Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..::CLB Nhiếp Ảnh::..

..::CLB Nhiếp Ảnh::.. Trao đổi các đề tài liên quan đến nhiếp ảnh

Ý nghĩa chữ số trên ống kính ( lens )

Ý nghĩa chữ số trên ống kính ( lens )

this thread has 8 replies and has been viewed 59161 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 12-03-2009, 12:23 PM   #1
Hồ sơ
Gem
Senior Member
 
Gem's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 2,127
Tiền: 109549
Thanks: 170
Thanked 1,340 Times in 543 Posts
Gem is an unknown quantity at this point
Default Ý nghĩa chữ số trên ống kính ( lens )

thân máy là vậy, rất " đơn giản " , bàn qua ống kính thì mọi chuyện lại trở nên " đơn giản " hơn nhiều . Gem sẽ không viết về ống kính vì đã có 1 cao thủ viết rồi, gem chỉ quote lại cho mọi người tham khảo thôi.

Trích:
THẾ GIỚI CỦA ỐNG KÍNH

I. Những khái niệm cơ bản

I.1. Tại sao máy ảnh của tôi lại không kèm theo một ống kính? Nó chẳng rẻ hơn sao?

Không, đây thực sự là một điểm lợi. Thứ nhất, các máy ảnh thay thế được ống kính cho phép bạn gắn bất kỳ ống kính nào bạn cần. Không như các máy du lịch đơn giản với ống kính không thể tháo rời bạn không bị hạn chế bởi nhà sản xuất thân máy. Thứ hai, mỗi người đều có nhu cầu và ngân sách khác nhau bởi vậy thông thường mong muốn không dừng lại ở một ống kính, bạn có thể chọn các ống kính phù hợp với mình. Thứ ba, điều gì xảy ra khi bạn mua một máy ảnh khác? Bạn sẽ có hai ống kính giống hệt nhau.
Canon bán nhiều máy ảnh EOS kèm theo ống kính. Những ống kính này gọi là ống kính bộ, nhưng thẳng thắn mà nói không phải tất cả chúng đều là các ống kính chất lượng cao. Thường thường, bạn thích mua thân máy phù hợp với mình và tìm những ống kính tốt gắn lên nó.
I.2. Thế nào là ống kính góc rộng (wide), ống kính tiêu chuẩn (normal) và ống kính tiêu cự dài (tele)?
Bạn đang cố chụp một số người bạn nhưng bạn không thể đưa tất cả mọi người vào trong ảnh. Bạn bước lùi lại phía sau nhưng có một bức tường, một vách đá hoặc cái gì đó khiến bạn không thể làm được điều này, vì vậy bạn phải bảo mọi người xích lại gần nhau hơn. Hoặc bạn nhìn thấy một con chim ở phía xa, bạn vồ lấy máy ảnh và bạn sẽ có một bức ảnh bầu trời với một đốm tí xíu vô vọng ở giữa khung ảnh.
Trong mỗi trường hợp trên, trường nhìn tạo ra bởi ống kính không phù hợp với chủ đề của bạn. Trường hợp thứ nhất, ống kính của bạn không đủ “rộng” để lấy toàn cảnh và trong trường hợp thứ hai ống kính của bạn không đủ “dài”. Có ba loại ống kính chính được phân chia theo “lượng cảnh vật” mà chúng thu được, và trường nhìn của mỗi loại được xác định bởi một đặc tính quang học gọi là chiều dài tiêu cự của ống kính.
Một ống kính được gọi là normal nếu trường nhìn tương tự như trường nhìn của mắt người. Thông thường, một ống kính normal trên máy phim 35 mm có chiều dài tiêu cự là 50 mm hoặc tương đương. Ống kính normal phù hợp để chụp gần nhưng không tiến được quá gần vào đối tượng, như khi chụp một ảnh bán thân trong một căn phòng bình thường.
Một ống kính góc rộng có thể tạo được một vùng cảnh vật lớn hơn. Điều này có hai điểm lợi- thứ nhất bạn có thể có một vùng phong cảnh rộng lớn và thứ hai là bạn chụp được một khu vực rộng hơn trong một căn phòng bình thường. Nếu bạn chụp một nhóm bạn bè trong một bữa tiệc tối bạn sẽ cần một ống kính góc rộng trừ khi bạn có thể lùi ra xa để chụp được tất cả mọi người. Trên máy ảnh 35 mm, ống kính góc rộng có chiều dài tiêu cự là 35 mm hoặc nhỏ hơn.
Nhìn qua một ống kính tiêu cự dài (tele) tựa như nhìn qua một kính viễn vọng vậy, nó làm hẹp góc nhìn và làm đối tượng có cảm tưởng gần lại hơn trong thực tế. Một ống kính tiêu cự dài có chiều dài tiêu cự khoảng 70 mm trên máy ảnh phim 35 mm.
Đây chỉ là sự phân loại chung chung, tất nhiên có rất nhiều chủng loại ống kính trong mỗi nhóm trên. Chẳng hạn, bạn có thể có một ống kính 28mm, là ống góc rộng vừa phải không đắt tiền, hoặc bạn có thể có ống kính 14 mm rất đắt có thể chụp cả một vùng cảnh lớn, rất tốt khi mô tả bầu trời rộng lớn. Tương tự bạn có thể gắn ống kính 85 mm lên máy ảnh để chụp chân dung, hoặc bạn có thể bán ôtô của mình đi để tậu một ống kính 600 mm mà muốn mang đi đâu bạn phải có cả một va li to đùng nhưng cho phép bạn chụp khuôn mặt của một chú chim từ khoảng cách xa lắc.

I.3. Sự khác biệt giữa ống kính đa tiêu cự (zoom) và ống kính một tiêu cự (prime).

Ống kính một tiêu cự là ống kính mà trường nhìn (và chiều dài tiêu cự) không thể điều chỉnh được, chỉ có một cách để chụp được nhiều hay ít đối tượng là bạn phải tiến lại gần hay lùi xa khỏi vật chụp (đôi khi gọi là zoom bằng chân, dù kỹ thuật này không tạo ra hiệu quả giống hệt như khi thay đổi chiều dài tiêu cự) hoặc phải mang theo rất nhiều ống kính với các chiều dài tiêu cự khác nhau để thay thế chúng tuỳ tình huống chụp.
Một ống kính đa tiêu cự là ống kính mà trường nhìn có thể thay đổi. Chẳng hạn nếu bạn không thể chụp hết nhóm bạn của mình, bạn chỉ cần xoay vòng zoom trên ống kính cho đến khi đạt được yêu cầu, hoặc khi con chim ở quá xa bạn có thể quay ngược lại để kéo nó lại gần hơn.
Cho đến cuối những năm 1980, ống kính một tiêu cự vẫn là loại được bán chủ yếu bởi vì từ khía cạnh quang học việc chế tạo ống kính một tiêu cự chất lượng cao chụp được những bức ảnh sắc nét vẫn rẻ hơn nhiều so với chế tạo một ống kính đa tiêu cự loại thường thường. Nhưng ống kính một tiêu cự rõ ràng là bất tiện vì bạn sẽ phải đi tới đi lui khi chụp hình. Cuối những năm 80, ống kính đa tiêu cự càng ngày càng thông dụng hơn. Giờ đây rất khó tìm các ống kính một tiêu cự giá thấp vì mọi người đều thích ống kính đa tiêu cự hơn.
Vậy tại sao bạn vẫn muốn ống kính một tiêu cự ? Do ống kính một tiêu cự dễ sản xuất hơn và có ít nhóm thấu kính hơn nên ống kính một tiêu cự thường cho một bức ảnh sắc nét hơn phần lớn các ống kính đa tiêu cự. Hoặc nếu bạn muốn có nhiều ánh sáng hơn qua ống kính để có thể chụp ngay tại các vị trí thiếu sáng thì ống kính một tiêu cự sẽ phù hợp hơn vì rất khó sản xuất ống kính đa tiêu cự thoả mãn yêu cầu này. Một số nhiếp ảnh gia nhiều tuổi, khó tính cho rằng sử dụng ống kính một tiêu cự rất quan trọng đối với các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi vì buộc họ phải học về chiều dài tiêu cự và luật phối cảnh.
Bạn luôn muốn có một ống kính nhỏ, nhẹ, đa tiêu cự, thu nhận được nhiều ánh sáng, tạo ra một bức ảnh tương phản tốt, không bị biến dạng và phải rẻ, nhưng đáng buồn là trong thực tế không thể có một ống kính như vậy.
Phần lớn dân nghiệp dư chọn sự linh hoạt của các ống kính đa tiêu cự giá vừa phải chấp nhận chất lượng ảnh trung bình, nhiều người chơi ảnh nghiệp dư khó tính hơn chọn chất lượng ảnh cao hơn và chấp nhận các bất tiện của ống kính một tiêu cự, dân chuyên nghiệp thường tậu các ống kính đa tiêu cự chất lượng cao nặng hàng tấn và trị giá cả một gia tài.

I.4. Vậy ống kính nào nên mua cho chiếc máy ảnh của mình?
Khi chúng ta mua một cái máy ảnh có rất nhiều thứ cần phải cân nhắc đến, bởi vậy câu hỏi này không thể có câu trả lời nếu bạn không giải quyết được các vấn đề sau:
- Chính xác thì bạn muốn chụp ảnh gì?
Mục đích chụp ảnh của bạn sẽ ảnh hưởng đến mọi quyết định khác. Bạn sẽ chụp phong cảnh? Chân dung? Con cái bạn hay các vật nuôi? Hoa? Chim chóc hoang dã? Thể thao? Kiến trúc? Giao thông?...
- Bạn có thể chi bao nhiêu tiền?
Bạn có thể chi cả đống tiền cho ống kính, bởi vậy quyết định ngân sách của bạn là điều rất quan trọng.
- Bạn muốn mua các ống kính mới hay đã sử dụng?
Câu hỏi này cũng đặt ra khi bạn mua một máy ảnh mới.
- Bạn muốn ống kính đa tiêu cự hay một tiêu cự?
Ống kính một tiêu cự nói chung có chất lượng quang học cao hơn ống kính đa tiêu cự trừ những ống kính đa tiêu cự chuyên nghiệp và rất đắt tiền, tuy nhiên các ống kính một tiêu cự thường khiến bạn phải đi vòng vòng để đóng khung đối tượng chụp.
- Bạn muốn có một ống kính nhanh không?
Liệu bạn có muốn chụp trong những hoàn cảnh thiếu sáng mà không cần chân máy hay flash? hay chụp chân dung với hiệu ứng làm mờ nền? những yêu cầu này cần một ống kính nhanh cho phép nhiều ánh sáng hơn đi qua.
- Bạn muốn mua một ống kính của Canon hay của hãng khác?
Các nhà sản xuất ống kính độc lập cho ra rất nhiều ống kính chất lượng nhưng cũng có nhiều ống không được như vậy, bạn sẽ phải cân nhắc và nghiên cứu. Những ống kính này có vấn đề về sự tương thích với máy ảnh của bạn cả hiện tại và trong tương lai.
- Bạn quan tâm đến tính tiện lợi hay chất lượng sản xuất?
Một ống kính lấy nét chậm hoặc bất tiện khi sử dụng thường có chất lượng quang học hơn các ống kính khác trang bị động cơ nhanh. Các động cơ USM dạng vòng tốc độ nhanh, êm và có thể thay thế hoàn toàn lấy nét tay nhưng các ống kính có động cơ này thường đắt hơn các ống kính khác.
- Chất lượng quang học nào là quan trọng đối với bạn?
Độ sắc nét và tương phản được hầu hết chúng ta quan tâm, nhưng còn độ méo hình thì sao? Nhiều ống kính đa tiêu cự rẻ tiền gây méo hình rất nhiều và không thích hợp khi chụp kiến trúc, chúng cũng dễ gây hiện tượng loé hình (làm giảm tương phản và tạo ra các điểm sáng loé trong ảnh khi luồng sáng mạnh như mặt trời chẳng hạn nằm gần hoặc trên khung hình)

