Lao Động số 296 Ngày 20/12/2007 Cập nhật: 8:13 AM, 20/12/2007
Ảnh minh hoạ.
(LĐ) - Trong lúc trên toàn quốc hiện nay mới có 16 sân golf hoạt động, thì riêng ở Long An đã có 13 dự án sân golf được chấp thuận đầu tư và 5 dự án đang xem xét! Con số gây choáng!
Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Long An "giật mình" khi nghe báo cáo đã có tới 13 dự án (DA) sân golf được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh còn đang xem xét 5 DA sân golf khác. Nhiều cuộc họp đã mổ xẻ con số sân golf gây sốc trên. UBND tỉnh đánh giá lại và đề nghị "huỷ" 7 DA.
Ngày 4.12.2007, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kết luận: Trên địa bàn tỉnh Long An chỉ tiếp nhận 3 DA sân golf, các DA còn lại phải chuyển sang mục đích đầu tư khác... Kết luận trên làm các nhà đầu tư "choáng váng" bởi nhiều DA hiện đã khởi động,
kê biên, đền bù, giải toả với hàng trăm tỉ đồng được chi trả. Cùng với các nhà đầu tư, UBND tỉnh Long An và các sở, ngành chức năng sẽ phải giải bài toán khó khắc phục chuyện đã lỡ, do chính họ tạo ra!
Trong báo cáo giải trình của UBND tỉnh Long An ngày 30.11.2007 có nêu khá nhiều "ưu điểm" của việc thu hút đầu tư sân golf, như: Tạo ra một vùng kinh tế phát triển theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển du lịch; tạo ra thương hiệu quốc gia; giao lưu văn hoá thế giới...
Với quan niệm ấy, chỉ trong 2 năm rưỡi, từ tháng 9.2004 đến tháng 3.2007, UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư cho 13 DA sân golf, đồng thời tiếp nhận hồ sơ 5 DA sân golf khác.
Trong khi đến thời điểm hiện nay, trên toàn quốc mới có 16 sân golf hoạt động, tức trung bình 4 tỉnh, thành có 1 sân golf. Hầu hết khách vào chơi golf là người nước ngoài. Không có gì khó hiểu khi sân golf chủ yếu ở các thành phố lớn. TPHCM sầm uất là thế mà các sân golf ở đó cũng không thật hiệu quả.
Mở màn cho "phong trào" sân golf ở Long An là DA của Cty TNHH An Tây tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc với diện tích 300 hécta. Tiếp theo là Cty TNHH Thái Sơn với DA 275 hécta cũng tại xã này.
Rồi DA của Cty cổ phần Việt Hàn với diện tích 560 hécta, DA của Cty Phú Quang với diện tích 420 hécta. Chỉ riêng xã Long Hậu, UBND tỉnh Long An chấp thuận đến 4 DA sân golf với tổng diện tích 1.555 hécta.
Không chỉ Long Hậu, một số xã khác ở Cần Giuộc cũng được chấp thuận các DA sân golf. Rồi huyện Thủ Thừa, huyện Bến Lức cũng có nhiều DA sân golf được chấp thuận địa điểm đầu tư.
Nếu sự việc không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, thì với 18 DA sân golf, hàng chục ngàn hộ nông dân sẽ mất gần 9.500 hécta đất để dành cho sự "chơi" không hứa hẹn nhiều điều sáng sủa cho họ và cho nền kinh tế Long An.
Khắc phục hậu quả!
Chắc chắn trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh, mà trực tiếp là các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh dẫn đến chuyện đã rồi đó. Như đã nói, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An đã gút lại chỉ triển khai 3 DA sân golf ở 3 huyện: Thủ Thừa, Cần Giuộc và Đức Hoà.
Trong khi đó, hầu hết trong số 13 DA sân golf đã làm thủ tục giao đất. Gần một nửa trong số đó đã tiến hành kê biên, áp giá đất và bồi thường cho dân. Như vậy UBND tỉnh sẽ phải vận động 10 DN chuyển DA sang mục đích đầu tư khác.
Việc này có dễ dàng không, khi mỗi DA là một kế hoạch kinh doanh trị giá từ hàng chục tới hàng trăm triệu USD kéo dài nhiều chục năm. Và liệu UBND tỉnh Long An có bị kiện, phải bồi thường thiệt hại!
Các chuyên gia kinh tế nhận định, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường, trừ khi việc "chuyển đổi mục đích đầu tư" của họ được UBND tỉnh có những ưu tiên đặc biệt.
