Việt Nam và WTO
Đây là tài liệu trích từ một cuộc tập huấn "Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ các cam kết của Việt Nam với WTO" mới đây. Rất bổ ích. Mình sẽ trích đăng dần dần cho các anh chị em tìm hiểu...
Tuy nhiên, đây là một dạng tài liệu được khuyến cáo là "hạn chế lưu hành". Như vậy mong BQT làm cách nào đó chỉ cho phép thành viên mới đọc được và không cho hiển thị trên các công cụ tìm kiếm. Không biết có được không? Nếu không được thì chắc là không dám pót lên nhiều...
Giới thiệu chung
1. Tháng 1 năm 1995, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (Tài liệu WT/L/1). Tại cuộc họp ngày 31/1/1995, Đại hội đồng đã thành lập một Ban Công tác để xem xét đơn của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo Điều XII của Hiệp định Marrakesh về thành lập WTO. Các điều khoản tham chiếu và tư cách thành viên của Ban Công tác được quy định trong tài liệu WT/ACC/VNM/1/Rev.23.
2. Ban Công tác đã họp vào các ngày 30-31/7/1998 và ngày 3/12/1998; 22-23/7/1999; 30/11/2000; 10/4/2002; 12/5/2003 và 10/12/2003; 15/6/2004 và 15/12/2004 dưới sự chủ tọa của Ngài Seung Ho (Hàn Quốc); ngày 15/9/2005; ngày 27/03/2006 và ngày 18/07/2006, ngày 9/10/2006 và ngày 26/10/2006 dưới sự chủ toạ của Ngài Eirik Glenne (Na-uy).
Các tài liệu đã cung cấp
3. Để có cơ sở cho việc thảo luận, Ban Công tác đã sử dụng bản Bị vong lục về Chế độ ngoại thương của Việt Nam (WT/ACC/VNM/2), các câu hỏi do các Thành viên đưa ra về chế độ ngoại thương của Việt Nam, cùng với các câu trả lời và các thông tin khác do các cơ quan chức năng của Việt Nam cung cấp (WT/ACC/VNM/3, Bản đính chính 1 và các Phụ lục 1, 2 và 3; WT/ACC/VNM/5 và Phụ lục 1; WT/ACC/VNM/6 và các Phụ lục 1 và 2; WT/ACC/VNM/7; WT/ACC/VNM/8; WT/ACC/VNM/9 và các Phụ lục 1 và 2; WT/ACC/VNM/10; WT/ACC/VNM/11 và các Bản sửa đổi 1, 2, 3, 4 và 5; WT/ACC/VNM/12; WT/ACC/VNM/13 và các Phụ lục 1 và 2; WT/ACC/VNM/14 và Phụ lục 1; WT/ACC/VNM/15 và các Phụ lục 1 và 2; WT/ACC/VNM/16; WT/ACC/VNM/18 và Bản sửa đổi 1; WT/ACC/VNM/19 và Bản sửa đổi 1; WT/ACC/VNM/20 và các Bản sửa đổi 1 và 2; WT/ACC/VNM/21 và các Bản sửa đổi 1 và 2; WT/ACC/VNM/22 và Bản sửa đổi 1; WT/ACC/VNM/23; WT/ACC/VNM/24 và các Bản sửa đổi 1 và 2; WT/ACC/VNM/25 và các Bản sửa đổi 1, 2 và 3; WT/ACC/VNM/29; WT/ACC/VNM/31 và các Bản sửa đổi 1 và 2; WT/ACC/VNM/32; WT/ACC/VNM/33 và Phụ lục 1; WT/ACC/VNM/34; WT/ACC/VNM/35; WT/ACC/VNM/36; WT/ACC/VNM/37; WT/ACC/VNM/38; WT/ACC/VNM/39; WT/ACC/VNM/40; WT/ACC/VNM/41; WT/ACC/VNM/42; WT/ACC/VNM/44; WT/ACC/VNM/46 và WT/ACC/VNM/47 và Phụ lục 1), bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu khác được liệt kê tại Phụ lục I.
Tuyên bố ban đầu
4. Đại diện của Việt Nam cho biết Việt Nam bắt đầu quá trình cải cách kinh tế kể theo chính sách "Đổi mới" từ năm 1986. Quá trình này tập trung vào cải cách cơ chế quản lý kinh tế theo định hướng thị trường; tái cơ cấu để xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần; cải cách hành chính, tiền tệ và tài chính; và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại. Với việc gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam đã và đang tham gia vào các tổ chức khu vực tuân thủ các nguyên tắc và quy định của WTO. Việc Việt Nam tham gia vào các thể chế này cũng đồng thời là bước chuẩn bị và hỗ trợ đáng kể cho tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam.
5. Việt Nam nhận thức được vai trò to lớn và tầm quan trọng của WTO đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu cũng như đối với sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam quyết định xin gia nhập WTO nhằm mở rộng các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các Thành viên khác, thể hiện quyết tâm cao để đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với hệ thống thương mại thế giới. Nhận thức được việc trở thành Thành viên của WTO sẽ gắn liền với cả quyền lợi được hưởng lẫn nghĩa vụ phải thực hiện, Việt Nam cam kết lấy các nguyên tắc của WTO làm nền tảng cho các chính sách thương mại của mình. Việt Nam đã và đang tiến hành rà soát và sửa đổi luật pháp để từng bước phù hợp với các quy định và nguyên tắc của WTO.
6. Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (NCIEC) mang tính chất liên bộ ngành, chịu trách nhiệm điều phối liên ngành về xây dựng chính sách và hợp tác kinh tế, đồng thời thành lập Đoàn đàm phán chính phủ về các vấn đề Kinh tế và Thương mại quốc tế bao gồm các quan chức cao cấp của nhiều bộ ngành. Việt Nam sẵn sàng đàm phán trên mọi lĩnh vực mà các Thành viên WTO quan tâm. Với lý do Việt Nam là một nước đang phát triển với thu nhập thấp và nợ nước ngoài cao, đại diện của Việt Nam hy vọng và tin tưởng rằng các Thành viên sẽ thông cảm và linh hoạt trong quá trình xây dựng các điều khoản và điều kiện để Việt Nam trở thành thành viên của WTO.
7. Các Thành viên của WTO nhiệt liệt hoan nghênh đơn xin gia nhập WTO của Việt Nam và cam kết sẽ ủng hộ Việt Nam trong tiến trình gia nhập. Các Thành viên đánh giá cao những cải cách quan trọng mà Việt Nam đã thực hiện và khuyến khích Việt Nam tiếp tục theo đuổi các chính sách minh bạch, tự do hóa và theo định hướng thị trường. Tiến trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam củng cố vững chắc những thành quả đạt được từ công cuộc cải cách kinh tế hiện tại. Một số Thành viên lưu ý rằng Việt Nam cần điều chỉnh chế độ thương mại và pháp luật hơn nữa để phù hợp với các yêu cầu của WTO, và mong muốn tích cực cộng tác với Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu này.
8. Ban Công tác đã rà soát các chính sách kinh tế và chế độ ngoại thương của Việt Nam cùng với các điều khoản dự kiến của bản dự thảo Nghị định thư gia nhập WTO. Các quan điểm của các Thành viên Ban Công tác về những khía cạnh khác nhau của chế độ ngoại thương Việt Nam và về các điều khoản và điều kiện gia nhập WTO của Việt Nam được tóm lược từ đoạn 9 đến đoạn 526 dưới đây.
|