TT - Hồi học lớp 7, thấy mấy anh chị cầm máy ảnh chụp hình, Lâm Chiêu (ảnh) thích lắm, cũng muốn được cầm máy để chụp như họ.
Về nhà nài nỉ ba cho mượn chiếc máy ảnh du lịch, loại bán tự động, rồi để dành tiền ăn sáng, tích cóp mua phim, thích gì chụp nấy...
Đường đến với nhiếp ảnh của Chiêu từ đó và cho đến giờ vẫn vậy: thật hồn nhiên và đơn giản chỉ là được thể hiện niềm đam mê. Tất nhiên, niềm đam mê ấy bước đầu thể hiện không dễ.
Chưa biết gì nên nhiều lúc làm hư phim (lọt sáng) bị ba la mắng nhiều vì tội “phí phạm vô ích”. Với bản tính hiếu thắng, cho là bị ba mắng oan, Lâm Chiêu lại dành dụm tiền mua sách nhiếp ảnh về đọc, càng đọc càng thấy hứng thú, say sưa, hết quyển này sang quyển khác... Sau giờ học, giải trí duy nhất của Chiêu là cầm máy chạy lòng vòng quanh thị xã (Tân An, Long An) chụp phong cảnh, cỏ cây, hoa lá... và điểm dừng cuối cùng là ở lab (phòng làm ảnh) đến mức quen mặt.
Cho đến một ngày, nhân viên lab gọi cậu lại cho hay: có người muốn gặp để nói chuyện. Chiêu ngẩn ngơ không biết có chuyện gì người ta lại muốn nói chuyện với mình mà người đó lại là ông chủ lab. Ông nói: “Chú đã thấy hình của cháu, ảnh chụp có ý và lạ lắm, nên chú muốn gặp cháu để biết thêm và nếu được thì ra nhà chú hướng dẫn cháu chụp hình”.
Bức ảnh Gió thì thầm của Lâm Chiêu đoạt huy chương bạc Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần 2 do VN tổ chức năm 2002: một nữ sinh với nón lá và tà áo dài trắng thướt tha trên con đường mòn - con đường dường như xa tít tắp, cô chỉ có một mình, quang cảnh có vẻ buồn nhưng lại không tạo cảm giác cô đơn... bởi có gió là người bạn đồng hành.
Sau đó cậu biết được ông chủ lab chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Lành, lúc ấy đang là chi hội trưởng Chi hội NSNA VN tỉnh Long An (hiện nay là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Long An). Bắt đầu từ đây, Chiêu có ý thức, tư duy về nhiếp ảnh hơn...
Năm học lớp 10, báo Mực Tím mở cuộc thi ảnh nghiệp dư mỗi tháng, Chiêu đánh bạo thử tham gia. Đến cuối năm Mực Tím tổng kết, Chiêu được bình chọn là “người có nhiều giải nhất trong năm” và được mời lên tòa soạn họp mặt các tay máy để phát giải.
Đến giờ Chiêu vẫn nhớ như in cảm giác lúc đó: “Rụt rè không dám vào... vì thấy toàn là người lớn, ai cũng cầm máy ảnh đen xì, ống kính thì to và dài nữa. Còn mình nhí quá trời! Run lắm... Chiếc máy ảnh du lịch bé tẹo không dám mang ra luôn! Ai cũng hỏi han đủ thứ, xài máy gì, ống kính bao nhiêu. Trời ơi! Tôi có biết tí gì đâu, trả lời qua loa cho xong, hú hồn!”.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1998, sẵn niềm đam mê nhiếp ảnh, Lâm Chiêu dự tuyển vào khoa nhiếp ảnh (khóa đầu tiên) Trường Văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Năm đầu tiên cuộc đời sinh viên của Chiêu được ghi dấu ấn bằng giải thưởng lớn nhất khu vực - huy chương vàng Liên hoan ảnh khu vực miền Đông.
Cũng trong khoảng thời gian khoác trên mình chiếc áo sinh viên, Lâm Chiêu đều đặn có giải thi ảnh trong và ngoài nước mang về. Chiêu yêu thích thể loại ảnh tĩnh vật, vì nó thích hợp với cái tính hay một mình trong góc nhà tranh tối tranh sáng của mình. Chiêu lại được thầy Văn Lan truyền cho niềm đam mê phòng tối ảnh đen trắng, vì theo Chiêu, dùng sắc độ đen - trắng - xám đơn giản nhưng sâu lắng!
Với suy nghĩ “nhiếp ảnh là ngôn ngữ từ trái tim, tôi phải là tôi!”, Chiêu đã làm được điều đó: xem các ảnh Chiêu chụp, người ta dễ dàng nhận ra cái chất riêng của Chiêu. Ngay cả việc sáng tạo, đặt tên và đưa tác phẩm của mình đến với công chúng cũng không giống ai! Nó đau đáu, nó làm người ta phải trăn trở, phải đứng lại ngắm, nhìn và... nghĩ.
Đến giờ Lâm Chiêu cũng không nhớ hết mình được bao nhiêu giải, chỉ biết là tham gia nhiều, giải thưởng cũng lắm: giải các báo, giải khu vực miền Đông, đồng bằng sông Cửu Long, giải TP.HCM, giải báo Sài Gòn Tiếp Thị, giải báo Phụ Nữ TP.HCM, giải quốc gia, quốc tế...
Đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên Hội NSNA VN từ năm 1998, khi mới tròn 20 tuổi, nhưng cho đến giờ Chiêu vẫn ngoài hội, không phải vì lập dị: “Tôi cũng như bao người khác, mong muốn được là hội viên Hội NSNA VN, cũng muốn được khẳng định mình và nhất là được làm hội viên trẻ tuổi... Nhưng tôi không muốn mang cái danh nghệ sĩ mà tác phẩm của mình thì bị rơi vào quên lãng. Mục đích phấn đấu của mình là gì: tước hiệu hay là tác phẩm? Và tôi cứ trăn trở, suy nghĩ về điểm chuẩn để vào Hội NSNA VN với điểm chuẩn của... lòng mình!”.
CHU THU THẢO
Trích : [Đăng nhập để xem liên kết. ]
__________________ Ông hỏi một nhà thơ Colombia – một đất nước đang chịu sự đe dọa của ma túy, cờ bạc, mại dâm: “Làm thế nào để những bài thơ đẹp tác động được đến bộ phận xã hội màu đen kia”. Nhà thơ Colombia trả lời: "Họ bên kia đường. Chúng ta bên này đường. Chúng ta có thể chưa làm cho phía bên kia đường sáng lên, nhưng hãy giữ cho phía bên này đừng đen tối".
thay đổi nội dung bởi: YourFriend, 13-09-2009 lúc 03:21 PM.
Lý do: sửa