Điều này chiều mưa nghe buồn thúi ruột. Giới thiệu ai bị gì thì ráng chịu.
Trích:
SỨC SỐNG CỦA ĐIỆU NÓI THƠ BẠC LIÊU
29.07.2007 Trong cuôc kháng chiến chống Pháp xuất hiện một lối nói thơ mới mẻ, đầy hấp dẫn, đó là lối Nói thơ Bạc Liêu. Theo ý kiến của nhiều người thì bài dân ca này thoạt đầu là một “sáng chế” của ông Thái Đắc Hàng dựa vào lời thơ sáu tám (lục bát) của ông Phi Bằng. Lúc bấy giờ hai ông là cán bộ của Ban thông tin tuyên truyền của tỉnh Bạc Liêu. Cơ quan của hai ông đóng tại vùng Cái Nước Ngọn, thuộc huyện Cà Mau thời bấy giờ. Có lịnh từ “trên” xuống tạm cấm ca vọng cổ vì e rằng tính chất mùi mẫn ủy mị sướt mướt của nó sẽ làm xiêu lòng các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn (?!).
Đứng trước nhu cầu của người dân Nam bộ đòi hỏi bức thiết phải có một điệu nào đó để ngâm nga cho đỡ nhớ sáu câu vọng cổ; ông Hàng và ông Bằng bèn nghĩ ra một điệu nhạc mở đầu cũng bằng cách nói lối, nhưng khi vào bài thì hát theo thể thơ sáu tám với nhịp điệu chân phương, khúc chiết, từ phong cách nói thơ vốn phổ biến từ lâu ở Nam bộ, như: Nói thơ trong Hát sắc bùa, Nói thơ lạc nô, Nói thơ bắc quàng, Nói thơ Lục Vân Tiên, Nói thơ Sáu Trọng, Nói thơ Hai Miêng, Nói thơ Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Nàng Út v.v...
Mỗi khúc nhạc (couplet) của lối Nói thơ Bạc Liêu đều có nét nhạc lưu không dạo xen kẽ. Thoạt đầu, người diễn xướng là bà vợ của ông Thái Đắc Hàng với bài Mùi thương, Tẩy chay giấy bạc xanh xăng (500 tiền Pháp ở Đông Dương), Thương anh chiến sĩ, v.v...
Điệu Nói thơ Bạc Liêu mới ra lò đã nhanh chóng lan tỏa ra các vùng lân cận, từ miền Tây ngược lên tận miền Đông Nam bộ, thậm chí vượt ra đảo Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Quần chúng khắp nơi không những đón nhận mà còn tiếp tục sáng tạo và trải qua thời gian ngắn ngủi, điệu Nói thơ Bạc Liêu đó đã nghiễm nhiên trở thành một bài dân ca thực thụ.
Suy đi ngẫm lại, thấy trong lịch sử văn nghệ có những điều kỳ diệu! Tại đất Bạc Liêu, ông Cao Văn Lầu đã “phát minh” ra bài Dạ cổ hoài lang là tiền thân của bài vọng cổ sau này bị tạm thời cấm kỵ. Và cũng tại đất Bạc Liêu, ông Thái Đắc Hàng lại “phát minh” ra một lối nói thơ để “thay chân” bài vọng cổ. Qua thời gian “ba chìm bảy nổi”, chúng ta không hề bị mất mát mà lại được cả hai! Nói thơ Bạc Liêu là một tong những bài dân ca có sức sống cực kỳ mạnh mẽ trong sinh hoạt ca hát dân gian của cộng đồng người Việt ở Nam bộ, bởi giai điệu của nó vừa thâm trầm vừa bay bổng, buồn sâu thẳm mà không rũ rượi, nghe hoài mà không chán; nghĩa là vừa bi vừa hùng.
Năm 1974, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được anh Lâm Tường Vân (tức Mười Mây) là Trưởng tiểu ban Văn nghệ Giải phóng tỉnh Cà Mau, đưa tôi, nhà thơ Lê Giang và đạo diễn Việt Nhân về thăm Xóm Mũi. Chúng tôi đã tiếp xúc tìm hiểu và ghi âm giọng nói của ông Thái Đắc Hàng. Ông là nghệ nhân đàn ghi ta phím lõm, sinh ngày 17-8-1920 tại ấp Tân Đức, xã An Xuyên, huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu cũ, hiện cư trú tại 130/4 - đường Lâm Thành Mậu - thành phố Cà Mau. Chúng tôi trở lại xóm Bàu Dừa - nơi đóng quân của Đoàn văn công Giải Phóng Cà Mau để hoàn thành ca cảnh Hòn Khoai trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940. Chúng tôi đã ứng dụng điệu Nói thơ Bạc Liêu qua giọng của “ông già hát dạo” đề cao thầy giáo Hiển (Phan Ngọc Hiển) đã cùng đồng chí của mình đứng lên giết lũ giặc Tây, đập phá ngọn hải đăng ở Hòn Khoai, giương cao ngọn cờ cách mạng như báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thống trị thực dân Pháp.
Chim khôn thời ăn trái nhãn lòng
Người khôn thời ắt phải tầm đường thẳng ngay.
Có thầy giáo Hiển - Hòn Khoai
Đứng lên mà thề giết lũ giặc Tây rửa thù.
Đất này bão nổi thành thơ
Trời này chỉ có màu cờ tự do
Ta đi trong nắng mùa thu
Gông cùm nào đâu sá kể, ngục tù chẳng phai.
Ai ơi trong cảnh đọa đày
Có nghe mà tiếng hát bên ngoài rào gai?
Nhân vật “người hát dạo” bằng lối Nói thơ Bạc Liêu đã khiến cho người nghe vùng ven quá ư xúc động. “Ông” đi len lỏi trong các ấp chiến lược hát lên sự tích về thầy giáo Hiển, nhằm phát động quần chúng đứng lên diệt ác phá tề giải phóng quê hương.
Đến năm 1988, chúng tôi đưa điệu Nói thơ Bạc Liêu vào phim truyện dân gian Phạm Công - Cúc Hoa, qua giọng ca trong trẻo và mùi mẫn của Bích Phượng (con gái của Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn). Cảnh Phạm Công tầm sư học đạo và cảnh Nghi Xuân - Tấn Lực đi lang thang ăn xin... được minh họa qua giai điệu Nói thơ Bạc Liêu đã bất ngờ gây bao xúc động cho người xem.
Năm 1990, dựa vào lồng bản Nói thơ Bạc Liêu, Lê Giang đặt lời mới với tiêu đề Mười thương làng xóm quê mình được giới thiệu trong băng audio dân ca “Hành trình lý ngựa ô”. Cái chất nhạc mượt mà, đằm thắm, dân dã ấy đã cuốn hút lòng người. Và đây là tiết mục được nhận nhiều huy chương vàng của một số ca sĩ trong các kỳ hội diễn. Và cũng từ đấy ca sĩ Bích Phượng được người Sài Gòn yêu quý hơn qua những làn điệu dân ca Nam bộ.
Chủ đề âm nhạc của lối Nói thơ Bạc Liêu đã từ lâu được nhạc sĩ Việt Nam và Liên Xô dùng làm chất liệu xây dựng cho một vài tác phẩm đương đại, như: Chở pháo sang sông (thơ: Cao Phương, nhạc: Hoàng Hiệp), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), trong một vở nhạc kịch của nhạc sĩ Nga Anatôli Bứtsơcốp.
Và gần đây, Nói thơ Bạc Liêu lại “tái xuất giang hồ” bằng giọng hát xuất thần của ca sĩ Đào Đức, trong phim truyện truyền hình Đất Phương Nam. Nét nhạc nói thơ này đã khắc họa và hỗ trợ cho diễn xuất các vai trong phim, gây biết bao xúc động cho thính khán giả khi xem tập 9, tái hiện cảnh anh em Mười Chức bị giết hại, bị cướp lúa cướp đất bởi lũ cò Tây cùng bọn điền chủ Việt gian. Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ cái cảnh “Máu thấm đồng Nọc Nạng” tại Giá Rai ngày xưa hình như rất hạp với hồn nhạc lối Nói thơ Bạc Liêu, vì điệu nhạc dân gian này vốn sinh sôi nảy nở và bám rễ lâu đời trên mảnh đất của ông bà ta từ thuở khẩn hoang tạo lập xóm làng gần ba thế kỷ.
Đó là khúc hát bi hùng tráng của người dân phương Nam !
Minh họa: Mười Thương làng xóm quê mình, lời Lê Giang, Bích Phương trình bày.
__________________
Rượu đã say một đời ta du tử
Để quên em và cũng được quên ta ...