Lịch sử Tỉnh Tân An
a) Năm 1788, sau khi khắc phục thành Gia Định, Chúa Nguyễn Phúc Ánh sửa sang đất Nam Kỳ, kêu là Gia Định, chia địa phận ra làm bốn Dinh :
- Phan Trấn dinh,
- Trấn Biên dinh,
- Trấn Vĩnh dinh,
và Trấn Định dinh.
Vua Gia Long trung hưng (1802) định đô ở Phú Xuân (Huế) mới có cái danh hiệu Nam Bắc ; vua chia ra làm ba khu vực : 1) Kinh thành, 2) Gia Định thành, 3) Bắc thành.
Riêng phần Kinh thành (gồm cả Trung Phần ngày nay) thì ở dưới quyền trông nom trực tiếp của nhà vua, còn hai Phần kia xa xôi thì có quan Tổng trấn lo việc cai trị.
Gia Định thành thuộc hạt có 4 trấn, 4 phủ, 15 huyện. và phụ thêm một trấn Hà Tiên : 2 đạo, 2 huyện.
- Phiên An trấn
- Biên Hòa trấn (Biên Hòa và Phước Tuy ngày nay)
- Vĩnh Tường trấn (Định Tường)
- Vĩnh Thanh trấn (Vĩnh Long, An Giang)
và Hà Tiên trấn (Hà Tiên, Kiên Giang và Cà Mau)
Phiên An trấn gồm có :
1 phủ : TÂN Bình
4 huyện : Bình Dương, TÂN Long, Phước Lộc, Thuận AN.
Thế là, trong một Phủ và hai huyện, đã có hai chữ Tân và An.
Qua năm 1832 sau khi Bắc thành Tổng trấn Lê Chất và Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt từ tan, vua Minh Mạng đổi :
- Bắc thành ra Bắc kỳ.
- Gia Định thành ra Nam kỳ.
và Kinh thành ra Kinh kỳ.
Lại theo lối nhà Thanh, bãi bỏ chức Tổng trấn thành Gia Định và đổi trấn làm tỉnh, lấy đất Tân châu, Châu Đốc và tách hai huyện ở phủ Định Viễn (nguyên thuộc Vĩnh Long) mà đặt ra làm sáu tỉnh, kêu là « Nam Kỳ Lục Tỉnh » cộng 18 Phủ, 43 Huyện :
- Gia Định (Phan Yên)
- Biên Hòa (Đồng Nai)
- Định Tường (Mỹ Tho)
- Vĩnh Long (Long Hồ)
- An Giang (Châu Đốc)
- Hà Tiên.
Dưới triều Tự Đức, Nam Kỳ phân làm ba quận, mỗi quận do quan Tổng đốc cai trị, gồm hai tỉnh.
Quận Định biên gồm hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Tỉnh Gia Định có 4 Phủ, 9 Huyện :
Phủ Tân Bình 3 huyện :
Bình Dương
Bình Long
Tân Long
Phủ Tân An 2 huyện :
Cửu An
Phước Lộc
Phủ Hòa Thanh 2 huyện :
Tân Hòa
Tân Thành
Phủ Tây Ninh 2 huyện :
Tân Ninh
Quang Hóa
Thế là Phủ Tân An ra đời dưới triều Tự Đức. Và trong một « lòng phái » do vị Hòa thượng chùa Phước Hải ở Cái Bè (Mỹ Tho) cấp cho một nữ tín đồ ở Tân An cách đây năm mươi năm, chúng tôi được nghe mấy danh từ địa phương như sau : « Đại Nam quốc, Tân An phủ, Tân thành huyện, Thượng hội thượng tổng, Bình lập thôn… »
b) Quân đội Pháp xâm chiếm Nam Kỳ trước đoạt ba tỉnh miền đông : Biên Hòa, Gia Định, Định Tường.
Do Hòa ước năm Nhâm Tuất ký kết ngày 5-6-1862, sứ thần Việt là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nhượng cho Pháp ba tỉnh nói trên.
Thuở bấy giờ, Phủ Tân An vẫn thuộc địa phận tỉnh Gia Định và ban sơ, Phủ đường đặt tại Châu phê, chợ Cai Tài, làng Huê Mỹ Thạnh, nên mới có câu ca dao còn truyền tụng đến ngày nay :
Bảng treo tại chợ Cai Tài,
Bên văn, bên võ, ai có tài ra thi.
Năm 1863, chánh quyền dời Phủ lỵ về làng Nhơn thạnh, tả ngạn sông Vàm cỏ tây và năm 1864, một viên Tham biện Pháp (Inspecteur) được bổ nhiệm cai trị Phủ nầy.
Cuối năm 1868 (hay đầu năm 1869), Phủ đường được vĩnh viễn dời về vị trí tỉnh lỵ Tân An hiện nay, lúc bấy giờ được gọi là Vũng gù.
Lúc trước, tổng Hưng long thuộc Phủ Kiến an (tỉnh Định tường) năm 1867 sáp nhập với Tân An và năm 1871, Tân An lại đặng thêm tổng Mộc hóa khi xưa thuộc Phủ Tây ninh : như vậy, các tổng làng nằm giữa hai con sông Vàm cỏ đều được nhà cầm quyền Tân An kiểm soát.
Tham biện Tân An tồn tại đến năm 1899 và nghị định ngày 20-12 bãi bỏ chữ Tham Biện (Inspection) và thay thế bằng chữ Tỉnh (Province).
Và tham biện Tân An từ đây gọi là Tỉnh Tân An.
c) Sau cùng, do Sắc lịnh số 143-NV ngày 22-20-1956, Tổng Thống đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa sửa đổi ranh giới các tỉnh Nam Phần Việt Nam, biến nhiều tỉnh cũ làm quận, lập thêm nhiều tỉnh mới. Quận Mộc Hóa tỉnh Tân An được tách ra làm tỉnh Kiến Tường ; phần còn lại hiệp với các quận Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước của tỉnh Chợ Lớn cũ lập thành tỉnh Long An. Tuy nhiên, Tân An đã có trong bảng đồ Nam Kỳ gần ba trăm năm nay, thì dầu ai có oai lực kinh thiên động địa làm sao cũng không thể một sớm một chiều làm cho Tân An đương nhiên mất tích.