Vấn đề đặt ra là tại sao UBND tỉnh Long An cùng các cơ quan tham mưu lại cấp phép tràn lan như thế. Một câu hỏi khác cũng không dễ trả lời: Tại sao người ta ùn ùn đầu tư sân golf Long An, trong khi ngay cả các sân golf ở thành phố lớn còn không hiệu quả?
Liệu hiện tượng này có liên quan gì đến dấu hiệu xin phép đầu tư rồi sang nhượng DA để thu siêu lợi nhuận, mặc cho người dân mất đất không được hỗ trợ thoả đáng, như có đại biểu HĐND tỉnh đã đặt ra trong kỳ họp lần thứ 12 vừa qua.
Tuỳ tiện trong thu hút đầu tư Lao Động số 1 Ngày 02/01/2008 Cập nhật: 8:44 AM, 02/01/2008
(LĐ) - Chỉ trong vài năm, UBND tỉnh Long An đã tiếp nhận đến 13 dự án (DA) sân golf, 5 DA sân golf khác chờ chủ tịch tỉnh phê duyệt. Nếu mọi chuyện diễn ra "suôn sẻ" thì sẽ có gần 10 ngàn hécta đất nông nghiệp dành cho sân golf, hàng chục ngàn hộ nông dân mất đất sản xuất.
Khi ấy Long An có xã có 5 sân golf, có xã có 4 sân và có xã có 3 sân... Điều lạ là Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh không hề hay biết kế hoạch đầy phi lý nói trên.
Từ một cuộc họp HĐND tỉnh
Kỳ họp lần thứ 14 - HĐND tỉnh khoá VII diễn ra từ 3 đến 5.7.2007 bỗng xôn xao khác thường. Nhiều đại biểu mang đến kỳ họp một vấn đề bức xúc của cử tri phản ánh. Đó là chuyện các DA sân golf ồ ạt "đổ bộ" vào Long An. Ngay trước kỳ họp 10 ngày có 1 DA sân golf mới được chấp thuận. Trước đó 3 tháng, UBND tỉnh chỉ trong vòng 4 ngày đã tiếp nhận 3 DA sân golf.
Ý kiến giải trình của UBND tỉnh về vấn đề này tại diễn đàn HĐND đã không thuyết phục được các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã lên tiếng không đồng tình về hiện tượng không bình thường này.
Tỉnh uỷ Long An sau đó đã có kỳ họp (lần thứ 12 khoá VIII) xem xét về vấn đề sân golf, để rồi sau đó Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 4.12.2007 đã kết luận: Trên địa bàn tỉnh Long An chỉ tiếp nhận 3 DA sân golf ...
Một chủ trương sai lầm
Vấn đề đã được kết luận, UBND tỉnh sẽ thuyết phục đối tác chuyển mục đích ĐT. Ông Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết đây là điều không đơn giản, nhất là đối với các nhà ĐT nước ngoài. Vì vậy mà khả năng lớn nhất sẽ chọn 3 DA của các nhà ĐT nước ngoài (trong tổng số 4 DA vốn ĐT nước ngoài).
Đại diện một chủ DA sân golf (vốn đầu tư trong nước) cho biết, ông sẵn sàng thương lượng để giải quyết mọi chuyện, miễn sao Cty của ông không bị thiệt thòi.
Một nhà kinh tế đánh giá, trong "sự cố này" thiệt hại của tỉnh Long An sẽ là rất lớn, cả về kinh tế lẫn uy tín về thu hút đầu tư.
Nhận thức hay quan điểm?
Để bảo vệ cho việc làm của mình, những người chủ xướng thu hút sân golf vào Long An cho rằng, sân golf sẽ giúp tạo ra một vùng kinh tế phát triển theo hướng hiện đại, là "sân trước" để lôi cuốn các vùng khác phát triển. Sân golf cũng thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng du lịch. Họ cho rằng đó sẽ là sân chơi cho khu vực và quốc tế, từ đó tạo ra thương hiệu cho quốc gia và cho tỉnh nhà...
Trong khi đó, những khó khăn đặt ra là rất "nhãn tiền". Ngoài việc hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, thì một lượng nước tưới khổng lồ từ khai thác nước ngầm chưa ai dám nói sẽ đem đến điều gì. Việc tác động môi trường cũng chưa được đánh giá một cách nghiêm túc khi dư lượng hoá chất ở các sân golf luôn cao gấp 3-4 lần so với sản xuất nông nghiệp.
