếm được ngôi MInh chủ Ngũ Nhạc phái, tự thiến để trở thành kẻ lại cái. Nguỵ quân tử vẫn nguy hiểm hơn chân tiểu nhân!



Những nhân vật chính trong tác phẩm của Kim Dung thường là những con người bao dung, đôn hậu, không hủ nho, câu nệ, không làm bộ làm tịch. Đó là Kiều Phong tự tử ngoài Nhạn Môn quan để mưu cầu hòa bình cho trăm họ Tống-Liêu. Đó là tiểu anh hùng Hồ Phỉ (Phi hồ ngoại truyện) tìm ra kẻ thủ giết cha mà vẫn không xuống tay hạ sát. Đó là Quách Tĩnh (Xạ điêu anh hùng truyện) liều chết để giữ thành Tương Dương, là Thạch Phá Thiên chỉ biết sống thuần phác khôn hề hại ai... Họ chính là mẫu “người hùng” lý tưởng theo nhận thức đạo đức Trung Hoa.



Chúng ta không nắm rõ lắm về thân thế Kim Dung. Nhưng truyện của ông thường danh tình cảm cho những con người xuất thân rất tầm thường, những đứa bé mồ côi không cha mẹ hoặc không biết ai là cha mẹ. Lệnh Hồ Xung, Hồ Phỉ, Thạch Phá Thiên, Trương Vô Kỵ, Dương Qua...là những chàng trai, những cậu bé như vậy. Đời đã dạy họ cách sống và vốn sống. Và họ đã thành người, những con người rất trung thực, đạo đức.



Kim Dung đặt tên cho những nhân vật mình rất hay. Có những nhân vật mà cái tên biểu hiện đầy đủ tính cách của mình: Nhậm Ngã Hành (chỉ làm theo ý mình), Nhạc Bất Quần (không chơi với ai) nhưng lại có rất nhiều bạn bè. Thông thường, trước mỗi tên nhân vật, tác giả đặt cho một ngoại hiệu. Điều thú vị là loại nhân vật càng xoàng xĩnh thì ngoại hiệu càng “kêu”: Đoạn ngạc tam quyền, Đoạt mệnh tam quền, Nhất kiếm chấn Thiên Nam...Nhân vật có ngoại hiệu dài nhất là Giang dương đại đạo vạn lý độc hành thái hoa dâm tặc khoái đao Điền Bá Quang (tướng cưới đường sông biển, tên dâm tặc chuyên hãm hiếp phụ nữ, ngàn dặm đi một mình, đánh đao rất nhanh) và Đả biến thiên hạ vô địch thủ kim diện Phật Miêu Nhân Phượng (đánh khắp thiên hạ không ai địch nổi, Phật mặt vàng). Có ngoại hiệu làm cho người đọc nhận lầm là 3 nhân vậtt khác nhau như Côn Lôn tam thánh Hà Túc Đạo (Ỷ thiên Đồ long ký). Thực sự, “tam thánh” là lời người đời xưng tụng Hà Túc Đạo cầm thánh, kỳ thánh, kiếm thánh chứ không phải là “3 ông thánh”. Có những nhân vật thoạt đọc ngoại hiệu cứ tưởng là một người hoá ra 2 như Hoàng Hà Lão Tổ (Lão Đầu Tử và Tổ Thiên Thu sống trên sông Hoàng Hà - Tiếu ngạo giang hồ). Những nhân vật chính, siêu việt thuờng không có ngoại hiệu hoặc ngoại hiệu rất ngắn : Kiều Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự, Bắc cái Hồng Thất... Ngay cách đặt tên nhân vật cũng đã nói lên tài năng của Kim Dung. Đây cũng là chỗ giúp người đọc phân biệt truyệt thật của Kim Dung và những nguỵ tác.



Truyện của Kim Dung thường có những nhân vật quái dị, mỗi nhân vật mang một phong cách riêng, không giống ai. Đó là Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh (Tiếu ngạo giang hồ), chưởng môn phái Hành Sơn, vẫn ăn mặc rách rưới, giấu thanh kiếmỏng như lá lúa trong cây đàn; là Đoàn Dự, Du Thản Chi (Thiên Long bát bộ) suốt đời si tình, chạy theo nhan sắc; là Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh ký) lưu manh nhưng chẳng bao giờ cần che giấu tính lưu manh... Loại nhân vật này tiều biểu cho quan điểm “hoà nhi bất đồng” (có hòa mình vẫn không giống được) của Nho giáo. Những nhân vật của ông sống với cả tính cách, đặc điểm của mình. Họ có thể sống rất tố, cũng có thể rất xấu những mỗi con người như vậy - dù chỉ xuất hiện trong một đọan ngắn ngủi - vẫn để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Điều ấy đã bao nhiều nhà văn làm được.



Kim Dung sử dụng phong cách xây dựng nhân vật như một cách đánh lừa độc giả và gây cho độc giả sự thú vị khi được “bị lừa” như vậy. Mở đầu Tiếu ngạo giang hồ là hình ảnh tốt đẹp của Lâm Bình Chi. Sau đó, Lâm Bình Chi bị lâm nạn nhà tan, người chết, phải lưu lạc tha hương. Ai cũng nghĩ Lâm Bình Chi là nhân vật trung tâm, con người chính nân quân tử. Nhưng không! Đọc hết bộ sách chúng ta mới thấy cái rởm đời của Lâm Bình Chi, cái chân thật của Lệnh Hồ Xung. Hạnh phúc thuộc về những con người chân thật. Đọc Hiệp khách hành, ta cứ ngỡ Thạch Phá Thiên là một tên tiểu ma đầu tàn bạo, dâm ác, lừa lọc. Nhưng không, cậu chỉ có một cái tội: giống hệt người anh ruột tàn ác, dâm đãng Thạch Trung Ngọc. Chỉ có đôi mắt trẻ thơ của A Tú mới nhìn ra được chỗ khác biệt tốt đẹp đó, điều mà tất cả mọi người lớn không nhìn ra. Và cuối cùng, Thách Phá Thiên đã tìm ra được pho võ công thượng thặng ẩn trong bài thơ Hiệp khách hành của Thi tiên Lý Bạch, không phải do nghiên cứu được ý nghĩa của bài hành, mà nhờ chỉ nhìn nét viết (vì cậu không biết chữ). Kim Dung muốn chứng mình một điều: cái chân thật, cái dốt nát vẫn thắng được cái cơ tâm, cái hiểu biết rộng rãi nhất. Ai không thú vị với những định đề như vậy?



