Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật Đảng Liên hiệp quốc 2008
- Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 (ngày Vesak Liên hiệp quốc) do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ 13 đến 17-5-2008 tại Trung tâm hội nghị quốc gia – Hà Nội với dự kiến có hơn 4500 người tham dự. Đây là thông tin chính thức từ cuộc họp trù bị sáng 10-11 tại TPHCM của Ủy ban tổ chức quốc tế (IOC) ngày lễ Vesak Liên hiệp quốc.
Với chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc năm 2008 tại Việt Nam sẽ bao gồm bảy nội dung thảo luận chính: Quan điểm Phật giáo về chiến tranh, xung đột và trị liệu; Đóng góp của Phật giáo với công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế đồng hành với dân tộc và phát triển xã hội; Chăm sóc môi sinh: giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu; Các vấn đề về gia đình và giải pháp của Phật giáo; Giáo dục Phật giáo – kế thừa và phát triển; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.
Toàn thể đại lễ Phật đản tổ chức chủ yếu ở Hà Nội và một số địa điểm miền bắc, thể hiện trên các phương diện nội dung: Tín ngưỡng, văn hóa, Hành trì, Du lịch tâm linh. Trong đó, về phương diện văn hóa sẽ có sự giao lưu, thể hiện khả năng tiếp biến văn hóa của Việt Nam với hơn 500 phái đoàn Phật giáo đến từ khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về nội dung du lịch văn hóa tâm linh, khánh tham dự đại lễ Phật đản sẽ có tour đi chiêm bái các danh lam thắng tích Việt Nam như: Yên Tử, Hạ Long, chùa Bái Đính và khu du lịch Tràng An (Ninh Bình). Về phương diện hành trì, sẽ có một khóa tu đặc biệt dành cho 500 người do nhà sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn trước ngày diễn ra đại lễ Phật Đản LHQ một tuần lễ.
Theo giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát – trưởng Ban tổ chức quốc tế đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 – việc Việt Nam đăng cai tổ chức chương trình này là sự kiện Phật giáo có ý nghĩa quốc tế lớn quan trọng. Ngày đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua tại cuộc họp ngày 15-12-1999, xem đây như ngày lẽ hội văn hóa tôn giáo thế giới của Liên Hiệp quốc tại trụ sở Liên Hiệp quốc và và các trung tâm LHQ khu vực bắt đầu từ năm 2000 trở đi.