Ông Ngô Hải Phong, nguyên Phó CT HĐND tỉnh cho rằng, bản thân việc triển khai ồ ạt sân golf là đã sai cơ bản về quan điểm kinh tế. Theo ông, Long An đang là tỉnh nông nghiệp, khoảng 80% là nông dân, thì phát triển kinh tế hợp lý nhất phải là trên cơ sở hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp - dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp..., chứ không thể lấy dịch vụ cao cấp như sân golf làm mũi nhọn đột phá.
Có hay không chuyện đầu cơ, kinh doanh đất?
Nhiều người cho rằng không ít DA sân golf chỉ là DA ảo, nghĩa là người ta chỉ mượn "sân golf" để làm chuyện khác. Cụ thể là để được giao thật nhiều đất (mỗi sân golf hàng trăm hécta), rồi sau đó chuyển nhượng DA hoặc thay đổi mục đích ĐT, chuyển sang kinh doanh đất thu siêu lợi nhuận.
DA sân golf ở xã Phước Lý huyện Cần Giuộc đã được Cty Sam My "xin chuyển pháp nhân" (UBND tỉnh đã đồng ý) sang Cty Năm Sao chỉ mấy tháng sau khi DA được phê duyệt.
Chuyện xin, rồi sang nhượng DA đang là đề tài được quan tâm ở Long An. Theo đề nghị của HĐND tỉnh, một đoàn thanh tra tỉnh đang tiến hành thanh tra chuyện sang nhượng DA Nhà máy sản xuất dầu nhờn Đông Dương ở huyện Cần Giuộc. Kỳ họp HĐND tỉnh vừa rồi cũng đã có ý kiến phản ánh về chuyện sang nhượng DA ở KCN Long Cang. Các DA khai thác hầm đất ở Đức Hoà bị sang nhượng trái pháp luật vẫn chưa được xử lý...
Ông Jeff Puchalski, Phó Chủ tịch Tập đoàn Danao Holding, chủ đầu tư 2 DA sân golf ở Đà Lạt và Phan Thiết, cho biết các sân golf chưa mang lại hiệu quả do người chơi ít. Theo ông, hiện sự cạnh tranh trong khu vực là khá lớn, Việt Nam cần giảm thuế (hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sân golf ở VN là 10%, trong khi ở Thái Lan là 0%) để thu hút khách chơi golf.
Lao Động số 14 Ngày 17/01/2008 Cập nhật: 8:54 AM, 17/01/2008
Các DA công nghiệp này đang giúp tỉnh Long An phát triển.
(LĐ) - Những ngày qua, dư luận trong tỉnh Long An rất quan tâm đến vụ việc UBND tỉnh cấp phép tràn lan các dự án sân golf. Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đã thể hiện ý chí của mình, buộc UBND tỉnh huỷ bỏ hầu hết các dự án sân golf.
Vấn đề đặt ra là tại sao UBND tỉnh để xảy ra tình trạng tệ hại ấy, trong khi tham mưu giúp việc là lớp lớp những cơ quan, cán bộ đầy quyền lực...
Sân golf - phần nổi của tảng băng chìm
Chuyện kể rằng, trong một cuộc họp bàn về xúc tiến đầu tư (ĐT), một vị đại diện UBND tỉnh đã phát biểu đại ý: Long An không cần phải bỏ công đi tiếp thị ĐT, vì bây giờ nhà ĐT đến đây rất nhiều, mặc sức chọn lựa. Một vị lãnh đạo Tỉnh uỷ tỏ ý không đồng tình, bởi lẽ nếu ngồi tại chỗ đợi nhà ĐT đến để chọn lựa, khó có DA tốt, mà chỉ là những DA nhà ĐT có, thậm chí những DA "dạt" từ nơi khác.
Vấn đề thu hút ĐT đã được Hội nghị Tỉnh uỷ Long An lần thứ 12 - khoá VIII (tổ chức hai ngày 26.10 và 1.11.2007) kiểm điểm, đánh giá rất kỹ. Bí thư Tỉnh uỷ Trương Văn Tiếp đã thay mặt Ban Thường vụ kết luận: Bên cạnh những thành tựu nhất định, công tác thu hút ĐT đang tồn tại những khó khăn, thiếu sót lớn như quy hoạch công nghiệp (CN) chưa phù hợp, chưa theo kịp xu thế phát triển; phát sinh tình trạng ghim đất, đầu cơ đất, sang nhượng DA; tỉ lệ lấp đầy diện tích đất các khu, cụm CN đạt rất thấp; chính sách bồi thường, tái định cư chưa thoả đáng, gây thắc mắc, khiếu nại trong dân; chuyển đổi lao động còn nhiều bất cập...