I.5. Ống kính nào nên mua cho chiếc máy ảnh EOS?
Có hai điều nên lưu tâm:
Thứ nhất, máy ảnh số EOS rất đắt tiền nên bạn không nên chỉ chú tâm tìm những ống kính rẻ nhất có thể. Nếu bạn đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua thân máy thì việc mua một ống kính rẻ tiền là điều không kinh tế chút nào, điều này chẳng khác gì bạn bỏ ra cả đống tiền để mua một dàn CD và âm ly chất lượng cao để rồi cắm vào chúng một cặp loa đồ chơi vậy, chất lượng âm thanh cuối cùng thật khập khiễng với cặp loa này cũng như chất lượng ảnh thật khập khiễng với các ống kính rẻ tiền. Nên tránh mua các ống kính thuộc loại “quá rẻ”.
Thứ hai, trừ vấn đề về hệ số thu nhỏ (crop factor) việc lựa chọn ống kính cho máy KTS giống hệt cho máy phim. Bạn chụp loại ảnh nào? Bạn có cần ống kính góc rộng chụp phong cảnh không? hay cần ống kính đa tiêu cự tốc độ lấy nét nhanh cho chụp thể thao? Một ống kính đa tiêu cự ngắn và nét để chụp chân dung? Bạn sẵn sàng mang theo mình bao nhiêu kg khi chụp ảnh?...
Khác biệt lớn đối với các máy ảnh KTS là hệ số thu nhỏ hay còn gọi là hệ số nhân chiều dài tiêu cự (crop factor), trừ máy EOS 1Ds, 1Ds mark II và 5D có cảm biến ảnh bằng khung hình của phim 35 mm, phần lớn các máy KTS khác có cảm biến ảnh nhỏ hơn khung hình phim 35 mm. Nếu máy ảnh của bạn có hệ số thu nhỏ là 1,6x thì có nghĩa là ống kính 50 mm lắp trên máy này sẽ có hiệu quả y như ống kính 80 mm vậy (=50x1.6), chiều dài tiêu cự không đổi nhưng hiệu quả tạo ra thì thay đổi.
Điều này tạo ra hai lợi thế, bạn có thể sử dụng ống kính 50mm rẻ tiền để sử dụng chụp chân dung và bạn có thể gắn một ống kính đa tiêu cự vào máy và nó sẽ có hiệu quả như một ống kính có chiều dài tiêu cự lớn hơn. Tất nhiên sẽ có điểm thiệt thòi, bạn phải sử dụng ống kính góc rộng hơn để chụp một tấm hình có góc nhìn tương đương khi chụp bằng máy phim, điều này thực sự là vấn đề nan giải đối với nhiều người, chính vì lý do này bạn cần các ống kính góc rộng hơn so với ống kính của máy phim, nếu bạn dùng ống kính 28-105mm trên máy phim thì bạn phải sử dụng ống kính 24-85mm trên máy KTS để cho hiệu quả tương đương.

I.6. Thế nào là ống kính EF-S?
Kể từ khi giới thiệu máy ảnh EOS năm 1987 đến năm 2003, Canon đã tiêu chuẩn hoá các ngàm lắp ống kính cho tất cả các máy ảnh SLR đó là ngàm lắp ống kính EF (ngàm lắp ống kính lấy nét điện tử).
Đến năm 2003, Canon giới thiệu một máy ảnh số mới, chiếc EOS 300D sử dụng ngàm lắp ống kính mới được gọi là EF-S. Tất cả các máy EOS tầm thấp và tầm trung được sản xuất từ đó đều tương thích với cả EF và EF-S, nhưng không một máy phim nào tương thích với EF-S. Bạn phải luôn nhớ rằng thân máy ảnh số với ngàm EF-S đều tương thích với tất cả các ống kính EF thông dụng, tuy nhiên một ống kính EF-S thì chỉ tương thích với các thân máy có ngàm EF-S.
Thân máy EF-S có hộp gương nhỏ khoảng 2/3 so với các máy ảnh EOS khác (hệ số thu nhỏ 1,6x) vì chúng sử dụng cảm biến ảnh nhỏ hơn khung phim 35mm. Các máy ảnh này và các máy ảnh APS đều được gọi là máy ảnh khung hình nhỏ (subframe), máy phim 35 mm và máy KTS dùng khung hình tương đương phim 35mm gọi là các máy ảnh khung hình tiêu chuẩn (full frame)
Máy ảnh EF-S hỗ trợ cho các ống kính với khoảng tiêu cự phía sau ngắn hơn (shorter) so với ống kính EF, đây là lý do vì sao có ký hiệu “S” – các ống kính EF-S có khoảng tiêu cự phía sau ngắn hơn (tức là phần sau của ống kính có thể dịch lại gần mặt cảm biến hơn vì gương lật có kích thước nhỏ hơn). Đặc điểm này khiến Canon có thể sản xuất các ống kính góc rộng rẻ hơn thích hợp với các định dạng ảnh nhỏ của máy ảnh khung hình nhỏ vì rất khó chế tạo các ống kính góc rộng mà khoảng cách tiêu cự phía sau lớn.
Canon sản xuất vô số ống kính EF-S, từ các ống kính bộ rẻ tiền đến các ống kính chất lượng cao với cơ cấu ổn định hình ảnh, cả những ống kính cận cảnh 60mm với ngàm dạng EF-S. Ống kính siêu rộng EF-S 10-22mm 3.5-4.5 USM (tương đương ống kính 16-35mm trên máy khung hình tiêu chuẩn) rất có giá trị cũng như EF-S 17-55mm 2.8 IS USM một ống kính cỡ L thực sự chỉ khác chất lượng sản xuất và tên tuổi.
Vấn đề băn khoăn chính của ống kính EF-S là giá trị của nó trong tương lai, hiện tại cảm biến ảnh khổ rộng tương đương phim 35mm rất đắt tiền nên nhiều máy ảnh sử dụng cỡ cảm biến nhỏ hơn, nhưng trong tương lai khi giá thành sản xuất giảm xuống, số phận của EF-S sẽ ra sao? Bao giờ điều này mới xảy ra và liệu bạn có thể khai thác triệt để sự đầu tư của mình với ống kính EF-S trước khi nó diễn ra không? Vấn đề đầu tiên thì chẳng ai trả lời được, còn vấn đề thứ hai chỉ có chính bạn trả lời được mà thôi.

I.7. Những máy ảnh nào có thể sử dụng ống kính EF-S?
Bất kỳ máy ảnh EOS nào có một chấm đỏ trên ngàm gắn ống kính đều có thể sử dụng ống kính EF, các máy có cả chấm đỏ và một hình vuông trắng đều dùng được cho cả hai loại ống kính EF và EF-S.
Những câu hỏi xung quanh chiều dài tiêu cự của ống kính EF và EF-S có thể làm bạn vô cùng bối rối nếu bạn là người mới bắt đầu, nhưng chỉ cần nhớ một điều quan trọng rằng dù sử dụng ống kính nào đi nữa thì bất kỳ những gì bạn nhìn thấy qua ống ngắm chính là những thứ lưu lại trên tấm ảnh của bạn (what you see is what you get!). Chỉ có một vấn đề nên lưu tâm là hệ số thu nhỏ khi bạn muốn so sánh góc thu hình của một ống kính EF trên máy ảnh khung hình tiêu chuẩn so với khi lắp trên máy ảnh khung hình nhỏ (hoặc so với một ống kính EF-S trên máy ảnh khung hình nhỏ).

I.8. Phân biệt ống kính EF và EF-S.
Thân máy và ống kính EF thông dụng có một chấm đỏ để căn chỉnh giữa ống kính và thân máy. Thân máy EF-S có một hình vuông trắng, khi lắp phải thẳng hàng với hình vuông trắng của ống kính EF-S. Các ống kính EF-S cũng có một vòng cao su phía đuôi gắn với thân máy, đây không phải là phớt chắn nước như của ống kính L, nhưng nó cũng giúp giảm lượng bụi vào thân máy, và theo hãng Canon. vòng cao su này giúp giảm thiểu các rủi ro nếu bạn cố gắng lắp một ống kính EF-S lên một thân máy chỉ dùng ống kính EF.

I.9. Ống kính EF-S và máy ảnh phim.
Không có máy phim 35mm nào sử dụng khung hình nhỏ hơn 36x24 mm, bởi vậy không có máy ảnh 35mm nào hỗ trợ ống kính EF-S. Ngay cả nếu gương lật không chạm vào đuôi ống kính thì hình ảnh sẽ bị mờ bên rìa vì ống kính EF-S không thể tạo ra vòng tròn ảnh lớn đủ cho khung hình của phim 35mm. Về mặt lý thuyết, Canon có thể sản xuất máy ảnh APS hỗ trợ ống kính EF-S vì đây cũng là máy ảnh sử dụng khung hình nhỏ nhưng thực tế thì không vì máy ảnh APS hầu như không sử dụng trong thương mại nữa. Tất cả các máy ảnh có ngàm EF-S đều là các máy ảnh số.

I.10. Đẽo gọt ống kính EF-S.
Vì ống kính EF-S không được thiết kế cho máy chỉ dùng EF, nếu ta cố tình (và dũng cảm!) cắt ngắn nó đi hoặc tháo phần đuôi ra, nó cũng lắp vừa cho mọi máy ảnh EOS, nhưng với các thân máy có kích thước hộp gương lật tiêu chuẩn thì khi chụp, gương lật sẽ va chạm với phần đuôi ống kính. Chính vì điều này, ống kính EF-S chỉ làm việc được trên các máy EOS đời cũ như D30, D60 và 10D, nhưng ngay cả như vậy cũng vấn có vấn đề phát sinh. Chẳng hạn, ống kính EF-S 10-22mm ở góc nhìn rộng nhất sẽ va vào gương của thân máy không hỗ trợ EF-S, kể cả khi hộp gương nhỏ (vì vậy EF-S dù đã “chặt” bớt vẫn không thể dùng trên máy hệ số thu nhỏ 1.3x như 1D chẳng hạn).

I.11. Những ký hiệu ghi trên thân ống kính
Mọi ống kính đều có các ký hiệu ghi trên thân chứa đựng những thông tin quan trọng về đặc điểm của nó. Khi bạn mua ống kính phải rất cẩn thận, hai ống kính tên có vẻ giống nhau nhưng có thể khác nhau một trời một vực kể cả giá tiền.

Ví dụ:
CANON LENS EF 28-80mm 1:3.5-5.6 Φ58mm
EF - Ký hiệu ống kính dạng EF, chỉ thích hợp cho máy Canon EOS mà gần như không lắp được lên máy khác.
28-80mm - Chiều dài tiêu cự của ống kính, trong trường hợp này có hai giá trị vì ống kính là đa tiêu cự có thể thay đổi giá trị từ 28mm ở góc rộng nhất đến 80mm ở góc hẹp nhất, những số này đo bằng milimét biểu thị góc thu hình của ống kính.
1:3.5-5.6 - Chỉ khẩu độ lớn nhất mà ống kính đạt được. Đây là ống kính đa tiêu cự có hai giá trị khẩu độ- f/3.5 và f/5.6, trên thực tế đây là ống kính giá rẻ khẩu độ lớn nhất là f/3.5 ở góc rộng nhất (28mm) nhưng khẩu độ lớn nhất chỉ còn là f/5.6 ở góc hẹp nhất (80mm), một ống kính tương đối chậm, nó không thể cho nhiều ánh sáng đi qua ngay cả khi đã mở hết cỡ.
Không có ký hiệu loại động cơ lấy nét tự động, nghĩa là ống kính này sử dụng các động cơ thông thường (loại AFD hoặc loại siêu nhỏ- micromotor drive) chậm và ồn hơn so với động cơ siêu thanh (USM).
Φ58mm - Chỉ đường kính vòng lắp kính lọc, nói cách khác, kính lọc đường kính 58mm lắp vừa trên ống kính này.

CANON LENS EF 200mm 1:2.8L II USM. Ø72mm.

