Ông ta “tự chôn mình trong sách, đọc hàng đêm, từ chập tối tới sáng sớm, đọc hàng ngày, từ sáng sớm tới chập tối, và vì ngủ ít quá, đọc nhiều quá, não của ông trở nên khô kiệt, và ông phát khùng”.
Don Quixote, giống như Bà Bovary, là bi kịch của sự đọc. Nhưng cuốn tiểu thuyết của Flaubert là một tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực: trí tưởng tượng của Emma bị hư ruỗng bởi thứ sách mà bà đọc, những câu chuyện bá láp, tầm phào nhằm thỏa mãn một đầu óc lãng mạn. Với Don Quixote, một người hùng của sự thái quá, vấn đề chủ yếu không phải ở chỗ những cuốn sách thì dở, mà hoàn toàn là ở số lượng đọc. Đọc không chỉ làm méo mó trí tưởng tượng, mà còn bắt cóc mất nó! Ông ta nghĩ rằng cả thế giới nằm ở bên trong cuốn sách. (Theo Cervantes, mọi thứ, mọi điều Don Quixote nghĩ, nhìn, hay tưởng tượng đều đẻ ra từ việc đọc của ông ta). Ngược hẳn với Emma, thói ham đọc sách quá độ này khiến ông ta chới với, vượt quá ra khỏi sự chừng mực, và hư ruỗng. Nó làm ông ta khùng; nó làm cho ông ta trở nên sâu thẳm, hào hùng, phong nhã nhất mực.
Không chỉ nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, mà cả người kể chuyện cũng mê mẩn đọc. Người kể chuyện trong Don Quixote cho biết, anh ta thèm đọc đến nỗi không từ cả mấy mẩu giấy nằm lăn lóc trên đường phố. Tuy nhiên, nếu hậu quả việc đọc thái quá của Don Quixote là sự khùng điên, thì việc đọc thái quá của người kể chuyện đưa đến cái gọi là sáng tác, trở thành tác giả.
Đúng là bản “hùng ca” đầu tiên và vĩ đại nhất về... sự nghiện. Don Quixote vừa tố cáo văn chương, vừa nhiệt nồng mời gọi văn chương. Một cuốn sách còn hoài, chẳng bao giờ cạn kiệt. Đề tài của nó là tất cả (trọn thế giới) và chẳng là gì cả (cái nằm bên trong đầu của một con người, tức là sự khùng điên). Cứ thế tiến tới, cứ kéo mãi ra, tự ăn thịt mình, nhìn lại mình, nhởn nhơ chơi, bất cần mọi chuyện, bồi thêm mãi, tự nhân mình ra mãi: Cuốn tiểu thuyết của Cervantes chính là hình ảnh của cái tuồng ảo hóa tuyệt vời, tầng tầng lớp lớp vốn là văn chương, và cái rồ dại mong manh của việc sáng tác, với tất cả sức khoáng trương điên cuồng của nó.
Một nhà văn trước tiên là một độc giả - một độc giả phát rồ, một độc giả đểu cáng, một độc giả hỗn xược rao to lên rằng ta có thể làm hay hơn cái ta đọc. Tuy nhiên, sự thật là, khi vị tác giả còn sống vĩ đại nhất soạn câu chuyện ngụ ngôn chung quyết của mình về thiên chức nhà văn, ông ta bịa ra một nhà văn đầu thế kỷ 20, ông này chọn việc viết (những chương hồi của) Don Quixote như là tác phẩm nhiều tham vọng nhất của mình. Lại một lần nữa. Y như chính nó đã từng. Bởi vì Don Quixote, hơn bất kỳ cuốn sách nào từng được viết, là văn chương.
(st)