Lao Động số 296 Ngày 20/12/2007 Cập nhật: 8:13 AM, 20/12/2007
Ảnh minh hoạ.
(LĐ) - Trong lúc trên toàn quốc hiện nay mới có 16 sân golf hoạt động, thì riêng ở Long An đã có 13 dự án sân golf được chấp thuận đầu tư và 5 dự án đang xem xét!
Con số gây choáng!
Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Long An "giật mình" khi nghe báo cáo đã có tới 13 dự án (DA) sân golf được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh còn đang xem xét 5 DA sân golf khác. Nhiều cuộc họp đã mổ xẻ con số sân golf gây sốc trên. UBND tỉnh đánh giá lại và đề nghị "huỷ" 7 DA.
Ngày 4.12.2007, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kết luận: Trên địa bàn tỉnh Long An chỉ tiếp nhận 3 DA sân golf, các DA còn lại phải chuyển sang mục đích đầu tư khác... Kết luận trên làm các nhà đầu tư "choáng váng" bởi nhiều DA hiện đã khởi động,
kê biên, đền bù, giải toả với hàng trăm tỉ đồng được chi trả. Cùng với các nhà đầu tư, UBND tỉnh Long An và các sở, ngành chức năng sẽ phải giải bài toán khó khắc phục chuyện đã lỡ, do chính họ tạo ra!
Trong báo cáo giải trình của UBND tỉnh Long An ngày 30.11.2007 có nêu khá nhiều "ưu điểm" của việc thu hút đầu tư sân golf, như: Tạo ra một vùng kinh tế phát triển theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển du lịch; tạo ra thương hiệu quốc gia; giao lưu văn hoá thế giới...
Với quan niệm ấy, chỉ trong 2 năm rưỡi, từ tháng 9.2004 đến tháng 3.2007, UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư cho 13 DA sân golf, đồng thời tiếp nhận hồ sơ 5 DA sân golf khác.
Trong khi đến thời điểm hiện nay, trên toàn quốc mới có 16 sân golf hoạt động, tức trung bình 4 tỉnh, thành có 1 sân golf. Hầu hết khách vào chơi golf là người nước ngoài. Không có gì khó hiểu khi sân golf chủ yếu ở các thành phố lớn. TPHCM sầm uất là thế mà các sân golf ở đó cũng không thật hiệu quả.
Mở màn cho "phong trào" sân golf ở Long An là DA của Cty TNHH An Tây tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc với diện tích 300 hécta. Tiếp theo là Cty TNHH Thái Sơn với DA 275 hécta cũng tại xã này.
Rồi DA của Cty cổ phần Việt Hàn với diện tích 560 hécta, DA của Cty Phú Quang với diện tích 420 hécta. Chỉ riêng xã Long Hậu, UBND tỉnh Long An chấp thuận đến 4 DA sân golf với tổng diện tích 1.555 hécta.
Không chỉ Long Hậu, một số xã khác ở Cần Giuộc cũng được chấp thuận các DA sân golf. Rồi huyện Thủ Thừa, huyện Bến Lức cũng có nhiều DA sân golf được chấp thuận địa điểm đầu tư.
Nếu sự việc không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, thì với 18 DA sân golf, hàng chục ngàn hộ nông dân sẽ mất gần 9.500 hécta đất để dành cho sự "chơi" không hứa hẹn nhiều điều sáng sủa cho họ và cho nền kinh tế Long An.
Khắc phục hậu quả!
Chắc chắn trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh, mà trực tiếp là các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh dẫn đến chuyện đã rồi đó. Như đã nói, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An đã gút lại chỉ triển khai 3 DA sân golf ở 3 huyện: Thủ Thừa, Cần Giuộc và Đức Hoà.
Trong khi đó, hầu hết trong số 13 DA sân golf đã làm thủ tục giao đất. Gần một nửa trong số đó đã tiến hành kê biên, áp giá đất và bồi thường cho dân. Như vậy UBND tỉnh sẽ phải vận động 10 DN chuyển DA sang mục đích đầu tư khác.
Việc này có dễ dàng không, khi mỗi DA là một kế hoạch kinh doanh trị giá từ hàng chục tới hàng trăm triệu USD kéo dài nhiều chục năm. Và liệu UBND tỉnh Long An có bị kiện, phải bồi thường thiệt hại!
Các chuyên gia kinh tế nhận định, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường, trừ khi việc "chuyển đổi mục đích đầu tư" của họ được UBND tỉnh có những ưu tiên đặc biệt.
Vấn đề đặt ra là tại sao UBND tỉnh Long An cùng các cơ quan tham mưu lại cấp phép tràn lan như thế. Một câu hỏi khác cũng không dễ trả lời: Tại sao người ta ùn ùn đầu tư sân golf Long An, trong khi ngay cả các sân golf ở thành phố lớn còn không hiệu quả?
Liệu hiện tượng này có liên quan gì đến dấu hiệu xin phép đầu tư rồi sang nhượng DA để thu siêu lợi nhuận, mặc cho người dân mất đất không được hỗ trợ thoả đáng, như có đại biểu HĐND tỉnh đã đặt ra trong kỳ họp lần thứ 12 vừa qua.
Kỳ Quan