EF - Ký hiệu ống kính dạng EF.
200mm - Chiều dài tiêu cự của ống kính, có một giá trị vì ống kính là ống một tiêu cự.
1:2.8 - Chỉ khẩu độ lớn nhất mà ống kính đạt được. Đây là ống kính khá nhanh vì giá trị khẩu độ f/2.8 tương đối lớn, nhất là với ống kính 200mm.
L - Chỉ loại ống kính dạng L “luxury” của Canon, nói chung đây là dạng ống kính tốt nhất của Canon, chúng được đánh dấu bằng đường viền đỏ trên đuôi ống.
II - Chỉ phiên bản thứ hai của ống kính này với cùng các đặc tính tương tự.
USM - nghĩa là ống kính này sử dụng động cơ siêu thanh (ultrasonic) để lấy nét. Các ống kính sử dụng USM không thuộc dòng L được đánh dấu bằng đường viền vàng trên đuôi ống. Thường thì các ống kính dòng L đều sử dụng USM nhưng chỉ có một viền đỏ (viền đỏ được ưu tiên và đừng mất thì giờ đi tìm ống kính có hai đường viền!)
Φ72mm - Chỉ đường kính vòng lắp kính lọc, nói cách khác, kính lọc đường kính 72mm lắp vừa trên ống kính này.
Gem is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 3 thành viên gửi lời cám ơn đến Gem vì bạn đã đăng bài:
ernaqm60 (23-04-2023), iyipxoma52 (11-05-2015), JosephDora (18-11-2014)
Old 12-03-2009, 12:27 PM   #2
Hồ sơ
Gem
Senior Member
 
Gem's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 2,127
Tiền: 109549
Thanks: 170
Thanked 1,340 Times in 543 Posts
Gem is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Nikon vs Canon

tiếp theo, hơi dài nha quí vị :


Trích:
II. Các loại ống kính
II.1. Ống kính dòng L của Canon

Canon bán ra rất nhiều ống kính mà họ gọi là ống kính dòng L “luxury”. Đây là dòng ống kính đắt nhất và chất lượng cao nhất của Canon được sơn một vạch đỏ ở đuôi ống. Ống kính dòng L có chất lượng cao hơn các dòng ống kính không L tương đương, trong mỗi ống kính L phải có ít nhất một thấu kính hoặc sản xuất từ tinh thể fluorite (không phải từ thuỷ tinh thường), hoặc là thấu kính aspheric nguyên khối hay từ thuỷ tinh đặc biệt có độ tán xạ thấp. Phần lớn ống kính L có chất lượng chế tạo rất tốt, có vỏ bằng kim loại, chống thấm nước và là các ống kính rất nhanh. Gần như tất cả các ống kính tiêu cự dài dòng L đều được sơn màu trắng. Ống kính dòng L có vẻ chỉ dành cho dân chuyên nghiệp vì vượt khỏi tầm tiền của nhiều người chơi ảnh nghiệp dư, chúng cho ra những bức ảnh tốt nhưng giá thành, trọng lượng và kích cỡ không khiêm tốn chút nào.
Đương nhiên là không chỉ ống kính L mới cho ra những bức ảnh đẹp, nhiều ống kính khác cũng có chất lượng rất cao mà không cần đến những thấu kính fluorite tân kỳ, một số ống kính EF-S cho chất lượng ảnh gần tương đương dòng L tuy chỉ thiếu mỗi viền đỏ mà thôi.
Lưu ý rằng chỉ mỗi Canon là đánh dấu bằng viền đỏ lên đuôi ống L, một số hãng khác cũng đánh đường viền này lên đuôi ống kính của mình nhưng chất lượng sản xuất không theo tiêu chuẩn ống kính dòng L.


II.2. Phân nhóm ống kính
Canon chỉ chia hai nhóm ống kính có L và không L, nhưng những ống kính không L vô cùng đa dạng và đáp ứng đủ loại nhu cầu khác nhau. Theo đường không chính thức, ống kính được chia thành các loại sau:


Nhóm 1: Ống kính phổ thông (consumer)
Những ống kính nằm cuối nhóm này thuộc loại rẻ nhất, chất lượng thấp, chậm, ngàm gắn bằng nhựa, không in thước đo. Phần lớn ống kính bộ- 28-80, 28-90 với độ mở trong khoảng thông dụng 4.0-5.6 thuộc nhóm này, những ống kính này được sản xuất để bán với giá rẻ nhất có thể, chất lượng quang học không cao. Một ngoại lệ: ống kính 50mm 1.8 II, ngàm gắn bằng nhựa, chất lượng quang rất tốt dù giá rẻ. Những ống kính giá rẻ dễ nhận ra vì thân bằng nhựa, phẳng và thẳng, gần đây những ống kính này được in một vòng màu bạc (chrome) ở đuôi ống. Có thể Canon sản xuất nhiều loại ống kính này để dành cho thị trường đường phố, cửa hiệu tạp hoá, siêu thị…nơi mà chất lượng ảnh không được quan tâm như giá cả.


Nhóm 2: Ống kính đa tiêu cự tầm trung (midrange zoom)
Là những ống kính có chất lượng quang học, chất lượng chế tạo tốt hơn, ngàm gắn bằng kim loại và có in thước đo, loại này thường lắp USM để lấy nét, một số ống kính phổ biến của nhóm này: 24-85 3.5-4.5 USM, 28-105 3.5-4.5 USM and 100-300 4.5-5.6 USM. Chúng là những ống kính phổ thông dạng “tử tế” tuy chất lượng quang học không được pro, chụp tốt cả ở góc rộng. Những ống kính này được thiết kế khá tươm tất, vỏ ống được vuốt thuôn, vòng chỉnh tiêu cự phủ cao su chống trượt (không phải bằng nhựa trơn). Ống kính như loại 28-70 3.5-4.5 II và một số ống đa tiêu cự trước đây cũng có chất lượng quang học tốt dù không sử dụng USM nhưng khá nóng trên thị trường “đồ cổ”.


Nhóm 3: Ống kính một tiêu cự bình dân (inexpensive primes)
Canon từng bán nhiều ống loại này với chất lượng quang học và chất lượng chế tạo chấp nhận được (gắn động cơ lấy nét loại thường, ngàm gắn kim loại, có in thước đo) như 28mm 2.8 and 50mm 1.8 (loại ngàm kim loại), dù giá thấp và kết cấu không có gì đặc biệt nhưng chất lượng ảnh khá cao. Phần lớn các ống kính nhóm này đều thuộc dạng ống kính tiêu chuẩn, không có ống cực rộng, không có ống siêu dài, thiết kế thuộc thời đầu của máy ảnh EOS nên trông không sành điệu lắm và có vẻ không được Canon nâng cấp thêm.


Nhóm 4: Ống kính “xịn” một tiêu cự (good primes)
Những ống này có chất lượng quang học cao, kết cấu tốt nhưng không dùng các thấu kính giảm thiểu quang sai, không có tinh thể fluorite và cũng không có ký hiệu “L” lừng danh như ống kính dòng L, điển hình nhất là 85mm 1.8 và 100mm 2.8 macro. Phần lớn được lắp USM, vỏ ống kính được thiết kế bo tròn mềm mại. Đây là những ống kính chuyên nghiệp thực sự tuy không nổi đình đám như dòng L.
Nhóm 5: Các ống kính đặc biệt (specialized)
Dành cho một số rất ít người và chuyên biệt cho một mục đích nào đấy, ví dụ ống kính nghiêng TS-E, ống kính siêu cận cảnh MP-E65 hay các ống kính hồng ngoại, ống kính DO…


II.3. Một số ống kính thường gặp.
Những ống kính này đều dùng cho máy Canon, có loại đang sản xuất, có loại đã ngừng sản xuất, chúng đều là ống kính EF (trừ khi có đánh dấu EF-S riêng). Một số ống kính, nhất là loại siêu dài hay siêu rộng, sử dụng những kính lọc đặc biệt bằng gelatin lắp trong thân ống. Nhiều ống có in chữ MACRO nhưng chỉ một số ít là ống macro thứ thiệt (tỷ lệ phóng đại 1:1), riêng ống 50mm 2.5 Compact Macro cần bộ chuyển Life-Size để đạt tỷ lệ này.


Nhóm 1: Ống kính phổ thông (consumer)
Vỏ và ngàm gắn đều bằng nhựa (trừ 75-300 và 28-200 ngàm kim loại), không in thước đo. Những ống kính nhóm này dùng USM là loại USM rẻ tiền (micromotor USM) không phải USM dạng vòng và đánh dấu bằng một vạch vàng ở đuôi ống. Một số ống kính có đánh dấu bằng vạch màu bạc. Đa phần các ống kính nhóm này có thể chuyển chế độ sang lấy nét bằng tay, nhưng vòng lấy nét thường là khó sử dụng.
EF-S 18-55 3.5-5.6, Ø58
Ống kính bộ, chất lượng khá
EF-S 18-55 3.5-5.6 USM, Ø58
Chỉ bán ở Nhật
EF-S 18-55 3.5-5.6 II, Ø58
Cải tiến từ ống kính trên
22-55mm 4.0-5.6 USM, Ø58
28-105mm 4.0-5.6, Ø58
28-105mm 4.0-5.6 USM, Ø58
28-80mm 3.5-5.6, Ø58
28-200mm 3.5-5.6, Ø72
28-200mm 3.5-5.6 USM, Ø72
28-80mm 3.5-5.6, Ø58
28-80mm 3.5-5.6 II, Ø58
28-80mm 3.5-5.6 II USM, Ø58
28-80mm 3.5-5.6 III, Ø58
28-80mm 3.5-5.6 III USM, Ø58
28-80mm 3.5-5.6 IV USM, Ø58
28-80mm 3.5-5.6 V USM, Ø58
28-90mm 4-5.6, Ø58
28-90mm 4-5.6 USM, Ø58
28-90mm 4-5.6 II, Ø58
28-90mm 4-5.6 USM II, Ø58
Đánh dấu bằng vòng màu bạc
35-70mm 3.5-4.5 A, Ø52
Không có vòng lấy nét tay
35-80mm 4-5.6, Ø52
35-80mm 4-5.6 PZ, Ø52
35-80mm 4-5.6 II, Ø52
35-80mm 4-5.6 III, Ø52
35-80mm 4-5.6 USM, Ø52
35-105mm 4.5-5.6 USM, Ø58
38-76mm 4.5-5.6, Ø52
55-200mm 4.5-5.6 USM, Ø52
55-200mm 4.5-5.6 II USM, Ø52
75-300mm 4-5.6, Ø58
75-300mm 4-5.6, Ø58
75-300mm 4-5.6 II, Ø58
75-300mm 4-5.6 II USM, Ø58
75-300mm 4-5.6 III, Ø58
75-300mm 4-5.6 III USM, Ø58
75-300mm 4-5.6 USM, Ø58
80-200mm 4.5-5.6, Ø52
80-200mm 4.5-5.6 II, Ø52
80-200mm 4.5-5.6 USM, Ø52
90-300mm 4.5-5.6, Ø58
90-300mm 4.5-5.6 USM, Ø58
100-200mm 4.5 A, Ø58
Không có vòng lấy nét tay


Nhóm 2- Các ống đa tiêu cự tầm trung
Tất cả các ống kính này đều có ngàm gắn bằng kim loại, vỏ ngoài có thể làm theo kiểu cũ (nhựa cứng, vòng lấy nét hẹp, nút chuyển lấy nét tự động- tay chậm và đôi khi khó sử dụng) hoặc kiểu mới (nhựa bóng đàn hồi, vòng lấy nét và chỉnh tiêu cự rộng, thường được phủ cao su chống trượt, có USM và chuyển AF/MF khá dễ)
EF-S 10-22mm 3.5-4.5 USM, Ø77
Ống này chứa các thấu kính bằng vật liệu UD, cho chất lượng ảnh cực tốt
EF-S 17-85mm 4-5.6 IS USM, Ø67
EF-S 17-55 2.8 IS USM, Ø77
Một ống kính thú vị, chất lượng ảnh tương đương dòng L nhờ vật liệu thấu kính đặc biệt UD nhưng chất lượng chế tạo chỉ nhỉnh hơn ống phổ thông chút xíu và không bằng dòng L
20-35mm 3.5-4.5 USM, Ø77
24-85mm 3.5-4.5 USM, Ø67
Có cả màu đen và bạc
28-70mm 3.5-4.5, Ø52
28-70mm 3.5-4.5 II, Ø52
28-80mm 3.5-5.6 USM, Ø58
Ngàm gắn bằng kim loại, đời cải tiến của ống này có ngàm gắn bằng nhựa
28-105mm 3.5-4.5 “Macro” USM, Ø58
28-105mm 3.5-4.5 II “Macro” USM, Ø58
28-135mm 3.5-5.6 IS “Macro” USM, Ø72
35-70mm 3.5-4.5, Ø52
Vỏ ống kính làm theo kiểu cũ
35-105mm 3.5-4.5 “Macro”, Ø58
Vỏ kiểu cũ, chỉnh tiêu cự dạng kéo- đẩy
35-135mm 4-5.6 USM, Ø58
50-200mm 3.5-4.5, Ø58
Vỏ kiểu cũ
70-210mm 3.5-4.5 USM, Ø58
70-210mm 4 “Macro”, Ø58
Vỏ kiểu cũ, chỉnh tiêu cự dạng kéo- đẩy
70-300mm 4-5.6 IS USM, Ø58
Ra đời thay cho tiền bối 75-300 4-5.6 IS USM
75-300mm 4-5.6 IS USM, Ø58
Một ống kính rẻ tiền, may mà có IS
100-300mm 4.5-5.6 USM, Ø58
100-300mm 5.6 “Macro”, Ø58
Vỏ kiểu cũ, chỉnh tiêu cự dạng kéo- đẩy.