Từ kết luận trên, Tỉnh uỷ yêu cầu: Kiên quyết thu hồi chủ trương ĐT đối với các DA không triển khai; quản lý chặt chẽ tình trạng nhà ĐT chuyển nhượng DA bằng nhiều hình thức; chấn chỉnh ngay việc các nhà ĐT xin DA các cụm CN để được Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng thay... Về các DA sân golf đã cấp phép tràn lan, kết luận yêu cầu phải có nghiên cứu đánh giá khoa học cả lợi ích và tác hại về kinh tế, xã hội.
Tỉnh uỷ giao Ban Thường vụ cùng UBND tỉnh có hướng xử lý hợp lý các DA sân golf. Như chúng ta đã biết, sau đó Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kết luận chỉ cho phép 3 DA sân golf (trong tổng số 13 DA đã cho phép và 5 DA đang xem xét) trên địa bàn tỉnh Long An. Chuyện sân golf chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về những bất cập trong thu hút ĐT ở Long An.
Cầm đèn đi trước ôtô
Thật lạ lùng khi hơn 9.000ha đất của các DA sân golf nói trên lại phần lớn không có trong kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) của tỉnh đến năm 2010. Theo luật định, Long An đã xây dựng quy hoạch SDĐ 2000 - 2010 và kế hoạch SDĐ 2006 - 2010 được Chính phủ phê duyệt. Để khắc phục "chuyện đã rồi" (cho phép các DA sân golf), UBND tỉnh đã "đi tắt" (không thông qua chủ trương của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh) xin Chính phủ bổ sung quy hoạch SDĐ đến năm 2010 (tại tờ trình số 1608 ngày 9.4.2007). Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Long An làm đúng quy trình, tức phải thông qua HĐND tỉnh.
Mới đây, ngày 3.1.2008, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch SDĐ đến năm 2010 và sau năm 2010. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch SDĐ đến năm 2010 gần 6.400ha, cùng với 4.500ha sau năm 2010. Những người am hiểu luật đã không khỏi bất ngờ trước những động thái trên của UBND tỉnh vì những điều phi lý trong đó.
Thứ nhất, UBND tỉnh Long An đã tự tiện xin Chính phủ bổ sung quy hoạch.
Thứ hai, theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh - ông Trần Minh Mẫn, việc bổ sung quy hoạch SDĐ chỉ được đặt ra khi thực tế có những thay đổi lớn về mục tiêu phát triển KT-XH... trong khi việc ấy không có ở Long An lại xin bổ sung quy hoạch SDĐ phần nhiều cho các DA (trong đó có DA sân golf) đã lỡ cho chủ trương ĐT.
Thứ ba, cũng theo ông Mẫn, làm gì đã có quy hoạch SDĐ sau năm 2010 mà UBND tỉnh xin bổ sung(!). Theo luật định, kỳ quy hoạch SDĐ 2010 - 2015 sẽ được HĐND tỉnh ra Nghị quyết vào đầu năm 2010. Thứ tư, theo Thư ký thường trực HĐND tỉnh - ông Võ Trường Kỳ, việc lớn như thế chỉ HĐND tỉnh mới có thẩm quyền xem xét, chứ Thường trực HĐND không có quyền "phê duyệt" như đề nghị của UBND tỉnh.
Còn một việc cũng không kém phần lạ lùng, đó là, kết luận của Hội nghị 12 Tỉnh uỷ ghi rất rõ: "Tỉnh uỷ yêu cầu giữ nguyên chỉ tiêu quy hoạch SDĐ công nghiệp mà Chính phủ đã phê duyệt...(10.500ha, kể cả chỉ tiêu Chính phủ cho phép bổ sung về nguyên tắc 3.871ha để xây dựng mới hạ tầng công nghiệp - PV chú thích)", chứ không phải như tinh thần tờ trình của UBND tỉnh.
Sai do tham mưu...
Theo đánh giá của nhiều cán bộ ở Long An, những thiếu sót lớn về thu hút ĐT của UBND tỉnh là do Chủ tịch tỉnh quá tin bộ phận tham mưu, trong khi các cơ quan tham mưu thì "có vấn đề". Khi vụ sân golf vỡ lở, ngành TN&MT "bán cái" trách nhiệm cho người khác, cho rằng việc thu hút, cấp phép ĐT thuộc trách nhiệm của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (XTĐT). Rằng Sở TN&MT chỉ giúp UBND tỉnh làm thủ tục giao đất, thoả thuận địa điểm.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm XTĐT - ông Trần Hữu Tuấn nói: "UBND tỉnh chỉ cho phép 1 DA khi các ngành chức năng đều đồng thuận bằng văn bản". Tất cả những người có vai trò tham mưu cho UBND tỉnh đều thừa nhận họ chưa biết chút gì về lĩnh vực sân golf.
