Đọc bài viết này chỉ biết khâm phục và khâm phục. Chỉ buồn là ... đó đây vẫn còn những người vô cảm: xong việc ta, còn sống chết mặc bây.
Trích:
[Đăng nhập để xem liên kết. ] Đó là ông Nguyễn Quốc Hùng (SN 1949) sống tạm bợ cùng hai con trai đang còn đi học bên bờ sông Vàm Thuật, phường 13, quận Bình Thạnh-TPHCM
Những người dân thường đến tập thể dục và câu cá ven khúc sông Vàm Thuật (P.13, Q.Bình Thạnh-TPHCM) đều không khỏi thương cảm cho hoàn cảnh cha con ông Nguyễn Quốc Hùng. Cái chòi xiêu vẹo dựng tạm bằng những tấm bạt mà ông nhặt từ các công trình xây dựng gần đó chỉ để che nắng gió cho ba cha con.
Nguyễn Việt Long, con trai ông Hùng, đang thu gom những vật liệu sau khi cái chòi của ba cha con bị cưỡng chế giải tỏa
Bệnh tật, nghèo khó
Hằng ngày, ông Hùng đi nhặt ve chai, phụ hồ chỉ đủ tiền đong gạo. Mỗi bữa cơm chỉ có trái mướp hoặc rau lang mà ông trồng quanh chòi làm thức ăn. Các con ông - Nguyễn Hùng Việt (SN 1988, sinh viên khoa quản trị kinh doanh năm thứ 2, hệ đào tạo từ xa, Trường Đại học Mở TPHCM) và Nguyễn Việt Long (SN 1990, sinh viên năm thứ nhất CĐ quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mở TPHCM) - người xanh xao, gầy gò. Các em vừa đi học vừa đi làm để kiếm tiền đóng học phí và phụ giúp cha. Tối về, các em học bài dưới ánh đèn đường, rồi ba cha con cùng co quắp trên một tấm bạt cũ giữa nền đất ẩm mốc. Bước vào căn chòi của ông Hùng, ngoài những kệ sách vở của các con, điều làm mọi người bất ngờ là bàn thờ Tổ quốc và Huân chương Kháng chiến hạng ba đề tên ông.
Ông Hùng kể, ông tham gia cách mạng từ khi mới 15 tuổi tại quê nhà Quảng Nam. Cuối những năm 1960, ông là chiến sĩ biệt động thành thuộc đơn vị an ninh vũ trang T4. Ông từng bị địch bắt giam tại Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo. Năm 1976, ông Hùng về dạy học ở huyện Đồng Hiệp, Đồng Nai. Năm 1982, ông chuyển công tác tại Trường Thiếu niên 3 Gò Vấp - TPHCM.
Do hậu quả tù đày, đánh đập nên ông Hùng bị đau yếu thường xuyên. Đã vậy, tính khí ông khá thất thường, lúc nhớ lúc quên nên cơ quan cho ông nghỉ việc. Đúng lúc gia cảnh đang khó khăn, năm 1991 khi bé Long vừa được 1 năm thì vợ ông rũ áo ra đi. Từ đó, buồn chán, ông dắt díu các con bước vào cuộc đời lang thang không một mái nhà.
Họ sống vất vưởng suốt 10 năm trong cái lều vá víu quanh khu căn cứ Long Bình (Đồng Nai). Ông đi lượm ve chai, bán xăng, bán trà đá kiếm sống. Đầu năm 2002, khu vực này quy hoạch, ông nhổ lều, “dọn” ra khu nghĩa địa tại Dầu Giây (Đồng Nai). Vậy mà chỉ 4 năm sau, nghĩa địa cũng bị giải tỏa. Ông lại lần về nghĩa địa Hưng Lộc (Đồng Nai). Rồi nghĩa địa này cũng bị giải tỏa. Cùng đường và cũng để các con có điều kiện học hành tại Trường Đại học Mở TPHCM, đầu năm 2009, ông về P.13, Q.Bình Thạnh-TPHCM. Lang thang nhặt ve chai, ông phát hiện bờ sông Vàm Thuật còn hoang hóa, nên lại dựng lều ở tạm. Do phải di chuyển chỗ ở nhiều nơi nên hai con ông phải chuyển trường liên tục.
Ước nguyện thấy hai con tốt nghiệp
Ngày 25-2, cái chòi của ông Hùng đã bị chính quyền địa phương giải tỏa. Tất cả giấy tờ, đồ đạc bị đem về phường. Có người thương tình cho cái mùng và tấm chăn. Theo ông Trần Văn Phúc - Chủ tịch UBND P. 13, Q.Bình Thạnh - phường đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng với tính khí thất thường của mình, ông Hùng không hợp tác di dời. Phường phải kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa.
Chúng tôi cũng tìm gặp được ông Hùng, ông nói: “Nhiệm vụ với đất nước đã xong! Giờ chỉ chờ ngày hai đứa nó ra trường nữa là tôi xong nhiệm vụ với gia đình”. Mong mỏi này với nhiều người có vẻ giản dị, thế nhưng nhìn cảnh cha con ông đói meo, thẫn thờ bên bát cơm của người hàng xóm mới cho, sẽ thấy ước nguyện ấy của ông chông chênh chừng nào.
Qua bài báo này, chúng tôi nghĩ rằng bên cạnh các giải pháp hành chính, thiết nghĩ chính quyền, các đoàn thể địa phương, hội cựu chiến binh, nên chủ động tìm hiểu và giúp đỡ cha con ông Hùng vượt qua cơn khốn khó này.
Bài và ảnh: QUỐC NGỌC
__________________ Kể từ thứ 6, ngày 13 tháng 3 năm 2009, nick này không còn liên quan đến bất kỳ hoạt động nào của Hội CHS LQĐ, trừ Quỹ Học Bổng!