Trong bài báo: [Đăng nhập để xem liên kết. ]
Hầu như tất cả những người nước ngoài khi đến Việt Nam đều lo ngại khi tự bước xuống phố và tham gia giao thông.
Tuy nhiên, sau bốn ngày đến Thành phố Hồ Chí Minh, Loh Keng Fatt, biên tập viên tờ The Strait Times của Singapore đã cho rằng người dân nước này nên học tập thái độ tham gia giao thông của người Việt Nam.
Nói như vậy không phải anh đánh giá hệ thống giao thông Việt Nam tốt hơn, hiện đại hơn Singapore. Mà trong mắt anh, giao thông Thành phố Hồ Chí Minh hiện lên khá lộn xộn và dường như mọi người đi lại trên đường không có ai quan tâm đến luật giao thông.
Anh viết trên tờ The Straits Times: “Tại một số điểm giao nhau (ở Thành phố Hồ Chí Minh), không có đèn giao thông có nghĩa mọi thứ đều được đi - kể cả người đi bộ và đi môtô. Một số người tự do lấn làn trong khi giao thông đang tắt nghẽn. Xe máy, ôtô, xe tải, xe buýt và xe đạp tất cả đều chen lấn nhau và bấm còi om sòm”.
Theo anh, người tham gia giao thông ở Việt Nam “dường như không có khuynh hướng nhường đường cho người khác".
Thế nhưng có một điều đặc biệt trong giao thông ở Việt Nam đã khiến Loh Keng Fatt quan tâm, đó là trong 4 ngày ở Việt Nam, Loh không thấy bất cứ một tình huống nguy hiểm nào hoặc nghe sự va chạm của các xe với nhau.
Theo cánh nhìn nhận của Loh thì có hai lý do chính khiến cho giao thông hỗn loạn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã không tạo ra tai nạn như nhiều người thường nghĩ.
Lý do thứ nhất là do người Việt Nam dường như khá kiên nhẫn và có bản chất tốt. Việc bóp còi trong khi giao thông ở Việt Nam chủ yếu để cảnh báo cho những người khác về sự hiện diện của họ chứ không nhằm buộc người khác nhường đường. Và khi nghe tiếng còi, không có bất cứ ai có cái nhìn bực dọc hoặc có lời mắng nhiếc thậm tệ hay giận dữ (như ở các nước khác).
Lý do khác là mọi người dường như rất quan tâm đến những gì xảy ra quanh họ và phản ứng trong từng thời khắc, không có bất cứ sự xúc động nào. Đây cũng là cách để mọi người tự tránh được tai nạn giao thông xảy ra đối với mình và mọi người.
Loh Keng Fatt ví von: “Sự thực, giao thông ở Việt Nam giống như một vũ điệu ba lê, dù không được sắp xếp sẵn nhưng vẫn là một tuyệt tác của sự phán đoán đúng và xử lý chính xác".
Anh cũng cho rằng cẩn thận và kiên nhẫn vẫn là cách tốt nhất khi tham gia giao thông trong khi một người Singapore nghĩ rằng “thật mất mặt” khi đi chậm hơn những người đi xe đạp hoặc khách bộ hành.
Tuy không cho rằng cần áp dụng giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho đường phố Singapore nhưng theo Loh Keng Fatt, hai lý do trên có thể là bài học cho người tham gia giao thông ở quốc đảo sư tử, nơi có những đường cao tốc tốt hơn, có cầu vượt và luật giao thông khá chặt nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông./.