Có gì khuất tất?
Thực tế, không phải tất cả những người tham mưu đều mù mờ và đề xuất vô tội vạ các DA sân golf. Ông Mai Văn Nhiều - Giám đốc Sở KH&ĐT (khi ấy là Phó Giám đốc) - đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về sân golf. Khi Long An ồ ạt tiếp nhận các DA sân golf, ông Nhiều đã viết bài đăng trên trang web UBND tỉnh.
Bài báo phản biện: Hoá chất sử dụng cho sân golf cao gấp 3 lần sản xuất nông nghiệp trên cùng 1 diện tích nên nguy cơ ô nhiễm rất cao; trung bình 1 sân golf tiêu thụ 150.000m3 nước/tháng, tương đương 20.000 hộ gia đình; tạo bất bình đẳng xã hội khi diện tích lớn đất thu hồi của người dân chỉ để phục vụ một số ít người; các DA sân golf đã có trong nước hoạt động không hiệu quả, không hứa hẹn nhiều về lợi ích kinh tế... Điều đáng nói là chỉ sau khi xuất hiện trên trang web UBND tỉnh một thời gian ngắn, bài phản biện trên đã bị "lột" xuống.
Trong các DA có yếu tố sân golf, có lẽ DA Sài Gòn - Mekong là đặc biệt nhất bởi lẽ chiếm đến gần 2.600ha và bởi sự dàn trải của nó. Người dân địa phương phản ánh, trong khu đất heo hút thuộc DA đó có hàng trăm hécta đất chưa khai thác của CB-CNV một cơ quan tham mưu cấp tỉnh. Đất được Nhà nước cấp không, chỉ cần có DA vào là mỗi người kiếm tiền tỉ. Phải chăng vì vậy mà các DA đã dễ dàng qua các "cổng gác" để trình đến Chủ tịch tỉnh?
Kỳ Quan
Liên quan đến vụ "Long An sa đà vào sân golf": Bắt khẩn cấp 4 cán bộ
Lao Động số 34 Ngày 15/02/2008 Cập nhật: 7:08 AM, 15/02/2008
(LĐ) - Thông tin từ Công an huyện Cần Giuộc ngày 14.2 cho biết, lãnh đạo Công an tỉnh Long An đã trực tiếp đến huyện Cần Giuộc chỉ đạo ban chuyên án mở rộng điều tra vụ tiêu cực liên quan đến việc san nhượng đất đai thuộc các dự án sân golf ở xã Long Hậu.
Trước đó, Công an huyện Cần Giuộc đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp về hành vi đưa và nhận hối lộ, cùng với việc khám xét nơi ở và nơi làm việc, đối với 4 cán bộ: Đặng Hoàng Thiên, Bạch Bi Lập (Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện), Đỗ Văn Chánh (cán bộ địa chính xã Long Hậu) và Nguyễn Sơn Tùng (cán bộ văn hoá xã Long Hậu).
Các cán bộ trên đã tổ chức thực hiện chuyển đất ruộng, vườn thuộc các dự án sân golf (nhưng chưa có quyết định thu hồi) thành đất thổ cư, giúp các "cò" đất (đến từ TPHCM) thu siêu lợi nhuận. Đổi lại, với mỗi hecta thực hiện trót lọt, nhóm cán bộ này được nhận từ 40 đến 70 triệu đồng từ "cò". Kết quả điều tra sơ bộ cho biết các cán bộ này đã nhận gần 1 tỉ đồng. Một nguồn tin cho biết, không chỉ có 4 cán bộ trên tham gia vào đường dây "làm ăn" phi pháp này.
Như Lao Động đã nhiều lần thông tin, tỉnh Long An đã triển khai hàng loạt các dự án sân golf một cách khó hiểu. Trong đó riêng xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) đã có đến 5 dự án sân golf chiếm hàng ngàn hecta đất nông nghiệp. Việc phát hiện đường dây môi giới chuyển nhượng đất phi pháp này càng củng cố thêm nhận định cho rằng "dịch" sân golf ở Long An thực chất chỉ là việc chiếm hữu và đầu cơ đất đai.
Vụ tiêu cực đất đai sân golf ở Long An: Đình chỉ công tác chủ tịch và phó chủ tịch xã
Lao Động số 35 Ngày 16/02/2008 Cập nhật: 7:53 AM, 16/02/2008
(LĐ) - Thông tin từ Văn phòng UBND huyện Cần Giuộc cho biết, Chủ tịch UBND huyện này vừa quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Văn Hai - Chủ tịch UBND và Hồ Đại Sung - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu, do có dấu hiệu sai phạm liên quan tới đất đai thuộc các dự án sân golf ở đây.