Nhóm 3: Ống kính một tiêu cự bình dân (inexpensive primes)
Tất cả đều có vỏ kiểu cũ (nhựa cứng, vòng lấy nét hẹp) trừ ống 50mm 1.8 mark II
28mm 2.8, Ø52
35mm 2, Ø52
50mm 1.8, Ø52
50mm 1.8 II, Ø52
Ngàm gắn bằng nhựa, không in thước đo nhưng chất lượng quang học tương đương 50mm 1.8


Nhóm 4- Ống kính “xịn” một tiêu cự
Giống ống đa tiêu cự tầm trung, ống kính này có vỏ chế tạo theo cả kiểu cũ và kiểu mới.
15mm 2.8 (ống kính mắt cá)
Vỏ kiểu cũ
20mm 2.8 USM, Ø72
Vỏ kiểu mới
24mm 2.8, Ø58
Vỏ kiểu cũ
28mm 1.8 USM, Ø58
Vỏ kiểu mới
50mm 1.4 USM, Ø58
Vỏ kiểu mới
50mm 2.5 Compact macro, Ø52
Vỏ kiểu cũ , ống macro đạt tỷ lệ 1:1, 1:2 nếu có cơ cấu chuyển đổi
EF-S 60mm 2.8 USM macro, Ø52
Ống macro chuyên dụng duy nhất kiểu EF-S
85mm 1.8 USM, Ø58
Vỏ kiểu mới.
100mm 2 USM, Ø58
Vỏ kiểu mới – dễ nhầm với ống kính 100mm 2.8, là một ống kính macro
100mm 2.8 Macro, Ø52
Vỏ kiểu cũ, ống macro chuyên dụng
100mm 2.8 Macro USM, Ø58
Vỏ kiểu mới, ống macro chuyên dụng
135mm 2.8 SF, Ø52
Vỏ kiểu cũ nhưng vòng lấy nét khá mềm mại.
Nhóm 5- Các ống kính đặc biệt
Ít gặp, rất đắt, chuyên dụng cho mục đích riêng.
MP-E 65mm 2.8 1-5x Macro
Ống siêu macro, chỉ dùng chụp cận cảnh (tỷ lệ phóng đại 5:1)
TS-E 24mm 3.5 L, Ø72
Ống kính xoay nghiêng, chỉ lấy nét bằng tay
TS-E 45mm 2.8, Ø72
Ống kính xoay nghiêng, chỉ lấy nét bằng tay
TS-E 90mm 2.8, 58
Ống kính xoay nghiêng, chỉ lấy nét bằng tay
EF 70-300 4.5-5.6 DO IS USM
Ống kính có thấu kính DO (nhiễu xạ- Diffractive optics!!!), đánh dấu bằng vòng xanh lá cây
EF 400mm 4 DO IS USM
Ống kính có thấu kính DO (nhiễu xạ- Diffractive optics!!!), đánh dấu bằng vòng xanh lá cây


Nhóm 6- Ống kính dòng L
Tất cả các ống kính dòng L đều dễ dàng nhận dạng với vạch đỏ trên ống và chữ “L” ghi cuối các ký hiệu kỹ thuật.
Phần lớn các ống kính dòng L đều được chế tạo từ nhựa đen, bóng, nặng, bền hoặc từ kim loại sơn trắng. Những ống kính sản xuất gần đây (sau năm 1999) đều chống thấm nước kể cả các ống kính vỏ bằng nhựa đen. Chỉ có một số ít các ống kính L trước kia có vỏ chế tạo theo kiểu cũ, không tốt bằng dòng L sau này, nhưng chất lượng quang học không thua kém.
Hầu hết các ống kính L đều to và nhanh, vì vậy khá đắt. Gần đây Canon có cho ra lò một số ống kính L dễ mua hơn, khẩu độ lớn nhất f/4 nên nhỏ, nhẹ và rẻ hơn ống f/2.8 tương đương. Tất cả các ống kính L đều là loại EF, không có ống kính L ngàm dạng EF-S.
14mm 2.8 L USM
24mm 1.4L USM
16-35mm 2.8 L USM, Ø77
16-35mm 2.8 L II USM, Ø82
17-35mm 2.8 L USM, Ø77
17-40mm 4 L USM, Ø77
20-35mm 2.8 L, Ø72
24-70mm 2.8 L USM, Ø77
24-105mm 4 L IS USM, Ø77
28-70mm 2.8 L USM “Macro”, Ø77
28-80mm 2.8-4 L USM, Ø72
28-300mm 3.5-5.6L IS USM, Ø77
35mm 1.4 L USM, Ø72
35-350mm 3.5-5.6 L USM, Ø72
50mm 1 L USM, Ø72
50mm 1.2 L USM, Ø72
50-200mm 3.5-4.5 L, Ø58
Vỏ kiểu cũ, chỉnh tiêu cự dạng kéo- đẩy
70-200mm 2.8 L USM, Ø77
70-200mm 2.8 L IS USM, Ø77
70-200mm 4 L USM, Ø67
80-200mm 2.8L
Vỏ kiểu cũ
85mm 1.2 L USM, Ø72
85mm 1.2 L USM II, Ø72
100-300mm 5.6 L, Ø58
Vỏ kiểu cũ, chỉnh tiêu cự dạng kéo- đẩy
100-400mm 4.5-5.6 L IS USM, Ø77
Chỉnh tiêu cự dạng kéo- đẩy
135mm 2 L USM, Ø72
180mm 3.5 Macro L USM, Ø72
Ống macro tỷ lệ 1:1
200mm 1.8 L USM
200mm 2.8 L USM, Ø72
200mm 2.8 L II USM, Ø72
300mm 2.8 L USM
300mm 2.8 L IS USM
300mm 4 L USM, Ø77
300mm 4 L IS USM, Ø77
400mm 2.8 L USM
400mm 2.8 L II USM
400mm 2.8L L IS USM
400mm 5.6L USM
500mm 4 L IS USM
500mm 4.5 L USM
600mm 4 L USM
600mm 4 L USM II
1200mm 5.6L USM

II.4. Ống kính bộ bán kèm thân máy
Canon bán nhiều máy ảnh phổ thông giá cả khá hợp lý, hoặc chỉ có thân máy hoặc kèm theo ống kính, dây đeo và một số phụ kiện khác. Những bộ máy ảnh này có giá hấp dẫn và phần lớn người tiêu dùng hài lòng vì chúng thuận tiện và ống kính kèm theo khá rẻ. Những ống kính bán kèm này thường được gọi là ống kính bộ (kit lens), mặc dù chúng ta có thể mua rời nếu muốn.
Không may là các ống kính bộ của máy ảnh bình dân được sản xuất nhằm mục tiêu rẻ nhất có thể, chất lượng quang học thường không cao nên tạo ra các bức ảnh không được sắc nét lắm và có độ tương phản thấp. Về hình thức, các ống kính này cũng có vẻ thô kệch hơn và đều là các ống kính chậm, không phù hợp lắm khi chụp trong môi trường thiếu sáng. Những đặc điểm này thấy rõ đối với nhiều hãng khác, ở các mức độ khác nhau chứ không chỉ là máy ảnh của Canon.
Các ống kính bộ cũng có thể cho ra những bức ảnh tốt, nếu bạn không chụp ở góc rộng nhất hoặc khép khẩu độ nhỏ lại tới f/8 chẳng hạn thì có thể tăng độ nét cho bức ảnh.


II.5. Tạo sao một ống kính chất lượng lại đắt đến vậy?
Ống kính là một sản phẩm rất phức tạp và vô cùng đắt cả trong khâu thiết kế lẫn chế tạo, mỗi bộ phận được gia công cực kỳ chính xác và được lắp ráp rất cẩn thận. Thấu kính được chế tạo từ các loại thuỷ tinh đặc biệt tinh khiết và rất đắt tiền. Các ống kính cao cấp không được bán nhiều như các ống kính rẻ tiền, vì vậy chúng lại càng đắt hơn, oái oăm thay, đây chính là các ống kính mà chúng ta thường thèm muốn.
Các ống kính tầm giá 200 đến 300$ có vẻ quá khả năng của những người mới bắt đầu, nhưng chúng lại là hàng chợ đối với kẻ chuyên nghiệp. Những ống kính có chất lượng quang học tốt trị giá cả gia tài, vì vậy mà nhiếp ảnh thực sự là một thú vui khá tốn kém.




III. Sự lựa chọn khó khăn
III.1. Một ống kính tốt cho người mới bắt đầu.

Điều này phụ thuộc mục đích chơi ảnh của bạn, tuy nhiên cũng có một số vấn đề nên cân nhắc:
Trước khi bạn mua một ống kính nào đó, bạn phải chắc chắn là bạn muốn mua ống kính nào. Phần lớn các cửa hiệu đều chẳng quan tâm nếu bạn mang theo mình máy ảnh với một cuộn phim hoặc một tấm thẻ nhớ, chụp thử vài kiểu với vài ống kính (nên dùng chân máy hoặc có điểm tỳ), bạn có thể bị cằn nhằn đôi chút nhưng việc chụp thử này rất quan trọng đến quyết định lựa chọn của bạn.


- Ống một tiêu cự rẻ tiền.
Nếu bạn chủ yếu muốn học hỏi những kỹ năng chụp ảnh cơ bản và muốn chụp những bức ảnh có chất lượng tương đối thì ống kính đầu tiên bạn nên chọn là Canon 50mm 1.8. Đây là ống kính một tiêu cự rất nhanh. Về mặt kỹ thuật, chế tạo ống kính 50mm khá dễ dàng nên nó có cái giá rất hấp dẫn. Một ống kính Canon 50mm 1.8 mark II đời mới có giá chưa đến 75$.
Ống kính này vừa rẻ, vừa chụp được những bức ảnh sắc nét lại có thể sử dụng trong điều kiện thiếu sáng mà không cần đến ánh sáng chói lọi của đèn flash. Bởi vậy những tấm ảnh chụp được trông tự nhiên hơn nhiều những tấm ảnh chụp bằng máy du lịch cả vì chúng sắc nét hơn cả vì chúng không bị bóp méo bằng ánh sáng nhân tạo của đèn flash, những tấm ảnh chụp bằng ánh sáng tự nhiên bao giờ trông cũng hấp dẫn hơn chụp bằng flash theo máy.
Đương nhiên do đây là ống kính một tiêu cự nên bạn phải đi tới, đi lui để chụp được những bức hình như ý, đôi khi một số bức phải chụp ở góc rộng hoặc góc hẹp sẽ không thực hiện được, đây là nhược điểm chủ yếu.
Lưu ý là Canon chế tạo hai đời ống kính này. Đời đầu không có các chữ số La mã nhưng có ngàm gắn bằng kim loại, có thước đo khoảng cách và loa che ống kính dạng kẹp (tuỳ chọn). Đời sau mark II có ngàm gắn bằng nhựa, không có thước đo và có loa che dạng xoay trông khá thô. Chất lượng quang học của hai ống kính này tương đương nhau. Canon còn bán ống kính 50mm 1.4 USM, về mặt quang học nhanh hơn và sử dụng USM lấy nét, nhưng về giá nó đắt hơn ống kính 50mm 1.8 khá nhiều.
Nếu bạn sử dụng máy ảnh số có hệ số thu nhỏ (phần lớn các máy EOS cơ bản trừ số ít các dòng cao cấp) thì ống kính 50 mm này có thể ít hữu dụng hơn, vì nó làm việc giống ống kính có tiêu cự dài hơn khi lắp cho các máy ảnh này và góc nhìn của bạn bị thu hẹp lại. Trong trường hợp này ống kính 28mm 2.8 có thể là lựa chọn tốt hơn.


