Mình mê theo dõi bóng đá VN nhưng hy vọng và thất vọng cứ tuần hoàn và cách đây vài hôm đọc được bài viết này - tác giả viết lên điều mình muốn nói mà mình không viết được...Bóng đá Việt: Cứ hy vọng như khi ta ...yêu ai đó
Nguồn: VietnamNet: [Đăng nhập để xem liên kết. ]
…Hỏi là hỏi thế thôi…Chứ có hỏi thêm nữa thì cũng đừng mong “ra ngô, ra khoai”. Bởi thay đổi tư duy của một người là điều còn khó, nói gì đến việc thay đổi tư duy của một nền bóng đá trong ngày một, ngày hai. Đứng thứ 159...
Từ hậu SEA GAMES 22, có lúc tưởng mất niềm tin vào đội tuyển Việt Nam sau vụ bán độ, người viết bài này đem tâm sự thổ lộ với nhiều người thì cũng nhận được sự thông cảm tận “ruột gan”. Ấy vậy mà từ chuyện thay thầy, tuyển trò, đi tập huấn, đá giao hữu, dự giải này nọ…của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN), người viết vẫn ngóng theo từng tin tức nhỏ, từng bài báo dài như là một thứ… “nghiện”.
Đội tuyển Việt Nam hát quốc ca trước trận đấu bóng
đá tranh cup T&T với đội tuyển Thái Lan. - Ảnh: vtc.vn
Có lẽ tình yêu với màu áo đỏ, với hình ảnh các cầu thủ- đồng bào đứng thẳng, đưa tay lên ngực, đồng thanh hát quốc ca đã ăn sâu vào máu từ lâu. Và đó không chỉ là chuyện bóng đá, chuyện cảm xúc cá nhân!
Theo bảng xếp hạng gần nhất của FIFA, ĐTVN đang đứng thứ…159 trên thế giới, cũng tương ứng với “nhiều chỉ số khác” của các lĩnh vực khác, do tổ chức nghiên cứu quốc tế (dù rằng chỉ mang tính tương đối) xếp hạng. Cái thứ hạng thuộc loại gần đội sổ ấy có làm người Việt chúng ta nghĩ gì không nhỉ?
Lý trí một chút thôi, cũng đủ thấy nền bóng đá của nước ta vẫn thuộc loại nhược tiểu với thế giới và châu lục. Ở khu vực Đông nam Á, ĐTVN xếp sau Thái Lan và “đồng sàng dị mộng” với người Sing, người Mã, người Indo và phần nào đó là Myanma.
Không thể phủ nhận thứ tình cảm cháy bỏng mà người Việt ở mọi lứa tuổi, trình độ, tầng lớp dành cho ĐTVN. Thứ tình cảm mà người Thái chỉ có khi…nằm mơ, người Nhật phải trầm trồ và thậm chí người Brazil có lúc phải đưa ngón tay cái lên thán phục. Lý trí một chút thôi, cũng đủ biết rằng không ai đánh giá sức mạnh một nền bóng đá ở sự cảm tính mà dân chúng xứ đó dành cho đội tuyển. Top 10 của bóng đá thế giới là “sản phẩm” của những kết quả khô khan và sòng phẳng được tính bằng điểm số của từng trận đấu, là thành tích cụ thể được tính bằng vị trí ở từng giải đấu.
Chúng ta có một giấc mơ- vượt qua Thái Lan. Khi nào xóa ám ảnh về “bóng ma” người Thái (như ông Calisto ví von, chúng ta mới “ngon” lên được). Bao nhiều lần hy vọng là bấy nhiêu lần thất vọng. Kể cả khi không thua, chúng ta vẫn gục ngã trước “thiên đường” (như năm 1998, với việc thua người Sing bằng một…cái lưng chẳng hạn). Lý trí một chút thôi, cũng có thể thấy cái ước mơ vừa nói trên đã “đè nát cuộc đời con” của bóng đá Việt Nam. Cầu thủ Thái “xâm lăng” bóng đá Việt Nam nhận những mức lương ngất ngưởng mà có khi năng lực của họ còn dưới nhiều cầu thủ Việt ở “biên độ” V.League! TIN LIÊN QUAN
[Đăng nhập để xem liên kết. ]
[Đăng nhập để xem liên kết. ]
Cái giá của cầu thủ Việt Nam là bao nhiêu? Giá trị thật của một cầu thủ Việt thuộc hàng đá được đến hàng ngôi sao là bao nhiêu? Mức định giá cầu thủ nội của chúng ta có cái gì làm chuẩn không? Nhiều câu hỏi lớn mà sự thật nguyên bản chỉ có thể là không lời đáp(!)
Sẽ là một sự lố bịch nếu ta so Công Vinh với…Rooney về tiền lương, về thương hiệu, sự nổi tiếng, mức ảnh hưởng, tiềm năng phát triển.v.v.. trên mức độ toàn cầu. Và là một sự khiên cưỡng nếu nhìn vào mức lương của những cầu thủ đá mức tầm tầm mà lãnh lương ầm ầm với một anh nông dân một nắng hai sương gặp cảnh được mùa nhưng… mất giá. Càng lố bịch hơn nếu so sánh số tiền dùng để đi vũ trường, chơi thuốc lắc, uống rượu tây hay…xài ma túy của những cầu thủ từng sa ngã với số tiền (mong ước) của một học sinh nghèo hiếu học cần đóng học phí để được học tiếp.
Cầu thủ Việt Nam vui mừng khi hoà đội thái Lan trong trận tranh cup T&T - Ảnh: vietbao.vn
Và có một sự "lố bịch" ở đâu đó trong cái đầu của một vài cá nhân được khoác chiếc áo đội tuyển quốc gia bị lấn cấn, phân tâm bởi những hợp đồng tiền tỉ tại các câu lạc bộ. Đó là lý do khiến đôi chân họ “không ngoan”, khiến đội tuyển có lúc thua liên tục sáu trận “vỡ mặt”? Đó là lý do những va chạm nảy lửa trong đội tuyển theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn”, là suýt nữa tẩn nhau dù đang là đồng đội? Đó là lý do, là cái cớ để cho giới mộ điệu lo lắng về một AFF Cup gần kề sát bên mà nhiều vấn đề vẫn “chưa thông”?
Vậy mà cứ hy vọng như khi ta...yêu ai đó!
Buổi tối, kết thúc trận Việt Nam- Thái Lan, đội khách đã giành cúp và…giành tiền thưởng về nước. Buổi sáng hôm sau, nhiều tờ báo giật tít hoành tráng: “Hòa trên thế thắng…”, “Gây ấn tượng mạnh”, “…Đủ để có sự tự tin”, “Việt Nam xứng đáng chiến thắng hơn”, “Thắp sáng niềm tin”, “Con tim đã vui trở lại”…
Tôi đồ rằng có một sự ảo tưởng ở đâu đó trong cách nhìn nhận về sự khởi sắc trong lối chơi của ĐTVN ở trận đấu này qua cách những cái tít hơi “đại ngôn” thậm chí “loạn ngôn” trên.
Xin chỉ thẳng ra vấn đề của đội bóng áo đỏ- những vấn đề đủ khiến chúng ta thất vọng ở AFF Cup, nếu ông “Tô” không thay đổi:
Hai cú sút mà thủ môn Hồng Sơn không-thể-cản-nổi của người Thái chỉ có xà ngang và cột dọc mới cứu nổi. Chúng ta có bao nhiêu cầu thủ có thể “nã đại bác” chính xác và nguy hiểm như thế so với Thái Lan? Dù ông Calisto đã tập và “quán triệt” cho các thành viên đội tuyển (trừ thủ môn) phải dứt điểm từ mọi cự ly nhưng hiệu quả của các cú sút từ xa trong các tình huống bóng sống của ĐTVN gần như ở…"số không".
Pha mở tỉ số trận đấu của đội khách khiến người viết không thể không trầm trồ. Người tỉa bóng rất “hiểm”, người chạy chỗ rất thông minh và rất nhanh. Cú ra chân cuối cùng cũng đầy hiểm hóc khiến “người gác đền” của chúng ta bất lực. Một đội bóng trình độ là một đội bóng biết tự kiếm cơ hội qua những pha dàn xếp như thế. Chúng ta có hai bàn thắng từ các pha bóng chết nhưng nên nhớ, không ai…dại để cứ nhăm nhăm phạm lỗi gần vạch 16m50 để tìm nguy hiểm.
