Dominique de Villepin, chính trị gia kiêm thi sĩ với mái tóc bạch kim đặc trưng, đã thu hút sự chú ý của thế giới qua bài phát biểu phản chiến đầy ấn tượng năm 2003 tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Sau đó ông ghi thêm dấu ấn qua chuyến công du vòng quanh thế giới vận động chống chiến tranh.
Ông Dominique de Villepin, 52 tuổi, được bổ nhiệm làm thủ tướng Pháp hôm qua. Đây là bước thăng tiến mới nhất trong sự nghiệp chính trị khá yên ả của ông, người từng giữ chức ngoại trưởng, làm nhà văn, chuyên gia cố vấn tin cậy của Tổng thống Jacques Chirac và kể từ năm ngoái làm bộ trưởng nội vụ Pháp.
Chính khách có dòng dõi quý tộc Dominique de Villepin là một lựa chọn khác thường của Tổng thống Chirac cho chức thủ tướng. Ông ghi dấu ấn đậm nét nhất trên chính trường là giai đoạn làm ngoại trưởng Pháp từ 2002 đến 2004. Ông nổi tiếng với những lời nói đanh thép chống lại quan điểm phát động cuộc chiến Iraq của Mỹ.
Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an tháng 2/2003, các đại biểu đã phá bỏ nghi thức ngoại giao để vỗ tay tán thưởng Villepin sau khi ông tranh luận rằng, chiến tranh chỉ nên là phương kế cuối cùng. "Trong ngôi đền Liên Hợp Quốc này, chúng ta là những người canh gác cho một quan niệm, bảo vệ cho lương tâm. Với trách nhiệm nặng nề và vinh sự lớn lao đó, chúng ta phải giành sự ưu tiên cho giải trừ quân bị thông qua hoà bình", Villepin phát biểu.
Nỗ lực chống chiến tranh cũng khiến ông Villepin có thêm nhiều kẻ thù. Tờ New York Post đã dùng kỹ xảo chế biến một bức ảnh, trong đó ông Villepin và đồng minh phản chiến của mình là Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer trông giống như những con chồn thích né tránh.
Nhưng việc ông Villepin chưa từng bao giờ đứng ra tranh cử cho những chức vụ quan trọng và có dòng dõi quý tộc được coi là hai điểm hạn chế đối với một thủ tướng. Đặc biệt là khi chính phủ mới đang cố gắng hàn gắn lại với người dân sau sự chia rẽ trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp chung EU, hôm chủ nhật.
Quả quyết, trí tuệ và tài hùng biện là những đặc điểm dễ nhận thấy về tân thủ tướng Pháp Dominique de Villepin. Đệ nhất phu nhân Pháp Bernadette Chirac từng gọi ông là Nero, hoàng đế La Mã mắc chứng hoang tưởng luôn tự nghĩ mình là một thi sĩ vĩ đại.
Tân thủ tướng Pháp là con trai một nghị sĩ, sinh ngày 14/11/1953 tại Rabat, Marốc. Ông có tên đầy đủ là Dominique Marie Francois Rene Galouzeau de Villepin. Trong những tác phẩm đã xuất bản của ông gồm các tập thơ và một cuốn sách dành 634 trang viết về Napoleon.
Ông Villepin được coi là sẽ không có nhiều khác biệt so với người mà ông thay thế Jean-Pierre Raffarin, một chính khách không được nhiều người ưa chuộng do đưa ra một loạt những cải cách các chương trình xã hội vốn được yêu mến tại Pháp như chính sách lương hưu và chăm sóc sức khỏe.
Hai ông Villepin và Raffarin đã bắt tay nhau bên ngoài dinh thủ tướng Pháp, một ngôi nhà cổ vương giả có từ thế kỷ 18, đồng thời tán dương lẫn nhau trong một nghi lễ chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng. Cựu thủ tướng Raffarin cho biết, Villepin chính là người mà ông đã từng hy vọng sẽ thay thế mình.
Cũng như nhiều người Pháp dòng dõi khác, Tân thủ tướng Villepin từng học tại Trường Hành chính Quốc gia (Ecole Nationale d'Administration) đầy danh tiếng. Ông là phát ngôn viên của sứ quán Pháp tại Washington trong những năm 1980. Ông đã tăng cường khả năng tiếng Anh hoàn hảo của mình trong thời gian hoạt động ngoại giao tại đây và sau đó ở Ấn Độ.
Từ năm 1995 đến 2002, ông Villepin là cố vấn thân cận của Tổng thống Jacques Chirac và từng giúp nhà lãnh đạo Pháp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tháng 4/1997. Năm 2000, Tổng thống Chirac bày tỏ về Villepin với tờ Le Monde như sau: "Rất hiếm có thể gặp được một người như ông ấy, một người vừa là thi sĩ vừa là một lãnh đạo giỏi".
Ông Philippe Moreaux Defarge thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho biết, Tổng thống Chirac coi Villepin như một người thân trong gia đình. "Chúng ta có thể nhìn thấy một mối quan hệ giữa một người anh và một người em trai. Những người như ông Chirac khá cô đơn. Ông ấy có 2 người con gái nhưng không có con trai", Defarge bình luận về mối quan hệ giữa Chirac và Villepin.
Đình Chính (theo AFP, BBC)