Những ống kính đa tiêu cự phổ thông
Nếu bạn coi trọng đến sự tiện lợi và chất lượng ảnh không phải là ưu tiên thì nên chọn ống kính đa tiêu cự giá rẻ, như là ống kính bộ bán kèm các máy ảnh phổ thông. Tuy nhiên không phải lúc nào những ống kính này cũng cho một chất lượng ảnh thấp, ngoại lệ có thể là ống kính EF-S 18-55 bán kèm các thân máy EOS 300/350/400 và Digital Rebel. Ống kính này dù khá rẻ nhưng không quá tồi, đặc biệt khi bạn sử dụng ở khẩu độ f/8 hoặc nhỏ hơn.
Nếu bạn khá rủng rẻng và muốn sự tiện lợi của một ống kính đa tiêu cự thì bạn nên chọn các ống kính đa tiêu cự đã qua sử dụng đời cũ, nhiều ống kính dạng này có chất lượng khá tốt so với tầm tiền. Chẳng hạn bạn có thể mua ống kính ngàm kim loại 28-70 3.5-4.5 II qua sử dụng có giá xấp xỉ ống kính mới 28-80 toàn nhựa. Nếu bạn muốn có ống kính lấy nét USM êm ái bạn có thể cân nhắc ống 28-80 3.5-5.6 USM ngàm kim loại (không phải loại đời sau ngàm nhựa có đánh số La mã), một ống kính có chất lượng chế tạo giống hệt 28-105 3.5-4.5 USM. Hai ống kính cũng rất hợp lý tuy không còn được sản xuất và bạn phải tìm chúng trên thị trường đồ cũ là ống 35-135 4.0-5.6 USM và ống đời cũ 35-105 3.5-4.5. Nhược điểm chính của các ống này là chúng không đủ rộng khi lắp trên máy có hệ số thu nhỏ.
Tóm lại bạn không cần phải quan tâm đến những cửa hàng xa xỉ bởi một ngân sách eo hẹp miễn là bạn không ngại hàng đã qua sử dụng.
Ống kính đa tiêu cự tầm trung.
Nếu bạn có ngân sách rộng rãi hơn thì nên cân nhắc đến nhóm ống kính đa tiêu cự tầm trung. Chẳng hạn, hai ống kính rất phổ biến của Canon 28-105 3.5-4.5 USM và 24-85 3.5-4.5 USM. Cả hai đều là các ống kính cứng cáp, đẹp, dù chất lượng quang học chưa phải đỉnh cao, cả hai đều nhanh, lấy nét êm nhờ USM, cả hai cùng đắt và nặng hơn các ống kính đa tiêu cự rẻ tiền, nhưng phần lớn dân chơi ảnh đều đủ khả năng mua chúng.
Trong hai ống này, cái đầu có tiêu cự dài hơn chút ít, khá tốt khi cô lập đối tượng và thích hợp khi chụp chân dung, cái sau góc rộng hơn (góc thu hình khác nhau khá nhiều giữa ống 24 và 28mm) và rất thông dụng khi chụp du lịch. Ống 24-85 3.5-4.5 USM cũng rất hợp khi xài trên các dòng máy có hệ số thu nhỏ như 300D/Digital Rebel/Kiss Digital hay 10D.


III.2. Một số ống kính EF và EF-S thông dụng.
EF 16-35 2.8L USM và EF 17-35 2.8L USM :Một ống đời mới và một ống đời cũ, cả hai đều góc rộng, nhanh, chất lượng hạng chuyên nghiệp được nhiều phóng viên ảnh sử dụng. Đắt tiền.
EF 17-40 4L USM: Phiên bản chậm hơn hai ống trên, phổ biến đối với dân nghiệp dư có tay nghề.
EF-S 18-55 3.5-5.6: Khá tốt cho các chủ nhân của máy 300D/Digital Rebel, 350D/Rebel XT và 400D/Rebel XT, được bán kèm các máy Canon hạng phổ thông. Chất lượng ảnh tốt, giá phải chăng.
EF-S 17-85mm 4-5.6 IS USM: Rất thông dụng đối với người dùng máy Canon cảm biến nhỏ, ống này cho chất lượng ảnh tốt cho cả vùng tiêu cự và được hỗ trợ bởi cơ cấu ổn định hình ảnh.
EF 28mm 2.8: Ống kính góc rộng, nhẹ, giá phải chăng, phù hợp cho chụp phong cảnh và những thứ tương tự.
EF 50mm 1.8 và EF 50mm 1.8 II: Ống kính nhanh, nhẹ, rất rẻ, rất tốt cho người mới bắt đầu và dân nghiệp dư hạng khá, cho ra những tấm ảnh nét một cách ngạc nhiên với giá phải chăng.
EF 50mm 1.4 USM: Ống tiêu chuẩn đa năng, dùng cho cả nơi ánh sáng yếu. Ống này dùng USM không hỗ trợ việc lấy nét tay toàn phần
EF 24-70 2.8L USM và EF 28-70 2.8L USM: Ống dòng L, đen, nặng, to, chất lượng cao. Đắt tiền và thông dụng đối với dân chụp ảnh đám cưới.
EF 24-105 4L IS USM: Ống kính dòng L có cơ cấu ổn định hình ảnh, khá đắt và phổ biến đối với dân chụp dạo.
EF 28-70 3.5-4.5 II: Ống đời cũ, khá rẻ, nổi tiếng vì chất lượng quang học dù giá thấp. Tuy nhiên việc dùng kính lọc trên ống này hơn khó khăn.
EF 28-80 3.5-5.6 II-V, 28-90 4-5.6: Các ống kính cực rẻ của Canon, dùng theo bộ cho thân máy hạng thấp, chất lượng quang học kém.
EF 24-85 3.5-4.5 USM, 28-105 3.5-4.5 USM và EF 28-105 3.5-4.5 USM II: Các ống kính trung bình cả về giá, kích cỡ và tốc độ, phổ biến cho giới nghiệp dư. Ống 24-85 đặc biệt thông dụng cho người xài máy cỡ APS và máy cảm biến nhỏ. Không nên lẫn lộn giữa 28-105 3.5-4.5 và người anh em rẻ và chậm của nó có độ mở 4-5.6
EF 28-135 3.5-5.6 IS USM: Ống hạng trung, linh hoạt và thông dụng với cơ cấu ổn định hình ảnh cho việc chụp thiếu sáng.
EF 85mm 1.8 USM: Ống một tiêu cự sắc nét và giá hấp dẫn, phù hợp cho chụp chân dung
EF 100mm 2.8 Macro và EF 100mm 2.8 Macro USM: Các ống chụp cận cảnh cho tỷ lệ 1:1, hữu dụng cả cho chụp chân dung
EF 70-200 2.8L USM và EF 70-200 2.8L IS USM: Ống dòng L, nặng, sơn trắng, được nhiều phóng viên ảnh sử dụng. Đắt tiền
EF 70-200 4L USM: Chậm hơn và nhẹ hơn các ống 2.8L. Một món hời đối với nhiều nhiếp ảnh gia và thông dụng cho dân nghiệp dư hạng khá.
EF 70-300mm 4-5.6 IS USM: Một ống kính thông dụng hài hoà cho cả kích cỡ, sự thuận tiện và chất lượng ảnh, ảnh nét hơn so với ống 75-300 trước đó, cơ cấu ổn định hình ảnh rất tốt. Không nên lẫn lộn với các ống kính giảm thiểu quang sai DO là những ống rất đắt.
EF 75-300 4-5.6: Thông dụng với dòng ống kính tiêu cự dài giá thấp. Phổ biến trong dòng ống kính giá rẻ nhưng chất lượng quang học thấp.
EF 1200mm 5.6L USM: Một ống kính tiêu cự dài, kích cỡ khổng lồ, vô cùng đắt, không thông dụng chút nào nhưng luôn nổi bật trong các quảng cáo của Canon. Hãng thậm chí sẵn lòng chế tạo đơn chiếc theo yêu cầu nếu có tiền đặt trước, giá của nó tương đương một chiếc xe hơi sang trọng.
Nếu bạn cần đến tiêu cự này có lẽ nên dùng 600mm 4L IS USM với đoạn nối 2x cho dù bạn phải xài thân máy EOS 1V, 1D, 1Ds hoặc 3 mới lấy nét tự động được.


III.3. Các ống kính lai.
Cho dù Canon có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ chống lại các hãng sản xuất ống kính khác thì nhiều người vẫn lấy làm hài lòng với các ống kính sản xuất bởi Tamron, Tokina hay Sigma. Một lý do hấp dẫn, ống kính do các hãng độc lập chế tạo luôn luôn rẻ hơn nhiều nhiều các ống kính tương đương của Canon.
Vậy bạn có nên mua ống kính của các hãng độc lập? Đây rõ ràng không phải là câu hỏi yes/no thuần tuý và đơn giản, nó ẩn chứa nhiều vấn đề.
Tiết kiệm được nhiều tiền chính là yếu tố hấp dẫn nhất, đặc biệt khi bạn đang tìm kiếm một ống kính đa tiêu cự chất lượng và nhanh.
Lưu ý rằng những ống kính rẻ theo nghĩa giá tiền chứ không phải là chất lượng quang học. Chênh lệch giá giữa ống kính Canon và ống kính lai không lớn đối với các ống kính siêu rẻ, vì vậy không khác biệt mấy nếu bạn chọn giữa hai loại ống kính này. Các nhà sản xuất ống kính độc lập đưa ra rất nhiều chủng loại sản phẩm cho nhiều nhu cầu khác nhau. Thông thường, nếu bạn cân nhắc đến các ống kính lai thì nên lưu ý đến dòng sản phẩm cao cấp chứ không nên theo nhóm phổ thông. Nói chung, ống kính Canon thường giữ giá tốt hơn so với ống kính lai, điều này bạn cần biết nếu muốn bán lại ống kính trong tương lai gần. Những nhà phân phối dường như cũng nhiệt tình hơn khi giới thiệu các ống kính lai, có thể vì họ nhận được tiền hoa hồng tốt hơn, vì vậy đừng bị họ làm bối rối, chưa chắc những lời khuyên của họ là vì lợi ích của bạn.
Mua ống kính Canon là sự đảm bảo rằng sản phẩm của bạn sẽ được tất cả các máy ảnh EOS hỗ trợ. Tuy vậy, Tamron cũng rất thích hợp với các thân máy EOS. Bạn luôn phải thử trên máy của mình và luôn tự nhủ rằng những ống kính này không nhất thiết phù hợp với các thân máy EOS trong tương lai.
Một số ống kính Sigma cũ không tương thích hoàn toàn với các thân máy EOS hiện đại, chúng lắp vừa với thân máy nhưng hệ thống điện tử không làm việc, vì vậy máy ảnh của bạn bị khoá lại khi nhất nút chụp. Nếu vớ được ống kính loại này, bạn nên liên hệ với nhà sản xuất xem có thể sửa chữa được không, các ống kính này tuy không làm hỏng thân máy nhưng nó làm máy ảnh tạm thời bị khoá và tắt nguồn.
Chất lượng của các sản phẩm Sigma cũng rất mâu thuẫn. Một điều tra nhanh trên mạng cho thấy rất nhiều than phiền từ các chủ nhân của ống Sigma, các ống kính Sigma mới thì có vẻ cứng cáp hơn.
Nhiều ống kính của Tokina có vỏ bằng kim loại, khá bền nhưng cũng khá nặng khi mang theo người.
Canon đưa ra nhiều ống kính lấy nét bằng USM và hỗ trợ lấy nét tay toàn phần, phần lớn ống kính lai không có chức năng này.
Về hoạt động cũng có vài điểm khác, chẳng hạn một số ống kính lai có vòng lấy nét hoặc vòng chỉnh tiêu cự quay ngược chiều với chiều thường thấy của ống Canon.
Rất khó để tìm các số liệu so sánh hữu dụng, bạn có thể tìm được điểm đánh giá trên một số site như Photodo, nhưng chỉ có một cách chắc chắn nhất là tự mình thử các ống kính này xem chúng có đáp ứng được yêu cầu của bạn hay không. Câu hỏi như “Liệu ống kính xyz 2.8 Tokina có tốt hơn ống kính xyz2.8 của Canon hay không?” dường như không bao giờ có cầu trả lời xác đáng, vì phần lớn người dùng không mua cả hai ống kính này và cùng thử chúng!.
Một số ống kính lai rất nổi tiếng. Ví dụ, Tamron 90mm macro nổi tiếng vì chất lượng ảnh với giá cả thấp hơn đáng kể ống kính Canon 100mm macro hoặc Sigma bán ống mắt cá 8mm mà Canon không có.
Nhưng yếu tố quyết định nhất luôn luôn là tiền, rồi thì bạn mới cân nhắc đến những lợi ích khác như giá đầu tư thấp, độ bền cơ học, khả năng tương thích, giao diện người dùng và chất lượng quang học.