Sẽ rất thiếu sót nếu như chúng ta bỏ quên những nhân vật nữ trong tác phẩm Kim Dung. Tuy mang danh là truyện võ hiệp nhưhng tác phẩm Kim Dung thực chất là những tiều thuyết về tình yêu đôi lứa. Các nhân vật nữ của ông xuất thân trong xã hội phong kiến nhưng sống và yêu rất lãng mạn - tất nhiên trong sự cho phép của lễ giáo Trung Hoa. Đó là nhưng con người biết yêu say đắm và biết xả thân vì người yêu: Nhậm Doanh Doanh - Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Triệu Mẫn – Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên Đồ long ký), Viên Tử Y - Hồ Phỉ (Lãnh nguyệt bảo đao), A Tú - Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành), A Châu - Kiều Phong (Thiên Long bát bộ). Tuy nhiên trong mọi tình huống, họ vẫn giữ được tiết sạch giá trong của người phụ nữ phương Đông.



Nói như vậy, không có nghĩa là Kim Dung vẫn giữ nhân vật nữ của mình bo bo trong vòng tư duy cổ điển của lễ giáo Trung Hoa. Không, ông đã tạo ra những tình huống có vấn đề: Kỷ Hiểu Phù đã hứa hôn với Hân Lợi Hanh nhưng lại thất thân với Dương Tiêu, sinh ra đứa con gái và đặt tên là Bất Hối (không hối hận) (Ỷ thiên Đồ long ký). Tiểu Long Nữ là sư phụ, đã bị kẻ khác cưỡng dâm nnhưng vẫn yêu say đắm đồ đệ của mình là Dương Qua (Thiền điêu hiệp lữ). Những nhân vật nữ của ông biết đánh kiếm, đánh chưởng, ám khí, ghen tuông, giận hờn, đau xót vì chia ly. Họ có một vẻ đẹp riêng từ ngoại hình đến tâm hồn, rất lý tưởng, nhưng cũng rất thật.



Cũng có thể nói Kim Dung là nhà văn lớn phương Đông thế kỷ XX. Về mặt trước tác, tác phẩm của ông đồ sộ hơn bất cứ nhà văn nào khác. Bút pháp của ông lôi cuốn, hấp dẫn người đọc một cách lạ lùng. Và hệ thống kiến thức của ông từ y học đấn địa lý, lịch sử, võ thuật, tâm lý, bệnh học, tôn giáo... hoàn chỉnh một cách vô song. Tiếc thay một nhà văn như vậy là chưa có tên trong những nhà văn được nhận giải Nobel văn học. Nhưng dù gì đi nữa, những nhà văn khác cũng đã học tập được từ Kim Dung nhiều kinh nghiệm tiểu thuyết. Ông xứng đáng là nhà văn bậc thầy của những bậc thầy trong thế kỷ chúng ta.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 07-11-2006, 06:59 PM   #3
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: Kim Dung giữa đời tôi

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

VŨ ĐỨC SAO BIỂN


2. Võ công



C ác nhân vật trong tác phẩm của Kim Dung hợp lại thành một giới - giới võ lâm – và đương nhiên, sinh hoạt của họ là sự thể hiện võ công để giết người, mưu đồ địa vị quyền lực; võ công để cứu người, trừ gian diệt bạo, biểu dương cái lẽ công bằng ở đời. Nói đến những nhân vật của Kim Dung, không thể không nói đến võ công.



Một cách khái quát, Kim Dung đã đặt vào cho những nhân vật của mình những loại hình võ công (hay công phu, kungfu) mà họ cần phải có. Các loại hình võ công bao gồm chưởng pháp (phép đánh bằng tay), quyền pháp (phép đánh bằng nắm tay), chỉ pháp (phép đánh bằng ngón tay), cầm nã thủ pháp (phép đánh bằng câu, bắt, móc, giật) trảo pháp (phép chụp bằng ngón tay), cước pháp (phép đá), bộ pháp (phép di chuyển), khinh công (phép đi nhanh). Nếu các nhân vật của ông chuyên sử dụng vũ khí thì mỗi loại vũ khí được kết hợp với một pháp để hình thành võ công riêng cho họ (đao pháp, thương pháp, kiếm pháp, trượng pháp, côn pháp... Đối với một số nhân vật đặc biệt, Kim Dung đã tạo ra cho họ những thứ võ công đặc biệt: thần công Sư tử hống (tiếng rống của sư tử) của Tạ Tốn (Ỷ thiên Đồ long ký), Hấp tinh đại pháp (phép hút kình lực và công lực kẻ khác làm công lực và kình lực của mình) của Nhậm Ngã Hành (Tiếu ngạo giang hồ), Nhiếp hồn đại pháp (phép thôi miên) của Đinh Xuân Thu (Thiên Long bát bộ)...



Kim Dung tạo ra cho nhân vật của mình những hoàn cảnh, những tình huống để họ thủ đắc võ công. Có những nhân vật không chịu học võ, suốt ngày chỉ lo học sách thành hiền, học kinh Phật như vương tử Đại Lý Đoàn Dự hay như nhà sư trẻ Hư Trúc cùng bị đẩy đưa vào hoàn cảnh phải học võ công để tự cứu mình và cứu người, trở thành bậc thượng thừa. Có kẻ say mê võ công, đi tìm suốt đời mà chẳng thấy. Con đường mà Kim Dung dẫn dắt những nhân vật trung tâm của mình đến với các thứ võ công không khỏi khiến cho người đọc cười thầm.



Nhân vật của Kim Dung thể hiện võ công qua kình lực. Đứng trên quan điểm triết học Trung Hoa, ông chia kình lực ra làm hai loại: dương cương và âm nhu. Dương cương là loại kình lực mãnh liệt, khi xuất chiêu phát ra tiếng động. Âm nhu là kình lực mềm mại, khi xuất chiêu không phát ra tiếng động. Hai loại kình lực đó loại nào cũng có thể giết người, làm tan bia vỡ đá! Ông lấy Nhu chế Cương, lấy Cương chế Nhu. Kẻ thắng cuộc là kẻ có công lực cao hơn. Căn cứ vào võ học Trung Hoa, Kim Dung để cho các nhân vật của mình thi triển võ công theo hai cách: trực tiếp và gián tiếp. trong cách đánh trực tiếp; chưởng, trảo, chỉ, quyền... phải đụng đến người địch thủ. trong cách đánh gián tiếp; chưởng, trảo, chỉ, quyền... không đụng đến người địch thủ, Kim Dung gọi đó là cách không. Cách không điểm huyệt chỉ pháp của Kiều Phong, Lục mạch thần kiếm của Đoàn Dự, Thất thương quyền của Tạ Tốn... đều có cái khả năng cách không này. Đặc biệt Kim Dung có đề cập đến Cách sơn đả ngưu thần công (thần công đánh con trâu cách trái núi). Trong Thiên Long bát bộ, ông đã để cho quốc sư nước Thổ Phồn dùng Tiểu Tu ni chưởng đánh vào đỉnh đồng bên này, đủnh đồng không phát ra tiếng động và vẫn lành lặn nhưng phía bên kia lại lủng. Cách diễn tả như vậy nghe hơi phi khoa học nhưng lại làm thoả mãn trí tưởng tượng vốn phong phú của con người.



Kim Dung đặt tên cho các loại võ công rất độc đáo và riêng trong khía cạnh này, ông cũng đã tự chứng mình được trình độ viết tiểu thuyết của mình. Một là – võ công thường gắn liều với nguồn gốc xuất thân. Thí dụ các nhà sư xuất thân từ phái Thiếu Lâm thì phài biết sử La Hán quyền, Niêm hoa chỉ, Thiếu Lâm trường quyền, Di Đà chưởng, Giáng ma trượng... Ai xuất thân từ đạo gia Võ Đang thì có Thái cực quyền, Võ Đang miên chưởng. Hư Trúc học được võ công của phái Thiên Sơn thì võ công đó được gọi là Thiên Sơn lục dương chưởng, Thiên Sơn lục dương chỉ, Thiên Sơn chiết mai thủ... Hai là – tên của võ công thường gắn liền với những chiêu thức, đòn thế của môn võ công ấy. trong tinh thần này, người đọc tìm thấy Hàng long thập bát chưởng (18 chưởng hạ rồng), Liên hoàn thập tam cước (13 thế đá liền nhau), Độc Cô cửu kiếm (9 thế kiếm của Độc Cô Cầu Bại). Ba là – tên của môn võ công thường gắn liền với sinh hoạt, đặc điểm của động vật. Trong tinh thần này, ta thường gặp trong tác phẩm của Kim Dung những Xà quyền (rắn), Đại Thánh quyền (khỉ), Áp hình công (vịt), Hàm mô công (ếch), Ưng trảo công (chim ưng), Kê trảo công (gà). Ngay cả đến con rồng - một động vật trong linh thoại cổ Trung Hoa – cũng có công phu: Long trảo công. Bốn là – tên của võ công gắn liền với tính chất, hậu quả khi sử dụng võ công đó. Trong tinh thần này, ta thường gặp Tam tiếu tiêu dao tán (thuốc bột làm người ta cười 3 lần trước khi chết), Thất thương quyền (loại quyền pháp muốn luyện được phải bị 7 thứ nội thương trong phủ tạng), Hoá thi phấn (loại thuốc bột làm tan xác chết ra nước)...



Kim Dung có một bề dày kiến thức về y học cổ Trung Hoa. Một cố nhân vật của ông trường vừa giỏi võ công, vừa tinh thâm y thuật, phối hợp y thuật với võ công hoặc để cứu người, hoặc để chế ngự người. Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta bắt gặp nhân vật Sát nhân danh y bình Nhứt Chỉ, cứu người chỉ cần một ngón tay và giết người cũng chỉ cần một ngón tay. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, ta gặp Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu và sau đó là Trương Vô Kỵ, giỏi về chữa thương, phục hồi kỳ kinh bát mạch. Thuốc độc và phóng độc cũng là một loại võ công. Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta gặp Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam. Trong Phi hồ ngoại truyện, ta gặp Độc thủ dược vương chuyên đánh thuốc độc.



Cũng theo Kim Dung, âm nhạc cũng là một dạng võ công có thể chế ngự địch thủ. Một số nhân vật của ông như Côn Lôn tam thánh Hà Túc Đạo (Ỷ thiên Đồ long ký), Cầm điên Khang Quảng Lăng (Thiên Long bát bộ), Nhậm Doanh Doanh và Lưu Chính Phong (Tiếu ngạo giang hồ)... đã dùng tiếng đàn, tiếng sáo, hoặc để chữa thương, hoặc để khắc chế địch thủ. Đoạn cảm động nhất là đoạn Doanh Doanh đàn khúc Thanh tâm phổ thiện trú để xoa dịu thần kinh cho Lệnh Hồ Xung khi chàng trai này bị trọng thương.



Viết về võ công nên kiến thức võ học của Kim Dung rất uyên bác. Ông Yên Thị Đồ Cẩu Khách trên tờ Tân Họa báo cho biết rằng Kim Dung thường tham khảo ý kiến của các võ sư về đòn thế, về cách xuất chiêu, nhả kình lực của từng thế võ. Ông dung hợp võ công với y học Trung Hoa, tạo cho người đọc sự thú vị tuyệt vời, điều mà những tác giả truyện võ hiệp khác chưa làm được. Đặc biệt, khi viết về những võ công của các bang hội, giáo phái khác ngoài lãnh thổ Trung Quốc, kiến thức võ học của ông đã được thực hiện rất tinh tường. Đại thi hào Ba Tư Omar Khayan đã ghi nhận võ công Bái hỏa giáo (Minh giáo) Ba Tư được ghi lại trên 8 tấm thẻ Thánh hỏa lệnh và tâm pháp thì được ghi lại trên những tấm da dê. Kim Dung nghiên cứu đoạn kinh mở đầu của Bái hỏa giáo Ba Tư, đã dung hợp ý kiến của Omar Khayan để xây dựng nên những đoạn mô tả về sinh hoạt của Minh giáo Trung Hoa (Ỷ thiên Đồ long ký).



Một điều cần chú ý là Kim Dung không lạm dụng khuynh hướng đa sát trong tiểu thuyết võ hiệp, điều mà ta thường gặp trong các loại phim cao bồi Viễn Tây (Mỹ) và phim chưởng Hongkong cũng như ở một số tiểu thuyết gia khác viết truyện võ hiệp. Trong 12 bộ tiểu thuyết, Kim Dung có mô tả 2 trận đa sát: một là đoạn Kiều Phong bị quần hùng Trung Nguyên vây hãm ở Tụ hiền trang (Thiên Long bát bộ), hai là đoạn phái Tung Sơn bịt mặt giả làm người của Ma giáo vây hãm phái Hằng Sơn ở Long Tuyền (Tiếu ngạo giang hồ). Chữ Nhân của đạo Khổng đã được ông tôn trọng một cách hết sức nghiêm túc đúng như quan niệm của Khổng Tử: “Nhân giả nhân dã” (Đạo nhân là đạo của con người vây). Đọc văn của ông, người ta chỉ thấy cái thiện chế ngự cái ác, cái chính nghĩa thắng cái gian tà và tinh thần nhân đạo được đề cao triệt để. Những nhân vật bình thường nhất cũng biết tha thứ cho kẻ thù, cũng nói được “Oán thù nên giải chứ không nên kết” hoặc “Hồi đầu thị ngạn” (Quay đầu là bờ)... Và họ đã tha thứ cho nhau. Những nhân vật ma đầu, đầy mình tội lỗi như Đinh Xuân Thu, Du Thản Chi, Lâm Bình Chi, Thạch Trung Ngọc,... cuối cùng rồi cũng chỉ bị phế võ công, đưa cho những người nhân hậu quản chế để khỏi đi gieo rắc cái ác. Không có ai bị giết, bị hành hạ, bị trả thù đau đớn.



Tất cả nỗ lực của Kim Dung nhằm mình họa một nguyên tắc lớn: chữ Võ không bằng chữ Hiệp. Các nhân vật chính phái của ông hành hiệp cứu đời, xả thân vì cuộc sống, cứu vớt kẻ trầm luân, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ hòa bình hạnh phúc cho trăm họ. Họ không mưu cầu lợi danh, địa vị cho riêng mình. Đoạn tiêu biểu nhất cho cái Hiệp trong tác phẩm Kim Dung là đoạn Trương Vô Kỵ, giáo chủ Minh giáo, chỉ huy các lực lượng kháng Nguyên, bị một thuộc tướng của mình là Chu Nguyên Chương đánh thuốc mê và bắt giam. Chu Nguyên Chương có tham vọng lên ngôi thống lãnh. Trương Vô Kỵ có thể giết Chu Nguyên Chương chỉ với một ngón tay, nhưng đã không làm điều đó. Anh đã lặng lẽ bỏ ra đi để được suốt đời ngồi vẽ lông mày cho người yêu là Triệu Minh. Chu Nguyên Chương kháng chiến chống quân Nguyên thành công lên ngôi cửu ngũ, mở ra nhà Minh, truyền được 263 năm (1380-1643).



Cái mà người ta tìm được trong tác phẩm Kim Dung chính là lòng nhân ái. Lòng nhân ái đó đặt trên cơ sở của tư tưởng Khồng giáo, Phật giáo, Đạo giáo phương Đông. Trong khi các nhân vật của ông sử dụng võ công để đánh nhau, họ vẫn tôn trọng lòng nhân ái mà “hạ thủ lưu tình” (xuống tay nhưng vẫn giữ được tình người). Hai kẻ thù đánh nhau, đến khi chia tay vẫn có thể nói được lời từ biệt: “Non xanh trơ đó, nước biếc còn đây, còn ngày gặp gỡ.” Chiêu thức nào có tên gọi độc ác quá, được đổi tên ngay: Thế Lưỡng bại câu thương (đôi bên cùng chết) của phái Võ Đang được đổi tên thành Thiên địa đồng thọ (đất trời cùng tồn tại) và được khuyến khích không đem ra sử dụng. Võ công làm nên tiểu thuyết võ hiệp nhưng không quyết định nội dung tiểu thuyết võ hiệp. Cái quyết định chính là chữ Hiệp, đứng sau chữ Võ.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến myhanh vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (15-11-2014)
Old 07-11-2006, 07:01 PM   #4
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: Kim Dung giữa đời tôi

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

VŨ ĐỨC SAO BIỂN


3. Rượu



C ũng như nhiều dân tộc khác ở vào vùng khí hậu lạnh, dân tộc trung Hoa thường thích rượu. Khái niệm rượu đã được người xưa kết hợp với khái niệm lễ, không có rượu không thành lễ nghi (vô tửu bất thành lễ). Rược là thức uống kích thích niềm sảng khoái, được dùng trong y dược Trung Hoa như một chất xúc tác. Thời Tam Hoàng, Ngũ Đế đã có những bài thuốc ngâm rượu, những cách xông hơi rượu ra đời. Trong những tác phẩm võ hiệp tiêu biểu của Kim Dung, rượu luôn luôn có mặt, dàn trải khắp cả câu chuyện.



Chắc hẳn những bạn đọc tác phẩm Kim Dung đều đồng ý rằng đoạn tửu luận của Tổ Thiên Thu trong Tiếu ngạo giang hồ là đoạn gây sảng khoái nhất. Với đoạn văn này, Kim Dung đã nâng nghệ thuật uống rượu lên thành một thứ đạo: tửu đạo - và với cách diễn đạt tài tình, dàn cảnh oái ăm, Kim Dung đã thực sự cuốn hút người đọc. Tổ Thiên thu biết được Lệnh Hồ Xung, người yêu của Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, đang bị bệnh mất hết công lực. Anh ta bèn ăn cắp Tục mệnh bát hoàn (8 viên thuốc duy trì mạng sống) của một người bạn thân là Lão Đầu Tử, hòa vào rượu để dẫn dụ cho Lệnh Hồ Xung uống. Nguyên Lão Đầu Tử đã bỏ ra 18 năm để ăn cắp những kỳ trân, dược vật trên thế gian, chế ra 8 hoàn thuốc thuần âm, chữa trị chứng "Tiên thiên bất túc" (một dạng suy dinh dưỡng) cho con gái mình là Tiểu Di. Trong khi đó, bệnh của Lệnh Hồ Xung thuộc trạng thái khí âm hàn. Cho nên, đem thuốc thuần âm cho kẻ dư khí âm hàn uống khác nào sông Trường Giang nước đã đầy, lại được tháo nước hồ Bàn Dương, hồ Động Đình đưa vào cho nước thêm đầy lên, hóa ra càng thêm hại.



Tổ Thiên Thu biết Lệnh Hồ Xung là người khảng khái, không chịu uống thuốc ăn cắp nên y bày đặt ra chuyện tửu luận, kích thích tinh thần Lệnh Hồ Xung. Theo y, bậc danh sĩ phải biết uống từng thứ rượu với từng thứ chung riêng: rượu Bồ đào uống chung Dạ quang; rượu Trúc diệp thanh phải uống chén Dương chi bạch ngọc mà phải Dương chi bạch ngọc đời Bắc Tống; rượu trắng phải uống trong sừng trâu, lấy mùi tanh của sừng chế ngự mùi men nồng của rượu; rượu Bách thảo mỹ tửu được chế với 100 thứ hoa cỏ thơm, phải được uống với chung bằng trúc để thơm hơn...Y nói một hơi 8 thứ rượu và móc trong bọc ra 8 thứ chén, rót rượu vào mời Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung tức khí, nuốt sạch 8 chén rượu; có chén thum thủm mùi cá ươn, có chén cay sè, có chén rào rạt như ngàn dao đâm vào cổ họng...Thiện ý của Tổ Thiên Thu là cứu người, vì hắn dốt nát về y lý hóa ra làm hại người.



Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung xây dựng nhân vật Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử phái Hoa Sơn, là một chàng du tử lãng mạn, quý rượu hơn tính mạng mình. Đoạn buồn cười nhất là đoạn Lệnh Hồ Xung xin rượu Hầu nhi tửu của lão ăn xin dưới chân thành Hành Dương. Lệnh Hồ Xung chỉ xin uống một tợp và lão cũng chỉ đồng ý cho uống một tợp mà thôi. Nào ngờ, nghe hơi rượu ngon, Lệnh Hồ Xung đã vận hỗn nguyên khí công uống sạch bầu rượu. Lão ăn xin lăn đùng ra khóc vì tiếc bầu rượu. Lệnh Hồ Xung đành phải xin lỗi và mời lão vào tửu lâu, đãi lão một chầu tuý luý càn khôn.



Trong khi uống rượu, các nhân vật của Kim Dung thường thể hiện phẩm cách người đối ẩm với mình. Đoạn uống rượu đẹp nhất và khiến cho người đọc kinh ngạc nhất là đọan Điền Bá Quang mời rượu Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung bị sư phụ phạt giam trên đỉnh Ngọc Nữ Phong để ăn năn, sám hối. Biết bạn rất nhớ rượu, Điền Bá Quang đã vượt 5000 dặm về tới kinh đô Lạc Dương, vào trong Tuý tiên lâu, hoàng cung của vua Tống, ăn cắp 2 hũ Thiệu Hưng nữ nhi hồng. Thấy trong hầm rượu của hoàng cung còn đến mấy ngàn hũ Thiệu Hưng, Điền Bá Quang phóng cước đá bể tất cả để "bọn vua quan không còn được uống thứ rượu quý này nữa", vì trên đời này "chỉ còn Điền mỗ với Lệnh Hồ huynh đệ mới xứng đáng được uống nó mà thôi". Tuy nhiên, gánh 2 hũ rượu lên Ngọc Nữ Phong là chuyện dễ, mà được đối ẩm với Lệnh Hồ Xung là chuyện cực kỳ khó vì Điền Bá Quang vốn rất sợ sư phụ của Lệnh Hồ Xung là Nhạc Bất Quần. Hắn bèn nghĩ cách điệu hổ ly sơn làm Nhạc Bất Quần lầm mưu xuống núi đi tìm Điền Bá Quang. Thế là hắn ung dung lên Ngọc Nữ Phong đối ẩm với Lệnh Hồ Xung.



Nhà Nho có câu :"Bậc quân tử lấy văn kết bạn" (quân tử dĩ văn hội hữu). Kim Dung đã mượn chén rượu cho những nhân vật võ lâm của mình giao kết với nhau. Trong tình bạn hay trong tình yêu, chén rượu vẫn làm vai trò của cơ duyên hội ngộ.



Đọc Thiên Long bát bộ, ta thấy cuộc hội ngộ giữa Kiều Phong, bang chúa Cái Bang và Đoàn Dự, vương tử nước Đại Lý, là cuộc hội ngộ trong hương rượu nồng. Thoát ra khỏi cảnh giam cầm ở Thái Hồ, Đoàn Dự tìm đến một quán rượu ngoài thành Vô Tích thì bắt gặp :"Một đại hán mắt sáng như điện, trạc ngoài 30, thân thể cao lớn, mặc áo vải màu tro, phục sức sơ sài, mộc mạc" đang ngồi độc ẩm. Đoàn Dự nhận định :"Đây chắc chắn là hào khách của Yên, Triệu; Giang Nam quyết không thể có nhân vật thế này". Ngoại hình Kiều Phong đã khiến Đoàn Dự kính ngưỡng, bèn mời Kiều Phong uống rượu. Kiều Phong gọi tất cả 30 cân rượu (khoảng 18 lít) và đề nghị Đoàn Dự uống bằng bát lớn. Đoàn Dự nào biết uống rượu? Cho nên uống xong bát đầu tiên, anh đã muốn gục xuống tại chỗ; Kiều Phong chỉ nhìn anh mà tủm tỉm cười. Đến đây thì Kim Dung "cứu" nhân vật của mình. Vốn Đoàn Dự đã học được tuyệt kỹ Lục mạch thần kiếm, quy khí lực vào huyệt Đan điền rồi vận công phóng kiếm khí vô hình ra 6 ngón tay. Từ kiếm khí, Kim Dung cho phép nhân vật của mình phóng ra ...kiếm tửu. Đoàn Dự nạp hết số rượu vừa uống vào huyệt Đại truy, rồi dẫn rượu đi qua các huyệt Thiên tôn, Kiên chân, Tiểu hải, Chi chính, Dưỡng lão, Dương cốc, Hậu thoát và "phóng" rượu ra nơi ngón Thiếu trạch (ngón út). Anh ta cứ gác tay trái lên vách quán rượu, uống bao nhiêu vận nội lựcphóng rượu ra bấy nhiêu khiến Kiều Phong kinh hoàng, tưởng tửu lượng chàng thư sinh cao không kể xiết! Từ cuộc đấu rượu hi hữu đó, họ nhận ra phẩm chất của nhau và kết nghĩa anh em. Cuộc đối ẩm giữa Kiều Phong và Đoàn Dự làm cho người đọc vừa sảng khoái vừa buồn cười.



Rượu nối kết tình bạn và cũng chính rượu tạo ra hào khí. Trong Thiên Long bát bộ, có đoạn nhà sư Hư Trúc, cung chủ cung Linh Thứu, bái kết Kiều Phong làm đại ca trước mặt quần hùng Trung Nguyên khi Kiều Phong đang bị quần hùng vây hãm. Từ nước Khất Đan, Kiều Phong dẫn 18 tên lính trung thành gọi là Yên Vân thập bát kỵ, mang theo 36 da dê đựng rượu quay về chùa Thiếu Lâm, tỉnh Hồ Nam. Nơi đây, anh bị quần hùng vây hãm. Trong cảnh nguy nan, bỗng dưng Đoàn Dự xuất hiện. Hai anh em đang bưng rượu lên uống thì một nhà sư xấu xí trong đội ngũ chùa Thiếu Lâm chạy ra: "Đại ca với tam đệ uống rượu sao không gọi ta ?". Nhà sư đó là Hư Trúc. Hư Trúc đã kết nghĩa với Đoàn Dự nhưng chưa được bái kiến Kiều Phong. Mặc dù quy luật giới tửu (cấm rượu) của chùa Thiếu Lâm rất khắt khe nhưng khi đã thấy đại ca và tam đệ uống rượu để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu, Hư Trúc cũng nổi hào khí, muốn uống rượu trước mặt quần hùng để chia sẻ với hai người anh em những hoạn nạn sẽ xảy ra.



Và quả nhiên bầu rượu nghĩa tình đó đã làm nên đại sự. Kiều Phong chế ngự được kẻ đại ác Du Thản Chi, vươn tay xách cổ Cô Tô Mộ Dung Phục như người ta xách một con gà. Đoàn Dự sử dụng 6 thế Lục mạch thần kiếm đánh cho Mộ Dung Phục thất điên bát đảo, làm phơi bày toàn bộ âm mưu đen tối của nhà Mộ Dung. Hư Trúc vận Bắc minh chân khí, biến những giọt rượu của đại ca thành băng làm một thứ Sinh tử phù cấy vào người gã đại ác Đinh Xuân Thu, chế ngự và sanh cầm gã. Bọn Yên Vân thập bát kỵ, mỗi người một túi rượu, phanh cổ áo để lộ ra hình tượng con chó sói được xăm trên ngực của dân tộc Khất Đan, hú lên những tiếng hoang dã và ngửa cổ uống rượu, thể hiện quyết tâm cũng liều chết với chủ tướng Kiều Phong. Chưa có một đoạn nào trong tiểu thuyết cổ kim miêu tả hào khí của con người trước gian nan thử thách hay hơn đoạn của Kim Dung viết về cuộc hội ngộ của 3 anh em Kiều Phong – Hư Trúc – Đoàn Dự dưới chân núi Thiếu Thất.



Nhưng rượu trong tác phẩm võ hiệp của Kim Dung không chỉ uống trong lúc đoàn viên, mà còn được uống trong khi lâm biệt đầy máu và nước mắt. Như trong trận ác đấu của Kiều Phong tại Tụ hiền trang. Từ khi biết mình là người Khất Đan, Kiều Phong chỉ mong tìm về bên kia Nhạn môn quan để suốt đời săn chồn đuổi thỏ, tuyệt không dính dấp đến giới võ lâm Trung Quốc nữa. Nhưng hoàn cảnh đã bó buộc ông phải cứu lấy cô bé A Châu, và ông đã bế nàng tới Tụ hiền trang ra mắt Tiết Mộ Hoa, nhờ viên thần y này giúp đỡ. Hóa ra Kiều Phong đã tự dấn thân vào chốn hung hiểm: quần hùng Trung Nguyên đang họp nhau tại Tụ hiền Trang để bàn kế sách diệt ông, loài Liêu cẩu man rợ! Kiều Phong nhìn những kẻ đang vây hãm mình. Họ là những anh em ruột thịt của ông ngày trước ở Cái Bang, là những bạn bè tốt của ông thuộc các võ phái Trung Quốc, là những người mà ông cha bao giờ có ý niệm thù hằn, căm ghét. Nhưng cục diện ở Tụ hiền trang lúc đó là một mất một còn, là ta sống thì người chết. Kiều Phong đã đề nghị anh em Du Ký, Du Câu - chủ nhân Tụ hiền trang - cho xin mấy vò rượu lớn. Ông rót rượu ra bát lớn, mời anh em Cái bang uống trước để nói lời cuối cùng, dứt tình đoạn nghĩa. Ông uống rượu với bạn bè các môn phái mỗi người một bát. Có kẻ bưng tô rượu dứt tình với Kiều Phong mà nước mắt tuôn rơi. Rồi sau đó, Kiều Phong đại khai sát giới, tìm con đường sống riêng cho mình, chạy về bên kia ải Nhạn môn quan nghìn trùng xa cách.



Có trường hợp uống rượu tưởng như chia biệt lại hóa ra đoàn viên. Đó là trường hợp uống rượu kỳ cục của Cẩu Tạp Chủng (Thạch Phá Thiên), một thiếu niên ngây thơ, trong trắng trước hai ông anh kết nghĩa đầy mưu mô xảo quyệt là Trương Tam và Lý Tứ. Trương Tam, Lý Tứ thật ra chỉ là tên giả mạo; họ chính là hai sứ giả Thưởng Thiện và Phạt Ác của đảo Long Mộc ngoài biển Đông. Trương Tam, Lý Tứ cũng giả vờ kết nghĩa với Thạch Phá Thiên, cũng thề đồng sinh đồng tử, nhưng trong bụng hai lão chỉ muốn chàng thiếu niên này chết đi cho khuất mắt. Trương Tam có bầu rượu dương cương, Lý Tứ có bầu rượu âm nhu, mỗi lão tự uống bầu rượu của mình và lão này rất sợ bầu rượu của lão kia. Kết nghĩa xong, chàng thiếu niên Thạch Phá Thiên đề nghị... uống rượu. Thạch Phá Thiên ngây ngô, xin được uống hai thứ rượu trong dủ hai bầu. Trương Tam, Lý Tứ cả mừng vì đinh ninh thế nào thằng nhỏ này cũng chết tươi vì hai thứ rượu xung đột nhau. Một lần nữa, Kim Dung lại "cứu” nhân vật ngây thơ, trong trắng của mình. Thạch Phá Thiên đã từng ngộ kỳ duyên, con người chàng ta dung hòa được cả hai loại chất độc dương cương và âm nhu. Cho nên uống rượu xong, chẳng những chàng trai trẻ không chết mà công lực còn tăng tiến. Trương Tam, Lý Tứ hối hận và xấu hổ vô cùng. Từ tình bạn giả trá, họ đã đổi ra tình bạn chân thành. Cẩu Tạp Chủng trở thành người em tốt của Thưởng Thiện và Phạt Ác. Đó là chương uống rượu thú vị nhất trong toàn bộ bộ truyện Hiệp khách hành.



Rượu trong truyện võ hiệp Kim Dung còn làm nên tình yêu lứa đôi, giàu chất thơ lãng mạn. Có những lứa đôi gặp gỡ lần đầu tiên qua chén rượu và tình yêu bắt nguồn từ đó. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Trương Thúy Sơn làm quen với Hân Tố Tố qua chén rượu trên con thuyền nhỏ đậu giữa lòng Thái Hồ. Trương Vô Kỵ cũng gặp gỡ và yêu quận chúa Triệu Minh qua chén rượu. Đoạn giàu chất thơ nhất của Ỷ thiên Đồ long ký là đoạn Triệu Minh nhớ Vô Kỵ, tìm lên tửu lâu và ngồi đúng vào cái bàn mà hai người đã từng ngồi đối ẩm. Thiếu vắng Vô Kỵ, cô cũng gọi bình rượu, thức ăn, hai cái chén, hai đôi đũa, hai chung rượu. Cô rót rượu ra đủ hai chung, uống một chung và nước mắt rơi. Đúng lúc đó thì Trương Vô Kỵ xuất hiện. Và họ tìm lại được hơi ấm tình yêu trong chung rượu đối ẩm.



Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung thường đối ẩm với người yêu là Doanh Doanh. Một nhân vật khác, Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam, cũng rất say đắm Lệnh Hồ Xung. Cô mang vò rượu Ngũ độc mỹ tửu, trong đó có ngâm năm thứ trùng độc, từ Vân Nam đến Giang Nam để chữa bệnh cho Lệnh Hồ Xung. Cảm xúc tấm thịnh tình đó, Lệnh Hồ Xung đã uống rượu cho cô vui lòng. Tác giả Kim Dung đã để cho Lam Phượng Hoàng hôn Lệnh Hồ Xung trước mặt mọi người, kể cả sư phụ của Lệnh Hồ Xung là Nhạc Bất Quần. Trong con mắt của Lam Phượng Hoàng, kẻ biết uống rượu của cô mới là người tốt.



Trong Thiên Long bát bộ, mỗi khi trở về Nhạn môn quan, Kiều Phong nhớ A Châu là tìm đến chung rượu giải sầu. Đoạn đẹp nhất trong mối tình hai người là đoạn Kiều Phong ngồi nghe A Châu tâm sự: "Đại ca ơi, tiểu nữ nguyện suốt đời đi theo đại ca về Nhạn môn quan săn chồn đuổi thỏ, sống cuộc đời ung dung khoái lạc". Nghe cô bé tâm sự, Kiều Phong cao hứng. Trong cái quán nghèo ngoài biên giới không có một giọt rượu, ông cũng giả vờ nâng cái chén không lên, ngửa cổ ra như đang thực sự thưởng thức men rượu nồng.



Trong Thần điêu hiệp lữ, có cô bé Quách Tương, 16 tuổi, say mê người anh họ mình là Thần điêu đại hiệp Duơng Qua. Mặc dù Dương Qua chạy theo hình bóng của sư phụ là Tiểu Long Nữ, không nghĩ đến mối tình si của Quách Tương, Quách Tương vẫn vượt ngàn dặm ra đi tìm anh. Trong túi hành trang của cô bé, luôn luôn có một bầu rượu. Cô chỉ có mỗi ước mong: cùng Dương Qua đối ẩm. Nhưng ước mong đó không bao giờ thành hiện thực. Quách Tương lên núi đi tu, trở thành sư tổ phái Nga Mi.



Những lứa đôi yêu nhau của tác phẩm Kim Dung uống rượu như ta uống cà phê. Họ gặp nhau là mời nhau chén rượu, trang trọng, cung kính. Không có ai uống rượu đến nỗi quần áo xốc xếch, ong bớm lả lơi. Chén rượu trong tình yêu của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mang theo tính cách đạo đức mặc dù khung cảnh uống rượu lãng mạn vô kể: uống trong quán khuya vắng người, uống trong căn phòng chỉ có hai người, giữa đêm mùa dông tuyết rơi lả tả; uống trên con thuyền nhỏ chơi vơi giữa đêm trăng trên dòng Trường Giang mông mênh.



Nhân vật Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn trong Tiếu ngạo giang hồ luôn luôn gắn liền tâm hồn mình với chén rượu. Kim Dung mô tả Mạc Đại :"Tướng mạo tiên sinh điêu linh cổ quái, lúc nào cũng như ba phần tỉnh, bảy phần say". Mạc Đại có cây dao cầm rất cũ kỹ, trong cây dao cầm lại giắt một lưỡi kiếm mỏng như lá lúa. Tiên sinh xuất hiện dưới chân núi Hành Sơn, trong quán rượu đầy ấn tượng. Quần hùng gồm 7 gã, uống 7 chung trà, đang ngồi nghị luận rằng võ công Mạc Đại còn kém thua sư đệ mình là Lưu Chính Phong vì Lưu Chính Phong đánh ra một đường kiếm là đứt đầu 5 con chim nhạn. Lúc đang nói chuyện cao hứng thì một ông già gầy gò đi đến, nghẹo cổ nhìn các hán tử và bảo: "Các người nói thúi lắm!". Rồi bỗng dưng, các gã hán tử chỉ thấy trước mắt hoa lên một cái như có một luồng ánh sáng lấp lánh. Ông già gầy gò bỏ đi, tiếng đàn tình tang xa dần. Một cơn gió nhẹ thổi qua trên bàn ruợu, 7 cái miệng chén bị cắt đứt lìa lần lượt rơi xuống mặt bàn, vỡ tan. Hóa ra kẻ lam lũ ấy là Mạc Đại tiên sinh. Ông già say ấy rút kiếm khi nào, chém 7 miệng chén khi nào, đút kiếm vào đáy cây dao cầm khi nào, không ai nhìn rõ được. Chỉ với một đường kiếm tiện đứt 7 miệng chung thì 7 đầu chim nhạn phỏng có là bao! Rõ ràng, trong đoạn này có hai thứ: một thứ trà sinh nói bậy của 7 hán tử và một thứ rượu cực kỳ tỉnh táo của Mạc Đại tiên sinh.



Rượu trong truyện võ hiệp của Kim Dung cũng biến thành một thứ võ khí. Trong Thiên Long bát bộ, bọn Dư Bà Bà của cung Linh Thứu tung bì rượu lên thành thế Mãn thiên hoa vũ (mưa hoa đầy trời) cho chủ nhân mình là Hư Trúc dùng Bắc minh chân khí hóa rượu thành băng, khống chế địch thủ. Rượu được dùng để pha độc được, trừng trị những anh háo sắc. Vợ của Mã Đại Nguyên là Ôn Thị tư tình với Đoàn Chính Thuần, em ruột nhà vua nước Đại Lý. Giận Chính Thuần lòng dạ lang chạ, Ôn Thị đã pha bình Mê xuân tửu dụ cho Đoàn Chính Thuần uống, rồi trói lại và bắt đầu... cắn từng miếng thịt của Đoàn Chính Thuần để trả thù. Trong Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo đã biết dùng Mê xuân tửu từ thuở bé. Mẹ của y là Vi Xuân Hoa, làm điếm trong thành Dương Châu đã từng pha thuốc mê vào rượu cho bọn làng chơi uống, để trấn lột tiền tài vật dụng. Đắc thủ được bài học lưu manh đó khi làm quan lớn ở Bắc Kinh, Vi Tiểu Bảo cũng pha chế những bình Mê xuân tửu để hãm hại, vu cáo những kẻ thù của mình. Từ rượu độc, Vi Tiểu Bảo nghĩ ra những trò đầu độc khác tệ hại hơn và tất nhiên mực độ lưu manh hạ cấp cao hơn.



Rượu trợ lực cho những màn tác oai, tác quái của bọn quan lại triều Thanh. Để hành hạ Trịnh Khắc Sảng, kẻ tình địch ngày trước của mình, Vi Tiểu Bảo đã cho tiền để bọn thị vệ dưới quyền uống rượu thoải mái. Uống xong, chúng kéo qua tư dinh Trịnh Khắc Sảng, đòi nợ cho "công tước" Vi Tiểu Bảo. Chúng đập phá nhà cửa, tài sản, lăng nhục Trịnh Khắc Sảng và vợ con, bắt cóc, giết người rồi vu cáo...



Đọc tác phẩm Kim Dung, ta biết được người Trung Quốc có nhiều thứ rượu danh tiếng: Thiệu Hưng Nữ nhi hồng, Thiệu Hưng Trạng nguyên hồng, Trúc diệp thanh, Mai quế lộ, Bách thảo tửu, Biên tái tửu, Hầu nhi tửu, Bồ đào tửu, Ngũ gia bì, Kim tước tửu... Đọc Kim Dung, ta mới biết được phong cách uống rượu của người Trung Quốc: rượu thường được hâm nóng trước khi uống, nhất là vào mùa đông. Thỉnh thoảng, trong vài tình huống đặc biệt, khi công nghiệp làm nước đá chưa ra đời, tác giả đã để cho nhân vật mình làm ra băng để uống rượu. Trong Tiếu ngạo giang hồ, có đoạn Lệnh Hồ Xung cùng Hướng Vấn Thiên tìm về Cô Mai sơn trang ở Giang Nam gặp gỡ Giang Nam tứ hữu. Để mời rượu Lệnh Hồ Xung giữa mùa hè nóng bức, Đan Thanh tiên sinh đã nhờ anh mình là Hắc Bạch Tử dùng Hàn băng chưởng hóa nước thành ra nước đá ướp lạnh rượu bồ đào Thổ Lỗ Phồn!



Đọc Kim Dung, ta mới biết được những cách uống rượu khác nhau. Đối ẩm là hai người uống, thường là tình nhân hoặc bạn hữu thân thiết. Độc ẩm là uống một mình, trong lòng đang lo nghĩ hoặc tưởng nhớ. Cộng ẩm hay Quần ẩm là một nhóm người cùng uống với nhau. Loạn ẩm là một đám đông cùng uống. Trong Tiếu ngạo giang hồ, đoạn loạn ẩm hay nhất là đoạn bọn tà ma ngoại đạo thết tiệc Lệnh Hồ Xung để lấy lòng Thánh cô Doanh Doanh. Thương nhau, quý nhau, người ta mới tặng rượu. Quần hào Cái bang Trung Quốc, tuy là đi ăn mày, đáng lẽ chỉ xin cơm, thì người ta còn xin cả rượu nữa.



Chén rượu của Kim Dung đã làm cho những nhân vật của ông nổi tiếng. Hồng Thất Công nổi tiếng chuyên uống rượu với thịt chó. Kiều Phong nhờ rượu mới phát huy được thần oai, càng uống càng mạnh, càng tỉnh táo. Hư Trúc nhờ uống rượu phá giới mà tìm ra được cô vợ sắc nước hương trời: công chúa Văn Nghi của nước Tây Hạ. Thạch Phá Thiên nhờ uống hai thứ rượu độc mà hóa giải được sự xung đột của âm dương nhị khí, đạt đến mức thượng thừa trong võ học... ở chừng mực nào đó, Kim Dung đã nghĩ đến câu cổ thi:



Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
(Xưa nay thánh hiền đều lặng lẽ
Chỉ người uống rượu mới còn danh)
(Lý Bạch)



Tác phẩm của Kim Dung tràn đầy rượu và ruợu. Trừ những nhà sư, các nhân vật của ông ít nhiều đều biết đến chén rượu. Rượu làm nên sự hưng phấn cho cuộc đấu tranh chống cái ác, biểu dương cái thiện và lẽ công bằng ở đời.



Uống rượu nhiều tất có tình trạng say rượu xảy ra. Những người say trong tác phẩm Kim Dung cũng say một cách tử tế. Trong những hội loạn ẩm, họ xai quyền thách đố nhau hoặc cãi cọ chửi bới. Duy nhất trong 12 bộ truyện, có một nhân vật say rượu phạm vào tội đại ác, trở thành một thứ tửu tặc. Nhân vật đó là Thành Khôn, sư phụ của Tạ Tốn trong Ỷ thiên Đồ long ký. Thành Khôn giả say rượu, đã làm nhục và giết hại vợ con của đồ đệ mình. Y lẻn vào chùa Thiếu Lâm làm một nhà tu giả mạo dưới pháp danh Viên Chân. Kẻ tửu tặc ấy đã bị tìm ra, bị trừng trị nhưng rồi cuối cùng cũng được tha thứ.



Rượu trong truyện võ hiệp Kim Dung khác xa với rượu ở miền Viễn Tây Mỹ trong phim cao bồi, khác xa với rượu trong các hộp đêm trên toàn thế giới và cũng khác xa với "rượu" trong các quán bia ôm. Chính vì thế, tôi mạnh dạn gọi rượu trong truyện Kim Dung là một loại rượu đạo đức. Rượu trong truyện Kim Dung thể hiện triết lý nhân sinh gần gũi cuộc sống. Nó làm nên tình yêu, tình bạn, hận thù, sự tha thứ, mối hoài cảm, niềm hối tiếc. Qua rượu, Kim Dung hé mở cho chúng ta nhìn thấy một khoa học mới: tửu học. Với một chữ Rượu, Kim Dung đã vượt xa hơn bất kỳ nhà văn nào khác. Rượu của ông có bài bản, có tính chất triết lý tề chỉnh. Nó góp phần làm nên cái đẹp cho đời sống con người. Men rượu kết hợp với men tình, men võ khiến ta không “uống” được tác phẩm mà lòng vẫn say.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến

Chủ đề tương tự
Ðề tài Người Gởi Chuyên mục Trả lời Bài mới gởi
Tiểu thuyết Kim dung kienvang Kim Dung-Tác giả & Tác phẩm 3 01-01-1970 07:00 AM
Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung nhìn qua lăng kính tr trongbangpham Kim Dung-Tác giả & Tác phẩm 0 01-01-1970 07:00 AM
Kim Dung với cõi sắc sắc không không trongbangpham Kim Dung-Tác giả & Tác phẩm 1 01-01-1970 07:00 AM
Kim Dung và những ông thần si tình! trongbangpham Kim Dung-Tác giả & Tác phẩm 3 01-01-1970 07:00 AM
Nen Ghi Dung Ten Truong Bin ✉Hộp thư 6 01-01-1970 07:00 AM


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:54 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps