Có ai chọn nghề báo không, hãy đặt câu hỏi, Tr.Giang sẽ tư vấn giúp!
Nghề Báo!
Nghề báo nhọc nhằn hơn các bạn tưởng. Có bạn nói rằng làm nghề báo vì yêu thích sự đi đây đi đó, được gặp gỡ người này người kia... Cái này chỉ là phần ngọn chứ không phải phần gốc (Tuy nhiên, nếu bạn thích đi đây đi đó... cũng là một yếu tố để bạn phát triển nghề nghiệp).
Mà bạn ạ, muốn được đi đây đi đó, gặp người này người kia, muốn được đông đảo bạn đọc biết đến... trước hết bạn phải giải quyết được vấn đề: bạn đã có đề tài để được đi đây đi đó, để được gặp người này người kia... hay chưa? Nếu bạn có đề tài thì bạn mới mong được đi đây đi đó và gặp người này người kia. Còn không thì ngồi nhà và chuẩn bị tinh thần cho cái bệnh sì – trét tấn công bạn nhé!
Vì sao tôi lại nhấn mạnh đề tài nhỉ? Bây giờ, làm bất cứ ở báo nào bạn cũng phải báo cáo đề tài sẽ làm trong tuần, tháng... để sếp duyệt. Đề tài được sếp duyệt thì bạn mới được làm. Và tùy theo đề tài bạn báo cáo mà quyết định bạn có đi đây đi đó để làm hay không? Chẳng hạn bạn báo cáo một đề tài về “Chuyện lạ lùng ở Phú Quốc”, tòa soạn Ok thì mới mong rằng bạn được đi Phú Quốc để làm. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, hiện nay các báo đã có mạng lưới cộng tác viên, phóng viên thường trú tại các vùng, không khéo đề tài bạn báo cáo sẽ được chuyển giao cho những người ấy, lúc đó thì bạn cũng chỉ nằm nhà.
Tuy nhiên, nói gì thì nói nhiệm vụ đầu tiên của bạn là phải tìm ra đề tài để viết. Tìm ra đề tài là chuyện luôn làm cho các phóng viên đau đầu nhức óc. Đề tài báo chí không phải hư cấu như viết văn. Nó là phản ánh hiện thực. Một ngày, sự kiện xảy ra thì đầy rẫy. Nhưng đôi lúc, để tìm ra một sự kiện đáng viết thì lại khó khăn vô cùng. Tìm được một sự kiện độc đáo lại càng khó hơn. Bạn cứ nghĩ đi, không dễ để có thể tìm ra một đề tài như “Bí thư tỉnh ăn hối lộ 10 nghìn USD” đâu nhe! Bạn đừng nghĩ rằng có vụ đụng xe, nhà báo có mặt đưa tin là dễ dàng. Bạn có bao giờ đặt câu hỏi là làm sao nhà báo biết được thông tin có vụ đụng xe đó để có mặt, đưa tin hay không? Mà bạn cũng phải biết rằng, tìm ra rồi, tiếp cận để viết lại là một vấn đề khác nữa cũng khó khăn không kém. Như vậy, chuyện đi đây đi đó, gặp người này người kia... cũng chỉ là sự cụ thể hóa đề tài mà bạn được duyệt mà thôi.
Bây giờ trong trường và ở các tờ báo luôn dạy bạn viết tin, phóng sự, điều tra như thế nào, ra sao. Họ cũng dạy bạn cách tiếp cận nguồn tin, cách khai thác đề tài.... Dĩ nhiên, nếu bạn có chút khiếu viết lách thì càng tuyệt... Tất cả những điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong nghề nghiệp. Nhưng, không Tòa soạn nào cung cấp đề tài hàng ngày cho bạn viết. Bạn phải tìm, tìm, tìm...
Và tôi có thể khẳng định rằng, Nghề báo đầu tiên là nghề tìm đề tài để viết! Còn bạn tìm ra sao, tìm như thế nào để có đề tài để viết lại là chuyện nhức đầu nhức óc khác mà tôi đã đề cập sơ qua ở trên. Không phải là không có lý khi người ta nói rằng trong người một nhà báo bao gồm cách diễn đạt như một nhà văn, cần cù như con ong thợ, ma mãnh như tay giang hồ, kín đáo, ăn sâu như một trinh sát... Để làm gì, để tìm đề tài, để báo cáo, để được duyệt, để viết và có hy vọng đi đây đi đó, gặp người này, người kia...
Nói chung, nhọc nhằn!
Nhưng nếu hiểu nghề, yêu nghề thì tôi nghĩ, bất cứ nghề nào (hợp pháp) cũng làm được cả! Đơn cử nghề báo rất cực nhưng giờ cũng nhiều “nhà báo” lắm. Nghề báo cũng nhiều điều thú vị chứ!