III.4. Tại sao trên máy ảnh dSLR lại không có ống kính chỉnh tiêu cự bằng động cơ với nút chỉnh trên thân máy?
Vì đây không còn là máy ngắm- chụp nữa, những ống kính có môtơ kiểu này chỉ thích hợp cho dòng máy du lịch, với thị trường các máy dSLR thay được ống kính thì khác.
Tất cả các ống kính Canon EF đa tiêu cự đều chỉnh tiêu cự bằng tay, tức là bạn phải hoặc xoay vòng chỉnh (hai chạm) hoặc đẩy ống kính ra vào (zoom đẩy). Phần lớn người dùng đều cảm thấy điều chỉnh theo cách này nhanh và chính xác hơn so với cách chỉnh bằng mô tơ điện trên các máy ngắm- chụp.
Canon từng bán loại ống kính chỉnh tiêu cự bằng mô tơ cho máy ảnh EOS trong thời gian ngắn, ví dụ như ống kính Canon EF 35-80 4-5.6 PZ (Power Zoom) vỏ nhựa và chất lượng quang học thấp, thân ống kính có hai nút nhấn cho phép bạn chỉnh vị trí tiêu cự.


III.5. Sự khác biệt giữa các ống kính Canon 28-105mm
Canon đã và đang bán nhiều ống kính có khoảng tiêu cự 28-105mm
28-105mm 3.5-4.5 USM, có hình bông hoa: Phiên bản đầu tiên của dòng ống kính rất phổ biến này, ra đời đầu những năm 1990, một ống đa tiêu cự tầm trung, chất lượng quang học tốt, nhanh và lấy nét bằng USM êm ái. Phiên bản mark I với biểu tượng bông hoa trên thân ống kính có 5 tấm thép mắt mèo tạo thành lỗ mở sáng, nếu đánh dấu bằng ba vạch vàng là ống kính có USM và ngàm gắn kim loại. Ống này hiện không sản xuất nữa.
28-105mm 3.5-4.5 USM, biểu tượng “MACRO”: Phiên bản thứ hai tuy chưa bao giờ được chính thức công nhận như vậy. Khá giống phiên bản đầu tiên ngoại trừ biểu tượng “MACRO” thay cho bông hoa, ống này có 7 lá thép mắt mèo, về lý thuyết cho một phông nền mềm mại hơn, làm mờ đi hậu cảnh, nếu đánh dấu bằng ba vạch vàng là ống kính có USM và ngàm gắn kim loại. Ống này hiện không sản xuất nữa.
28-105mm 3.5-4.5 USM II: Được công nhận chính thức là phiên bản thứ hai với ký hiệu “II”, theo Canon phiên bản này và phiên bản đầu tiên có chất lượng quang học giống nhau. Tuy nhiên phiên bản II hơi khác về kiểu dáng ngoài và trông có vẻ chắc chắn hơn. Canon
Malaysia thì thông báo là các cơ cấu chỉnh tiêu cự được nâng cấp từ nhựa thành kim loại, nếu đánh dấu bằng ba vạch vàng là ống kính có USM và ngàm gắn kim loại. Ống này hiện cũng không sản xuất nữa.
28-105mm 4-5.6 USM: Ống kính hạng rẻ, xuất hiện năm 2002. Rất khác, rất thua kém các ống kính trên. Phần lớn được làm từ nhựa, kể cả ngàm gắn, chất lượng quang học thấp. Ống kính này dễ dàng nhận dạng vì có vạch bạc (chrome) ở đuôi ống. Thú vị ở chỗ nó có USM và hỗ trợ lấy nét hoàn toàn bằng tay. Một ống kính bình dân, không so được với 28-105 3.5-4.5 USM II.
Nói chung thì bạn nên cẩn thận khi mua dòng ống kính 28-105, phải kiểm tra cho kỹ khẩu độ của ống kính để phân biệt chúng với nhau.


III.6. Có nên mua các ống kính như Canon 28-200, Tamron 28-200 hay Sigma 28-300 (và các dòng ống kính miền tiêu cự rộng tương tự)?
Vấn đề này rất phổ biến những năm 90 khi những ống kính này chiếm lĩnh thị trường bởi sự thuận tiện của nó vì bao gồm vùng tiêu cự rất rộng. Không may, các ống kính này khá to và nặng, quan trọng nhất là chất lượng quang học của chúng gây thất vọng lớn. Rất khó để chế tạo một ống kính đa tiêu cự sắc nét, đặc biệt với vùng tiêu cự rộng như các ống kính này, các ống kính này chậm, khẩu độ tối đa nhỏ, chúng cũng gây ra hiện tượng méo hình, khiến các hình vuông và tam giác như lồi ra, rất xấu khi chụp các công trình.
Nếu bạn chụp ảnh 4x6 thì những nhược điểm này chấp nhận được, nhưng nếu bạn muốn phóng lớn tấm hình ra thì sẽ thất vọng hoàn toàn- không có điểm lấy nét nào thực sự sắc nét cả!. Do là các ống kính chậm nên bạn sẽ thấy rằng bất kỳ tấm ảnh chụp tầm xa nào đều sẽ bị mờ trừ khi bạn dùng chân máy hoặc flash. Cuối cùng, sử dụng các ống kính tiêu cự dài đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nhất định, ví dụ bạn không thể cầm máy bằng tay không để chụp với ống kính 300mm, nếu cố gắng và không dùng flash mạnh bạn sẽ thu được những tấm ảnh mờ mịt.
Nói chung, các ống kính 28-200 và 28-300 luôn bị những hạn chế rất lớn về quang học, những hạn chế khiến giá trị của chúng bị suy giảm, đặc biệt ở vùng tiêu cự 200-300 mm.
Chỉ có hai ống kính với miền tiêu cự lớn có chất lượng quang học tương đối chấp nhận được là Canon 35-350 3.5-5.6L và Canon 28-300 3.5-5.6L IS. Tuy nhiên cả hai đều là những ống kính rất lớn và mắc tiền, không hề phù hợp với dân chập chững vào nghề.


III.7. Những ống kính chất lượng khá, tiêu cự dài của Canon.
Canon chế tạo những ống kính tiêu cự dài rất đối lập: hoặc loại rất chậm, rất rẻ và chất lượng thấp hoặc loại rất nhanh, rất đắt và chất lượng rất cao. Ống kính 70-300 4.5-5.6 IS USM là chiếc có thể nên cân nhắc đầu tiên. Canon chưa hề sản xuất bất kỳ ống kính một tiêu cự cỡ dài nào với chất lượng tầm tầm, tất cả các ống kính một tiêu cự dài hơn 135 mm đều là dòng L.
Một số ống kính Canon trong khoảng tiêu cự 75 đến 300 mm (chỉ khác nhau chút đỉnh) như:
75-300 4-5.6
75-300 4-5.6 USM
75-300 4-5.6 II
75-300 4-5.6 II USM
75-300 4-5.6 III
75-300 4-5.6 III USM
Tất cả số này đều có chất lượng quang học như nhau, chỉ khác chút xíu vẻ bên ngoài (ví dụ phiên bản mark III có một vạch bạc ở đuôi chỉ để gây ấn tượng cho người mua) và động cơ lấy nét. Tất cả đều có giá không đắt lắm nhưng chất lượng quang học cũng chỉ kha khá. Ở góc rộng nhất (75mm) chúng không quá tồi, nhưng ở góc hẹp nhất (200-300mm) ảnh có xu hướng bị mờ. Muốn tăng chất lượng ảnh bạn phải khép khẩu nhỏ hơn f/8 hoặc f/11 và điều này đòi hỏi một tốc độ chụp chậm hơn.
Các ống kính 75-300 USM có mô tơ lấy nét USM dạng siêu nhỏ và không hỗ trợ canh nét tay toàn phần (FTM- full time manual), những ống còn lại dùng mô tơ chậm và ồn hoặc chỉ dùng động cơ một chiều. Tuy giá không cao nhưng nhóm ống kính này đều có ngàm gắn kim loại nhưng không in thước đo, các ống kính này còn một bất tiện nữa khi lắp kính lọc phân cực vì vòng xoay lấy nét lắp ở đầu ống.
75-300 4-5.6 IS USM: Một ống kính đáng kể trong dòng 75-300 có ổn định hình ảnh, đây là ống kính đầu tiên lắp ổn định hình ảnh của Canon, tuy vậy, chất lượng quang học chỉ tầm tầm như các ống 75-300 khác.
70-300 4.5-5.6 IS USM: Không nên nhầm với ống rẻ tiền hơn là 75-300 hay với ống mắc hơn có thấu kính DO tuy cùng tên gọi. Ống này có chất lượng quang học khá, có ổn định hình ảnh và khá tốt cho dân nghiệp dư tay nghề cao. Ống không được nét như 100-300 5.6L, nhưng hệ thống ổn định hình ảnh khiến sử dụng ống thuận tiện hơn.
70-300 4.5-5.6 DO IS USM: Một ống kính khá hiếm và là ống kính đầu tiên sử dụng các thấu kính nhiễu xạ (DO), công nghệ này khiến ống kính nhỏ và nhẹ hơn các ống bình thường. 70-300 DO ngắn hơn đáng kể so với người anh em 75-300 và được trang bị ổn định hình ảnh, tuy nhiên nó chẳng rẻ chút nào và bạn không nên lẫn nó với các ống không có DO.
90-300 4-5.6 USM: Ống này có màn trình diễn khá giống ống 75-300 rẻ tiền, chỉ có điều miền tiêu cự bắt đầu từ 90mm. Có lắp USM nhưng là loại siêu nhỏ (micromotor) nên không hỗ trợ canh nét tay toàn phần.
100-300 4.5-5.6 USM: Xét về chất lượng chế tạo và diện mạo vật lý, ống này bằng vai với 28-105 3.5-4.5 USM và 24-85 3.5-4.5 USM, một ống kính chắc chắn, nhanh, lấy nét bằng USM dạng vòng hẳn hoi, hỗ trợ canh nét hoàn toàn bằng tay, không bị xoay đầu ống khi lấy nét và có in thước đo tỷ lệ. Ống này nét hơn 75-300 một chút xíu ở tiêu cự dài nhất, tuy nhiều người cho rằng chẳng có khác biệt nào cả!. Về cơ bản 100-300 USM cho bạn tốc độ lấy nét nhanh và thuận tiện thao tác hơn dòng 75-300 nhưng chất lượng quang học thì chưa có cải tiến, bạn cũng bị mất 25 mm tiêu cự và một nửa khẩu độ ở tiêu cự ngắn.
70-210/3.5-4.5 USM: Tiền thân của 100-300 4.5-5.6 USM, giống hệt kích cỡ, kết cấu và chất lượng quang học chỉ khác về vùng tiêu cự thôi.
100-300 5.6L: Một ống kính cũ, hiện không còn sản xuất nữa. Một ống kính khá hấp dẫn, trong khi đây rõ ràng là ống kính dòng L với thấu kính fluorite và thấu kính UD thì nó lại không được cơ bắp lắm như các ống kính dòng L hiện nay. Ống này dùng mô tơ lấy nét kiểu AFD chậm và ồn, ống có nút chuyển giữa lấy nét tự động và lấy nét tay khá bất tiện (vì độ nghiêng thấp) và tỷ mẩn (khó trượt). Vòng lấy nét tay như bị vướng sạn khi xoay. Tuy thế chất lượng quang học tốt hơn nhiều loạt ống 75-300 và 100-300 USM, vì vậy nếu không quan tâm lắm đến khẩu độ tối đa chỉ 5.6 và mô tơ lấy nét vừa ồn vừa chậm thì đây có lẽ là lựa chọn tốt cho túi tiền vừa phải.
50-200/3.5-4.5 L: Giống 100-300 5.6 L, đây là thế hệ ống kính ngàm EF đầu tiền dòng L, chất lượng quang học y như ống L hiện nay nhưng độ cường tráng không bằng, chỉnh tiêu cự bằng cơ cấu kéo- đẩy. Một ống kính không hề tồi, nhưng có lẽ vẫn thua 70-200 4L USM, một ống kính không đắt lắm mà vẫn có chất lượng chế tạo tốt và USM êm ái.
70-200 4L USM: Nhỏ hơn và nhẹ hơn so với ông anh 70-200 2.8L USM dành cho dân chuyên nghiệp, một món hời cho dân dùng EOS. Đắt hơn ba lần so với các ống kính phổ thông nhưng cứng cáp hơn, lấy nét nhanh hơn vì USM, có FTM (full-time manual), quan trọng nhất là chất lượng quang học tốt hơn nhiều. Ống này to và nặng hơn các ống phổ thông nhưng là lựa chọn đáng giá nếu bạn không cố được lên 2.8L. Ống không dùng kính lọc 77mm to tướng như dòng 2.8L mà dùng loại 67mm giống 24-85 3.5-4.5 USM. Hơi đáng tiếc là rất ít ống kính Canon khác dùng kính lọc đường kính loại này.
80-200 4.5-5.6
80-200 4.5-5.6 USM
80-200 4.5-5.6 II: Ống kính vỏ nhựa, tương tự 28-80, tuy vậy rất nhẹ và cơ động, nếu bạn muốn một ống kính không quá đắt và không bao giờ phóng ảnh quá cỡ một bưu thiết thì đây là lựa chọn hữu ích.
100-300 5.6: Chất lượng chế tạo gần được như 100-300 5.6L, một ống kính kiểu cũ có tất cả các nhược điểm của 5.6L nhưng lại không có chất lượng quang học như ống L




III.8. Ống kính chụp chim hoang dãViệc chụp ảnh thú hoang nhỏ, nhanh là một lĩnh vực rất khó và đòi hỏi những ống kính rất đắt tiền. Các ống kính 500 đến 600 mm thường được dùng trong trường hợp này, kể cả ống 100-300 thông dụng của bạn cũng không đủ dài để có được những bức ảnh đẹp. Khó một nỗi, các ống dài hơn 300mm rất đắt và cũng rất nặng. Thực tế khá phũ phàng, bạn có thể có được những bức ảnh khá với ống 100-300 chụp thú cảnh nuôi trong nhà chứ khó với được tới các bức ảnh ấn tượng in trong sách về động vật hoang hay trong các tờ lịch- những con chim bé tí đầy cả khung hình. Bạn luôn phải chụp ở 300mm và sau đó cắt đi toàn bộ phần bao quanh và rồi chất lượng tấm ảnh giảm rõ rệt.
Nếu bạn thực sự hứng thú với lĩnh vực này với ngân sách eo hẹp thì nên nghĩ đến ống kính cũ, chỉ lấy nét bằng tay. Những ống kính dài đã qua sử dụng, lấy nét tay rẻ hơn khá nhiều so với các ống lấy nét tự động.


III.9. Ống kính cho ảnh thể thao
Lĩnh vực này cũng khá giống lĩnh vực trên. Thách thức của ảnh thể thao và ảnh hành động nằm ở hai điểm: bản chất tự nhiên của loại ảnh này chủ đề thường di chuyển rất nhanh và luôn luôn có khoảng cách lớn giữa đối tượng và máy ảnh.
Giải quyết vấn đề đầu tiên, ống kính phải rất nhẹ, sử dụng flash hoặc phim độ nhạy cao nhưng điều này chứa đầy mâu thuẫn: ống kính nhanh thì thường to, nặng và đắt, tăng ISO thì tấm ảnh lại sạn và chất lượng thấp, dùng flash thì đôi khi không đáp ứng được yêu cầu nhất là khi đối tượng quá xa máy ảnh.
Vấn đề thứ hai đòi hỏi phải dùng ống kính dài, nhưng hầu hết các ống kính dài lấy nét tự động kha khá một chút thì lại chậm- chúng không lấy được nhiều ánh sáng, điều này làm vấn đề đầu tiên trở nên nan giải hơn.
Tất nhiên, đôi khi cả hai vấn đề trên đều trở nên dễ thở hơn, chẳng hạn nếu bạn chụp một trận bóng rổ mà bạn ở ngay gần sân đấu, vì sân bóng rổ khá nhỏ nên bạn có thể xài flash (nếu được cho phép) và không cần đến ống kính quá dài.
Dù sao thì các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn phải dựa vào các ống kính nhanh, một sản phẩm mà dân nghiệp dư ít khi với tới được vì quá đắt. Những ống kính tiêu cự dài nhanh, đặc biệt là loại đa tiêu cự nhanh thì vô cùng đắt. Mọi lựa chọn đều có những điểm dở của nó:
Ống kính nhanh. Hãy kiếm một ống kính nhanh nhất mà bạn có thể (độ mở tối đa là lớn nhất có thể), 70-200 2.8 khá tốt để chụp bóng rổ, 75-300 4-5.6 thì có lẽ không, vì ngay khi mở hết cỡ bạn vẫn cần tốc độ rất chậm gây ra các phần ảnh mờ không mong muốn.
Ống kính tiêu cự dài. Bạn sẽ cần một ống kính dài trừ khi bạn muốn và có thể áp sát chủ đề, chẳng hạn không cần ống kính dài nếu chụp một ván trượt trên đường phố, nhưng nếu chụp bóng đá thì lại khác.
Cắt bớt. Bạn có thể tạo hiệu quả khá giống ống kính dài bằng cách cắt bớt những phần thừa của ảnh, thủ thuật này phóng to ảnh lên và dĩ nhiên là cũng phóng to các yếu điểm như sạn, hạt do độ phân giải thấp.
Hệ thống ổn định hình ảnh. Hữu dụng để giảm thiểu sự rung của máy ảnh nhưng chẳng có giá trị gì trong việc bắt chết một khoảnh khắc của một đối tượng đang chuyển động.
Đèn flash. Hiệu quả trong cả việc mô tả cũng như “bắt chết”, tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng được sử dụng nó.
Độ nhạy phim/ISO. Tăng ISO là cần thiết để tăng tốc độ chụp, mặt trái của nó là giảm chất lượng ảnh.
Thân máy lấy nét nhanh. Một thân máy chuyên nghiệp như dòng EOS 1 có thể khoá cứng tiêu cự rất nhanh và chính xác, giảm thiểu thời gian trễ từ lúc bấm máy đến lúc ghi hình. Một thân máy phổ thông khó thực hiện điều này nên cũng khó tạo ra những bức hình hoàn hảo.
Mô tơ lấy nét nhanh. USM dạng vòng của Canon lấy nét cực nhanh, trong khi dạng AFD thì chậm hơn. Một ống kính với mô tơ lấy nét nhanh luôn tạo ra sự khác biệt giữa các bức ảnh đạt và không đạt.
Tóm lại, nếu bạn định gắn ống kính phổ thông 75-300 4-5.6 lên thân máy thì đừng hy vọng sẽ có được các bức ảnh như trong tạp chí thể thao. Điều này không có nghĩa là bạn không thể tạo ra các bức ảnh như vậy với thiết bị trên mà chỉ có ý rằng để tạo ra các bức ảnh như vậy là thử thách vô cùng lớn, nó đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm và cả sự may mắn chộp được những khoảnh khắc hiếm hoi. Nói chung bạn sẽ phải đối mặt với nào là đối tượng chụp bị mờ, nào là độ nét và tương phản thấp nếu sử dụng các ống kính tiêu cự dài phổ thông.


III.10. Ống kính gương, một cách rẻ tiền để có tiêu cự dài !.
Một số hãng độc lập chế tạo các ống kính gương, được biết cả dưới cái tên ống kính khúc xạ thấp (catadioptric). Những ống kính này dùng thêm một cặp gương phản chiếu để hướng ánh sáng bổ sung cho các thấu kính bình thường khác. Ưu điểm của các ống kính này là rẻ hơn, nhẹ hơn và ngắn hơn các ống kính bình thường khác có cùng tiêu cự. Ống kính gương tiêu cự 500mm đến 1000mm không hiếm, các nhà sản xuất của Nga cho ra rất nhiều ống loại này.
Khổ nỗi, ống kính gương có nhiều điểm bất tiện. Thứ nhất nó chỉ có thể lấy nét tay. Thứ hai, nó là các ống kính chậm, khẩu độ chỉ khoảng f/8. Thứ ba, nó không có các lá kim loại mắt mèo, nên chỉ có cách chỉnh thời chụp bằng cách chỉnh tốc độ, độ nhạy phim hay bằng … kính lọc. Thứ tư, gương phản chiếu thường gây hiệu ứng tạo ra các vòng tròn hoặc dẹt quanh các điểm sáng ở vùng không được canh nét, hiệu ứng này có thể gây sao nhãng việc xem ảnh. Thứ năm, chất lượng quang học không cao, rất khó chụp được chim chóc cho ra hồn.
Rốt cuộc, ống kính này chỉ thu hút sự chú ý của ngân sách eo hẹp mà thôi, nó có quá nhiều hạn chế. Phương án xài ống kính lấy nét tay (đã qua sử dụng), chế cho vừa máy ảnh của bạn hoặc xài một thân máy lấy nét tay có lẽ hợp lý hơn. Suy cho cùng, nhiếp ảnh vẫn là một thú chơi đắt tiền !.