Lần lượt những trụ cột của đội tuyển thi nhau…nhập viện hoặc nhẹ hơn thì tập riêng vì chấn thương. Lý do? Do va chạm khi tập luyện và thi đấu, do tái phát chấn thương cũ, do…té cầu thang.v.v..Cứ coi như đấy là những chuyện xui rủi không ai muốn đi, nhưng chuyện ông Calisto than trời về cái mặt sân tập tệ như mặt ruộng ở Mỹ Đình với chuyện đội tuyển phải nhường sân tập cho dân đá phủi có làm “động lòng” ai không nhỉ(?).
Hàng ngàn người Hà Nội xuống đường ăn mừng đội tuyển U23
VN thắng đội tuyển Thái Lan tại Agribank Cup 2005. - Ảnh: VNN
Chấn thương do mặt sân xấu đâu phải là chuyện xưa nay hiếm. Và một đội tuyển được nhà nước đầu tư tiền tỉ để mong có được thành tích tốt không lẽ lại kém quan trọng bằng những món tiền vài triệu của các đội phong trào sao?
Cứ bàn về bóng đá Việt Nam mãi cũng thấy…mệt mỏi. Người viết mệt mà người đọc cũng mệt vì…nhàm và chán. Vì những vấn đề được mổ xẻ không mới, vì bao ý kiếm tâm huyết cứ bao nhiêu lần đưa lên là bấy nhiêu lần…chìm nghỉm trong sự quên lãng của “ai đó”. Đôi khi tự hỏi, bộ máy quản lý bóng đá nước ta lắm người tham gia thế, tiêu lắm tiền thế mà sao nhiều chuyện “lùm xùm” thế, thành tích đì đẹt thế?
Hỏi là hỏi thế thôi…
Chứ có hỏi thêm nữa thì cũng đừng mong “ra ngô, ra khoai”. Bởi thay đổi tư duy của một người là điều còn khó, nói gì đến việc thay đổi tư duy của một nền bóng đá trong ngày một, ngày hai. BĐVN xưa nay cũng đã khối chuyện để lo lắng, nhưng cứ có cái cảm giác lo rồi…để đó vì xét đến cùng, những người lo nhất là những người yêu đội tuyển nhất, yêu bóng đá “sạch” nhất chứ chưa chắc là những người có quyền quyết định ở tầm vĩ mô.
Một trận hòa với người Thái ngay tại sân nhà có đáng để tung hô đâu, trong khi chúng ta xưa nay luôn là kẻ trắng tay “suốt đời đi tìm mộng” ở giải đấu khu vục thuộc “vùng trũng” bóng đá thế giới! Sing, Mã, Indo đá với ta có thắng, có thua song họ từng giành cúp còn ta thì…không. Có kỳ lạ lắm không?
Bài viết này cũng chỉ là một góc nhìn nhỏ xíu trong muôn vạn góc nhìn về nền bóng đá nước nhà và ĐTVN, nên có thiếu sót hay khập khiễng thì xin bạn đọc độ lượng đại xá. Người viết vẫn nghĩ rằng tình yêu bóng đá và giấc mơ vô địch vẫn cháy bỏng trong con tim nhiều người, dù biết rằng đội bóng yêu quý của chúng ta còn yếu, còn thiếu nhiều thứ. Vậy thì ta lại cứ hy vọng như khi ta…yêu ai đó, biết đâu ở AFF Cup này ĐTVN sẽ rước "nàng Cúp về dinh” cho thỏa lòng. Hy vọng thế…
Chỉ mong cái hy vọng của tôi không lần nữa bị tan biến. Chỉ mong cái hy vọng của mấy chục triệu đồng bào yêu bóng đá không lần nữa bị tan biến. Đôi khi xem lại những bài báo cũ, thấy cách khán giả Việt xuýt xoa, tiếc rẻ, đau đớn vì ĐTVN thua trận mà nhói lòng. Thấy cách xoa dịu của các cây bút thể thao lần nào (bình luận về thất bại) cũng như lần nấy mà…nhàm và nản.
Chỉ mong các cầu thủ Việt Nam cố gắng kiếm cái huy chương vàng ở AFF Cup sắp tới để dân…sướng (và người viết bài này…cũng sướng). Để những cái tít của những bài báo hoành tráng là "nói có sách, mách có...bóng" chứ không còn nhàm như (những lần thất bại) trước nữa.