Trước đó, Công an huyện đã bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở, nơi làm việc 2 cán bộ địa chính huyện và 2 cán bộ xã (Lao Động đã đưa tin). Một nguồn tin cho biết, qua khám xét, cơ quan điều tra đã thu nhiều tài liệu, hồ sơ cho thấy vụ tiêu cực liên quan tới không ít người.
Đất sân golf Long An: Có dấu hiệu một vụ trọng án Lao Động số 36 Ngày 18/02/2008 Cập nhật: 9:11 AM, 18/02/2008
(LĐ) - Theo nguồn tin riêng của Lao Động, đến hết tuần qua, vụ tiêu cực liên quan tới đất đai các dự án (DA) sân golf ở huyện Cần Giuộc vẫn còn thuộc trách nhiệm giải quyết của Cơ quan điều tra CA huyện. Tuy nhiên, một thành viên trong Ban GĐ CA tỉnh đang trực tiếp theo dõi và chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Với tính phức tạp và nghiêm trọng của vụ việc (đến nay đã khởi tố 4 bị can, đình chỉ công tác chủ tịch và phó chủ tịch xã Long Hậu), Cơ quan điều tra CA tỉnh đang sẵn sàng vào cuộc.
Theo tìm hiểu của phóng viên LĐ, hiện tượng tiêu cực về đất đai ở xã Long Hậu không phải là cá biệt, mà phổ biến ở hầu hết các xã đang có các DA (trong đó phần nhiều là DA sân golf).
Hiện tại, công tác giao dịch và giải quyết chuyển nhượng đất đai đã bị ngừng toàn bộ ở xã Long Hậu, một vài xã khác chỉ giải quyết cầm chừng để nghe ngóng tình hình.
Kỳ Quan
"Phép tính đen" trong trò chơi quý tộc Lao Động số 42 Ngày 25/02/2008 Cập nhật: 8:10 AM, 25/02/2008
Một điểm dịch vụ mua - bán đất.
(LĐ) - Giữa lúc các chuyên gia kinh tế đưa ra hàng loạt dự đoán về sự bất ổn trong lĩnh vực đầu tư địa ốc tại các đô thị lớn, thì ở tỉnh Long An, lại bùng phát cơn sốt đất đai qua hình thức chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất xây dựng sân golf.
Con số 18 dự án (DA) sân golf (có 13 đã được phê duyệt và 5 dự án đang hoàn chỉnh thủ tục để đệ trình) tại một tỉnh nghèo, thuần nông hứa hẹn điều gì cho tương lai của Long An? "Vương quốc" golf lạnh lùng
Người dân Scotland và Hà Lan (2 nước Châu Âu này đều giành là quê hương của môn golf, ra đời vào thế kỷ 15) hẳn rất ngạc nhiên khi biết rằng ở một xã nghèo vùng sâu của Việt Nam lại có số dự án (DA) sân golf cao hơn bất cứ nơi đâu trên đất nước họ.
Thật vậy, nếu cả 5 sân golf ở xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc, Long An) đều được triển khai như phê duyệt của UBND tỉnh Long An, thì xã nghèo này hẳn sẽ được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness về mật độ sân golf. Đất bỏ hoang
Từ QL1A chỗ Gò Đen (nổi tiếng với "rượu đế Gò Đen"), theo đường tỉnh 827 đi gần 20km là đến thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), qua phà Phước Lại, đi tiếp chừng 5km là tới "vương quốc" golf xã Long Hậu.
Dù "cách trở" như vậy, nhưng xã nông nghiệp vùng sâu này lại giáp ranh với huyện Nhà Bè - TP.Hồ Chí Minh, nằm kề bên Khu công nghiệp Hiệp Phước, cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh chưa tới 20km, cách Khu đô thị Phú Mỹ Hưng chỉ hơn 10km.
Vì vậy sẽ không khó hiểu khi Long Hậu đã rơi vào "tầm ngắm" của giới đầu tư đất đai, khi TP.Hồ Chí Minh chủ trương phát triển về hướng đông, ra biển.
Về Long Hậu những ngày này, đi dọc theo con đường chính của xã -hương lộ 12, khách sẽ chứng kiến hình ảnh tương phản: Nhiều biệt thự, nhà vườn lộng lẫy trên đồng ruộng bị bỏ hoang. Hàng ngàn hécta đất nông nghiệp không được canh tác, mặc cho dừa nước, năng, lác mọc um tùm...