III.11. Ống kính cận cảnh và ống kính có khắc chữ “MACRO”
Mắt người chỉ có thể nhìn rõ trong một khoảng cách nhất định (thay đổi theo tuổi tác), khoảng cách có thể lấy nét của các ống kính cũng khác nhau. Đa phần các ống kính đều được thiết kế để lấy nét trong khoảng 1 m hoặc 2 m, với ống kính tiêu cự dài khoảng cách lấy nét tối thiểu còn lớn hơn cả giá trị trên.
Đặc điểm này báo hại bạn khi muốn chụp các bông hoa ở khoảng cách cực gần, lúc này bạn cần khoảng lấy tiêu cự ngắn hơn nữa. Cơ bản thì bạn luôn muốn làm đầy cả khung hình với các cánh hoa, một khái niệm mới xuất hiện- hệ số phóng đại. Thường thì ảnh macro thực sự là các tấm ảnh tỷ lệ 1:1 hay nhỏ hơn. Nói cách khác ống kính với hệ số phóng đại 1:1 có thể chụp một vùng nhỏ bằng đúng cỡ của khung hình, với phim 35mm vùng này có kích thước 24x36mm. Đôi khi hệ số phóng đại được ghi theo dạng thập phân như 0.25x hoặc 1.0x
Các nhà sản xuất ống kính thường phóng khoáng ghi thêm chữ “MACRO” lên ống kính như một thủ thuật bán hàng vậy. Một ống kính với chữ “MACRO” hầu như chẳng có ý nghĩa gì, bạn phải xem kỹ đặc tính của ống. Nếu ống kính có thể chụp với tỷ lệ 1:1 hoặc 1:2 thì đó thực sự là một ống macro, phù hợp để chụp cận cảnh, vài ống được thiết kế để có thể chụp các đối tưởng phẳng, dẹt như một con tem mà không gặp trở ngại gì về canh nét. Những ống kính chỉ đạt tỷ lệ cỡ 1:4 không thể cho các bức ảnh cận cảnh thực sự.
Các ống kính macro thường có chất lượng quang học cao hơn và giá cũng cao hơn các ống thường, chúng có thể chụp các đối tượng nhỏ, phẳng, dẹt. Đây cũng là lựa chọn tốt kể cả khi bạn không chụp cận cảnh nhiều, vì bạn luôn có thể dùng chúng cho các mục đích nhiếp ảnh thông thường khác mà còn lợi hại ở chỗ các ống kính này lấy nét được gần hơn các ống kính khác.


III.12. Ống kính chụp chân dung
Bất kỳ ống kính nào cũng có thể chụp chân dung, tuy nhiên kết quả khác nhau nhiều phụ thuộc vào chiều dài tiêu cự của chúng.
Khi bạn chụp bán thân, khoảng cách từ bạn đến mẫu phụ thuộc chiều dài tiêu cự, ống kính góc rộng khiến bạn phải đứng gần mẫu hơn, ống kính tiêu cự dài thì ngược lại, bạn phải đứng xa mẫu hơn.
Khoảng cách này ảnh hưởng đến sự phối cảnh, hãy thử nghiệm mà không cần máy ảnh, nếu bạn đứng thật gần ai đó, bạn sẽ thấy mũi bị nổi bật nhất, trán như bị nghiêng đi, nếu đứng ra xa thì mặt trông phẳng lại. Một sự biến dạng nhẹ trên gương mặt có thể khiến gương mặt trông như được tôn thêm vẻ kiêu ngạo, quan cách, nhưng thực tế ống kính góc rộng thường cho ra những bức hình chân dung tức cười và kỳ cục.
Nhiếp ảnh gia chân dùng thường xài ống kính tiêu cự 85 đến 135mm để chụp bán thân tuỳ từng mục đích. Một số nhiếp ảnh gia thời trang dùng ống 200 đến 300mm để mô tả hiệu ứng dẹt, phẳng. Bạn có thể dùng ống 50mm hoặc ngắn hơn nhưng chúng thường làm biến dạng gương mặt, ống kính loại này lại khá thích hợp khi chụp toàn thân hoặc ngang lưng.
Canon có một số ống kính thông thường cho chụp chân dung, ống 85mm 1.8, nhẹ và nét, ống 135mm 2.8 SF, có chức năng tiêu điểm mềm (soft focus) cho ra những tấm ảnh mềm mại.
Lưu ý là chiều dài tiêu cự đưa ra ở đây là cho máy phim 35mm, nếu bạn xài máy APS hoặc máy khung hình nhỏ, chiều dài tiêu cự tương ứng phải nhỏ đi. Ống kính 50mm hơn ngắn khi chụp chân dung nếu lắp trên máy 35mm, nhưng nếu lắp trên máy EOS 10D nó hoạt động như ống 80mm lắp trên máy phim vậy.


III.13. Ống kính mắt cá (fisheye lens).
Đa phần ống kính đều được thiết kế để biến một khung cảnh lên trên một mặt phẳng của khung hình, vì vậy nó luôn chuyển chính xác những đường thẳng song song vẫn thẳng, vẫn song song trên tấm ảnh cuối cùng. Đây là một bí quyết trong công nghệ sản xuất ống kính vì các hệ thống quang học thông thường luôn chuyển các đối tượng lên trên các mặt cầu (như nhãn cầu của mắt người vậy). Yêu cầu này càng khó khăn hơn nếu góc nhìn rộng hơn như trên các ống kính góc rộng, đây là một trong những lý do khiến ống kính góc rộng có giá cao như vậy.
Không phải ống kính nào cũng có được khả năng lưu ảnh nói trên giống nhau. Những ống chất lượng cao, đặc biệt thuộc nhóm cận cảnh hoặc chuyên chụp kiến trúc, thể hiện khả năng trên rất tốt. Những ống rẻ hơn tạo ra các tấm ảnh hơi biến dạng (phình ra hoặc lõm vào kiểu tang trống), vậy là khi chụp một hình vuông chẳng hạn, kết quả là một hình bị méo cạnh, vì các đường thẳng song song bị biến thành các đường cong. Thực tế, tất cả các ống kính đều có hiện tượng này, chỉ có điều chúng ta không nhận ra, vì hiếm khi ta chụp một hình vuông hoặc một hình chữ nhật.
Ống kính mắt cá là một ống kính góc rộng hoàn toàn không thèm để ý gì đến việc khắc phục hiện tượng méo ở trên. Chỉ có các đường thẳng đi qua tâm khung hình mới giữ nguyên thẳng trong tấm ảnh cuối, tất cả các đường thẳng khác đều bị uốn cong, càng gần rìa ảnh, càng cong hơn. Hiệu ứng này khiến những vật ở gần có vẻ càng gần hơn, những vật ở xa lại càng xa hơn, nếu bạn từng nhìn qua lỗ kính để quan sát trên một số cửa ra vào bạn cũng thấy hiện tượng này.
Đôi khi người ta gọi ống kính “thẳng” là ống “chính xác”, ống mắt cá là ống “biến dạng”, thực ra mọi chuyện chỉ là tương đối. Chính ống “thẳng” mới không chính xác- ống góc rộng có độ méo lớn và cố kéo dài các cạnh ra để tạo thành đường thẳng. Ống mắt cá thì ngược lại, nhấn mạnh thêm hiệu ứng méo tạo ra những bức ảnh rất riêng, dùng ống này chụp chân dung cho một cái mũi phồng ra tựa tranh biếm hoạ vậy.
Ống mắt cá hữu dụng bởi ba lý do: Thứ nhất, đây là cách rẻ nhất để tạo ra ống siêu rộng, vì vậy ống mắt cá rẻ hơn các ống siêu rộng “thẳng” tương đương. Thứ hai, và là lý do chính khiến ống này có mặt trên đời, ống mắt cá có thể tạo ra góc nhìn 1800, cực kỳ hữu ích cho ảnh khoa học, nhất là khi chụp bầu trời. Thứ ba, hiệu ứng làm méo hình đôi khi cho ra những bức ảnh khá vui vẻ và kỳ lạ.
Có hai loại ống mắt cá: Ống tròn hay ống mắt cá 1800 bao phủ (trong phần lớn trường hợp) góc thu hình 1800, tạo ra bức ảnh trông như quả bóng trên nền đen nhưng góc nhìn đủ 1800 ngang theo mọi cạnh bức ảnh. Một dạng ống khác đôi khi gọi là “nửa mắt cá” hay ống “toàn khung” tạo ra vùng nhìn thu nhỏ và bạn không bị các vùng đen ở các góc bức ảnh, nhưng góc nhìn chỉ đạt 1800 theo đường chéo bức hình (theo cạnh ảnh nó chỉ đạt khoảng 1200-nd ).
Trên máy phim 35mm, ống mắt cá “tròn” có chiều dài tiêu cự là 8mm, ống “nửa mắt cá” có chiều dài tiêu cự 15 đến 16mm. Về các ống “gần tròn”, Sigma bán ống 8mm, lấy nét tự động cho máy EOS, Peleng (Belarus) bán ống 8mm, lấy nét tay cũng lắp được cho EOS. Về các ống “toàn khung”, Canon bán ống 15mm, lấy nét tự động cho EOS và Zenitar (Nga) bán ống 16mm, lấy nét tay, cũng lắp được cho EOS. Cũng có các ống nối vặn ren để chuyển các ống thường thành các ống mắt cá tuy chất lượng các ống nối này thấp nhưng cũng khá thú vị khi xài chúng.
Nhiều dân chơi ảnh coi các ống mắt cá chỉ là tàn dư của những năm 1970. Thực tình mà nói, ống loại này với các hiệu ứng của nó khá lợi hại trong một số trường hợp, tuy nhiên chắc chắn đây không phải ống sử dụng thường xuyên. Chụp ảnh dưới nước hoặc ảnh thiên nhiên, nơi có ít đường thẳng, thì ống mắt cá sẽ là công cụ hữu ích.
Gem is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 3 thành viên gửi lời cám ơn đến Gem vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (25-11-2014), Randallfemn (28-07-2014), tamekaqt16 (26-12-2022)
Old 12-03-2009, 12:29 PM   #3
Hồ sơ
Gem
Senior Member
 
Gem's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 2,127
Tiền: 109549
Thanks: 170
Thanked 1,340 Times in 543 Posts
Gem is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Nikon vs Canon

Gem is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến Gem vì bạn đã đăng bài:
Randallfemn (16-08-2014)
Old 13-03-2009, 03:19 PM   #4
Hồ sơ
solidity
Senior Member
 
solidity's Avatar
 
Tham gia ngày: Sep 2006
Cư ngụ: the Netherlands
Tuổi: 43
Số bài viết: 117
Tiền: 25
Thanks: 90
Thanked 182 Times in 64 Posts
solidity is on a distinguished road
Default Re: Ý nghĩa chữ số trên ống kính ( lens )

Em cũng...""mê"" chụp hình như lại lười tìm hiểu ...

Và đến giờ cũng chỉ dùng máy compact của Olympus. Hôm đầu năm có đợt sale off, đồng chí Hà Lan mua con Lumix-Panasomic, săm soi đã đời cuối cùng em cũng chỉ quyết định đổi đời con Olympus cũ thành Olympus mới ! không biết có phải duyên nợ với Olympus từ phòng thí nghiệm đến đời sống hay ngại thay đổi nữa!!!???
__________________
------------------------------------------------
http://so.solidity.googlepages.com/home
solidity is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến solidity vì bạn đã đăng bài:
leolawc11 (03-12-2022)
Old 13-03-2009, 03:40 PM   #5
Hồ sơ
Gem
Senior Member
 
Gem's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 40
Số bài viết: 2,127
Tiền: 109549
Thanks: 170
Thanked 1,340 Times in 543 Posts
Gem is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Ý nghĩa chữ số trên ống kính ( lens )

nếu sử dụng loại máy ảnh P & S thì dòng Olympus là sự lựa chọn đúng đắn, ảnh ra rất chất lượng, nhiều khi cứ tưởng chụp bằng DSLR nếu chọn siêu zoom.

cái hay của nhiếp ảnh thì ai cũng biết rồi nhưng mặt trái của nó là tài chính.
Gem is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến Gem vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (21-11-2014), Viktoriclf (10-10-2022)
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến

Chủ đề tương tự
Ðề tài Người Gởi Chuyên mục Trả lời Bài mới gởi
Giải nghĩa giấc mơ Le.Giang Giải Trí 0 09-10-2008 10:12 PM
Du học nghĩa là...học ở một nơi xa lắm solidity Tâm Sự - Cảm Xúc 6 27-12-2007 10:51 AM
Ý nghĩa ngày Tết và các phong tục MarsNIIT ..:: Điểm tin ::.. 2 13-02-2007 02:39 PM
Tự học Tiếng Anh bằng thơ thuongdv Ngoại ngữ 1 30-10-2006 05:20 PM


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 08:36 PM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps