14./ Huyện Vĩnh Hưng</span>
Huyện Vĩnh Hưng nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Long An với diện tích tự nhiên 38.452 ha, chia thành 10 đơn vị hành chính (9 xã và 1 thị trấn). Ranh giới hành chính huyện Vĩnh Hưng tiếp giáp với 2 huyện của tỉnh Long An và Campuchia, cụ thể như sau: phía Bắc và Đông Bắc giáp Campuchia, phía Đông Nam giáp huyện Mộc Hóa - tỉnh Long An, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tân Hưng - tỉnh Long An.
Vĩnh Hưng nằm ở vùng sâu của Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Sự hình thành và phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Hưng gắn liền với quá trình khai thác đất hoang hóa, di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười. Nằm ở vùng chuyển tiếp giữa bậc thềm phù sa cổ (Pleitocene) với vùng thượng châu thổ ĐBSCL, với hai kiểu cảnh quan chính là bồn trũng phèn giàu nước mưa (trầm tích giàu Sulphur) và lòng các con sông cổ. Đặc trưng rõ nét nhất ở Vĩnh Hưng là khối đất xám dọc biên giới Campuchia và các sông cổ đã được bồi lắng, tạo nên đồng bằng trũng và các lung phèn. Trong phân vùng địa lý kinh tế của tỉnh Long An, Vĩnh Hưng thuộc tiểu vùng 3 (gồm Vĩnh Hưng, Tân Hưng , Mộc Hóa, Tân Thạnh). Phương hướng phát triển kinh tế chủ yếu là Nông, Lâm nghiệp, mà hàng đầu là sản xuất lúa hàng hóa.
Huyện Vĩnh Hưng có 10 xã- thị trấn, trong đó thị trấn Vĩnh Hưng là huyện lỵ, các xã còn lại gồm: Vĩnh Trị, Hưng Điền A, Thái Trị, Thái Bình Trung, Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây, Vĩnh Bình, Khánh Hưng, Vĩnh Thuận.