Đó là một thế giới ảo với hồ ly và tiên cô, những oan hồn và bóng ma. Đó là một thế giới thực với tham-sân-si, hạnh phúc và bất hạnh, thủy chung và phản trắc của con người... Bộ phim Liêu trai dài 36 tập phát sóng trên HTV7 lúc 22 giờ 15 từ thứ tư đến thứ bảy hằng tuần đã đưa người xem đến một thế giới vừa hư ảo vừa hiện thực với nhiều thông điệp ý nghĩa.
Thế giới ảo và cuộc đời thực
Lấy cảm hứng và sử dụng một số nội dung trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, bộ phim Liêu trai trước hết đã trung thành với tinh thần của tác giả truyện về mặt nghệ thuật lẫn nội dung, ý nghĩa. Các nhân vật hồ tiên, hồ ly, hồn ma, xà yêu... chẳng qua chỉ là hiện thân của một thủ pháp nghệ thuật nhằm mục đích tạo nên một thế giới ảo. Thế giới ảo đó chính là ánh xạ của bóng dáng đời sống nhân thế đang cựa quậy trong nỗi buồn đau, vật vã kiếm tìm của kiếp người. Mỗi con người đều có thể soi mình vào các nhân vật hư ảo để đọc chính mình: lòng chung thủy, bao dung, đức hy sinh hay sự bạo ngược, độc ác và ích kỷ... Có sự chuyển hóa phẩm chất giữa hai thế giới thực và ảo trong Liêu trai. Như trong phần Họa bì chẳng hạn. Vương An Húc (Giang Hoa đóng) là một thư sinh có tài vẽ tranh đặc biệt. Ban đầu, An Húc sống tốt và đẹp cùng với niềm đam mê của mình. Người thư sinh thuở hàn vi yêu cô Mai Tam Nương (Tăng Lê đóng), một danh kỹ bán tiếng đàn lời ca chứ không bán thân. Mờ mắt trước những cơ hội lập công danh, An Húc không giữ được mình. Anh giết Tam Nương. Hồn ma Tam Nương theo đuổi để báo oán. Ở đây, hồn ma Tam Nương đã làm đúng luật nhân quả để buộc con người tráo trở An Húc phải đối mặt với sự phản trắc của anh ta. Những câu chuyện Lục phán, A Bảo, Tiểu Tạ và Thu Dung, Tiểu Thúy trong các phần sau cũng vậy. Thế giới ảo và thực song hành xây dựng những hình tượng của đời sống tâm lý con người và cảnh báo sâu sắc về quy luật nhân quả.
Những điểm nhấn hấp dẫn và đôi điều đọng lại...
Sở dĩ những câu chuyện liêu trai ma quái luôn hấp dẫn là bởi vì chúng đã đánh đúng vào tâm lý muôn thuở của con người là tính tò mò và sự sợ hãi song hành với nhau. Sợ nhưng vẫn tò mò và ngược lại. Khi dùng cảm hứng và sử dụng một số nội dung chính của truyện Liêu trai chí dị thành chất liệu cấu tạo kịch bản phim, nhà làm phim đã nhắm đến việc tính tò mò và sợ hãi tạo nên hiệu ứng đặc biệt. Đó là khi độc giả truyện thành khán giả phim. Không gian của tưởng tượng trong tâm thức người đọc đã được thể hiện sống động bằng những âm thanh khi gần gũi lúc xa vắng, giọng nói có khi ảo khi thực và những bóng dáng mờ mờ rồi thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt người xem phim. Với phiên bản phim Liêu trai, có thể nói, đạo diễn đã thành công trong việc chuyển sự tò mò và sợ hãi đó thành sự háo hức và hồi hộp của khán giả. Với những người yêu mến nền nghệ thuật cổ điển của Trung Quốc, Liêu trai còn có điểm nhấn sâu sắc với những kiến thức về hội họa, thư pháp, thi ca được điểm xuyết trong phim. Không ít lần, những câu thơ tuyệt đẹp của Lý Bạch, Vương Duy... vang lên, phù hợp tâm trạng nhân vật và gợi được cảm xúc nơi khán giả.
Với kinh phí thực hiện 30 triệu nhân dân tệ, bộ phim Liêu trai hội tụ không ít ngôi sao. Có thể bắt gặp các gương mặt quen của phim cổ trang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan như Lâm Chí Dĩnh, Lý Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Lý Lập Quần, Trịnh Phối Phối trong phim này. Tuy nhiên, đó là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu. Xuất hiện nhiều trong những bộ phim cổ trang rất dài, diễn viên khó mà tạo điểm nhấn khác biệt nếu tính cách nhân vật cứ na ná. Một điểm làm khán giả không bằng lòng là khâu phục trang và trang điểm cho nhân vật trong phim. Do mang nặng tính ước lệ từ tác phẩm văn học (hay do muốn khán giả hiểu ngay ai là ma, hồ ly, ai là người?) nên các chuyên gia hóa trang đã làm lộ những bí mật cần giấu kín về thân phận thực sự của nhân vật. Điều đó làm giảm sự hấp dẫn của phim.
Cảm thương hồ ly, hồn ma và oán trách con người hay ngược lại là những cảm xúc đa dạng mà bộ phim mang đến. Có khi, lòng tự hỏi, trong cõi nhân sinh mệt nhoài toan tính này, đâu là thực, đâu là ảo và làm sao để ta luôn trân trọng, nâng niu những tình cảm đích thực trong đời?