Trong khi đó thì khắp nơi xuất hiện "dịch vụ" mua bán đất. Đất Long Hậu bị nhiễm mặn, trồng lúa chỉ được 1 vụ, năng suất không cao. Những năm qua, cùng với trào lưu nuôi trồng thuỷ sản, ở đây cũng đã xuất hiện nhiều ruộng tôm, ruộng nuôi cua lột. Nhưng do người dân nuôi tự phát, chưa được sự đầu tư của Nhà nước, nên hiệu quả không cao. Vì vậy, giá đất ở Long Hậu trước đây "rẻ hơn bèo".
Từ khi Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) ra đời, đất ở Long Hậu cũng "thơm lây", bắt đầu có giá. Rồi TPHCM chủ trương phát triển về hướng đông, các "đại gia", nhà đầu tư ở TPHCM lũ lượt về "săn đất" ở đây.
Cơn "sốt đất" thực sự sôi động từ đầu năm 2007, khi các DA sân golf ở Long Hậu được phê duyệt. Kể từ đó, hầu như nông dân Long Hậu bỏ mặc đồng ruộng hoang hoá.
Đất nằm trong DA thì cứ nằm chờ, chưa biết khi nào DA triển khai. Đất chưa được quy hoạch DA thì cũng không ai cấy lúa hay nuôi cá, vì người dân thực tế cũng đã bán sang tay, không ai thiết đến chuyện canh tác.
Nhà nhà bán đất
Trong vai người đi mua đất, chúng tôi ghé vào một "cò đất" với bảng hiệu khá tươm tất "Mua bán, ký gửi các loại đất". Chị S - goá phụ với 5 đứa con, đã phất lên nhờ chuyện đất đai với toà nhà tiền tỉ, niềm nở đón tiếp "khách hàng". Chủ nhà bày ra tờ bản đồ lớn xã Long Hậu với các DA được phân ranh, đánh dấu rõ ràng. Hơn 2 ngàn hécta đất nông nghiệp của xã đã cơ bản "có chủ".
"Vậy tại sao vẫn mua bán được" - chúng tôi ngây thơ hỏi. Chị S giải thích rành mạch: "Phần nhiều các DA chưa hoặc mới kê biên, chưa đền bù giải toả". Các DA đã đền bù với giá 35 triệu/1 công đất nông nghiệp (1.000m2). Thế nhưng, hiện giá đất được mua bán với giá khoảng 170 triệu đồng/công. Tất nhiên người mua không "điên" đến mức đợi các DA đền bù với giá 35 triệu đồng/công.
Theo chính sách hiện hành của Long An, người bị thu hồi đất được hỗ trợ 1 lô (100m2) trong các khu tái định cư. Trong khi đó, các lô tái định cư đang được giới đầu cơ từ TPHCM thu gom với giá 450 - 500 triệu đồng/lô. Người ta vội vã làm các thủ tục "tách thửa" hoặc chuyển mục đích sử dụng để tăng hiệu quả khi thực hiện giải toả, đền bù, tái định cư.
Hàng loạt hồ sơ mua bán đất hoặc "tách thửa" chỉ với diện tích 200m2 (mức tối thiểu theo quy định) dồn dập được gửi đến xã, huyện. Thông thường, thời gian làm thủ tục mua-bán, giao dịch đất đai phải mất ít nhất 45 ngày, phổ biến là 90 ngày.
Một đường dây "chạy" giấy tờ đã hình thành với tốc độ ngày càng nhanh: Nửa tháng, 1 tuần, rồi... chỉ mất 1 ngày để hoàn thành hồ sơ chuyển nhượng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cũng cần nói thêm rằng, đất "thổ" khi vào DA được bồi hoàn gấp 3 lần so với đất nông nghiệp, nên ở Long Hậu mới sôi động dịch vụ "chuyển mục đích" sử dụng đất.
Dự án sân golf ở Long An: Sự xua đuổi ngọt ngào Lao Động số 43 Ngày 26/02/2008 Cập nhật: 8:25 AM, 26/02/2008
Các bảng quy hoạch dự án dựng lên khắp nơi ở Long Hậu.
(LĐ) - Ngày nay, công nghiệp và đô thị phát triển đến vùng đất xã Long Hậu, Long An, hứa hẹn một cuộc đổi đời ở đây, thì hàng ngàn người dân đã và đang bị đẩy ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Trẻ, già đều "ly hương"
Theo yêu cầu của chúng tôi, chị S đã cử người dắt "khách hàng" đi xem các thửa đất đang được chào bán. Đi dọc theo lộ 12 còn lõm chõm đá đỏ, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một lô cặp theo lộ, anh T (người của chị S) cho biết: "Các "đại gia" ở TPHCM đã mua hết rồi. Cách đây 1 năm họ mua chỉ vài trăm triệu 1 công đất "thổ", nay giá lên đến gần 2 tỉ/công". "Vậy người dân bán ruộng, bán đất rồi họ sống ở đâu?" - chúng tôi thắc mắc. Anh "cò" đất vui tính giải thích: "Thường thì họ qua xã khác (như Phước Lại, Tân Tập... những nơi chưa quy hoạch các DA công nghiệp) mua ruộng, mua đất cất nhà".
Sau khi qua nhiều con đường đất luồn trong xóm, anh T đưa chúng tôi đến hộ anh H ở ấp 3. Người môi giới để chúng tôi tự do gặp chủ đất sau khi dặn dò: "Các anh cứ trao đổi thuận mua vừa bán, chúng tôi chỉ nhận hoa hồng từ người bán".
Qua trao đổi với chủ đất, chúng tôi được biết, gia đình anh H gồm mẹ già, 3 người con. Vợ chồng anh H định bán 7 công ruộng để về quê ngoại ở Tân Tập mua ruộng khác, rồi bốc cốt mồ mả ông bà đem theo.
Anh H cho biết, mẹ anh đã già, không biết mất khi nào, anh đang lo khi mẹ mất không biết chôn nơi đâu, vì đất xung quanh đã quy hoạch các DA, trong khi ở đây không có nghĩa trang nào. Anh H cũng cho biết, rất nhiều người dân khác cũng chọn cách ấy - bỏ nơi chôn nhau cắt rốn.
Trên đường trở về, khi chúng tôi ngỏ ý nhờ anh T tìm đường dây lo giấy tờ cho nhanh, anh lắc đầu nói: "Bị hốt hết rồi, trước đây các anh muốn hồ sơ xong trong ngày cũng được, miễn có tiền là xong. Các giao dịch đất đai trong xã đang bị ngừng hết, đợi khi nào ổn mới tính".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã từng tồn tại một đường dây chạy giấy tờ đất đai rất táo bạo ở nơi đây. Với giá 50 triệu, người mua sẽ có ngay "giấy đỏ" chỉ sau 1 ngày mua đất hoặc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây lại là một "kỷ lục" của xã Long Hậu mà khó có xã nào trên toàn quốc có thể "phá" nổi.
Cuộc chuyển đổi đau xót
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Núi - một người dân gốc Long Hậu, hiện đang định cư ở thị trấn Cần Giuộc. Ông Núi từng là Giám đốc Bệnh viện Cần Giuộc, nay về hưu làm Bí thư chi bộ khu phố 2.
Ông Núi thẳng thắn nhận định: Chính quyền địa phương đã không đứng về phía người dân nghèo trong cuộc chuyển đổi phức tạp này, mà dựa vào nhà đầu tư để trục lợi, mặc cho người dân ra sao thì ra.
Ông cũng cho biết, vì gia đình ông có mấy công ruộng ở Long Hậu, nên mấy lần ông được mời về xã triển khai việc thu hồi đất giao cho các DA. Thật đáng buồn khi chính quyền ra sức o ép, doạ dẫm dân là chính (chẳng hạn họ doạ "không chịu nhận đền bù thì sau này ra Hà Nội nhận"), chứ không hề thông tin, định hướng cho người dân trong cuộc thay đổi "lành ít, dữ nhiều" này.
Theo ông, chính quyền cơ sở chỉ quan tâm làm sao có được DA, còn người dân sẽ ra sao thì họ không cần biết.
Báo Lao Động rất quan tâm đến tình hình Long An nhỉ!
Thông thường, khi có tiêu cực xảy ra ở một tỉnh nào đó, ví dụ ở đây là Long An thì báo đài Long An có lên tiếng không nhỉ!
Một câu hỏi dành cho người thạo tin!
Báo Lao Động rất quan tâm đến tình hình Long An nhỉ!
Thông thường, khi có tiêu cực xảy ra ở một tỉnh nào đó, ví dụ ở đây là Long An thì báo đài Long An có lên tiếng không nhỉ!
Một câu hỏi dành cho người thạo tin!
Một câu hỏi nhỏ ... không lời đáp!
Hỏi vậy cũng hỏi. Báo địa phương dám đưa tin này mới lạ.
__________________ Đường xa vạn dặm một mình tôi đi Đường xa vạn dặm một mình tôi về ...